Cùng Phượt – Nằm ở trung tâm của vùng Đông Bắc, Tuyên Quang được xem là một trong những nơi có phong cảnh thiên nhiên “sơn thuỷ hữu tình” với nhiều thắng cảnh kỳ thú, độc đáo và hấp dẫn. Tuyên Quang là địa danh gắn với quá trình hình thành đất nước Việt Nam và còn là nơi khởi phát, hội tụ và giao thoa sắc thái văn hoá của các dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc. Di tích lịch sử văn hoá là thế mạnh của du lịch Tuyên Quang với 123 điểm di tích lịch sử và 215 di tích văn hoá cấp tỉnh. Tất cả các yếu tố này đã tạo cho Tuyên Quang là tỉnh có tiềm năng du lịch đa dạng, phong phú và hấp dẫn.
Khu di tích Tân Trào
Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào nằm ở phía Đông Nam cuả Tuyên Quang, bao gồm 12 xã trong khu ATK thuộc hai huyện Sơn Dương và Yên Sơn. Đây là một vùng đất rộng lớn có địa giới tiếp giáp 2 tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên. Tân Trào là vùng núi rừng đại ngàn liên hoàn hiểm trở, nhiều hang động, có tài nguyên phong phú, cảnh quan tuyệt đẹp.
Căn cứ địa Tân Trào là thủ đô lâm thời của khu giải phóng Việt Bắc, nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại. Trong thời kỳ chống Pháp và Mỹ, đây là nơi mà chính phủ Việt Nam chọn để xây dựng thành An toàn khu, thủ đô kháng chiến để lãnh đạo.
Ngoài ra, khu di tích Tân Trào còn có những di tích có giá trị lịch sử và du lịch khác như: Bản Khuổi Kịch, đình Thanh La, Vực Thia, làng Tân Lập, lán Cảnh Vệ – Điện Đài, lán Đồng Minh, sân bay Lũng Cò, đèo Chắn, Đồng Man – Lũng Tẩu, Khấu Lẩu – Vực Hồ, Ban Tuyên huấn Trung ương, hang Thia, hang Bòng, thôn Lập Binh, xã Trung Yên, hầm An toàn của Bác, hầm Trung ương Đảng, hầm Chính phủ và Bảo tàng Tân Trào.
Đình Tân Trào
Đình Tân Trào là một đình nhỏ được xây dựng vào năm 1923 theo kiểu nhà sàn, cột gỗ, ba gian hai chái, mái lợp lá cọ, sàn lát ván, để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và là nơi hội họp, sinh hoạt văn hoá của dân làng. Đình thờ 8 vị thành hoàng làng đại diện cho các thần sông, thần núi của làng Tân Lập, xã Tân Trào. Dưới mái đình này, ngày 16 tháng 8 năm 1945 đã họp Quốc dân Đại hội để quyết định lệnh tổng khởi nghĩa, 10 chính sách lớn quy định quốc kỳ, quốc ca và cử ra một chính phủ lâm thời.
Đình Hồng Thái
Đình Hồng Thái cách đình Tân Trào gần 1 km trên đường đi Sơn Dương, đình được xây dựng tại địa phận của làng Cả, xã Tân Trào. Năm 1919, đình có tên là đình Làng Cả hay đình Kim Trận. Đình Hồng Thái còn là trạm giao liên và là nơi huấn luyện quân sự trong suốt thời kỳ kháng chiến. Đình còn là điểm dừng chân của các đại biểu toàn quốc về dự Quốc dân Đại hội, là trạm thường trực của “An toàn khu của Trung ương đóng ở Tân Trào”.
Lán Nà Lừa
Lán Nà Lừa đây là một căn lán nhỏ, nằm ở sườn núi Nà Nưa, cách làng Tân Lập gần 1 km về hướng đông, lán Nà Lừa được dựng bằng tre theo kiểu nửa sàn, nửa đất của người miền núi, dưới các đám cây rậm rạp. Lán Nà Lừa do đơn vị giải phóng quân dựng để chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc từ tháng 6 năm 1945 đến cuối tháng 8 năm 1945. Lán Nà Lừa có hai gian nhỏ, gian bên trong là nơi chủ tịch Hồ Chí Minh nghỉ ngơi, còn gian ngoài là chỗ chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc và tiếp khách. Tại đây, ngày 4 tháng 6 năm 1945, chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập Hội nghị cán bộ để củng cố căn cứ địa cách mạng, thành lập khu giải phóng và Quân giải phóng, chuẩn bị Hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội.
