Cẩm nang hướng dẫn chi tiết dành cho người đi du lịch Sóc Trăng

1126

Sóc Trăng là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn nhất nhì khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đến Sóc Trăng du khách sẽ được thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên hữu tình với những cánh đồng lúa mênh mông, vườn cây ăn trái trĩu quả.

du-lich-bui-soc-trang-20510-le-hooii-1

Đua ghe ngo trong lễ hội Ok om bok

Để có chuyến đi suôn sẻ hãy tham khảo những kinh nghiệm đi du lịch Sóc Trăng dưới đây.

I. PHƯƠNG TIỆN DI CHUYỂN TỪ TP.HCM – SÓC TRĂNG

Sóc Trăng cách Tp.HCM khoảng 231km. Từ Tp.HCM đi Sóc Trăng mất khoảng 6 giờ đồng hồ, bạn có thể chọn cách di chuyển bằng nhiều phương tiện khác nhau.

– Mua vé tại bến xe Miền Tây: Nếu di chuyển bằng xe khách bạn có thể mua vé tại bến xe miền Tây (Tp.HCM), với giá dao động là từ 160 – 200 ngàn đồng (tùy vào loại xe và thời điểm mua vé).

– Hãng xe Mai Linh: Hãng xe Mai Linh có xe 15 chỗ ngồi, chạy tuyến cố định Sài Gòn – Sóc Trăng. Giờ khởi hành như sau:

  • Tại Tp.HCM: Xe khởi hành từ bến xe miền Tây vào các khung giờ sau: 6h30, 7h30, 8h30, 9h30, 10h30, 13h30, 15h30, 17h30, 22h30. Liên hệ đặt vé trước qua số điện thoại (08) 39 29 29 29 hoặc đường dây nóng: 098.529.2929 để được tư vấn.
  • Tại Sóc Trăng: Xe khởi hành ở bến xe Sóc Trăng buổi sáng từ 5h30 – 11h30, mỗi giờ có một chuyến; buổi chiều bắt đầu từ 11h30, 15h30, 17h30, 22h30, 23h30. Liên hệ đặt chỗ qua số điện thoại: (079): 3621777.

– Nhà xe Hoàng Vinh: Nhà xe Hoàng Vinh có xe 15 chỗ ngồi, chạy tuyến cố định Sài Gòn – Sóc Trăng. Xe đưa rước tận nơi ở Sóc Trăng.

du-lich-bui-soc-trang-20502-kien-truc-chua

Kiến trúc chùa đặc trưng ở Sóc Trăng

  • Tại Tp.HCM: Xe đón trả khách tại trạm 06 lô E, chung cư điện máy Hùng Vương, đường Tản Đà, quận 5 (sau bệnh viện Đại học Y dược). Giờ khởi hành 8h, 10h, 12h, 15h, 17h, 23h. Xe đưa rước khách miễn phí tại các quận 5, 6, 8, 10, 11. Liên hệ đặt chỗ qua số điện thoại: (08) 3853.9268 – 3853.9269 – 2241.6664 hoặc bến xe miền Tây, điện thoại (08) 2241.6665.
  • Tại Sóc Trăng: Xe đón trả khách tại số 63 Xô Viết Nghệ Tĩnh. Giờ khởi hành từ 6h sáng đến 1h đêm. Liên hệ đặt vé qua số điện thoại: (079) 362.7627 – 362.4633 – 362.4644.

– Di chuyển bằng phương tiện cá nhân: Nếu di chuyển bằng phương tiện cá nhân như xe máy hoặc xe ô tô riêng bạn có thể đi từ Tp.HCM – qua cầu Cần Thơ rẽ trái, chạy thêm khoảng 67km nữa là sẽ tới Sóc Trăng.

II. PHƯƠNG TIỆN DI CHUYỂN Ở SÓC TRĂNG

– Taxi: Để thăm quan các địa du lịch tại Sóc Trăng nếu có điều kiện bạn có thể di chuyển bằng taxi với hãng như: taxi Mai Linh, taxi Sóc Trăng.

