Không thể cưỡng lại cảnh đẹp ở Lai Châu

1611

phong-canh-dep-lai-chau-laichausp

Trong hình dung của nhiều người, thì Lai Châu ngút ngàn xa, với núi, với rừng, với phong cảnh hoang sơ, người dân chân chất.

Lai Châu ngày nay đã xây dựng được nhiều điểm đến xứng đáng được đưa vào hành trình về “nơi cuối trời Tây Bắc”..

phong-canh-dep-lai-chau-laichau1

Trước đây, người đi từ Lai Châu về xuôi thường vượt đèo Ô Quý Hồ, qua Sa Pa ra ga Lào Cai đi tàu, hoặc đi xe đường dài xuôi Hà Nội. Nhưng nay đã có thêm một lựa chọn khác: Đi xe khách đường dài từ trung tâm tỉnh Lai Châu theo đường Tân Uyên – Than Uyên, vượt Mù Cang Chải về Nghĩa Lộ, ra Yên Bái, hoặc tới ngã ba Vực Tuần, xuôi theo đường 32c đi Phú Thọ. Vì vậy, Tân Uyên và Than Uyên đã trở thành điểm dừng chân của một số nhà xe mới mở tuyến trên cung đường này.

Du khách đi trên tuyến đường này luôn cảm thấy thú vị bởi được ngắm khung cảnh như một vùng ven dãy An – pơ bên châu Âu. Những vạt chè mênh mông trên bình nguyên Tân Uyên cũng tạo nên cảnh quan kỳ thú.

phong-canh-dep-lai-chau-laichau2

Ảnh:Internet

Bản người Lào ở Bình Lư

Bản người Lào ở Bình Lư còn gìn giữ được nếp ăn, nếp ở và những phong tục đặc sắc. Trước đây, nhiều người lầm tưởng Lào và Lự là một dân tộc, nên cứ gọi là Lào Lự, có đến tận nơi mới thấy hai dân tộc khác nhau.

Hai dân tộc có bộ trang phục truyền thống nữ gần giống nhau, nhưng có sự khác biệt ở khăn vấn trên đầu. Người Lào vấn khăn trơn, chỉ điểm một vài đường viền thổ cẩm, còn người Lự có những miếng thổ cẩm xẻ dọc xuống. Bản người Lào ở sát bên bản người Lự trên cánh đồng Nậm Đăm, nghĩa là cánh đồng có dòng suối chảy xuyên vào giữa.

Hệ thống hang động Pu Sam Cáp

Ở Lai Châu còn có hệ thống hang động Pu Sam Cáp, nghĩa là 3 quả núi lớn chồng lên nhau. Mỗi quả núi có một động lớn, bên trong cũng có nhiều động nhỏ với những cụm nhũ đá thạch anh nhiều hình thù như: cảnh thiên đường, giếng nước, ruộng bậc thang, hình tượng linga, tượng Phật, nghê đá, ngựa đá, cừu đá và vô vàn hình ảnh khác theo trí tưởng tượng của du khách.

Bản văn hóa Mường So

Tới Bản văn hóa Mường So, bạn sẽ ngất ngây với khung cảnh sơn thủy hữu tình, bởi bên cạnh bản người Thái rất bình yên, có một dòng suối lớn chảy qua réo rắt đêm ngày.

Bản Thái Mường So được công nhận là bản du lịch cộng đồng, tổ chức homestay chuyên nghiệp và xây dựng được đội văn nghệ dân gian, cùng với bảo tồn, phát huy vốn văn hóa ẩm thực truyền thống. Khách đến đây ai nấy đều rất thích thú, tới một lần sẽ mong được quay lại dù chỉ một lần.

Thú vị nhất là thưởng thức mâm cơm do chính bà con ở bản Mường So làm, ngoài một số món quen thuộc như: xôi gà, thịt lợn băm gia vị nướng lá chuối, thì có món cá nướng theo phong tục trọng khách, con cá được bổ đôi phần đầu, gập ngang, trông như hai đầu, rất lạ mắt. Có một điều khá đặc biệt, là tất cả trẻ em trong bản đều rất lễ phép. Đi từ đầu bản đến cuối bản, trẻ nào cũng khoanh tay chào khách với một thái độ hồn nhiên, ngoan ngoãn.

