Bình yên cánh đồng cừu An Hòa, Ninh Thuận | Lao Động Online – Tin tức mới nhất trong ngày – LAODONG.VN

1109

2_ckge

Nếu bạn quá phấn khích và mê mẩn những thước phim, bối cảnh đẹp về những cánh đồng cừu thơ mộng, mênh mông hay muốn tìm hiểu và trải nghiệm cuộc sống của những người dân du mục ở xứ nắng gió Ninh Thuận, hãy lên kế hoạch một chuyến đi khám phá đến vùng đất này vào dịp cuối tuần để thưởng ngoạn vô vàn điều thú vị.

Nhắc đến Phan Rang thì đây là vùng đất loài cừu sinh sống nhiều nhất cả nước với số lượng lên đến hàng trăm ngàn con, tập trung ở hầu khắp các khu vực thôn, huyện của tỉnh. Nhiều du khách có dịp đến Ninh Thuận chia sẻ rằng bạn sẽ dễ dàng trong việc tìm thấy các cánh đồng cừu, đàn cừu đang gặm cỏ,…khi đi trên đường quốc lộ, trên các cánh đồng cỏ hay trong các vùng nông thôn, miền núi.

1_uoec
An Hòa là đồng cừu lớn nhất tỉnh, thu hút khách du lịch bụi đến tham quan trải nghiệm

Thế nhưng để tìm được một đồng cừu rộng, có quan cảnh đẹp và mang lại những trải nghiệm thú vị về cuộc sống của dân du mục thì quả là một chuyện không hề dễ dàng. Vì hiện nay chưa có công ty nào mở tour khai thác tham quan trải nghiệm độc đáo này cũng như chưa có những bài viết tư vấn, đánh giá từng điểm đến săn ảnh cừu một cách chi tiết nhất.

Sau mãi một tuần tìm kiếm thông tin, địa điểm chụp ảnh cừu, chúng tôi được anh Trường Khoa (hay quen gọi là Khoa Danh) – một thổ địa am tường địa điểm, đã tận tình dẫn chúng tôi đến các trang trại cừu để tìm hiểu viết bài, sau đó dắt ra từng cánh đồng để khám phá cuộc sống của những chú cừu.

Mọi người trong nhóm rất phấn khởi vì sắp thực hiện một chuyến đi thú vị, thế nhưng oái ăm thay, Phan Rang đón chúng tôi bằng những trận mưa tràn trề suốt ngày đêm. Trong hành trình 4 ngày lưu lại vùng đất này, mãi đến ngày cuối cái nắng yếu ớt mới dần hé lộ như cảnh ông trời sót thương ban cho chúng tôi một chút điều kiện tốt để đi săn cừu.

2_ckge
Thuận Bắc, Ninh Phước, Ninh Hải là ba huyện tập trung cừu lớn nhất ở Ninh Thuận

Sáng hôm đó, chúng tôi dậy sớm tranh thủ đến đồng cừu An Hòa theo sự chỉ dẫn của anh Danh để tìm hiểu. Đồng cừu An Hòa thuộc thôn An Hòa, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, nằm cách trung tâm thành phố 15km đi theo hướng tây bắc xuôi về Nha Trang theo quốc lộ 1A.

Theo như lời anh Danh cho biết: “Đây là nơi có số lượng cừu lớn nhất tỉnh và là nơi có phong cảnh đẹp và hữu tình. Săn cừu và tìm hiểu dân du mục ở đây thì quả rất tuyệt”.

Vì đến trại cừu sớm lúc 7h sáng, nên chúng tôi được người dân nơi đây mời dùng bữa trước khi ra đồng chăn cừu. Bữa sáng của họ với những món đơn giản đậm chất miền nắng gió. Chén cơm trắng chan mắm nêm làm từ cá cơm thơm nồng nàn, cá nục kho và vài miếng cà tím, cà giòn chấm đã làm bao người chúng tôi phải say lòng với những món ăn dân dã này. Bữa cơm hôm ấy khác với ngày thường, vì có đoàn du khách đến dùng chung với những tiếng hỏi han, vui cười rơm rả khiến không khí thêm sinh động.

3_ljxx
Khoảng 8-10h sáng là thời điểm lùa cừu ra đồng chăn

Dùng bữa xong đã tầm 7h30 khi cái nắng đã lên cao mà người dân vẫn chưa thả cừu ra đồng chăn. Chúng tôi mới thắc mắc hỏi: vì sao giờ này không cho cừu đi ăn sớm? Một anh người dân tộc Chăm cười khì nói: “Chờ sương khô mới dám thả cừu ra đồng, vì sương buổi sớm dễ gây bệnh cho đàn dê, cừu. Từ 8-10h là thời gian tốt để thả cừu đi ăn, chiều khoảng 4-5h lùa về trại cho ăn bổ sung”.

Thế là giờ chúng tôi mới biết thêm thông tin về hoạt động sinh hoạt của loài cừu dễ thương này. Tranh thủ lúc chờ cừu ra đồng chúng tôi trò chuyện vui vẻ cùng người dân để biết thêm về cuộc sống của họ và những chú cừu.

Đa phần dân du mục chăn thuê cừu, dê, bò là những người dân tộc làm thuê cho các ông chủ lớn, giàu có. Họ có vốn bỏ tiền ra xây dựng trang trại, mua cừu về thuê lại những người dân nghèo khổ để cho họ chăn, nuôi. Họ chịu trách nhiệm chính trong việc nuôi cừu cho lớn, tìm kiếm nguồn thức ăn trên cánh đồng và thậm chí di chuyển trang trại sang các khu vực khác nếu vùng đó cạn kiệt thức ăn.

