Lạng Sơn có bài thi ca bất hủ trong đó có kể đến nhiều địa danh tại nơi đây, hãy cùng tìm hiểu về các danh lam thắng cảnh của Lạng Sơn
Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh
Ai lên xứ Lạng cùng anh
Bõ công cha mẹ sinh thành ra em
Phố chợ Kỳ lừa
Chợ Kỳ Lừa thuộc phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam.
Theo sách Đại Nam dư địa chí ước biên của Cao Xuân Dục, thì ngôi chợ đã có từ thế kỷ 17. Và người có công lập chợ là quan Trấn thủ nhà Lê: Tả đô đốc Hán quận công Thân Công Tài (1620 – 1683). Sách ấy chép:
“Phố chợ Kỳ Lừa ở xã Vĩnh Trại, châu Thoát Lãng. Chợ thông nam, bắc; khắp nơi khách buôn dồn về, là chợ lớn của cả tỉnh. Quan Trấn thủ nhà Lê (Thân Công Tài) coi dân có đức, có công dựng chợ, mở phố, người sau nhớ ơn lập đền thờ ông. Nên có câu: Kỳ Lừa có đền Tả phủ, nhờ Hán quận công lập phố ngày xưa”…
Mỗi tháng, chợ Kỳ Lừa họp 6 phiên vào các ngày 2, ngày 7 âm lịch. Người đến chợ có khi không cốt để mua bán; mà còn để thăm hỏi, bàn chuyện làm ăn. Thanh niên nam nữ các dân tộc đến chợ để gặp bạn thân, tìm bạn đời qua các lời ca giao duyên sli, lượn,… Tại chợ, cùng với những màu sắc đa dạng của những hàng thổ cẩm, trang phục, còn có các món ăn đậm đà hương vị miền núi Xứ Lạng. Mỗi năm, có Hội chợ Kỳ lừa, kéo dài từ 22 đến ngày 27 tháng Giêng âm lịch.
Chợ Kỳ lừa ngày nay đã được tôn tạo và mở cửa cả ngày và đêm.
Nàng Tô Thị
Tô Thị hay Nàng Tô Thị là một nhân vật trong câu chuyện cổ tích Việt Nam có tên Hòn vọng phu hay “Sự tích hòn vọng phu”.
Nằm trong quẩn thể di tịch động Tam Thanh thuộc phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn có núi Tô Thị hay còn gọi là núi Vọng Phu. Trên đỉnh núi có một khối đá tự nhiên hình một người phụ nữ bồng con hướng nhìn về phương xa. Từ xưa tượng đá này đã gắn với truyền thuyết về một người con gái chung thuỷ đứng chờ chồng đi lính. Chờ mãi không thấy chồng về, nàng và con đã hoá thành đá, từ đó người dân gọi đây là tượng Nàng Tô Thị.
Ca dao Việt Nam xưa khi nói về Lạng Sơn có câu:
Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có Nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh.
Tuy nhiên, ngày 27/07/1991, tượng đá nàng Tô Thị đã bị sụp đổ, và có hai người bị bắt vì nghi ngờ phá tượng để nung vôi , vì thế mà câu ca dao bị đọc chệch đi:
Đồng Đăng có phố Kì Lừa
Có Nàng Tô Thị, nó vừa nung vôi.
Sau đó, ông Trương Hoàng Phương, giảng viên Khoa Địa lý, trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, (lúc đó đang học thạc sĩ tại Hà Nội) đã đến hiện trường để nghiên cứu lại vụ việc. Cuối cùng, các kết quả nghiên cứu của ông cho thấy rằng tượng nàng Tô Thị bị sụp đổ là do sự ăn mòn của tự nhiên (cụ thể là hiện tượng karst) chứ không phải do phá hoại. Từ kết quả này cũng suy ra rằng hai nghi phạm bị bắt trong vụ sập tượng đá thật sự là bị oan.
Hiện nay một tượng bằng xi măng đã được dựng lên tại vị trí tượng đá cũ.
Thắng cảnh chùa Tam Thanh
Chùa Tam Thanh nằm trong động núi đá (nên còn được gọi tên khác là Động Tam Thanh) thuộc địa phận phường Tam Thanh Thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Theo sử sách Đại Nam Nhất Thống Chí thì chùa Tam Thanh có từ thời nhà Lê, thuộc địa phận xã Vĩnh Trại, châu Thoát Lãng.
Chùa Tam Thanh có một tượng phật A Di Đà màu trắng với nét mềm mại, uyển chuyển được tạc nổi vào vách đá từ thế kỷ 15. Pho tượng này mang phong cách nghệ thuật thời Lê – Mạc (thế kỷ 16-17) tạc theo thế đứng trong hình một lá đề. Tượng cao 202 cm, rộng 65 cm, mặc áo cà sa buông chùm xuống tận gót, hai tay chỉ xuống đất trong thế ấn cam lộ. Ngoài ra, Chùa còn có hồ Âm Ti với làn nước trong xanh bốn mùa với muôn trùng nhũ đá thiên tạo từ ngàn năm rất đẹp.
