Đi du lịch Yên Bái, du khách không chỉ được đắm chìm trong cảnh sắc êm ả của núi rừng Tây Bắc mà còn được thưởng thức các món ăn dân dã của đồng bào vùng cao. Đặc sản Yên Bái mỗi món đều có hương vị riêng rất độc đáo, mà thực khách dù chỉ mới được thưởng thức một lần cũng không thể nào quên.
Bánh chim gâu
Đây là một trong những món ăn được coi là đặc sản ở xã Yên Thành, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Gọi là đặc sản bởi sự cầu kỳ trong cách làm bánh và câu chuyện về chiếc bánh mang ý nghĩa của tình mẫu tử này. Nguyên liệu chính để làm bánh là gạo nếp và không thể thiếu được lá dứa rừng – thứ lá giờ được nhiều không ít gia đình mang về trồng quanh nhà để đồng bào lấy làm vị thuốc chữa bệnh dạ dày.
Cầu kỳ hơn, người làm bánh có thể trộn thêm một chút đỗ xanh, hay nhuộm gạo các màu bằng các loại lá cây hoặc ngâm gạo bằng nước tro nẳng để tạo thêm hương vị khác nhau. Ở vùng đồng bào xa xôi, thứ bánh này có thể mang đi nương rẫy dùng tạm bữa trưa khi buổi làm quá bóng; có thể trở thành đồ ăn cho những bé đến trường. Đặc biệt bánh chim gâu được tặng như một thứ đặc sản để chia sẻ tình cảm với nhau, là món quà quý mà người mẹ dành cho mà trẻ em rất thích.
Khoai tím Lục Yên
Món ăn nhìn qua thấy bình thường, nhưng ăn rồi thì khó quên. Nó bùi, béo, dẻo, bở và có mùi thơm riêng biệt của khoai mon nơi đây mà không có thứ khoai nào có được.
Đứng xa thoạt nhìn, thấy củ khoai sọ có độ lớn và hình dáng hao hao củ nâu. Khoai chỉ có một củ cái, nếu thu hoạch sớm thì củ chỉ bằng hai bàn tay khum lại chụm vào nhau, còn khoai già, cỡ lớn thì tương đương cái ấm tích pha chè tươi. Nếu được thưởng thức hương vị bùi, thơm, bở, dẻo và đậm đà của thứ khoai đặc sản này, thứ khoai mà ăn no, ăn liên tục cũng vẫn không biết chán, thì mới biết đây là thứ khoai quý.
Mận tam hoa
Thường vào đầu tháng 5 âm lịch, mận chín và bắt đầu mùa thu hái. Trên cao nguyên bảng lảng mây nắng, những vườn mận trĩu quả, nhiều chùm còn xanh, và nhiều chùm đã ngả màu tím. Thấp thoáng, những cô gái Mông thoăn thoắt bàn tay hái những chùm mận sai trĩu…chẳng mấy chốc đã đầy một gùi.
Ở nước ta vốn đã rất nổi tiếng với mận tam hoa Bắc Hà, Lào Cai nhưng có lẽ nhiều người dân Yên Bái dù đi xa vẫn khó có thể quên cái vị đậm, chua nhưng không gắt, hơi giòn và rất ngon của mận tam hoa Mù Cang Chải.
Măng Bát Độ
Cây tre măng Bát Độ hoàn toàn phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, trình độ canh tác của đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó ưu việt nhất là đầu tư ít, nhanh cho thu hoạch, là cây dài ngày, không sâu bệnh, dễ trồng và đặc biệt là năng suất cao, đầu ra ổn định, giá cả hợp lý và góp phần cải tạo môi trường sinh thái, phủ xanh đất trống đồi trọc.
Tre măng Bát Độ được trồng nhiều nhất ở huyện Trấn Yên, với diện tích lớn. Khi thu hoạch, măng tre Bát Độ có củ to, năng suất cao hơn rất nhiều lần so với loại măng tre bình thường. Măng to (3-8 kg), vỏ mỏng, thịt trắng – dày – lõi nhỏ, tỷ lệ thịt đạt trên 85%, ăn rất ngon và giòn. Măng có tác dụng tăng cường tiêu hoá, phá đờm, nhuận phổi, giảm béo phì. Ăn thường xuyên còn có tác dụng phòng trừ áp huyết cao rất tốt.
Nếp Tú Lệ
Thưởng thức món xôi nếp ở đây quả là một ấn tượng không thể quên. Đặc biệt là mùi thơm, dù đã ăn xôi nếp rất nhiều lần nhưng chưa bao giờ tôi cảm nhận thứ gạo này khoe đầy đủ mùi thơm như ở trên chính quê hương của nó. Vị ngọt ngào, vừa đủ ngậy mà không quá béo, vừa đủ độ mềm dẻo mà không quá ướt hay quá khô để người thưởng thức khó tính nhất cũng phải tấm tắc.