– Xe máy: Bạn có thể thuê xe một chiếc xe máy với giá dao động từ 120 – 200 ngàn/ngày để di chuyển tới các điểm thăm quan tại Sóc Trăng. Hoặc có thể thuê xe ôm với giá thỏa thuận trước.

– Di chuyển bằng tàu thuyền: Sóc Trăng khá nhiều sông ngòi nên bạn có thể chọn cách di chuyển bằng tàu thuyền. Tùy theo điều kiện tài chính mà bạn có thể chọn loại tàu thuyền phù hợp.

– Xe buýt: Để tiết kiệm bạn có thể chọn cách di chuyển bằng xe buýt với các tuyến cố định như sau:

du-lich-bui-soc-trang-20496-cho-1

Cảnh mua bán trên sông tấp nập

  • Tuyến 1: TP. Sóc Trăng – Thạnh Trị – Ngã Năm
  • Tuyến 2: TP. Sóc Trăng – Châu Thành – Thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang)
  • Tuyến 3: TP. Sóc Trăng – Long Phú
  • Tuyến 4: TP. Sóc Trăng – Mỹ Xuyên – Kinh Ba (Trần Đề)
  • Tuyến 5: TP. Sóc Trăng – Kế Sách
  • Tuyến 6: TP. Sóc Trăng – Mỹ Tú
  • Tuyến 7: TP. Sóc Trăng – Vĩnh Châu
  • Tuyến 8: Tp. Sóc Trăng – Đại Ngãi – An Lạc Thôn

III. NHÀ NGHỈ VÀ LƯU TRÚ TẠI SÓC TRĂNG

Đến Sóc Trăng bạn có thể lưu trú tại một số nhà nghỉ, khách sạn dưới đây. Tuy nhiên bạn cần gọi điện để đặt phòng trước vì nhà nghỉ khách sạn ở Sóc Trăng thường ít phòng trống.

– Khách sạn Ngọc Thu (tiêu chuẩn 3 sao): Km 2127 quốc lộ 1A, xã An Hiệp, huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng. Điện thoại liên hệ: 3613 108; Fax: 3613 118 .

– Khách sạn Khánh Hưng (tiêu chuẩn 2 sao): Số 15 Trần Hưng Đạo, Tp. Sóc Trăng. Điện thoại liên hệ: 3821 026/ 3821 027; Fax: 3820 099.

du-lich-bui-soc-trang-20491-banh-pia

Bánh pía đặc sản Sóc Trăng

– Khách sạn Phong Lan (tiêu chuẩn 1 sao): Số 124 Đồng Khởi, Tp. Sóc Trăng. Điện thoại liên hệ: 3821 619/ 3824 229; Fax: 3823 817 .

– Khách sạn Công Đoàn: Số 90 Lê Hồng Phong, Tp. Sóc Trăng, Sóc Trăng. Điện thoại liên hệ: 3825 614; Fax: 3828 114.

– Khách sạn Phong Lan 2: Số 133 Nguyễn Chí Thanh, Sóc Trăng. Điện thoại: 3821 757; Fax: 3823 45.

Hoặc khu vực trung tâm Tp. Sóc Trăng có các tuyến đường: Tuyến đường 3/2, Đồng Khởi, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Văn Trỗi, Hai Bà Trưng… bạn có thể tìm thuê khách sạn, nhà nghỉ ở khu vực này để tiện cho việc di chuyển.

IV. ĐỊA ĐIỂM THAM QUAN

1. Lễ hội Ok om bok

Lễ hội Ok om bok (lễ cúng trăng, tạ ơn và cầu cho mùa màng tốt tươi theo tiếng Khmer) của người Khmer. Theo quan niệm tín ngưỡng của người Khmer, mặt trăng là vị thần cai quản thời tiết và mùa màng trong năm. Lễ hội này diễn ra hàng năm vào dịp rằm tháng 10 âm lịch. Lễ hội gồm hai hoạt động chính là thả đèn nước và đua ghe ngo.

