Các món ăn ngon ở Tuyên Quang (Cập nhật 2018) | Đặc sản Tuyên Quang

1666

Cùng Phượt – Tuyên Quang là vùng đất nổi tiếng với cảnh núi non hùng vĩ, với dòng sông Lô thơ mộng, với câu ví von rất nổi tiếng “Chè Thái – Gái Tuyên” mà chắc hẳn bất cứ ai trong số chúng ta cũng đã từng nghe. Tuyên Quang cũng rất nổi tiếng với được chọn làm an toàn khu, là thủ đô kháng chiến trong suốt thời kỳ chiến tranh. Tuyên Quang cũng là nơi khởi nguồn của rất nhiều món ăn ngon nổi tiếng của người Tày góp phần tạo nên một nền văn hoá ẩm thực hấp dẫn của đồng bào vùng cao. Nếu có dịp du lịch Tuyên Quang, các bạn đừng bỏ lỡ những món ăn ngon ở Tuyên Quang mà chúng mình cũng kể ở dưới đây nhé.

tuyen-quang-co-gi-ngon-cac-mon-an-ngon-o-tuyen-quang

Tuyên Quang có rất nhiều món ăn ngon mà các bạn không nên bỏ lỡ

Xôi ngũ sắc

Xôi ngũ sắc là món đặc trưng của dân tộc Tày Tuyên Quang, thường được làm trong các dịp lễ tết để dâng cúng thần linh. Xôi được nấu bằng gạo nếp cái hoa vàng, rất thơm và có năm màu: trắng, vàng, xanh, đỏ, tím; tượng trưng cho Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ; tượng trưng cho Đất, Nước, Mây, Mưa, Nắng thuận hoà. Xôi màu trắng là loại được dùng gạo nếp đồ bình thường, màu đỏ dùng lá cơm đỏ, màu xanh dùng lá gừng, lá giềng, màu vàng dùng củ nghệ, màu tím dùng lá cơm tím. Tất cả những nguyên liệu này đều có sẵn trong vườn nhà của người dân tộc Tày. Người Tày cũng dùng những chõ đồ xôi loại đặc biệt, chõ cao được làm bằng gỗ. Khi đồ xôi, cho gạo vào chõ, vảy thêm chút rượu trắng rồi đặt vào chảo nước xôi, đến khi nào có mùi thơm toả ra là xôi đã chín.

Bánh nếp trứng kiến

tuyen-quang-co-gi-ngon-banh-trung-kien

Bánh trứng kiến Tuyên Quang (Ảnh – Tran Tam)

Đến với những ngôi nhà sàn người Tày thuộc Tuyên Quang bạn sẽ có cơ hội thưởng thức những món ngon dân dã và độc đáo trong đó có món bánh nếp nhân trứng kiến. Người ăn nên nếm từng miếng nhỏ để cảm nhận mùi vị thơm ngon của nếp, vị ngậy béo của nhân trứng kiến quyện lẫn hành và thì là. Tuy nhiên cũng có người vì nhạy cảm, thì có thể bị dị ứng khi ăn món bánh này.

Rượu ngô Na Hang

tuyen-quang-co-gi-ngon-ruou-ngo

Rượu ngô Na Hang có mùi thơm đặc trưng, cũng là đặc sản của huyện vùng cao này (Ảnh – Internet)

Tuyên Quang không chỉ được biết đến bởi vẻ đẹp tự nhiên của những người con gái dân tộc nơi đây mà còn nổi tiếng bởi món rượu ngô Na Hang thơm nồng và êm dịu. Rượu được nấu từ ngô cùng men lá rừng được chọn từ 20 loại thảo dược như cán cuông, khúc khắc, ớt rừng, tẳng tó, lép nặm, nhân trần, mác mjầu, khau thương, pài đổng (cây vải rừng), chuối njồm, lạc moong, nét tỉ, hoom qua (chỉ thiên), một lá, tham tràng, trầu rừng, đứa poóng, mạt cần, củ giềng, củ xả, thêm vào đó là rau răm, môn thục, cam thảo, lá quế và được chưng cất theo phương pháp gia truyền của người dân Na Hang.