Cây đa Tân Trào
Dưới bóng cây đa này, chiều ngày 16 tháng 8 năm 1945, Việt Nam Giải phóng quân đã làm lễ xuất quân trước sự chứng kiến của nhân dân Tân Trào và 60 đại biểu. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc bản Quân lệnh số 1 và ngay sau đó hành quân về giải phóng Hà Nội.
Lán Hang Bòng
Lán Hang Bòng là nơi làm việc của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ và chủ tịch Hồ Chí Minh ở Việt Bắc trong thời kỳ chống Pháp (1946-1954). Hang cách không xa Hồng Thái, Tân Trào. Từ năm 1950 đến năm 1951, chủ tịch Hồ Chí Minh ở hang này, trực tiếp đi chỉ đạo chiến dịch Biên giới (1950) và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ hai (tháng 2 năm 1951).
Khu di tích lịch sử Kim Bình
Xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang là nơi có địa thế núi rừng hiểm trở nhưng cũng rất thuận lợi cho việc liên lạc. Từ Kim Bình có thể cơ động đi Bắc Kạn, Lạng Sơn, Cao Bằng, đi lên Hà Giang, xuống Tuyên Quang, có thể đi tắt sang căn cứ địa Tân Trào sang Thái Nguyên. Với vị trí chiến lược trong An toàn khu (ATK), xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang đã được Trung ương Đảng, Bác Hồ lựa chọn là địa điểm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (tháng 2/1951). Đây là Đại hội được tổ chức ở trong nước và là Đại hội được tổ chức ở một địa phương ngoài Thủ đô Hà Nội.
Khu di tích lịch sử cách mạng Lào (Làng Ngòi – Đá Bàn)
Khu di tích Lịch sử – Văn hóa Làng Ngòi – Đá Bàn nằm ở khu Đồng Lau xưa, nay là hai thôn Làng ngòi và Đá Bàn thuộc xã Mỹ Bằng – Huyện Yên Sơn tỉnh Tuyên Quang. Khu di tích này cách thành phố Tuyên Quang 20 km về phía Tây.
Toàn bộ khu di tích là một quần thể suối, đồi, núi rộng hơn 20ha tạo một địa thế bí mật, an toàn với một vẻ đẹp hoang sơ trong lành, mát mẻ, yên tĩnh của rừng núi thiên nhiên Tuyên Quang. Cái tên Làng Ngòi – Đá Bàn đã minh chứng cho xuất sứ nhiều khe, suối với những hòn đá, tảng đá to như những chiếc bàn gối xếp lên nhau.
Là địa danh lịch sử được biết đến bởi mối tình đoàn kết gắn bó , cùng sẻ chia của 2 nước Việt – Lào. Nơi đây, trong thời gian hơn một năm, là nơi ở, làm việc của một số lãnh đạo cấp cao của Lào.
Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang
Bảo tàng Tuyên Quang được xây dựng trên khu đất giữa hồ Tân Quang với diện tích trung bày 1600m2, được chia làm 4 phần: Gian khánh tiết và không gian trưng bày 3 chuyên đề lớn theo các chủ đề.
Gian khánh tiết bắt đầu từ không gian trưng bày trung tâm của bảo tàng, nơi bắt đầu hành trình tham quan mà hình ảnh ấn tượng đầu tiên là bức phù điêu bằng gỗ có diện tích 100 m2 với lán Nà Nưa, cây đa Tân Trào, làng Tân Lập – Hình tượng “Thủ đô Khu giải phóng” kết hợp trưng bày ảnh phong cảnh đẹp, ảnh về lịch sử, văn hóa của vùng đất Tuyên Quang.
Chủ đề 1: được bố cục thành tiểu đề về điều kiện tự nhiên – tiềm năng kinh tế tỉnh Tuyên Quang và tiểu đề về đặc trưng văn hóa các dân tộc ở Tuyên Quang.
Chủ đề 2: trưng bày các hiện vật và nhóm hiện vật về Tuyên Quang thời kỳ tiền sử, sơ sử; lịch sử xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước.