+ Đua ghe ngo: Trước ngày rằm, sẽ có một cuộc đua ghe ngo là nghi thức truyền thống tiễn đưa thần nước về với biển cả, đồng thời nghi thức tôn giáo tưởng nhớ rằng thần rắn Nagar xưa biến thành khúc gỗ để đưa Phật qua sông. Mọi người dân đủ các thành phần tập trung hai bên dòng sông, nhạc ngũ âm đánh tưng bừng hai bên dòng. Các đội đua từ các tỉnh lân cận, huyện trong tỉnh đó tập trung cùng nhau thi.

+ Thả đèn nước: Đèn nước được làm từ một cây chuối hoặc tre sau đó lắp ghép thành thuyền với nhiều hoa văn trang trí lạ mắt, bên trong thắp nhiều nến. Người ta dùng gạo, muối và nhiều sản vật, trái cây để dâng cúng thần linh với mong muốn cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

du-lich-bui-soc-trang-20511-tha-den-nuoc

Thả đèn nước trong lễ hội Ok om bok

Lễ hội Ok om bok thu hút hàng ngàn lượt du khách gần xa đến tham dự mỗi năm.

2. Khu du lịch Bình An

Khu du lịch Bình An tọa lạc ngay trên quốc lộ 1A, số 72, phường 2, Tp. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Với diện tích khoảng vài hecta, được xây dựng theo mô hình công viên văn hóa Đầm Sen TP.HCM.

3. Chợ nổi ngã Năm

du-lich-bui-soc-trang-20494-cho-noi

Chợ nổi ngã Năm

Chợ nổi ngã Năm thuộc thị trấn ngã Năm, huyện Thanh Trị, tỉnh Sóc Trăng. Nơi đây là điểm giao nhau của 5 con sông lớn chảy qua 5 địa phận gồm: Từ Cà Mau lên, Vĩnh Quới vào, Long Mỹ, Thanh Trị qua, Phụng Hiệp xuống. Đây được xem là một trong những chợ nổi lâu đời nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long với nhiều hoạt động mua bán giao thương nhộn nhịp.

4. Cồn Mỹ Phước

Cồn Mỹ Phước (hay còn gọi là Cồn Bùn) nằm giữa con sông Hậu hiền hòa, thuộc địa phận xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, cách thị trấn Kế Sách chừng 10km, nếu di chuyển bằng cano mất khoảng 30 phút sẽ tới được Cồn. Nơi đây nổi tiếng với vựa hồng xiêm, xoài, sầu riêng, cam quýt và nhãn.

5. Vườn cò Tân Long

du-lich-bui-soc-trang-20504-vuon-co

Vườn cò Tân Long

Vườn cò Tân Long thuộc xã Long Bình, huyện ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng; cách thị trấn Phú Lộc khoảng 17km (dọc theo tỉnh lộ 42). 30 năm trở lại đây khu vực này trở thành nơi cư trú của hàng ngàn con cò. Chúng thường đậu trên những ngọn tre, cây dừa. Nơi đây trở thành một điểm tham quan hấp dẫn cho những ai yêu thích cò.

6. Căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng

Căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng là di tích lịch sử được xây dựng từ những năm đầu chống Pháp. Nằm trong khu rừng tràm thuộc xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng. Cách huyện lỵ Mỹ Tú khoảng 13km đường thủy, theo hướng Sóc Trăng – Cần Thơ. Nơi đây trưng bày và lưu giữ những kỷ vật và dấu tích chiến đấu một thời của nhân dân Sóc Trăng.

7. Chùa Sà Lôn (chùa chén kiểu)

du-lich-bui-soc-trang-20497-chua-ken-1

Chùa Sà Lôn

Chùa Sà Lôn tọa lạc ngay Quốc lộ 1A, cách Tp. Sóc Trăng khoảng 12km theo hướng Sóc Trăng – Bạc Liêu. Toàn bộ kiến trúc của chùa được trang trí bằng những mảnh bát, đĩa làm từ gốm sứ. Vì thế chùa còn có tên là chùa chén kiểu.

