Nhạc viện TP.HCM bị tố đối xử tệ với nhạc sĩ tài danh | Báo Giao thông

1258
giam-doc-nhac-vien-tphcm-thay-nam-1-0713
GS.TS. nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam

Lãnh đạo Nhạc viện không tôn trọng?

Mới đây, GS. TS. nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam đã gửi đơn thư phản ánh kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ xung quanh vấn đề đãi ngộ, quyền lợi trong thời gian giảng dạy tại Nhạc viện TP.HCM cho Báo Giao thông. Theo đơn thư trên, dù là một người cả đời tâm huyết với nghề, tận tụy với Nhạc viện TP.HCM nhưng GS. Nam không được Ban giám đốc Nhạc viện tôn trọng. Ông nêu cụ thể, trước đây Nhạc viện thường mời ông ra đề thi chuyên ngành Sáng tác bậc Cao học. Thế nhưng, ông bị bà Phó giám đốc Nguyễn Thị Mỹ Liêm xúc phạm nặng nề.

Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm tra làm rõ

Nhận được đơn thư phản ánh, kiến nghị của GS.TS. nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam, Văn phòng Chính phủ đã vào cuộc. Trong văn bản số 8113 do Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà kí ngày 27/9/2016 nêu rõ Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo: “Bộ VH-TT&DL chủ trì phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra làm rõ nội dung phản ánh kiến nghị của GS.TS, Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam liên quan đến Nhạc viện TP.HCM và có biện pháp giải quyết đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 30/10/2016”.

GS. Nam nêu ra sự việc trong đơn thư: “Trước tập thể phòng thi Cao học chuyên ngành Sáng tác, một thí sinh hỏi bà Mỹ Liêm: Có phải đề thi này thày Nam ra không? Bà Mỹ Liêm thẳng thừng tuyên bố trước các thí sinh: Làm sao thày Nam ra được đề thi sáng tác này? Ở nhạc viện này, người biết ra đề thi sáng tác không phải là thày Nam. Mấy em thấy thày Nam ra đề thi trẻ con không? May là cô kiểm tra, cô duyệt, cô loại…”.

Theo GS. Nam, việc bà Mỹ Liêm hành động như trên là một sự xúc phạm nặng nề đến nghề nghiệp của một người cả đời theo nghề như ông. Sức lao động không được tôn trọng, lòng tự trọng bị xúc phạm khiến ông bị tổn thương trong nhiều năm qua(?)

Bên cạnh đó, GS. Nam còn phản ánh về chế độ đãi ngộ tại Nhạc viện TP. HCM. Cụ thể, ngày 1/7/2015, ông ký hợp đồng dài hạn giảng viên cơ hữu với một cơ sở đào tạo tại TP HCM. Sau 20 ngày, cơ sở đào tạo này báo ông vẫn là giảng viên cơ hữu của Nhạc viện TP HCM. Về việc này, GS. Nam cũng rất bất ngờ, vì ông không phải là giảng viên cơ hữu mà là giảng viên thỉnh giảng của trường này.

Ông trình bày trong đơn thư: “Tôi đến Nhạc viện xin xác nhận tôi không phải là giảng viên cơ hữu của nhạc viện. Lúc này, nhạc viện buộc tôi phải làm đơn xin rút khỏi giảng viên cơ hữu. Họ đưa ra lý do tôi được phong hàm giáo sư là nhờ giảng viên cơ hữu của nhạc viện. Trong khi đó, bản đăng ký công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư của tôi trước khi gửi ra Hà Nội, bà Giám đốc Văn Thị Minh Hương ký xác nhận tôi là giảng viên thỉnh giảng của Nhạc viện TP.HCM”.

giam-doc-nhac-vien-tphcm-nguyen-van-nam-0718
Văn bản của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ VH,TT&DL và Bộ GD&ĐT làm rõ nội dung kiến nghị của nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam

Phó Giám đốc Nhạc viện TP.HCM: “Tôi rất buồn”

Trước những ý kiến trong đơn thư phản ánh kiến nghị phía trên, PV Báo Giao thông đã trao đổi với bà Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Phó giám đốc Nhạc viện TP.HCM. Bà Mỹ Liêm cho biết, ngay sau khi GS. Nam có thư gửi Thủ tướng Chính phủ, phía nhà trường đã có giải trình, đồng thời mời GS. Nam lên làm việc nhưng thày không lên vì lý do sức khỏe. Về vụ việc cụ thể trong đơn thư của GS. Nam, bà Liêm phủ nhận, cho rằng thiếu căn cứ, không đúng sự thật và mang tính vu khống cá nhân.