Chủ đề 3: Tuyên Quang – Thủ đô Khu giải phóng – Thủ đô Kháng chiến và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Thành nhà Mạc Tuyên Quang
Thành nhà Mạc Tuyên Quang nằm trên địa phận tổ 8, phường Tân Quang. Thành được xây dựng vào thời kỳ từ năm 1552 thời nhà Mạc và được sửa chữa vào đầu nhà Nguyễn (thế kỷ XIX) thời chiến tranh Lê-Mạc, quân Nam triều (nhà Lê trung hưng) do Trịnh Tùng chỉ huy tiến ra bắc đánh chiếm Thăng Long. Vua nhà Mạc là Mạc Mậu Hợp bị bắt và bị xử tử. Các quý tộc và quan lại rút về Cao Bằng. Để ngăn chặn quân nhà Lê, triều đình nhà Mạc đã cho xây dựng một tòa thành ở bên bờ sông Lô. Theo tương truyền, toàn bộ quá trình xây thành chỉ mất một đêm. Quân Mạc còn đắp trong thành một ngọn núi đất hơn 50m gọi là Thổ Sơn (núi Đất). Tòa thành còn là nơi giành giật giữa quân đội nhà Lê và nhà Mạc trong nhiều năm mỗi khi các vua Mạc mở cuộc tiến công từ Cao Bằng xuống Thăng Long.
Thành có vị trí quân sự quan trọng, án ngữ trên bờ sông Lô và nằm trên trục giao thông thuỷ bộ thuận lợi, từng gắn với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của Tuyên Quang. Thành cũng là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của Tuyên Quang.
Thành còn khá nguyên vẹn cho đến cuối thế kỷ 20, tuy nhiên đến năm 2010, việc tôn tạo hoàn thành đã gây ra nhiều phản ứng dữ dội từ dư luận khi các di tích bị làm biến dạng, mất đi vẻ cổ kính. Hầu như toàn bộ cây cổ thụ, các dấu tích rêu phong của hơn 400 năm lịch sử in dấu trên các bức cổ thành đã bị gọt mất do “phun hóa chất diệt trừ tận gốc cây dại”; khiến “vẻ đẹp hoang phế, gợi bao phong sương” biến mất. Thay vào đó là những kiến trúc đá ong mới tinh khôi, chít chát bằng gạch vữa trắng toát. Hình dáng của cổng thành cũng thay đổi: thấp hơn so với trước do kiến nghị là phải “dỡ gạch hai bên tường [của cổng thành] thấp xuống, mở rộng tầm nhìn cho xe cộ”. Những người thi công còn tống các khối bê tông, hệ thống cọc inox và hàng rào xích sắt bao quanh cổng thành. Điều này khiến người dân cho rằng bên thi công đã biến cổng thành cổ trở thành một cái cổng của nhà trọc phú vừa mới khánh thành. Những người biết yêu di sản đều bất bình gọi đó là “cái lò gạch mới”. Một số nhà báo đã gọi điều này là “Biến di tích 400 tuổi thành… 1 ngày tuổi!”
Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm
Suối khoáng Mỹ Lâm thuộc địa phận xã Phú Lâm, Yên Sơn, cách Tp Tuyên Quang khoảng hơn 10km theo quốc lộ 37. Nguồn nước ngầm trong lòng đất này được nhà địa chất học người Pháp C Madrolle phát hiện từ năm 1923 với nhiệt độ lên tới gần 70 độ C, mạch nước nằm ở độ sâu hơn 150m vì vậy nước khoáng Mỹ Lâm rất trong và có thể uống trực tiếp. Với hàm lượng sulfuahydro trong nước khá cao, chiếm 5mg/lít, suối khoáng Mỹ Lâm còn được gọi là “suối khoáng sulfua”. Đây còn được đánh giá là một trong những mỏ nước khoáng tốt nhất tại vùng Đông Dương.
Hiện giờ Mỹ Lâm đã được mở rộng và đầu tư trang thiết bị hiện đại, mang đến nhiều sản phẩm đa dạng như: Tắm khoáng nóng, tắm bồn sục, tắm thác, tắm bùn khoáng, tắm bùn đen, tắm lá thuốc người Dao, vật lý trị liệu…
Ngoài ra, Mỹ Lâm còn như một điểm nghỉ dưỡng cộng đồng bởi thiên nhiên hoang sơ cùng các dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, các hoạt động tập thể… nên rất phù hợp để nghỉ ngơi hay xây dựng các hoạt động teambuilding.
Khu du lịch sinh thái Na Hang
Khu du lịch sinh thái Na Hang nằm ở phía Bắc của Tuyên Quang, cách trung tâm thành phố Tuyên Quang 110km có tổng diện tích mặt nước 8000 ha, trải qua các huyện Na Hang, Lâm Bình và toàn bộ vùng lòng hồ thuỷ điện Tuyên Quang.
Đây là nơi hội tụ của 2 con sông Gâm và sông Năng, giáp hồ Ba Bể với những dãy núi hùng vĩ, vùng đất mang đầy cảm hứng gắn với những huyền thoại đậm tính nhân văn, thực sự cuốn hút du khách với vô vàn những thắng cảnh thiên nhiên kỳ thú.
