“Làng Đại Bình” Xứ sở Nam Bộ giữa lòng miền Trung

1636

Tựa lưng vào núi, hướng mặt sông Thu Bồn thơ mộng, làng Đại Bình (Quế Trung, Nông Sơn, Quảng Nam) e ấp dưới những bóng cây xanh, những chùm quả sum suê. Đây là làng quê nổi tiếng với nhiều cái nhất ở miền Trung: thanh bình nhất, nhiều cây trái nhất, nhiều người sống thọ nhất…

Trầm tích làng Đại Bình

Xưa kia làng được gọi với tên Đại Bường, các bô lão trong làng kể rằng trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cả vùng đất Quế Sơn không nơi nào không hứng chịu bom đạn khốc liệt, nhưng thật kỳ diệu làng Đại Bường vẫn bốn mùa cây trái xanh mượt, bình yên. Có lẽ vì thế nên ngày nay làng Đại Bường còn được đọc chệch thành Đại Bình (bình yên lớn).

lang-hoa-trai-dai-buong-quang-nam-lang-dai-binh

Đại Bường giống như một bán đảo có đồi thấp, đồng ruộng, làng mạc, dòng sông và được bao bọc bởi hàng tre xanh. Làng như một chấm xanh ẩn trong lòng đầy quả lành trái ngọt giữa bàng bạc sông nước Thu Bồn.

Người Đại Bình (xã Quế Trung, Nông Sơn) vẫn không thôi tự hào về làng mình, bởi những cảnh sắc như thơ, yên bình và êm ả mà đất trời ưu đãi. Sâu xa hơn, niềm trân quý quê hương ấy còn được đắp bồi bằng những vỉa tầng văn hóa được gìn giữ qua bao đời. Ở đó có những gánh tuồng một thời nức tiếng làng trên xóm dưới, dựng nên đời sống tinh thần đẫm đầy hương quê. Gánh hát của ông Chơn, ông Phó Hường thuở nào, và bây giờ là những đội tuồng được thành lập từ người dân quê chân lấm tay bùn, vẫn đủ đầy xúc cảm nghệ thuật để níu giữ một loại hình truyền thống.

Cứ vài đêm, người làng lại tụ hội cùng nhau, để nghe những trích tuồng cũ, để giữ làng trầm mặc trước bao biến chuyển của đời sống hiện đại. Đời sống văn hóa này, âu là điều tất yếu, bởi những vun đắp từ nếp sinh hoạt đậm tính truyền thống của người Việt ở Đại Bình. Ở làng, đêm ngủ không cần cài cửa ngõ, trẻ con ra đường gặp người lớn khoanh tay chào. Những ngày xuân, làng rộn ràng trong lễ hội truyền thống. Chỉ cần một ngày cùng người dân ở làng hòa vào nếp sống đẹp như cổ tích này, sẽ thấy lòng thật an nhiên, thư thái.

lang-hoa-trai-dai-buong-quang-nam-lang-dai-binh-nong-son

Đường làng Đại Bình sạch sẽ, những hàng chè cỏ cắt tỉa thẳng tắp…

Còn nhớ đầu xuân năm rồi về Đại Bình, chúng tôi được ông Nguyễn Quốc Tín (92 tuổi) kể cho nghe những thăng trầm của làng xưa, về những điều chỉ còn tồn tại trong ký ức. Đại Bình, theo lời ông Tín, cái may lớn nhất là làng được yên bình qua hai cuộc chiến tranh. Bởi, bọn giặc chẳng dại đóng quân ở một nơi mà trước mặt là sông, sau lưng là núi, dễ bị tập kích mà chẳng có đường thoái lui như Đại Bình. Bom đạn cũng ít khi lạc đến làng, nên từ thuở lập làng, Đại Bình như một “an toàn khu” giữa núi rừng. Tuổi của ngôi làng đến nay cũng đã ngót nghét gần 300 năm. Ba thế kỷ, Đại Bình cứ lặng lẽ, bình yên với những gánh rau, mớ thịt heo gói lá chuối, từng mẹt cá sông theo các bà, các cô vô tới cổng nhà.

Không thể không nhắc đến vẻ đẹp của núi sông uốn lượn hòa quyện với nhau làm nên phông nền cho bức tranh thiên nhiên làng Đại Bình, với điểm nhấn là lũy tre bao quanh làng dọc theo sông Thu. Bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp và yên bình này là nét cuốn hút lớn nhất, giữ cho làng phong thái bình yên, tĩnh lặng. Những ngôi nhà bình dị lọt giữa vườn trái cây phong phú, sum sê của làng cũng là một trong những nét đẹp hiếm có của miền đất này. Sự thanh mát yên bình của những nếp nhà, cánh đồng lúa, những vụ mùa hoa màu trải dài trong tầm mắt. Ngôi làng bé nhỏ lọt giữa khung cảnh thiên nhiên hồn hậu tạo nên bao cuốn hút.