8. Bảo tàng Khmer

Bảo tàng Khmer là một công trình kiến trúc độc đáo được thiết kế theo phong cách kiến trúc chùa Khmer. Bảo tàng nằm đối diện với chùa Khleang ở TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.

9. Chùa đất sét

du-lich-bui-soc-trang-20498-chua-dat-set

Kiến trúc chùa đất sét

Chùa đất sét tọa lạc tại số 163A, đường Lương Đình Của, Tp.Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Toàn bộ kiến trúc ngôi chùa được tạo ra từ đất sét với nhiều tượng Phật, linh thú và đỉnh trầm, bảo tháp uy nghi và độc đáo. Thoạt nhìn bạn không thể tin đó là thật.

10. Chùa dơi

Chùa dơi còn gọi là chùa Mã Tộc hay chùa Mahatup, tọa lạc tại số 73B đường Lê Hồng Phong, phường 3, Tp. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng, cách trung tâm thành phố khoảng 2km. Chùa được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVI, chùa dơi đại diện cho lối kiến trúc tiêu biểu của dòng Phật giáo Nam tông Khmer Nam Bộ.

Đây cũng là ngôi chùa cổ nhất ở Sóc Trăng. Ngoài ra chùa dơi còn là nơi cư trú của nhiều con dơi và một nghĩa trang đặc biệt dành cho lợn 5 móng.

11. Chùa Kh’leang

du-lich-bui-soc-trang-20499-chua-khleang

Chùa Kh’leang

Chùa Kh’leang được xây dựng vào khoảng năm 1533, đây được xem là ngôi chùa cổ nhất tỉnh Sóc Trăng, có tuổi thọ gần 500 năm. Tọa lạc tại số 71, khóm 5, phường 6, Tp. Sóc Trăng. Chùa Kh’leang gắn liền với nhiều truyền thuyết về các địa danh ở Sóc Trăng.

V. ĐẶC SẢN – MÓN NGON SÓC TRĂNG

Sóc Trăng là nơi sinh sống của ba dân tộc gồm: Kinh, Hoa và người Khmer. Vì thế nền ẩm thực nơi đây là sự giao thoa đặc biệt của ba nền văn hóa khác nhau với nhiều món ăn đa dạng và phong phú. Về Sóc Trăng bạn không thể bỏ qua những món ăn ngon và đặc sản đặc biệt vùng quê này.

1. Bánh pía

Bánh pía là đặc sản nổi tiếng của tỉnh Sóc Trăng. Bánh pía là sự giao thoa giữa ẩm thực của người Triều Châu kết hợp với những nguyên liệu quen thuộc của sông nước miền Tây tạo nên một thương hiệu đặc trưng chỉ có ở nơi đây.

du-lich-bui-soc-trang-20514-banh-pia-2

Bánh pía Sóc Trăng

Pía theo âm đọc của người Triều Châu có nghĩa là bánh. Bánh được làm từ bột mì, đường kính. Nhân đa dạng như sâu riêng, khoai môn, đậu xanh kết hợp với trứng vịt muối…

Bánh pía có mùi thơm của sầu riêng, lớp vỏ bánh mềm dẻo, vị ngọt vừa phải nên ăn không cảm thấy ngán. Vì thế khi đến Sóc Trăng bạn không thể bỏ qua bánh pía. Thơm ngon và nổi tiếng nhất vẫn là bánh pía Vũng Thơm.

2. Mắm cá lóc chiên

Đến chợ nổi ngã Năm đừng quên thưởng thức món mắm cá lóc chiên, một đặc sản của địa phương. Mắm cá lóc được làm từ loại cá lóc đồng, còn sống. Sau đó, người ta ủ thành mắm với quy trình khá tỉ mỉ và công phu. Mắm cá lóc đồng có thể chế biến thành nhiều món ngon nhưng có lẽ ngon nhất vẫn là mắm cá lóc chiên. Món này ăn kèm với chuối chát, khóm, dưa leo, rau thơm cùng cơm trắng. Sự kết hợp hài hòa của thịt cá mắm cùng các gia vị và rau tạo nên hương vị đặc trưng của món ăn mà khó nơi nào có được.