Gạo nếp Tú Lệ chẳng cần phải thêm đỗ, thêm dừa cho đậm đà mùi vị. Chỉ xôi gạo không thôi mới thấy hết sự mộc mạc của núi rừng, sự tinh túy của trời đất. Ngoài thổi xôi, gạo nếp Tú Lệ dùng để gói bánh chưng, giã bánh dày hay chế biến các món bánh khác cũng đặc biệt thơm ngon. Sẽ thú vị hơn khi trong mỗi mâm cỗ ngày lễ tết hay trong mỗi túi quà quê biếu người đi xa, có thêm hương vị của nếp Tú Lệ – đặc sản của một vùng quê hương Yên Bái.
Cam Văn Chấn
Nhiều người biết đến Văn Chấn không chỉ với những cây chè cổ thụ Suối Giàng, những bãi tắm nước nóng tuyệt đẹp… mà Văn Chấn còn nổi tiếng với những vườn cam rộng lớn ở thị trấn Nông trường Trần Phú. Cây cam đã và đang góp phần tích cực trong xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân nơi đây. Chính từ loại cây này, thị trấn Nông trường Trần Phú đã có những “triệu phú cam”…
Cam Văn Chấn có vỏ ngoài mỏng và đẹp, để được lâu; bên trong quả cam có tỷ lệ sơ thấp, nhiều nước, ít hạt, mùi thơm ngọt. Cam Văn Chấn từ lâu đã khẳng định được chất lượng và thương hiệu đối với người tiêu dùng Yên Bái. Tuy nhiên, thực tế cam Văn Chấn chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến và chất lượng chưa thể so sánh với các loại cam nổi tiếng như: cam Hà Giang hay cam Vinh.
Mọc vịt Lục Yên
Đến huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái mà không nếm thử món vịt bầu Lục Yên được coi chưa tới Lục Yên. Vịt bầu Lục Yên thịt chắc, thơm ngon, nhân dân thường làm các món ăn như vịt luộc, quay, nướng, hấp cách thủy và làm mọc. Theo thói quen ở địa phương đã mổ vịt là không thể thiếu 2 món là bát tiết canh và đĩa mọc.
Thịt vịt là món ăn dân dã của nhân dân Lục Yên, trong các món ăn chế biến từ vịt thì mọc vịt là món ăn lạ miệng với khách. Ngồi nhâm nhi chén rượu ngô được ủ bằng men lá cây, ăn món mọc vịt như một loại “bánh trong làng” vừa lạ miệng vừa ngon, chắc chắn sẽ là một trong những kỷ niệm đáng nhớ khi đến vùng đất Ngọc Lục Yên.
Thịt trâu gác bếp
Thịt trâu gác bếp là món ăn đặc sản của người Thái đen. Món này thường được làm từ thịt bắp của những chú trâu thả rông trên các vùng núi, đồi. Khi chế biến, người ta róc các thớ thịt ra thành từng miếng, rồi hun bằng khói của than củi được đốt từ các loại cây mọc trên núi đá.
Mùi khói trong thịt trâu khiến ai nhạy cảm đều rất khó chịu, tuy nhiên để át đi mùi khói và tăng thêm hương vị của món thịt, phải nhờ vào kỹ thuật tẩm ướp trước khi gác bếp. Người làm dùng cách tẩm ướp thịt với các gia vị khác như ớt, gừng, đặc biệt là mắc khén – một loại hạt tiêu rừng của người dân tộc thiểu số vùng cao Tây Bắc.
Cá sỉnh
Cá sỉnh được người Thái ở Văn Chấn – Nghĩa Lộ (Yên Bái) coi là món đặc sản đáng tự hào bởi loại cá này chỉ sống duy nhất nơi đây. Cá sỉnh ưa sống ở nơi nước xiết, mình thon dài, đầu nhỏ, vẩy trắng, lăn tăn như hoa bạc, hai bên lườn ánh xanh. Con nào to nhất cũng chỉ bằng bốn ngón tay, thịt chắc, vị ngọt đậm, thơm, không hề có vị tanh, xương ít lại rất mềm.
Cá sỉnh có thể chế biến thành nhiều món ăn thơm ngon, độc đáo như: Pa chen (cá rán),Pa pỉnh tộp (cá nướng),Pa mọ (cá hấp), Pa sủm: Cá sỉnh ướp riềng và thính gạo, muối vừa đủ, để 2 – 3 ngày, lúc này cá sỉnh có mùi thơm và vị chua, có thể om lửa nhỏ cho đến khi cá cứng lại, hoặc nấu canh măng chua, Pa giảng: Cá sỉnh mổ sạch ướp ớt, hạt sẻn, gừng, sấy trên bếp lửa khói cho khô, để dành, Pa pho: là món cá sỉnh ướp gừng, hạt sẻn, ớt, gói lá dong vùi than, Nậm pịa: Ruột cá sỉnh (không để dính nước) đem chưng với hành, gừng, ớt, hạt sẻn. Dùng để chấm các món chế biến từ cá sỉnh.