Thác Khuổi Nhi
Dòng thác quanh năm tung bọt trắng đẹp như mái tóc nàng tiên giữa đại ngàn, ngược dòng thác các bạn sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước một vẻ đẹp làm đắm say lòng người. Dòng thác cao vút, bọt tung trắng xoá đổ dồn xuống một bể nước tự nhiên trong xanh, kỳ ảo, đẹp đến mê hồn. Ngoài ra, khi ngâm mình trong dòng nước ở đây, các bạn sẽ được thưởng thức một trong những dịch vụ matxa tự nhiên nhất được phục vụ bởi các nhân viên “cá” bơi tung tăng dưới nước.
Động Song Long
Động Song Long thuộc xã Khuôn Hà, Lâm Bình là một hang động đẹp và có quy mô khá lớn trong vùng. Động nằm cách mặt hồ thuỷ điện khoảng trên 200m, lòng hang có chiều cao 40m, rộng khoảng 50m, chiều sâu có thể lên tới 200m. Trong hang có nhiều cột thạch nhũ với các hình thù kỳ thú, màu sắc lấp lánh như hoa cương, lòng hang được chia thành nhiều ngách ngăn nối tiếp nhau, hấp dẫn.
Khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ – Bản Bung
Còn gọi là khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang (Nà Hang), nằm trên địa bàn 4 xã Khau Tinh, Côn Lôn, Sơn Phú và Thanh Tương. Đây là một trong những điểm du lịch thú vị ở Tuyên Quang. Với diện tích trên 21000 ha, sự đa dạng về cảnh sắc thiên nhiên và phong phú về hệ động thực vật.
Từ ngàn đời nay, Na Hang nức tiếng giàu có với một nền văn hóa truyền thống độc đáo của 12 dân tộc anh em đang quần tụ về đây. Mỗi dân tộc có một nền văn hóa độc đáo riêng tạo nên một bức tranh văn hóa rất phong phú sinh động đa dạng làm đắm say biết bao lòng người. Nơi hầu như mỗi ngọn núi, mỗi cánh rừng, mỗi dòng sông, con suối nào cũng có sự tích gắn liền với địa danh truyền thuyết lịch sử đầy hấp dẫn.
Theo tiếng Tày, Nà Hang nghĩa là “Ruộng cuối thung lũng” có những cánh đồng lúa, ngô nằm xen kẽ dưới chân núi đá vôi xanh mướt, bạt ngàn những cánh rừng nguyên sinh. Thủy điện Nà Hang tạo nên lòng hồ trên núi trông thật đẹp mắt. Có thể nói, hồ Nà Hang là một trong những hồ nước ngọt lớn nhất Việt Bắc, tạo nên một Khu du lịch hấp dẫn du khách, được nối liền bởi hai huyện “Nà Hang và Lâm Bình” nơi mà tiếng chim Phượng Hoàng gọi bầy cả 4 tỉnh: huyện Nà Hang – Tuyên Quang; huyện Bắc Mê – Hà Giang; huyện Bảo Lạc – Cao Bằng; huyện Chợ Đồn – Bắc Kạn cũng nghe được.
Pác Tạ là ngọn núi cao nhất ở Nà Hang có hình dáng giống như chú voi cúi đầu bên nậm rượu, sừng sững, uy nghiêm, thoắt ẩn, thoắt hiện trong mây vờn, dưới chân núi Pác Tạ có một ngôi đền cổ thờ người thiếp của tướng quân Trần Nhật Duật, thế kỷ XIII. Khi xưa nàng theo chồng đi kinh lý ở châu Vị Long, không may bị lật thuyền, một nông dân họ Ma vớt được xác nàng đem mai táng rồi lập đền thờ, có nhiều linh ứng dân gian tôn bà là thánh mẫu. Trải qua nhiều biến đổi của lịch sử cùng với sự thay đổi của thời gian, đền Pác Tạ đã được con người trùng tu xây dựng khang trang và trở thành một điểm linh thiêng để nhân dân và du khách bày tỏ lòng thành kính, niềm khát vọng của mình về một cuộc sống bình yên dân khang, vật thịnh, đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân trong vùng.
Thác Bản Ba
Thác Bản Ba nằm bên triền núi Phiêng Khàng, xã Trung Hà, huyện Chiêm Hoá, cách thành phố Tuyên Quang 80km. Từ Chiêm Hoá rẽ vào thác 25km nằm sâu trong rừng già, giữa thiên nhiên xanh và núi non trùng điệp.
