Bảo tàng Đắk Lắk được thành lập từ năm 1976, đến năm 2008 được tỉnh Đắk Lắk đầu tư xây dựng mới và khánh thành vào năm 2011 là một sự kiện rất có ý nghĩa trong đời sống văn hóa – xã hội của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung, thể hiện sinh động chính sách dân tộc và sự quan tâm đến mục tiêu bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
1. Với vị trí trung tâm của vùng Tây Nguyên, Đắk Lắk là một tỉnh có nhiều dân tộc, với truyền thống lịch sử và văn hóa lâu đời. Công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh đang diễn ra mạnh mẽ, cùng với cả nước phấn đấu thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Bảo tàng Đắk Lắk được thành lập từ năm 1976, đến năm 2008 được tỉnh Đắk Lắk đầu tư xây dựng mới và khánh thành vào năm 2011 là một sự kiện rất có ý nghĩa trong đời sống văn hóa – xã hội của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung, thể hiện sinh động chính sách dân tộc và sự quan tâm đến mục tiêu bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Bảo tàng Đắk Lắk được xây dựng mới cả về nội dung lẫn hình thức để xứng tầm với lịch sử lâu đời và nền văn hóa phong phú, đa dạng của địa phương, với địa danh Buôn Ma Thuột nổi tiếng – thành phố trung tâm khu vực Tây Nguyên.
2. Trong số hơn 10.000 hiện vật đã sưu tầm, tích lũy kể từ năm 1977 đến nay, có trên 1000 hiện vật được lựa chọn cho trưng bày thường xuyên và tổ chức thành 3 không gian trưng bày chính: Đa dạng sinh học, Văn hóa dân tộc và Lịch sử.
Không gian trưng bày Đa dạng sinh học có diện tích khoảng 350m2 với hơn 200 hiện vật và hình ảnh hấp dẫn nhằm giới thiệu đến công chúng về một miền đất cao nguyên trù phú, có nhiều thắng cảnh đẹp như hồ Lắk, hồ Cư Mil, thác Drai Anur… tạo điều kiện thuận lợi cho Đắk Lắk phát triển kinh tế, du lịch. Bên cạnh đó, không gian trưng bày này còn giới thiệu về tài nguyên rừng của tỉnh khá giàu có, với sự phong phú của nhiều loài động thực vật, có những loài nằm trong sách đỏ như: bò rừng, bò tót, bò xám, nai cà tông, voi, hổ, báo… ở đây chúng ta cũng được thấy một vài loài thực vật đặc hữu của vùng Trường Sơn – Tây Nguyên như thủy tùng, thông lá dẹp, thông năm lá. Bên cạnh diện tích rừng tự nhiên, ngành Trồng rừng cũng được chú trọng phát triển nhằm phục vụ nhu cầu lâm sản cũng như điều tiết nguồn nước, hạn chế thiên tai. Là tỉnh có diện tích đất đỏ bazan rộng, màu mỡ thích hợp với nhiều loại cây công nghiệp như cà phê, cao su, hồ tiêu… trữ lượng xuất khẩu lớn, những cây cà phê, cao su này khi hết tuổi khai thác sẽ được sử dụng làm đồ mỹ nghệ và gia dụng. Du khách đến với Đắk Lắk bên cạnh tìm hiểu về mảnh đất và con người nơi đây, còn có thể chọn cho mình một món quà đặc sản như cà phê, tiêu, mật ong… hoặc các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Tuy nhiên, sự đa dạng sinh học ở Đắk Lắk đang bị suy giảm nghiêm trọng mà phần lớn là do tác động của con người. Nhằm giáo dục và kêu gọi ý thức bảo vệ môi trường cũng như bảo vệ sự đa dạng sinh học, trong không gian trưng bày này Bảo tàng cũng dành một phần lớn diện tích cho nội dung cảnh báo môi trường và phát triển bền vững.
Phòng trưng bày Văn hóa dân tộc với diện tích trên 700m2, bao gồm hơn 450 hiện vật đã khái quát đời sống vật chất và tinh thần của ba cư dân tại chỗ (Ê Đê, Mnông và Giarai) cùng với các dân tộc nhập cư đến từ khắp mọi miền của Tổ quốc. Các hiện vật được lựa chọn trưng bày là những hiện vật đặc sắc. Nội dung thông tin được chuyển tải tới công chúng theo từng chủ đề, thông qua những bài viết lớn, bài viết nhỏ, chú thích, hình ảnh và phim video.
Lấy cảm hứng từ ngôi nhà sàn dài của người Ê Đê, phần trưng bày các dân tộc tại chỗ được chia thành nhiều gian nhỏ, đưa du khách đi từ không gian thóang đãng vào không gian nhỏ hơn như thể bước vào gian phòng của những người con gái và gia đình chủ nhà rồi lại đi ra không gian của mái hiên, góc sân, nương rẫy, đem lại cho du khách cảm giác mộc mạc, vững chãi như những thân cây độc mộc của núi rừng được đem về để tô điểm cho ngôi nhà bằng cách đục đẽo để tạo ra những chiếc cầu thang lên xuống, ghế kpan hay những cột tượng nhà mồ. Những bức tường được sơn màu đỏ với ý nghĩa tượng trưng cho màu đất đỏ bazan của vùng cao nguyên Đắk Lắk.