“Làng Nam Bộ” nơi thượng nguồn

“Vườn Nam Bộ” là thương hiệu từ lâu của Đại Bình. Những giọt phù sa chắt chiu qua từng mùa lũ, từng tháng năm và biết bao thế hệ người Đại Bình đã ươm mầm cho những vườn cây trái sum sê với đủ loại đặc sản miền Nam như sầu riêng, măng cụt, cam, quýt. Ẩn sau hành trình ươm mầm, sinh sôi của vườn cây trái là cả một công trình của tiền nhân, khi những hạt giống đưa về từ miền Nam mọc thành cây, rồi đâm cành, cho quả, xây nên niềm tự hào của người dân Đại Bình. Cộng thêm những tưới tắm từ thiên nhiên, đất làng này quanh năm cho rau xanh trái ngọt. Lạc giữa vườn quê Đại Bình, tưởng như đang ở trong bản tổng phổ màu của những họa sĩ chuyên nghiệp. Sắc vàng, sắc xanh, sắc trắng, nhuộm thêm cho nắng ươm vàng. Tháng ngày trôi trong những nhịp điệu yên ả. Có lẽ vì trời đất biết chọn vùng quê mà ưu đãi, nên Đại Bình – ngay ở tên gọi đã thấy cả một miền yên lành.

lang-hoa-trai-dai-buong-quang-nam-lang-dai-binh-3

Ở Đại Bình hàng rào của mỗi nhà là những rặng chè tàu xanh mơn mởn
lang-hoa-trai-dai-buong-quang-nam-lang-dai-binh-4
Sau bao nhiêu năm vẫn giữ được vẻ thanh bình độc đáo…

Cây trái Đại Bình còn đầy những thức quà để người ở quê mang đi thăm kẻ tha hương. Quả bưởi da xanh căng mịn, người dân nơi này quen gọi trụ lông, hay trái lòn bon chua chua ngọt ngọt, chùm quýt cứ lơ lửng vàng xanh trên cây… chừng đó cũng đủ nặng lòng người đi. Ông Nguyễn Trường Mỹ – Bí thư Chi bộ thôn Đại Bình chia sẻ rằng, cây trái ở làng mùa nào thức nấy. Người dân ở đây ngoài làm nông, nhà ai cũng có một khu vườn để vợ chồng con cái cùng chăm bón lúc nông nhàn. Ngoài ra, thôn cũng đã vận động bà con thay những rào kẽm gai bằng hàng chè tàu. Bao quanh làng là những rặng tre, đầu ngõ nhà là hàng chè tàu, lạc vào sân đã thấy bóng dáng cây trái, Đại Bình bốn mùa luôn xanh tươi và bình yên.

lang-hoa-trai-dai-buong-quang-nam-lang-dai-binh-1

Không khó để tìm thấy những cây hường sai trĩu như thế này ở làng Đại Bình
lang-hoa-trai-dai-buong-quang-nam-lang-dai-binh-5
Trụ lông – đặc sản của làng Đại Bình
lang-hoa-trai-dai-buong-quang-nam-lang-dai-binh-6
Trái bòn bon
lang-hoa-trai-dai-buong-quang-nam-lang-dai-binh-7
Quýt trĩu quả

Không chỉ giàu cây trái, những trầm tích văn hóa, cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, nếp sống của người làng Đại Bình cũng đủ để khách đường xa ấm lòng mỗi khi ngược nguồn tìm đến. Lòng mến khách, chân thật của người dân quê, những câu chuyện đối nhân xử thế đẹp như cổ tích luôn tồn tại ở ngôi làng tĩnh lặng này…

Đường đi đến làng Đại Bình

Từ Đà Nẵng theo quốc lộ về hướng Tam Kỳ, đến ngã ba Hương An (huyện Quế Sơn) rẽ vào đường ĐT611, qua đèo Le (khách có thể dừng chân ở đây để thưởng thức món gà đèo Le nổi tiếng) đến thị trấn Trung Phước – trung tâm huyện Nông Sơn rồi qua đò là du khách tới Đại Bình; hoặc từ Trung Phước đi thêm 2 cây số qua cầu Nông Sơn để vào làng.

lang-hoa-trai-dai-buong-quang-nam-dai-binh

Phương tiện người dân vẫn dùng để đi lại là đò ngang. Ảnh : Facebook Đại Bình Làng Tôi
lang-hoa-trai-dai-buong-quang-nam-dai-binh-1
Đường thứ 2 là đi vòng từ cầu Nông Sơn, ngược núi xuống

DANANG43.VN