Thác Bản Ba có chiều dài khoảng 3km, được tạo bởi 3 tầng thác chính. Tầng thác thứ nhất có tên gọi là Tát Củm, tầng thứ hai gọi là Tát Cao và tầng thứ ba gọi là Tát Gió. Chuyển tiếp giữa các tầng thác là những tầng thác nhỏ có độ cao 5-7m, có nhiều khe nước nhỏ và các vực nước trong xanh có tác dụng điều hoà và phân phối nước. Hai bên dòng thác Bản Ba là hệ sinh thái với những cánh rừng cổ thụ vài trăm năm tuổi với nhiều loại gỗ quý, những dây leo chằng chịt. Thảm thực vật phong phú, nhiều loài chim và các loài bướm đủ màu sắc. Từ xa, thác Bản Ba đổ trắng xoá một góc núi rừng, dưới chân thác những cánh đồng lúa tươi tốt
Động Tiên
Được mệnh danh là một Phong Nha giữa đại ngàn Đông Bắc, quần thể Động Tiên thuộc thôn Thống Nhất, xã Yên Phú, Hàm Yên.
Đây là một quần thể hang động hoang sơ kỳ vĩ, từ bồng bềnh mây gió, qua cửa động là hàng ngàn khối ngũ đá óng ánh, hoá thân từ những nhân vật cổ tích mà các bạn vẫn thường được nghe. Đây “Tiên ông chơi cờ”, “linh điều trộm thiếu nữ”. Kia “cột đá chống trời”, “người mẹ mang thai”. Ngỡ ngàng dừng lại trước “bàn thờ tiên”, lữ khách chợt bắt gặp dung nhan hiện trong truyền thuyết về tình yêu của một nàng công chúa nhà trời và chàng trai mồ côi nơi trần gian từ thuở trời đất còn hỗn độn. Qua động Thiên Đình nghe những âm thanh réo rắt du dương từ vô số cây đàn đá
Vùng cao Thượng Lâm
Xã Thượng Lâm thuộc huyện Lâm Bình, cách Tp Tuyên Quang khoảng hơn 100km. Đây là vùng đất có nhiều truyền thuyết, sơn thuỷ hữu tình với nhiều danh lam thắng cảnh. Vùng đất này có nhiều huyền thoại với những địa danh nổi tiếng như đèo Ái Au, đèo Nàng, cánh đồng Nà Tông. Cách Thượng Lâm không xa người dân ở đây còn duy trì được một lễ hội khá độc đáo đó là lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn ở xã Hồng Quang.
Đến Thượng Lâm các bạn sẽ vô cùng ấn tượng với những nếp nhà sàn truyền thống của người Tày vương cùng làn khói trắng thanh bình, thấp thoáng dưới những rặng cây cổ thụ bên sườn núi.
Xem thêm: Các dịch vụ homestay ở Lâm Bình, Tuyên Quang
Khu du lịch Núi Dùm
Nằm trong thung lũng hình lòng chảo với địa thế nghiêng theo hướng thấp dần từ Bắc xuống Nam và bốn bề được bao bọc bởi các ngọn núi, Núi Dùm – Cổng Trời là một vùng cảnh quan đẹp thuộc địa phận xóm 15,16 xã Tràng Đà, Tp Tuyên Quang. Núi Dùm có độ cao 350m với khí hậu mát mẻ trong lành, nhiệt độ trung bình từ 22-24 độ C. Đây được ví như Tam Đảo của Tp Tuyên Quang
Không chỉ tập trung hệ động thực vật phong phú, Núi Dùm – Cổng Trời còn sở hữu nhiều thắng cảnh với suối, thác nước và hang động. Những dòng suối bắt nguồn từ núi Dốc Ông và Đát Tư Khang đổ xuống núi Cấm, vắt ngang qua các sườn đá uốn lượn quanh thung lũng tạo nên dòng thác 11 tầng hùng vĩ, hợp cùng núi Dốc Ông, núi Dốc Bà, thác Đát Tư Khang, thác Cấm, thác Cổng Trời, hang Bà Cún, hang Dơi, hang Ngà Voi tạo thành một quần thể cảnh quan hữu tình giữa thiên nhiên hoang sơ.
Đẹp nhất trong số hang động phải kể đến hang Dơi với nhiều động nhỏ, có thể chứa hàng trăm người. Du khách đến đây sẽ được thoả thích ngắm nhìn những nhũ đá long lanh với đầy đủ hình thù và ngạc nhiên thích thú với hàng đàn dơi bay lượn quanh các phiến đá.
Các điểm du lịch tâm linh
Đền Hạ
Đền Hạ Tuyên Quang thờ Mẫu Thoải, nằm ở 53, phố Lý Nam Đế, phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang. Địa danh nơi đây còn gọi là Tam Cờ nên đền thường được gọi là Đền Mẫu Tam Cờ. Ngôi đền này nằm trên vùng đất ngày xưa có tên là Hiệp Thuận, nên đôi khi còn gọi là Đền Hiệp Thuận.