4_jehh
Các loại cây đậu xanh, đen, đỏ,…cũng là nguồn thức ăn ưa thích của cừu

Cừu là loài vật hiền lành, được nuôi trên các nhà sàn bằng gỗ giúp thuận lợi cho việc thu dọn phân chuồng và tránh lây nhiễm bệnh. Cừu mỗi năm sinh từ 1-3 con, nuôi khoảng 8-9 tháng nặng khoảng 35-40 kg và cũng là lúc để bán thịt. Cừu sau khi bán, trừ mọi chi phí, lãi sẽ được tính ăn chia theo tỷ lệ 3:7, 4:6 giữa người chăn và chủ trang trại (tùy theo thỏa thuận).

Hơn 8h các người dân ở đây mới thả cừu ra đồng cho ăn. Đàn cừu cả ngàn con từ 6-7 chuồng ùa ra lũ lượt, nhanh chân chạy về phía lòng hồ Thanh Sơn, đồng cừu An Hòa để tìm cho mình bữa sáng ngon miệng với những bụi cỏ non mới nứt, cây bụi nhỏ,…

Theo chân cùng người dân và đàn cừu ra đồng để tìm cho mình những bức ảnh đẹp, chúng tôi thấy ngỡ ngàng trước sự yên bình của một vùng quê non nước hữu tình với bốn bề non sông, đồng rộng, hồ nước, cánh đồng cỏ hòa quyện nhau trông như chúng tôi đang lạc vào một vùng thảo nguyên Mông Cổ nào đấy.

Thấy những thảm cỏ xanh mơn mởn ra lá sau những ngày mưa, đàn cừu chạy vụt lại tranh nhau cắn “từng tựt” “từng tựt” từng miếng một, miệng nhai “xoàm xoạp” rất ngon lành. Chúng đi đến đâu, cỏ trụi lơ đến đó và cứ thế lan dần ra khắp cánh đồng, để lại phía sau những đám cỏ chỉ còn “gốc sát đất”.

“Cỏ sau khi bị cừu ăn khả năng rất lâu phát triển nhánh mới, do đó những khu vực nào có dấu chân và miệng cừu thì cánh đồng ấy trụi lơ, bằng phẳng. Anh nhìn thử về cánh đồng trên kìa, tháng trước cừu được chăn trên đấy, nay đã không còn cỏ xanh nữa, phải đợi cả vài tháng cho cỏ ra xanh mới lùa về thả chăn cừu lại”, một anh dân du mục chỉ chúng tôi nhìn về phía cánh đồng hoang theo phía tây gần đó.

5_qqna
Dân du mục chăn cừu thuê cho các chủ trang trại đa phần là người dân tộc

Mỗi trang trại cừu ở đây có từ vài chục, vài trăm đến cả ngàn con, do đó những đàn lớn phải có đến 2-4 người trông coi và đi chăn. Có nơi dắt theo một chú chó để trông coi và giữ cừu, tránh kẻ trộm vào bắt cừu những lúc họ không chú ý hoặc vào giờ nghỉ trưa.

Buổi trưa của dân du mục là ăn cơm trong những bụi cây mát ngoài đồng với những món ăn cũng khá tương tự như lúc sáng được “dở” mang theo trong những chiếc camen trắng. Bữa cơm khô khan, không có canh lại được ăn dưới cái nắng nóng của xứ hạn nhất cả nước, nhưng họ vẫn thưởng thức, đánh chén nhanh chóng rất ngon lành.

Sau bữa trưa, chúng tôi chộp mắt dăm mười phút trong bóng râm của bụi cây cùng họ để tầm khoảng 2-3h chiều ra đồng tiếp tục công việc hàng ngày. Dù sống trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt bởi thời tiết, cơm áo gạo tiền, thế nhưng họ vẫn cần mẫn say mê làm việc để mong được đổi đời và thoát nghèo, để có tiền nuôi gia đình và con cái. Qủa thật chứng kiến những cảnh này, luôn khiến ai nấy đều phải xót thương, đồng cảm vô cùng và cảm phục trước nghị lực của họ.

6_eaev
Nếu du khách muốn tìm lại bối cảnh phim Dấu chân du mục, có thể đến đồng cừu Sơn Hải tham quan

Khi ánh hoàng hôn dần khuất sau rặng núi để lộ một màu đỏ rực trên nền trời, những người đàn ông da sạm vì nắng “la ới” lũ cừu lùa về trang trại kết thúc một ngày làm việc. Cả đàn với số lượng lớn như thế, lùa ra, lùa về cũng khá vất vả. Đã vậy lũ cừu rất lỳ lợm, họ đánh mãi mà chả thấm đau, cứ la ới mãi mới chịu đi về. Chúng nối đuôi nhau ra về thẳng tít tắp, con trước kêu “be be” như để ra hiệu cho những con cuối nhanh chân về trại và cứ thế chẳng mấy chốc đã về đến nơi cần đến.

Giờ chỉ để lại phía sau những làn khói bụi mịt mù trên đường đi, những đàn cò sải cánh tìm chốn ngủ và những cánh đồng thấp thoáng mờ dần, các bác đánh cá trên lòng hồ Thanh Sơn cũng neo đậu thuyền dần,…khiến khung cảnh giờ đây tràn ngập sự tĩnh lặng, không gian mỗi lúc tối dần, tối dần trong ánh đêm,…

– Đồng cừu Sơn Hải – bối cảnh phim Dấu Chân Du Mục, thuộc thôn Sơn Hải, xã Phước Dinh, huyện Ninh Phước, cách trung tâm thành phố 20 km.

– Đồng cừu Tà Nô, khu vực ngã ba Văn Lâm đi thêm 3km nữa rẻ phải, chạy tiếp 5km nữa là đến.

LAODONG.VN