Bọ Xít nhãn chiên giòn
Cứ vào tháng tư khi mùa hoa nhãn nở rộ, trên những chùm hoa phủ đầy phấn trắng xuất hiện nhiều chú bọ xít bám dày. Khi đó, người dân xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn (Yên Bái) lại bắt đầu chuẩn bị chăm sóc cho mùa quả ngọt mới và lại có thêm một món ngon trên mâm – món bọ xít chiên giòn. Món bọ xít chiên thật hấp dẫn với màu vàng sẫm óng, vị ngọt, ngậy nơi đầu lưỡi và giòn tan thơm nức rất độc đáo, nhấp một chút bia hay ngụm rượu thì hẳn là tuyệt vời.
Bọ xít khi đã được sao vàng không còn mùi hăng hắc đặc trưng nữa mà có mùi rất thơm. Lúc này đem vặt bỏ đầu, cánh, rút ruột rồi đem chiên với dầu hoặc mỡ. Điều đặc biệt là không phải ướp bọ xít với gia vị gì, kể cả mắm, muối, mì chính. Khi ăn, đổ dầu lưng chảo, rồi xúc bọ xít vào rá sắt, nhúng vào dầu sôi một lát, rồi nhấc ra đĩa là xong.Gia vị duy nhất ăn với bọ xít là lá chanh thái chỉ và một chút nước cốt chanh. Bản thân con bọ xít đã mang đủ các vị cay, mặn, ngọt, bùi…
Dế mèn rán
Tháng 7 âm lịch khi nhãn Mường Lò chín rộ, mùa bọ xít nhãn đã hết, những cơn mưa rào tự nhiên bỗng nhẹ đi và kéo dài ra để bước vào tháng ngâu, cỏ non bắt đầu nhú lên cũng là lúc những con dế trở nên mập mạp, bóng bẩy, béo ngậy pha lẫn chút bùi bùi và ngòn ngọt, hấp dẫn và đầy ấn tượng.
Dế sau khi chiên xong có màu vàng ruộm và mùi thơm đặc trưng của các loại gia vị hòa quyện vào nhau. Bạn có thể rưới thêm nước ớt hoặc nước măng chua tăng phần đậm đà cho món ăn. Một đĩa đặc sản dế mèn đã bày ra trước mắt mùi thơm lừng. Ăn phần đầu hay phần đùi thì giòn tan, phần bụng thì dai dai, bùi bùi. Dế chiên giòn có thể ăn kèm cùng cóc xanh, xoài xanh, dưa chuột, chanh… tạo cảm giác ngon miệng, đồng thời giảm độ béo ngậy. Dế mèn dùng để nhắm bia hay nhắm rượu đều tuyệt.
Bánh Chưng đen Mường Lò
Món Bánh Chưng đen Mường Lò cũng khiến cho ai đã nếm đều muốn ăn thêm. Bánh được đồng bào dân tộc Thái nơi đây làm ra với ý nghĩa thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời. Món bánh đặc sản này không thể thiếu trên mâm cỗ cúng tổ tiên, trời đất mỗi khi xuân về.
Bánh chưng đen giản dị, mộc mạc như người Thái nhưng ẩn sâu trong đó là sự tinh tuý của đất trời và tấm lòng của những người gói bánh. Bánh chưng đen giờ không chỉ được thưởng thức trong ngày tết, ngày hội của bản mà đã trở thành món ăn giàu bản sắc văn hóa của người dân và là món ẩm thực độc đáo với nhiều du khách khi đến Mường Lò – nơi miền Tây Yên Bái.
Chè tuyết Suối Giàng
Ai đã từng lên thăm xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, đều không khỏi ngỡ ngàng trước bạt ngàn những cây chè cổ thụ.Chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng xưa nay được xem là một trong những thức uống thơm ngon bậc nhất so với sản phẩm từ tất cả các vùng chè trên cả nước.
Các gốc chè ở đây có thâm niên hơn 300 tuổi, thân to, có cây đường kính lên đến hàng mét, lá và búp chè to khác hẳn với các loại chè khác. Búp có màu trắng xám, nhìn giống như có một lớp phấn hoặc lông như bông tuyết nên người dân gọi là chè tuyết -giống chè shan lưu niên hội tụ cả ba yếu tố hương thơm, vị đậm, nước xanh. Chè Tuyết cổ thụ uống có rất nhiều tác dụng tốt cho cơ thể chống ôxy hóa, giúp mọi người tỉnh táo, sảng khoái… Nước chè sóng sánh như mật ong rừng, sau khi uống vị ngọt, đượm cảm nhận được vị của chè rất lâu như hương của núi rừng tan dần trong miệng.
DU LỊCH MIỀN BẮC