Đền Hạ Tuyên Quang, chính là nơi phát tích của Mẫu Thoải, tức Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ. Đền Hạ Tuyên Quang chính là khởi nguồn của Đền Dùm (Đền Thượng) và Đền Ỷ La. Đây là một cụm đền thờ Mẫu Thoải có chung một nguồn gốc.
Đền Thượng
Đền Mẫu Thượng Tuyên Quang nằm ở xóm 14, xã Tràng Đà – Tuyên Quang, đền còn có tên khác như: Đền Thượng, đền Sâm Sơn, đền nằm dưới chân núi Dùm nên còn gọi là đền Núi Dùm, đền Mẫu Dùm…
Đền Mẫu Thượng Tuyên Quang được coi là một đền thiêng và được các đời vua triều Lê, triều Nguyễn sắc phong các mỹ tự. Hiện nay, nhà đền còn lưu giữ các đạo sắc phong vào các năm 1743, 1787, 1796, 1821, 1844, 1835, 1850, 1880, 1887, 1890, 1923 ứng với các đời vua Cảnh Hưng, Chiêu Thống, Cảnh Thịnh, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái, Khải Định.
Đền Mẫu Ỷ La
Đền Mẫu Ỷ La thuộc phường Ỷ La, thành phố Tuyên Quang được xây dựng từ triều vua Cảnh Hưng năm 1747 thờ Công Chúa Phương Dung con gái Vua Hùng. Đền Mẫu Ỷ La được công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia ngày 18.3.2016.
Đền Mẫu Ỷ La còn để lại nhiều di sản vô giá. Trong đền hiện còn giữ được 2 quả chuông cổ và 16 tượng cũ, các đồ tế khí bằng đồng, sành sứ, các hoành phi câu đối, đề từ, sắc phong và thần phả. Nhưng đáng chú ý nhất là những di sản văn hóa phi vật thể. Đền còn lưu giữ được 6 bản sắc phong của 4 ông vua Triều Nguyễn như Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định phong cho Đền Mẫu Ỷ La. Nội dung các sắc phong đều đề cao công đức của Thần đã giúp nước, trợ dân sống an lành hạnh phúc và ban tặng cho các Mẫu những mỹ tự cao quí.
Đền Cảnh Xanh
Di tích đền Cảnh Xanh thuộc tổ 17, phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang. Đền khởi nguyên là một ngôi điện thờ nhỏ được xây dựng vào khoảng nửa cuối thế kỷ XIX, bằng vật liệu tranh, tre, nứa, lá. Đền Cảnh Xanh được người xưa dựng nên để thờ phụng vị Thánh Mẫu Thượng ngàn (hay tên chữ là Lâm cung Thánh Mẫu) mà nhân dân thường gọi là Bà chúa Thượng Ngàn, cai quản miền rừng núi và ngàn cây. Nơi con người bày tỏ niềm tôn kính với Thánh Mẫu Thượng ngàn và thể hiện ước vọng cuộc sống bình yên, mùa màng tươi tốt của con người vùng sơn cước.
Đền Cấm
Đền Cấm Tuyên Quang tọa lạc xóm 16, xã Tràng Đà, Tuyên Quang. Đền Cấm Tuyên Quang còn gọi là Đền Núi Cấm bởi ngôi đền nằm ngay dưới núi Cấm. Đây là một ngôi đền độc đáo, linh thiêng, cảnh đẹp sơn thủy hữu tình.
Đền Cấm thờ Mẫu Thượng Ngàn và nơi đây cũng là ngôi đền độc đáo thờ Thần Xà. Đền Cấm nằm cách trung tâm thành phố Tuyên Quang chừng 4 km. Cùng với Đền Thượng (đền Núi Dùm) tạo thành một cụm di tích tâm linh linh thiêng cỡ nhất vùng Tuyên Quang. Đền được công nhận di tích lịch sử tâm linh cấp tỉnh năm 2007.
Đền Mỏ Than
Thuộc phường Minh Xuân, thị xã Tuyên Quang. Đền thờ cô bé rừng xanh, ngoài ra đền còn thờ Hưng Đạo Đại Vương (Trần Quốc Tuấn). Đền được dựng trên lưng chừng núi. Khi chưa dựng đền, đây là mỏ than thực dân Pháp bắt dân ta khai Thác nhưng do sự cố đã làm sập hầm. Hàng chục con người đã bị chôn vùi dưới mỏ này. Nhân dân quan niệm rằng việc khai Thác đó đã động tới lãnh địa của chúa rừng xanh cho nên đã lập ngôi đền này tại đây.