phong-canh-dep-lai-chau-laichau3

Quảng trường trung tâm tỉnh Lai Châu

Quảng trường trung tâm tỉnh Lai Châu được xây dựng giữa một bình nguyên rộng lớn, thoáng đãng với cụm tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Lai Châu, nhìn qua sân cỏ mênh mông, có cụm nhà hợp khối hoành tráng của các cơ quan tỉnh. Các đại lộ, đường phố cùng các khu phố được quy hoạch hợp lý, hợp với bối cảnh tự nhiên làm cho trung tâm Lai Châu mới khang trang, sạch, đẹp. Lai Châu cũng có nhiều khách sạn phù hợp với nhu cầu đa dạng của du khách hoặc người đi đường xa nghỉ chân.

Thác Tác Tình

“Tác Tình” từ xưa đến nay vẫn được người dân gọi bằng cái tên thân thương như vậy, nó gắn liền với đời sống vật chất cũng như văn hoá bản địa thường ngày của đồng bào. “Tác Tình” không chỉ đơn giản là tên một con thác mà còn là một truyền thuyết mang âm hưởng tình ca của một đôi trai gái yêu nhau nhưng tình yêu của họ gặp trắc trở do bị kẻ gian ác hãm hại chia cách, không được nên vợ nên chồng. Vì lời hẹn ước cô gái đã trẫm mình xuống dòng thác để giữ trọn thuỷ chung vì vậy người dân nơi đây gọi thác bằng cái tên rất lạ: Thác Tác Tình”.

Di tích đồn Mường Tè

Di tích nằm trên đồi “Phụ độn” tức là núi đồn thuộc bản Nậm Củm – xã Mường Tè. Được xây dựng trên đỉnh của ngọn đồi khá cao và hiểm trở, nằm giữa ngã ba của suối Nậm Củm và sông Đà.

phong-canh-dep-lai-chau-laichau4

Qua cầu treo Nậm Củm chúng ta ven theo sườn núi với tiếng reo của suối, tiêng vi vu của núi đồi, đâu đó những khoảnh khắc, những âm vang của một thời “tự trị” vọng về. Cứ mỗi khi đến đây, khi chạm bước chân trên con đường dẫn vào Đồn có cảm giác như lạc vào một khu rừng cổ tích, khí hậu trong lành, yên tĩnh, chỉ có gió từ Sông Đà đưa tới, lá rơi xào xạc, tiếng rì rầm của suối Nậm Củng. Thả những bước chân quanh bức tường rêu phong đầy lỗ đạn, sờ tay vào những bức tường lạnh lẽo một cảm giác thiêng liêng trỗi dậy một thời hào hùng, oanh liệt cũng là một thời đau khổ của nhân dân nơi đây dưới ách thống trị của thực dân pháp đã đi qua.

Sìn hồ

Cách thị xã Lai Châu khoảng 40km theo đường 4D, Sìn Hồ thực chất là một thung lũng nhỏ có những thửa ruộng bậc thang uốn lượn tựa làn sóng nhấp nhô giữa biển khơi.

Sìn Hồ là một bản gồm nhiều dân tộc khác nhau cùng cư trú. Tại bản Sìn Hồ có phiên chợ họp vào các ngày chủ nhật trong tuần. Nếu đúng dịp, du khách được chiêm ngưỡng một bức tranh đầy sắc màu trong phiên chợ của người dân vùng núi cao.

phong-canh-dep-lai-chau-laichau5

Với đặc trưng của xứ lạnh, nhiệt độ trung bình năm khoảng 18 độ C nên du khách đến Sìn Hồ thường được hướng dẫn thử tắm lá thuốc. Cảm giác được ngâm mình thư giãn trong thùng gỗ pơ-mu đổ đầy nước thuốc pha chế từ 20 vị của rừng, sau đó để lão Páo bấm huyệt, bao mệt nhọc sẽ tan biến, chỉ còn lại sự thư thái đầy sảng khoái.

Lai Châu đang trên đà phát triển và vươn tới những thành tựu mới, điều đó một phần thể hiện ở bức tranh du lịch đang khởi sắc. Có người nói, Du lịch Lai Châu đang trỗi dậy. Lai Châu ngày nay đã xây dựng được nhiều điểm đến xứng đáng được đưa vào hành trình về “nơi cuối trời Tây Bắc”.

GIADINH.NET.VN