“Không nên mua điện thoại ở những cửa hàng chưa được ai giới thiệu, đặc biệt là Sim Lim và Orchard”, một độc giả công tác tại đất nước sư tử cho biết.
Những người Việt gặp vận xui tại Singapore
Cũng rơi vào trường hợp bị lừa khi mua iPhone tại Singapore, độc giả Quốc Quốc chia sẻ mình bị sập bẫy khi mua điện thoại vào thời điểm iPhone 5 mới ra đời. Lúc đó, anh đi du lịch tại Singapore. Qua thông tin trên mạng, anh được biết Sim Lim Square bán giá tốt (gần 19 triệu đồng, trả giá còn 17 triệu) nên đến mua và trả bằng thẻ tín dụng. Nhân viên đưa điện thoại cho anh xem và nói sẽ kích hoạt giúp, đồng thời đưa giấy tờ yêu cầu chủ máy ký tên để được bảo hành, hoàn thuế tại sân bay.
“Tôi không đọc kỹ mấy dòng chữ nhỏ bên dưới nên đã ký và ghi số hộ chiếu. Nhân viên nói tôi đưa lại thẻ tín dụng để quẹt thẻ thêm một lần nữa vì tôi phải trả thêm phí bảo hành, mở khóa, dịch vụ… với số tiền gần 25 triệu đồng. Thẻ của tôi chỉ còn 2 triệu nên sau khi trừ hết số tiền 17 triệu, nhân viên đòi lại máy, đưa ra giấy tờ có các khoản phí bên dưới. Lúc đó, tôi quá hoảng hốt vì còn hơn 2 tiếng đồng hồ là đến giờ tôi phải có mặt tại sân bay để trở về Việt Nam”, anh kể.
Du khách Việt khóc vì mua iPhone 6 giá cắt cổ ở Singapore
“Sập bẫy” ở khâu làm thủ tục, một người Việt bị cửa hàng yêu cầu trả thêm số tiền lên đến 1.500 SGD (hơn 25 triệu đồng) cho gói bảo hành một năm khi mua một chiếc iPhone 6.
Rơi vào trường hợp này, anh Quốc chỉ còn biết năn nỉ nhân viên cửa hàng lấy lại máy và trả tiền cho anh, nhưng người đó chỉ cười. Các cửa hàng bên cạnh dường như quá quen với kiểu buôn bán như vậy nên chỉ đứng quan sát, cười theo. Quá tức giận, anh đã yêu cầu gặp bảo vệ toà nhà Sim Lim, nhưng họ xem giấy tờ anh đã ký và khẳng định một lần nữa là không thể hoàn tiền. Anh chấp nhận chỉ cần xin lại một ít để về nước nhưng họ không đồng ý. Cuối cùng, anh đến gặp cảnh sát và trình bày sự việc, nhờ một người có thể dịch Anh – Việt để hỗ trợ. Anh cũng cho biết sẵn sàng bỏ vé máy bay để đến đại sứ quán trình bày nếu không được giải quyết sự việc đến cùng.
“Phía nhân viên cửa hàng thấy tôi đi cùng cảnh sát và làm căng nên đã hủy hóa đơn của tôi. Vì sắp trễ chuyến bay nên tôi đi gấp, hai anh cảnh sát cũng mong muốn tôi không phản ánh chuyện này đến cơ quan ngoài sân bay nên sự việc khép lại”, anh Quốc kể.
Một “nạn nhân” khác tên Lê Hải cho biết: “Khi tôi mua iPhone 5S ở Singapore cũng gặp vận xui như vậy. Nhân viên cửa hàng yêu cầu tôi đưa tiền trước để họ đi lấy hàng vì máy không có sẵn. Khi quay lại, họ bảo tôi đưa thêm 400 đô la Singapore tiền mở khóa, dù thực tế máy đều là bản quốc tế. Tôi không đồng ý mua nữa nhưng họ không trả lại tiền. Tôi đã làm căng và đòi gặp cảnh sát, nói rằng có người quen là người Sing nên họ giảm 200 đô la, tôi phải đưa thêm 200 đô la”.
Sau lần mất tiền oan ức, anh Hải góp ý, thông thường, người bán đều biết người mua không cần gói bảo hành vì mua xong khách sẽ về lại Việt Nam, nhưng họ vẫn cố tình để người mua mất phí bồi thường.
May mắn hơn hai anh Hải và Quốc, độc giả Linh Nhi cho biết, cô từng gặp trường hợp bị nhân viên cửa hàng giăng bẫy khi mua điện thoại ở Sim Lim Square, nhưng do ngoại ngữ tốt và rất tỉnh táo nên họ không lừa được tiền của cô. Ngoài ra, cô còn phát hiện có nhiều kiểu lừa đảo khác như mượn hộ chiếu đi photo đánh lừa khách sẽ được hoàn thuế, nhưng thực sự đó là cách trấn áp tinh thần người mua, dọa dẫm họ sẽ không thể trở về nước.
Độc giả Xrain Phó Try cũng thuật lại câu chuyện không may của mình tại đất nước sư tử khi mua iPhone 6. Anh kể, người bán lấy máy đã kích hoạt đưa anh xem, sau đó họ đổi máy khác chưa kích hoạt, yêu cầu anh thanh toán tiền để kích hoạt trước khi rời Singapore. Điều khiến anh khó hiểu là người bán liên tục bảo anh phải ký và ký đại cũng được. Khi anh ký xong, nhân viên bán đã kích hoạt, đưa máy và đòi trả thêm tiền. Tổng số tiền anh phải trả là 3.200 đô la Singapore.