Đền Kiếp Bạc
Di tích đền Kiếp Bạc thuộc phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang. Đền Kiếp Bạc hay còn có tên chữ là “Kiếp Bạc linh từ” (đền thiêng Kiếp Bạc). Đền được dựng lên thờ Hưng Đạo Vương – Trần Quốc Tuấn, một nhân vật kiệt suất trong lịch sử, một người anh hùng dân tộc đã có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xân lược nước ta vào nửa cuối thế kỷ XIII để viết lên bản hhùng ca bất hủ với hào khí Đông A của quân dân Đại Việt. Bằng tất cả niềm tin ngưỡng vọng và sự tôn kính của người dân Tuyên Quang nói riêng và nhân dân Đại Việt nói chung Ông đã được suy tôn là vị thánh, người cha tinh thần của dân tộc Việt Nam tôn kính và lập đền thờ để thờ phụng: “Tháng tám giỗ cha thánh ba giỗ mẹ”
Đền Bách Thần
Đền Bách Thần được xây dựng trên sườn núi Bách Thần, thị trấn Vĩnh Lộc do nhân dân và du khách thập phương đóng góp, công đức xây dựng đền. Đền Bách Thần như một nét chấm phá giữa đại ngàn. Tọa lạc ở lưng chừng núi với khí hậu mát mẻ, mùa hè, khách thập phương đứng tại đền có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh thị trấn Vĩnh Lộc với dòng sông Gâm xanh trong.
Chùa An Vinh
Chùa An Vinh có tên chữ là “An Vinh Thiền Tự” thuộc tổ 7, xã Hưng Thành, thị xã Tuyên Quang. Theo tấm bia: “Tạo tác hưng công bi ký” (Bia ghi việc công đức xây dựng chùa) được tạc vào năm Vĩnh Thịnh thứ 16, triều vua Lê Dụ Tông (năm 1720) thì chùa An Vinh được khởi dựng vào đầu thế kỷ XVIII.
Trong chùa còn giữ được một quả chuông đồng đúc năm Giáp Dần (1734), một quả chuông đồng đúc vào đời vua Thiệu Trị (1884), một chiếc khánh đồng đúc năm Cảnh Thịnh thứ 3 triều vua Nguyễn Quang Toản (1797), đều ghi tên những người đóng góp tiền của vào việc trùng tu chùa An Vinh. Chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật gỗ: Hoành phi, câu đối có giá trị lịch sử, nghệ thuật.
Chùa Hương Nghiêm
Chùa Hương Nghiêm hay còn gọi là chùa Hang ở dưới chân núi Hương Nghiêm thuộc xóm Phúc Thọ, xã An Khang, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.
Chùa Hương Nghiêm được xây dựng vào thời Mạc Thái Tông (Mạc Đăng Doanh), niên hiệu Đại Chính thứ 8 (năm 1537) tại thôn Thúc Thủy, xã Thúc Thủy, tổng Thường Túc. Nay là thôn Phúc Thọ, xã An Khang. Ngôi chùa được xây dựng từ sáng kiến của hai vị quan hiến sát là Ngô Thọ Khê và Vũ Trạch Xuyên.
Chùa Hương Nghiêm nằm trong hang đá tự nhiên với 2 mái vòm đá và nhiều nhũ đá rủ xuống đủ mọi hình thù. Đặc biệt có nhũ đá hình cổ thụ, tạo cho hang đá một vẻ đẹp kỳ thú, bí ẩn.
Chùa Bảo Ninh Sùng Phúc
Chùa Bảo Ninh Sùng Phúc là ngôi chùa cổ nhất hiện còn tìm thấy ở Tuyên Quang, là nơi còn lưu giữ được tấm bia thời Lý quý giá trên phạm vi cả nước. Ngôi chùa do một dòng họ thế tập đứng ra xây dựng mà người chủ trì là Hà Hưng Tông, hậu duệ đời thứ 15 giữ chức châu mục châu Vị long. Chùa được xây dựng vào năm 1107 dưới thời vua Lý Nhân Tông (Càn Đức) niên hiệu Long Phù Nguyên Hóa. Chùa do thái phó Hà Hưng Tông – Tri châu Vị Long, Phó Ký lang, Đô tri tả vũ vệ đại tướng quân, Kim tử quang lộc đại phu, Kiểm hiệu thái phó, Đồng quang trung thư môn hạ bình chương sự, kiêm quán nội quản nội khuyến nông sự, Thượng trụ quốc, thực ấp ba nghìn chín trăn hộ, thực ấp chín trăn hộ chủ trì xây dựng.