“Năm 2012 trở về trước, trường có hình thức ra đề độc lập. Ba giảng viên sẽ tự ra đề, tự niêm phong sau đó mang lên Ban giám đốc niêm phong một lần nữa. Khi đến ngày thi, học viên bốc trúng đề nào thì thi đề đó và bắt buộc phải có tôi ở đó để ký xác nhận. Phòng thi lúc đó ngoài tôi còn có Trưởng ban Thanh tra, hai giám thị phòng thi, giám thị hành lang, nhiều khi có cả Thanh tra Bộ (?) và các em thí sinh. Với chừng đó người, liệu tôi có phát biểu như vậy không?”, bà Liêm nói.

Bà Liêm cũng khẳng định: “Từ năm 2013 đến nay, trường vẫn ra đề cho học viên bằng hình thức độc lập như thế nhưng qua Ban giám đốc duyệt đề. Trình độ của GS. Nam hoàn toàn có thể ra đề. Năm 2012, 2013 GS. Nam vẫn ra đề cho kỳ thi Sáng tác của học viện. Tuy nhiên, đề GS. Nam không được học viên bốc trúng để chọn thi. Năm 2014, trường mời thày Nam ra đề tiếp nhưng thày từ chối”.

Ngay sau khi biết được ý kiến của bà Nguyễn Thị Mỹ Liêm, người thân của GS Nam trao đổi với PV Báo Giao thông khẳng định không đồng tình với giải thích của bà Liêm và cho biết gia đình rất mong các cơ quan chức năng xác minh làm rõ như chỉ đạo của Phó Thủ tướng. Hiện sức khỏe của GS Nam không tốt, gia đình không muốn câu chuyện này ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của giáo sư.

Trả lời về việc có hay không việc Nhạc viện buộc GS. Nam phải làm đơn xin rút khỏi giảng viên cơ hữu, bà Liêm khẳng định, GS. Nam từ trước đến nay không phải là giảng viên cơ hữu mà chỉ là giảng viên thỉnh giảng. Tuy nhiên, vì GS. Nam đã nhiều năm gắn bó với trường, nên trường ưu ái xem như giảng viên cơ hữu. “Tuy nhiên, khi GS. Nam (thực chất là bà Chi, vợ thày Nam) đến xin xác nhận không còn là giảng viên cơ hữu nữa thì tôi vẫn đồng ý. Tuy nhiên, trong đơn, GS. Nam ghi xin xác nhận “chưa từng là giảng viên cơ hữu của trường”. Đọc câu này, tôi rất buồn vì như thể thày phủi sạch hết tất cả những gì nhạc viện đã ưu ái cho GS. Nam. GS chỉ nên ghi “không phải là giảng viên cơ hữu của trường”.

Tôi cũng nói với GS: “Là người quản lý, tôi rất buồn khi thày nói một câu như vậy. GS nên xem xét lại vì những ân tình trường làm cho GS nhiều lắm”. Sau đó, GS có làm lại đơn với nội dung “không phải là giảng viên cơ hữu của trường” và tôi cũng đồng ý ký. Tuy nhiên, sau đó trường đã nhiều lần gọi điện mời GS lên lấy giấy xác nhận nhưng không ai nghe máy. Việc trong đơn GS nêu: “Nhạc viện buộc tôi phải làm đơn xin rút khỏi giảng viên cơ hữu” chỉ là suy diễn.

giam-doc-nhac-vien-tphcm-nhac-sy-1909
Nhạc sỹ Cát Vận và Lê Quang Vũ đánh giá cao những đóng góp của GS Nam cho nền âm nhạc Việt Nam

Viên ngọc quý của nền âm nhạc Việt Nam

Nhạc sĩ Lê Quang Vũ cho biết GS Nam là người Việt Nam đầu tiên viết 9 bản giao hưởng, mỗi bản phải viết 4-5 năm mới xong. “Về nội tình vụ việc, tôi chưa nắm rõ nên không dám nói, nhưng chế độ đãi ngộ của nhà trường cần phải hợp lý”, ông Vũ nói. Bản thân nhạc sĩ Cát Vận cũng khẳng định: “GS.TS, nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam là cây đại thụ về giao hưởng Việt Nam hiện đại. Ông vừa có tâm vừa tài, một trong viên ngọc quý đóng góp sự phát triển âm nhạc Việt Nam hiện đại”.

>>> Xem thêm video giọng ca Minh Thư thành quán quân Nhân tố bí ẩn:

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

BAOGIAOTHONG.VN