Ngoài giá trị danh thắng, chùa Tam Thanh còn được biết đến bởi những giá trị văn hóa. Trong động chùa còn lưu lại hệ thống văn bia khá phong phú của các văn nhân, thi sĩ qua các thời kỳ lịch sử. Trong đó, tấm bia số 4 là tấm bia có niên đại cổ nhất (bia Ma Nhai), được tạc vào thời Lê Vĩnh Trị năm thứ 2 (1677), ghi lại chi tiết việc xây dựng tôn tạo chùa.
Chùa Tam Thanh tổ chức hội chính vào ngày mười lăm tháng giêng (âm lịch) hàng năm.
Quần thể Tam Động
Tam Thanh là quần thể 3 động Nhất Thanh, Nhị Thanh, Tam Thanh nằm trong Chùa Tam Thanh. Ðộng Tam Thanh nằm trong một dãy núi có hình đàn voi phủ phục trên mặt cỏ xanh. Hang động Tam Thanh ở lưng chừng núi. Cửa hang nhìn về hướng đông cao chừng 8m có lối lên là 30 bậc đá đục vào sườn núi, có nhiều cây cối um tùm che khuất ánh nắng. Vách động bên phải có khắc bài thơ của Ngô Thì Sĩ (1726-1780) khi ông làm đốc trấn Lạng Sơn.
Tam Thanh được mệnh danh là “Đệ nhất bát cảnh Xứ Lạng” (gồm 4 điểm là: động Nhị Thanh, động Tam Thanh, thành nhà Mạc và Nàng Tô Thị).
Động Nhị Thanh
Là Chùa Tam Giáo, trong Động có nhiều tượng thánh bày thờ theo nhiều hình thức – Động Nhị Thanh gắn liền với danh nhân Ngô Thì Sỹ khi Ông được cử lên làm quan đốc trấn Lạng Sơn từ năm 1777 – 1780. Trong khoảng thời gian ngắn, ông đã làm cho bộ mặt Lạng Sơn thay đổi phát triển đi lên về các mặt Chính trị – Kinh tế, bảo vệ đất nước Đặc biệt về văn hoá, ông đã có công phát hiện ra 8 cảnh đẹp Xứ Lạng ( Trấn doanh bát cảnh ) trong đó có động Nhị Thanh. Tháng 5 năm 1779 ông đã thuê thợ khởi công xây dựng tôn tạo khu động. Động bên trái cao, thế đất tốt hơn làm chùa Tam Giáo thờ 3 vị thánh là Khổng Tử – Lão Tử – Phật Thích Ca. Động Nhị Thanh ở bên dưới chùa Tam Giáo, là một hang đá tự nhiên từ cửa trước ra cửa sau dài hơn 500m, với nhiều cảnh đẹp tự hiên kỳ vĩ. Ngày nay, tại di tích này có hệ thống văn bia tạc trên vách đá của các danh nhân thi sĩ qua lại các thời kỳ lưu lại. Đây là nguồn sử liệu, những tác phẩm văn học hết sức quí giá, thông tin về lịch sử và di tích Lạng Sơn, nơi đây còn có tượng truyền thần của Ngô Thì Sĩ tạc cùng năm 1779 rất đẹp và có giá trị mỹ thuật cao.
Bến đá Kỳ Cùng
Bến đá Kỳ Cùng nằm bên hữu ngạn sông Kỳ Cùng và gần cầu Kỳ Lừa; nay thuộc thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam.
Căn cứ theo bia di tích dựng tại Bến đá Kỳ Cùng, thì đây chính là nơi đưa đón các đoàn sứ Trung Quốc và Việt Nam trong lịch sử bang giao giữa hai nước từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 19.
Khoảng năm 1778, Đốc trấn Ngô Thì Sĩ gọi đây là Kỳ Cùng thạch độ, và liệt là một trong 8 cảnh đẹp của trấn lỵ Lạng Sơn (Trấn doanh bát cảnh).
Ngày nay, nơi bến đá ấy chỉ còn lại một ngôi chùa cổ, tên là Diên Khánh Tự (tục gọi là chùa Thành).
Năm 1993, Bến đá Kỳ Cùng đã được công nhận là di tích cấp quốc gia.
Hang động chùa Tiên và Giếng Tiên:
Chùa thường gọi là chùa Song Tiên, tọa lạc ở phố Hoàng Hoa Thám, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Chùa nằm ngang chừng núi Đại Tượng (lên 64 bậc cấp), quả núi đá có hình con voi nằm về phía Nam thị xã Lạng Sơn, cách cầu Kỳ Cùng khoảng 500m, trên đường đi Mai Pha. ĐT : 025.810387. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.