Hiện nay tại chùa còn lưu giữ được tấm bia được tạc bằng đá xanh nguyên khối vào thời nhà Lý. Bia có chiều cao 1,39m rộng 0,8m và dày 0,8m. Bia được đặt trên lưng một con rùa đá, rùa có chiều dài 1,50m, rộng 0,09m cao 0,32m, cổ và đầu rùa dài 0,38m. Phần chân bia dài 0,59m, rộng 0,09m cắm vào lưng rùa. Rùa được đặt trên mặt đất, 4 chân tạc nổi, mỗi chân có 5 móng, đuôi rùa mỏng, được tạc uốn cong vắt lên lưng. Đầu rùa ngẩng cao, tạo vẻ uy nghi đường bệ. Toàn thân rùa cũng được tạc bằng phiến đá xanh nguyên khối với những nét trạm rất tinh tế, mềm mại, hình khối cân đối và vững trãi. Lưng rùa nhẵn và tròn trịa, giữa lưng có đục một mộng ghép hình chữ nhật để ghép chân bia và chính mộng ghép này giữ cho bia đứng ngay ngắn trên lưng rùa. Diềm bia được trang trí dầy đặc cả ba phía ( trừ chân bia) bằng các hoa văn kiểu hoa mướp cái nọ nối cái kia uyển chuyển và liên hoàn không rứt, hai bên cạnh bia cũng được trang trí hình tròn, trong có trang trí hình rồng và các hình tròn bên trong có các hình hoa sen cánh xen kẽ nhau. Trán bia khắc dòng chữ lớn: “Bảo Ninh Sùng Phúc tự bi”. Văn bia khắc kín phần thân bia còn lại, gồm 25 dòng với 1130 chữ, hai góc của trán bia có khắc hình hai con rồng với đặc trưng nổi bật của rồng thời Lý. Thân rồng hình tròn trặn có nhiều khúc uốn lượn, thân dài và nhỏ dần về phía đuôi chứa đựng dáng dấp của một con rắn. Khúc uốn của rồng nhẹ nhàng thanh thoát với nhiều hình tròn được nối với nhau thành một chuỗi dài liên tiếp. Đầu rồng không lớn rất cân đối với thân rồng và có bờm khá dài phía sau gáy. Hai con rồng chầu hai bên trán bia đều ở tư thế nhìn nghiêng và giống hệt nhau cả về khích thước cũng như kiểu dáng, làm nền cho hình tượng con rồng là các hoa vân mây và một số hoa văn hình chữ S, biểu hiện ý niện về mây, mưa, sấm, chớp.
Chùa Phúc Lâm
Chùa Phúc Lâm thuộc xã Thượng Lâm (Lâm Bình). Chùa có tên đầy đủ là “Phúc Lâm Tự”. Chùa tọa lạc trên một gò đất cao, rộng và bằng phẳng, quay theo hướng Tây Nam nhìn ra cánh đồng bản Nà Tông. Phía xa hơn nữa là những dãy núi Thượng Lâm trùng điệp, mây trắng bao phủ quanh năm.
Các hiện vật còn được lưu giữ tại chùa như: Tảng kê chân cột bằng đá xanh, mảng trang trí vật liệu kiến trúc bằng đất nung, bình đồ kiến trúc của ngôi chùa, các mảng tháp đất nung cùng hệ thống tượng thờ… đã chứng minh chùa Phúc Lâm ra đời trong khoảng thời gian giữa thế kỷ XIII và XIV (dưới thời Trần) theo những phế tích còn lại cho thấy: Toà tiền đường có kích thước là 15m x 6m, đây là nơi để nhân dân địa phương tới hành lễ vào các ngày rằm và mùng một hàng tháng, hai bên là hai pho tượng thờ được đặt ở vị trí sát vách, trên hai tảng kê chân cột bằng đá xanh.
Quy định chung
- Vui lòng chỉ để lại bình luận trên website bằng tài khoản Facebook cá nhân.
- Đọc kỹ thông tin trong bài trước khi đặt câu hỏi, Cùng Phượt chỉ trả lời những nội dung chưa có trong bài.
- Không quảng cáo, rao vặt trong bình luận khi chưa được sự cho phép từ Cùng Phượt.
- Nghiêm cấm spam dưới mọi hình thức, tất cả các nick cố tình spam sẽ bị cấm bình luận, nội dung spam sẽ bị ẩn khỏi website.
KINH NGHIỆM ĐI PHƯỢT | KINH NGHIỆM DU LỊCH BỤI