Ngay lối vào là hình ảnh các dân tộc Đắk Lắk, tiếp đến phần trưng bày Nông nghiệp sẽ giới thiệu du khách cách thức sinh sống của các cư dân nơi đây. Họ canh tác nương rẫy để trồng lúa và các loại hoa màu, đồng thời cũng biết săn bắn, đánh cá và hái lượm để có lương thực phục vụ cho cuộc sống hàng ngày. Phần nghề thủ công giới thiệu các nghề: dệt vải, đan lát, làm đồ đựng bằng đất nung và rèn công cụ. Trong không gian trưng bày về cồng chiêng du khách như đang ngập chìm trong âm thanh rộn rã của cồng chiêng cùng với nhiều loại nhạc cụ khác được chế tác từ nguyên liệu có sẵn trong thiên nhiên. Nơi trưng bày những ché đựng rượu, du khách sẽ có cảm giác được ngất ngây trong men rượu cần, với hàng loạt chiếc ché khác nhau về kiểu dáng và đầy ý nghĩa. Phần trưng bày về nghi lễ rất đa dạng, bao gồm nghi lễ nông nghiệp và nghi lễ vòng đời người từ khi sinh ra đến lúc về với thế giới ông bà tổ tiên.
Bên cạnh các dân tộc tại chỗ là những cư dân nhập cư vào các thời gian khác nhau, trong đó người Kinh (Việt) đông nhất từ các tỉnh Nam Trung Bộ, người Mường, Thái, Tày, Dao, Nùng… đến từ miền Bắc, người Xơ-đăng, Bru – Vân Kiều từ các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên. Tuy đã xa quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của mình nhưng họ vẫn lưu giữ được những nét văn hóa của quê hương gốc, hòa nhập với những cư dân tại chỗ làm nên một sắc thái văn hóa đặc sắc, độc đáo, đa dạng và phong phú, một Đắk Lắk mang đậm sắc màu Tây Nguyên.
Không gian trưng bày Lịch sử là một trong ba nội dung trưng bày thường xuyên của Bảo tàng. Với diện tích trưng bày hơn 700m2 hơn 400 hiện vật và ảnh tư liệu nhằm giới thiệu các giai đoạn của lịch sử Đắk Lắk từ thời đại đồ đá đến hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và Đắk Lắk trong giai đoạn 1975 đến nay. Đặc biệt nhất là sa bàn trận đánh Buôn Ma Thuột 10-3-1975 đã tái hiện lại trận đánh mở màn cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tạo điều kiện cho quân và dân cả nước giành thắng lợi trên chiến trường miền Nam tiến tới thống nhất nước nhà.
3. Có thể nói, so với các bảo tàng cấp tỉnh trong khu vực, Bảo tàng Đắk Lắk đã tạo nên một phong cách riêng, mới cho khách tham quan đặc biệt là khách tham quan nội địa trong những thập niên đầu của thế kỷ XXI ở Việt Nam nói chung, Tây Nguyên nói riêng. Bảo tàng Đắk Lắk là một bảo tàng cấp tỉnh thử nghiệm trưng bày theo quan niệm bảo tàng học tiên tiến và phương pháp trưng bày hiện đại. Hệ thống thông tin được chuyển tải qua các bài giới thiệu, các chú thích, ảnh, phim… Đặc biệt, với việc đặt tiếng Ê Đê bên cạnh các ngôn ngữ Việt, Pháp, Anh, Bảo tàng Đắk Lắk là bảo tàng đi tiên phong trong việc sử dụng ngôn ngữ dân tộc thiểu số tại chỗ trong trưng bày. Bên cạnh đó, Bảo tàng còn sử dụng cả ngôn ngữ của các dân tộc khác trong tên gọi những hiện vật của chính họ, thể hiện sự tôn trọng chủ thể văn hóa, tôn trọng cộng đồng. Không những thế Bảo tàng Đắk Lắk còn chứng tỏ sự nhanh nhạy qua việc đưa một phần trưng bày về cảnh báo môi trường trong điều kiện thế giới đang nóng lên về việc biến đổi khí hậu của trái đất như hiện nay.
Bằng việc tôn trọng hiện vật gốc, tôn trọng chủ thể sáng tạo ra hiện vật, tôn trọng cộng đồng qua những thước phim phản ánh chân thực đời sống văn hóa cộng đồng. Bảo tàng Đắk Lắk đã xây dựng hình ảnh của mình mang phong cách một bảo tàng hiện đại nhưng vẫn đậm chất truyền thống dân tộc, nhằm vươn tới một bảo tàng đẳng cấp trong khu vực.
Với sự quan tâm, giúp đỡ, tham gia tích cực của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh và đồng bào các dân tộc Đắk Lắk đã cung cấp hiện vật, tư liệu, đồng thời với sự giúp đỡ của Chính phủ Cộng hòa Pháp, Đại sứ quán Pháp, các chuyên gia Pháp cũng như Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã nhiệt tình hợp tác, giúp đỡ trong tư vấn chuyên môn và bảo tàng học công trình Bảo tàng Đắk Lắk đã có được một diện mạo hòan toàn mới. Từ khi khai trương đến nay, Bảo tàng Đắk Lắk luôn là một địa chỉ văn hóa vô cùng hấp dẫn mọi du khách, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu và trân trọng những giá trị văn hóa, lịch sử của quê hương, đất nước mình.
Amí Tâm
THEGIOIDISAN.VN