Sách Xứ Lạng – văn hóa và du lịch (NXB. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2000) cho biết chùa trước đây ở cạnh giếng Tiên do dân làng Phai Luông lập vào thời Lê Hồng Đức (1460 – 1497). Sau đó, chùa bị hư hại, mới chuyển vào động núi Đại Tượng. Chùa gắn với truyền thuyết Tiên Ông giúp dân làng nguồn nước để sinh hoạt
Sự tích của chùa qua các chuyện kể dân gian đều tập trung vào Ông Tiên ngự trên núi, đã dẫm chân xuống đá biến thành giếng Tiên có đầy nước trong vắt cho dân làng dùng trong những năm hạn hán. Có truyền thuyết khác kể về hai ông Tiên ngồi đánh cờ đến sáng không về trời, đã hóa đá…
Chùa nằm trong động, chính giữa thờ chư Phật, Bồ tát. Cung bên phải thờ vị anh hùng Trần Hưng Đạo, cung bên trái thờ Thánh Mẫu. Động còn giữ bút tích của Ngô Thì Sĩ ghi trên bia đá bài Trấn doanh bát cảnh (tám cảnh đẹp của xứ Lạng).
Mắt giếng
Trong động có nhiều thạch nhũ có hình dáng tiên ông , con voi hoặc con dơi bay. Nhiều tấm bia ma nhai của các nhà văn, các danh nhân cũng được thấy ở chùa Tiên này. Đằng sau núi Voi – Chùa tiên ở lưng chừng núi trên mặt bằng đá rộng đó là Giếng tiên, miệng giếng rộng 20cm có mạch nước quý chảy quanh năm.
Khu Du lịch Mẫu Sơn:
Mẫu Sơn là vùng núi cao chạy theo hướng đông-tây, nằm ở phía đông bắc tỉnh Lạng Sơn thuộc địa phận chính của 3 xã: Mẫu Sơn, Công Sơn huyện Cao Lộc và xã Mẫu Sơn huyện Lộc Bình, nằm cách thành phố Lạng Sơn 30 km về phía đông, giáp với biên giới Việt-Trung. Đây là vùng núi cao của tỉnh, có địa hình đa dạng, độ cao trung bình 800 – 1.000 m so với mặt nước biển, bao gồm một quần thể 80 ngọn núi lớn nhỏ với đỉnh cao nhất là Phia Po (1.541 m, còn gọi là đỉnh Công hay Công Sơn), đỉnh Pia mê cao 1520 m… Diện tích khu Mẫu Sơn khoảng 550 km². Khu dân cư sống rải rác gần khu rừng trồng, thuộc vành đai thấp với độ cao không quá 700 m so với mặt nước biển.
Về mùa đông nhiệt độ ở Mẫu Sơn xuống tới nhiệt độ âm, thường xuyên có băng giá và có thể có tuyết rơi. Nhiệt độ trung bình ở đây là 15,5 °C, đỉnh núi quanh năm có mây phủ.
Vùng núi này là nơi cư trú của các dân tộc Dao, Nùng, Tày. Từ năm 1925-1926 ở đây đã có 16 km đường giao thông nối từ quốc lộ 4a lên đến đỉnh núi. 1935 người Pháp đã quy hoạch và xây dựng tại đây nhiều nhà nghỉ. Ngày nay tỉnh Lạng Sơn đang cho xây dựng những công trình phục vụ cho việc nghỉ dưỡng và đón khách du lịch.
Mẫu Sơn nổi tiếng với các sản vật chè tuyết sơn, gà sáu cựa, chanh rừng, ếch hương, lợn quay, rượu Mẫu Sơn, đào chuông Mẫu Sơn, dịch vụ tắm thuốc của đồng bào Dao… và nhiều sản vật theo mùa khác của khu du lịch Mẫu Sơn. Khu du lịch Mẫu Sơn đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn quy hoạch thành Khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, leo núi thám hiểm và du lịch văn hoá. Khu du lịch có diện tích trên 20ha ở độ cao trung bình tù 800 – 1200m so với mặt nước biển, có hệ thống nhà nghỉ, nhà hàng, khách sạn, bãi cắm trại… đạt tiêu chuẩn phục vụ du khách du lịch.
Khu danh thắng Hang Gió:
Địa chỉ di tích: Lũng Khòm, Thôn Sao Thượng B, xã Mai Sao, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.
Hang Gió được nhân dân địa phương phát hiện từ trước năm 1930. Năm 1998, Hang Gió được đoàn Địa chất Trung ương khảo sát lần đầu.
Khu di tích Hang Gió là khu danh lam thắng cảnh – Hang động đẹp, độc đáo và hấp dẫn, nằm trong địa thế thuận lợi có thôn bản, ruộng đồng, suối nước. Khu danh thắng Hang Gió gồm 6 hang gần nhau có tên gọi là: hang Gió, hang Sân khấu, hang Sáng, hang Thiên Đình, hang Dơi, hang Nước. Mỗi hang đều mang vẻ đẹp khác lạ, có tính đặc thù riêng của mình về diện tích hang, lượng nhũ thạch, đường lên xuống. Trong đó nổi bật nhất là Hang Gió.
Sau 2 lần khảo sát, thực hiện mở 3 hố thám sát (2 hố tại Hang Gió, thôn Sao Thượng B và 1 hố tại Nà Hai, thôn Nà Mùm), đoàn khảo sát của Bảo tàng tổng hợp Lạng Sơn đã thu được nhiều di vật chứng tỏ rằng đã có người tiền sử sống tại đây. Các di chỉ này đang được lưu giữ tại Bảo tàng tổng hợp tỉnh Lạng Sơn.
HOIDULICH.COM