3. Bún nước lèo

Bún nước lèo là một món ăn mà bạn không thể bỏ qua khi đến Sóc Trăng. Bún nước lèo là sự kết hợp hài hòa và tinh tế giữa các nguyên liệu khác nhau tạo ra một hương vị đặc trưng rất riêng. Và chỉ có người dân gốc Sóc Trăng mới có thể nấu được món ăn thơm ngon này mà thôi.

Nước lèo trong veo không có cặn, vị mặn thơm phức cuả mắm, vị giòn của thịt quay, ngọt dai của tôm tươi, thêm vài miếng phi lê của cá cá lóc mềm ngon. Mùi thơm đặc trưng của ngải bún hòa quyện với nước lèo tạo nên một hương vị đặc trưng rất riêng của Sóc Trăng.

Những quán ngon: Quán Cây Nhãn nằm trên đường Võ Đình Sâm, TP. Sóc Trăng hoặc có thể hỏi người dân địa phương để tìm được những quán ngon nhất.

4. Bún gỏi dà

du-lich-bui-soc-trang-20495-bun-goi

Bún gỏi dà

Bún gỏi dà là biến tấu của món gỏi cuốn với các thành phần chính như: tôm, bún, rau , giá… Và người dân nơi đây là biến tấu bằng cách cho tất cả các nguyên liệu vào chung 1 tô, trộn với nước chấm rồi ăn như và (lùa) cơm. Người miền Nam phát âm “và” thành “dà”. Nên nó có tên gọi là bún gỏi dà.

Những quán nổi tiếng có thể tham khảo:

  • Buổi sáng (từ 6h00 – 12h): Quán Cô Cưng, đường Phạm Ngũ Lão. Ngoài ra có thể ghé quán bún gỏi ở đầu đường Nguyễn Văn Hữu (chỉ bán buổi sáng).
  • Buổi chiều quán nằm ở đường Phan Bội Châu (sân quần vợt P3 cũ).

5. Bún tiêu giò

Bún tiêu giò là món ăn khá đơn giản nhưng lại mang hương vị đặc trưng của Sóc Trăng. Nguyên liệu chính của món ăn này là bún, giò heo, và tiêu. Nước lèo có vị ngọt của xương và vị đậm đà, cay nồng của tiêu.

6. Cháo cá lóc rau đắng

Món ăn này được làm từ gạo, cá lóc và rau đắng. Cá lóc đồng sau khi làm sạch sẽ được luộc chín, gỡ xương và da, phần thịt cá để riêng. Khi ăn người ta để thêm vài miếng thịt cá lóc kèm một ít rau đắng trộn chung. Bên trên rắc nấm rơm, đậu phộng, giá, tiêu, hành lá, một chút gừng, ớt và chanh. Món ăn có vị cay của ớt, vị đắng của rau và đậm đà của mắm.

Quán cháo cá lóc ngon nằm ngay ngã tư đường Trần Hưng Đạo – Phú Lợi, Tp. Sóc Trăng (trước cổng Viện kiểm sát tỉnh Sóc Trăng). Quán mở cửa lúc 5h chiều cho đến khoảng 11h đêm.

7. Bánh ống

du-lich-bui-soc-trang-20493-banh-ong

Bánh ống

Bánh ống là một trong những đặc sản nổi tiếng của Sóc Trăng. Bánh được làm từ bột gạo xay nhuyễn trộn với màu của lá dứa, đường, nước cốt dừa. Bánh được hấp cách thủy bằng ống tre hoặc ống nhôm nên có tên gọi là bánh ống. Bánh ống ngon nhất là ngay lúc còn nóng. Bánh mịn dẻo, có mùi thơm dịu của lá dứa và béo ngậy của nước cốt dừa hòa lẫn với mùi thơm của vừng tạo thành hương vị khó quên.