“Tôi đã bị họ làm cho rối, không kịp suy nghĩ. Sau khi tranh cãi với họ, tôi yêu cầu ra tòa án và đòi máy vì đã trả đủ tiền, nhưng họ không đồng ý vì muốn tôi trả thêm. Cuối cùng, họ nói tôi phải trả tiền thiệt hại vì bóc seal, mất 800 đô la Singapore. Tôi biết mình không thể đôi co thêm, đành chịu thiệt, bởi cãi nhau với họ tôi cũng phải trả tiền vì hợp đồng bảo hành 2 năm”, anh bức xúc.
Kinh nghiệm khi mua hàng điện tử tại Singapore
Một độc giả có nickname là Vietnamese chia sẻ, anh làm việc ở Singapore nên thấy chuyện du khách Việt bị lừa rất thường xuyên, bởi các cửa hàng bán chủ yếu cho khách du lịch đến từ đất nước hình chữ S và một số nước Đông Nam Á. Đối tượng này phần lớn không rành tiếng Anh và ngại báo cảnh sát.
Độc giả này tiết lộ, thủ đoạn của các cửa hàng thường là chào giá rẻ hơn thị trường một chút, khi con mồi vào xem hàng sẽ bị yêu cầu ký biên bản mua bán trong khi người bán “xổ” một tràng tiếng Anh vừa nhanh vừa khó hiểu để đánh lừa. Sau đó, người bán tự ghi thêm một số hạng mục vào các giấy tờ đã có chữ ký của người mua nên du khách phải trả thêm số tiền “trên trời”. Nếu khách yêu cầu thêm miếng dán màn hình hay cover sẽ càng bị tính giá cao.
Cuối cùng, khi người mua nhìn con số tổng cộng sẽ xảy ra tranh cãi. Nếu ai không rành tiếng Anh sẽ bị hù dọa, đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Nếu khách hàng cứng rắn đòi gặp cảnh sát, họ sẽ dịu lại nhưng khách vẫn phải trả giá rất cao mới được rời khỏi cửa hàng.
“Kinh nghiệm tôi muốn gửi đến các du khách Việt là không nên mua điện thoại ở những cửa hàng chưa được ai giới thiệu ở Singapore. Khi bạn đã lỡ ký tên, nên tự tin thể hiện thái độ cứng rắn, yêu cầu gọi cảnh sát giải quyết và nói với cảnh sát là họ ghi thêm những hạng mục khác khi không có sự đồng ý của khách hàng. Tuy việc làm này mất của bạn thời gian nhưng lại đỡ mất tiền”, bạn đọc góp ý.
Anh Long Louis nói, Sim Lim Square vốn nổi tiếng bán đồ rẻ hơn ở ngoài. Đây là một trong những khu mua sắm giá rẻ về đồ điện tử mà hầu hết các hướng dẫn viên du lịch đều giới thiệu với du khách. Tuy nhiên, nếu mọi người không sành sỏi đừng nên mua, trừ khi mua laptop.
“Nếu muốn mua hàng điện tử đảm bảo, bạn nên vào Funan ở City Hall MrT, giá hơi mắc nhưng đảm bảo. Bạn muốn mua điện thoại giá rẻ có thể lên diễn đàn VNCNUS do cộng đồng sinh viên Việt Nam thành lập, ở đó bán đồ giá tốt, uy tín. Còn bạn muốn mua hàng xách tay, giá sản phẩm chỉ thật sự rẻ khi bạn đến khu chợ Ấn Độ. Người Việt mua đồ ở đó rất nhiều. Bạn cũng có thể tham khảo ở Mustafa Center, mua sắm 24/24, giá tương đối tốt. Singapore là đất nước rất văn minh, đàng hoàng, chỉ có một phần nhỏ người dân như thế nên du khách đừng vì thế đã vội phán xét”, Long nhấn mạnh.
Ảnh: Duy Tín |
Là người từng đi du lịch khá nhiều nước nhưng riêng đồ công nghệ, anh Thụy không bao giờ mua ở nước ngoài dù giá có rẻ hơn và vốn tiếng Anh của anh khá tốt. Anh quan niệm khi mua hàng công nghệ ở Việt Nam, chỉ cần tìm đến những địa chỉ uy tín là an tâm. Hơn nữa khi bảo hành ở trong nước, nếu đồ đạc có vấn đề, khách có thể khiếu nại được. Trường hợp mua ở nước ngoài, lúc máy móc hư hỏng chỉ đem sửa rồi trả tiền, không được bảo hành.
Độc giả Bách Khoa cũng từng đi công tác ở Singapore nhiều lần, nhưng anh cho biết chỉ vào khu Sim Lim Square đúng một lần và không bao giờ quay trở lại bởi người bán có nhiều chiêu lừa bịp khách hàng.
Anh góp ý: “Những du khách hay đi mua sắm ở Singapore nếu muốn mua đồ bình dân, hãy lựa những cửa hàng của người Ấn Độ. Họ uy tín và mang đến sự an tâm cho khách hàng hơn nhiều. Tôi thích nhất là đi dạo mua sắm ở Mustafa Center (ở khu Little India), từ mỹ phẩm đến đồ điện tử đều có đủ, đổi tiền khu này cũng được giá nhất”.
ZING.VN