7 điều ít người biết về đất nước hạnh phúc Bhutan – VnExpress Du lịch

1386

bhutan-la-nuoc-nao-1-1505123596-680x0

Thịt trong các món ăn không có nguồn gốc từ Bhutan

Ở Bhutan, việc giết mổ động vật luôn bị cho là hành động sai trái và cấm kỵ. Người bản địa không được phép giết mổ động vật, nhưng không có nghĩa họ phải ăn chay hoàn toàn. Người Bhutan vẫn ăn thịt cá nhưng hầu hết loại thực phẩm này được nhập từ Ấn Độ. Việc cấm kỵ giết mổ cũng có nghĩa bạn không được phép giết dù là một con bọ hay côn trùng bò vào phòng khách sạn.

bhutan-la-nuoc-nao-2-1505123597-680x0

Phụ nữ Bhutan có thể có nhiều hơn một người chồng

Không chỉ đàn ông Bhutan có quyền lấy nhiều vợ mà phụ nữ cũng vậy. Chế độ đa phu đa thê hợp pháp tại Bhutan. Đây là tục lệ từ xa xưa khi con người muốn giữ gìn tài sản trong gia đình họ. Trong một số nền văn hóa, chuyện đàn ông nhiều vợ là bình thường còn phụ nữ có nhiều hơn một chồng lại rất hiếm. Điều này khiến người Bhutan có tư tưởng cởi mở hơn người dân tại các nước phát triển trong quá khứ, những nơi duy trì chế độ một vợ một chồng. Tuy vậy, chế độ đa phu đa thê chỉ còn duy trì ở các nhóm bộ tộc nhỏ ở Bhutan ngày nay.

bhutan-la-nuoc-nao-1235-1504843394-680x0

Người Bhutan không có họ

Ở đất nước này, mỗi người đều có hai tên, nhưng không phân chia theo họ và tên. Một số cha mẹ không đặt tên cho con mình mà chờ một ngày lành rồi đưa con tới đền để được một vị sư ban phước và đặt tên.

Nói cách khác, người dân Bhutan không có họ. Bởi thế mỗi đứa trẻ sinh ra có thể có tên hoàn toàn khác với cả gia đình, người ngoài khi nghe tới sẽ không biết họ có quan hệ ruột thịt. Ví dụ như cha của hoàng hậu Bhutan Jetsun Pema tên là Dhondup Gyaltshen, mẹ bà tên là Sonam Chuki. Trong khi đó hai anh em trai khác của bà có tên Thinlay Norbu, Jigme Namgyal và hai chị em gái tên Serchen Doma, Yeatso Lhamo.

bhutan-la-nuoc-nao-1235-1504843565-1505710473-680x0

Chặt cây, câu cá là hành vi bất hợp pháp

Ngoài cấm giết mổ, Bhutan còn quy định bắt buộc đất nước có ít nhất 60% lãnh thổ là rừng. Luật này đồng nghĩa với việc ai chặt cây (trừ khi có sự cho phép đặc biệt) luôn bị phạt nặng, thậm chí có thể vào tù. Bhutan khuyến khích người dân trồng cây để làm chất đốt và vật liệu xây dựng. Câu cá hay săn bắt động vật cũng bị cấm ở đất nước này và có mức phạt tương tự như chặt cây. Tuy nhiên nơi đây vẫn diễn ra những hoạt động đánh bắt cá bí mật vào ban đêm.

bhutan-la-nuoc-nao-7-1505124488-680x0

Người Bhutan rất thích pho mát

Không chỉ người dân châu Âu mới thích phomat, người Bhutan cũng vậy, đặc biệt là pho mát vị cay. Món đặc sản của họ là ema datshi (pho mát ớt) . Họ thường thêm ớt và tiêu để nấu cùng với pho mát thành một món ăn ấm ngon lành. Người Bhutan thích pho mát ớt tới mức ăn nó mỗi bữa hàng ngày. Khi hỏi bất kỳ người Bhutan nào nếu họ nấu ăn tại nhà ra sao, bạn có thể được nghe về cách làm món ema datshi. Họ còn làm pho mát thành các viên vuông treo lên để bảo quản, món này gọi là chogo. Khi ăn chogo, bạn có thể mất tới 45 phút mới hết một viên.

bhutan-la-nuoc-nao-8-1505124488-680x0

Người Bhutan vẫn thường xuyên mặc trang phục truyền thống

Trong khi ở nhiều nước khác, trang phục truyền thống được giữ cho dịp đặc biệt, đồ truyền thống ở Bhutan lại là quần áo để mặc thường ngày. Trang phục truyền thống của nam là gho, của nữ là kira. Người Bhutan mặc đồ này đi làm, đi đền chùa, công sở hay những dịp trang trọng. Đối với người làm cho chính phủ mặc đồ truyền thống còn là điều bắt buộc.

Bhutan nằm trong số ít quốc gia mà bạn vẫn thấy đàn ông mặc váy. Gho có từ thế kỷ 17 và là đồ truyền thống của người Tây Tạng. Phần túi lớn ở trước ngực không chỉ để giấu bụng béo mà nó còn có thể đựng từ điện thoại, chìa khóa và cả em bé nữa.

Tất cả nam hướng dẫn viên Bhutan đều mặc gho và được yêu cầu mang khăn trắng khi vào các pháo đài cùng khách. Vào những ngày đưa khách đi trekking trên vùng núi, hướng dẫn viên có thể cởi bỏ phần trên của gho và buộc hai tay áo quanh hông khi trời nóng.

Trẻ em tới trường cũng phải mặc đồ truyền thống hàng ngày.

bhutan-la-nuoc-nao-9-1505124489-680x0

Dù nhiều phụ nữ tại Bhutan mặc đồ thời trang trên phố, nhưng bạn vẫn có thể tìm thấy một số người mặc kira – một bộ váy mang cả nét truyền thống và hiện đại.

bhutan-la-nuoc-nao-night-life-thimphu-1505725187-680x0

Thứ 3 là “ngày khô” (Dry day)

Ý nói này không đề cập tới thời tiết mà nói tới đồ uống có cồn. Người Bhutan rất thích uống. Thực tế, mỗi người lớn Bhutan tiêu thụ tới 8,47 lít đồ uống có cồn, nhiều hơn mức trung bình thế giới (6,2 lít). Tại Bhutan có hơn 5.400 quán bar, ở thủ đô Thimphu còn có nhiều câu lạc bộ. Bhutan sản xuất rất nhiều sản phẩm như bia, rượu vang đỏ, rượu nhẹ để uống kèm đồ tráng miệng hay cả rượu mạnh.
Vào các ngày thứ 3 (Dry day), chính phủ Bhutan cấm các quán bar bán đồ uống có cồn. Ngoài ra, thuốc lá cũng là mặt hàng bị cấm hoàn toàn ở vương quốc này.

Theo Asia One

VNEXPRESS