8. Hủ tiếu cá

Đặc trưng của món ăn này là nước lèo được hầm bằng xương heo rất lâu. Không cho thêm dầu mỡ. Và hủ tiếu ở đây chỉ dùng cá chẻm lấy phần thịt kèm tôm, mực tươi và cật heo. Hủ tiếu cá Sóc Trăng có vị ngọt thanh tao của nước lèo, vị bùi béo và giòn sần sật của cật heo, thịt cá béo chắc thơm ngọt xen lẫn vị cay.

9. Bánh cóng

Bánh cóng hay bánh cống hoặc bánh sầy, sài cá theo tiếng Khmer là món ăn đặc trưng của người Khmer ở Sóc Trăng. Bánh được làm từ bột gạo với đậu nành và trứng, nhân bên trong bằng thịt heo băm ướp với gia vị và hành tím và đậu xanh hấp.

du-lich-bui-soc-trang-20492-banh-cong

Bánh cóng

Bánh cóng ngon nhất là ăn kèm với rau thơm, rau sống như húng lủi, húng quế, xà lách, cải xanh chấm nước mắm chua ngọt với gừng thái chỉ, cải đỏ, cải trắng.

10. Mè láo

Mè láo được làm từ khoai môn bào mỏng rồi đem phơi nắng khoảng 3 ngày. Khi ăn người ta cắt miếng khoai môn miếng hình chữ nhật rồi đem trộn với nước đường đã thắng thành kẹo, sau đó lăn qua vừng rang chín. Mè láo xốp, giòn tan có mùi thơm của mè và vị ngọt của lớp mạch nha bao bọc bên ngoài.

12. Lạp xưởng

du-lich-bui-soc-trang-20503-lap-xuong

Lạp xưởng Sóc Trăng

Lạp xưởng là nghề truyền thống của người Hoa ở Sóc Trăng với nhiều chủng loại như: lạp xưởng tươi, lạp xưởng nạc và lạp xưởng tôm. Hiện nay lạp xưởng Sóc Trăng đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng ở cả trong và ngoài nước.

13. Bò nướng thiếc

Người ta dùng miếng thiếc tráng bằng inox dày để nướng. Một số địa chỉ ăn ngon có thể kể đến như: Quán Mỹ Phượng, 63 Phan Bội Châu, ấp Hòa Mỹ, Mỹ Xuyên, Sóc Trăng.

14. Vũ sữa Đại Tâm

du-lich-bui-soc-trang-20505-vu-sua

Vú sữa Đại Tâm

Xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng từ lâu đã nổi tiếng với loại vú sữa tím vì có vị ngọt thanh, hạt nhỏ, vỏ mỏng, khi chín vỏ trái màu tím than, căng mọng rất đẹp mắt. Vú sữa thường cho thu hoạch sớm vào giữa tháng 11 âm lịch, kéo dài đến Tết nguyên đán. Bạn có thể mua trái cây này dọc đường Quốc lộ 1A để làm quà cho người thân.

15. Bưởi năm roi Kế Sách

Bưởi năm roi Kế Sách có vỏ mỏng, màu vàng óng, sáng đẹp. Bưởi có vị ngọt đậm đà, ăn không the, khi chín bưởi không có hạt nên đây là một loại trái cây được du khách gần xa ưa chuộng.

VI. MUA QUÀ LƯU NIỆM – ĐẶC SẢN

Đến Sóc Trăng ngoài các điểm tham quan hấp dẫn nêu trên bạn có thể ghé chợ Sóc Trăng ngay trung tâm thành phố để mua sắm nhiều mặt hàng độc đáo của 3 dân tộc Kinh, Hoa và Khmer. Từ các mặt hàng thủ công mỹ nghệ cho đến hải sản tươi sống và các trái cây như: bánh pía, lạp xưởng, mè láo, tôm khô, cá khô, xả pấu…Đây là những món quà không thể thiếu của du khách sau chuyến du lịch tại Sóc Trăng.

Yeutre.vn (Tổng hợp)

YÊU TRẺ