Chỉ cần nhấp một chút rượu ngô thôi, bạn sẽ có những cảm giác vô cùng mới lạ. Không cay nồng như những loại rượu ở miền xuôi, không nồng nàn như những chai sâm panh, mà nó mang một hương vị hoàn toàn mới, hương vị ấy là sự pha trộn của núi rừng Na Hang. Cái hương vị thơm mát lan tỏa của rượu ngô từng chút, từng chút được ngấm vào trong cơ thể bạn, khiến bạn có cảm giác như một dòng suối đang chảy trong cơ thể mình.

Bánh gai Chiêm Hoá

tuyen-quang-co-gi-ngon-banh-gai-chiem-hoa

Bánh gai Chiêm Hoá (Ảnh – Tố Uyên)

Bánh gai Chiêm Hoá được làm từ lá gai, gạo nếp, đỗ xanh, dừa tơi, mứt bí, hạt sen, dầu chuối, mỡ lợn. Muốn có chiếc bánh thơm ngon phải chọn gạo nếp cái hoa vàng, vỏ sạch rồi ngâm với nước lạnh để qua đêm, sau đó để ráo nước và xay thành bột. Lá gai phơi khô tước bỏ hết gân, thái nhỏ đem luộc rồi vắt kiệt nước xay nhuyễn trộn với bột và mật mía để làm vỏ bánh. Hương vị của lá gai quyện vào mùi thơm của gạo nếp với lá chuối khô tạo nên hương vị đặc trưng của bánh gai Chiêm Hoá.

Xem thêm bài viết: Bánh gai Chiêm Hoá, món ăn đặc sản Tuyên Quang

Cá mắm ruộng

tuyen-quang-co-gi-ngon-ca-mam-ruong

Hũ cá mắm ruộng của đồng bào Tày ở Chiêm Hoá (Ảnh – Báo Nhân Dân)

Cá mắm ruộng được làm từ loại cá chép nuôi ở ruộng. Gạo nếp được xôi lên, để nguội rồi trộn đều với men rượu, ủ kín. Khi nôi nếp đã lên men thơm thì trộn đều với cá, riềng, lá trầu không, lá cơm đỏ, muối rồi cho vào hũ, cho thêm nước rồi dậy kín vài tháng. Mắm cá ruộng thơm ngon, hấp dẫn, dùng để châm các loại thịt luộc, rau luộc, rau sống, xào với trám om đã bỏ hạt, sẽ có món ăn mang hương vị vô cùng độc đáo.

Hầu hết đồng bào Tày ở Chiêm Hóa đều biết làm món mắm cá ruộng, nhưng không phải ai cũng làm được hũ mắm ngon. Để làm được mắm cá ruộng đòi hỏi phải qua một quy trình khá công phu. Khi cây lúa ruộng bắt đầu đẻ nhánh cũng là lúc bà con thả cá chép xuống ruộng. Sau 3 tháng nuôi ở ruộng, lúc lúa trĩu bông cũng là lúc tháo nước để bắt cá. Trước khi mang cá đi ủ trong hũ thì cá phải được xát muối, sau đó cho giềng và hành lá thái mỏng trộn đều rồi đổ vào hũ, mùa hè thì ủ từ 3-5 ngày, mùa đông phải khoảng 1 tuần.

Cá bống suối

tuyen-quang-co-gi-ngon-ca-bong-suoi

Cá bống suối có thể chế biến làm nhiều món rất ngon (Ảnh – Nhím Hà Phương)

Những con cá bống suối được chiên giòn, chín vàng thơm phức hay món cá bống chưng tương đậm đà sẽ làm tăng hương vị cho bữa cơm trong ngày trời lạnh. Món cá suối dân dã này khi ăn với cơm nóng sẽ rất ngon, bạn sẽ có cơ hội thưởng thức món ăn này khi đi du lịch Tuyên Quang

Thịt trâu khô

tuyen-quang-co-gi-ngon-thit-trau-kho

Thịt trâu khô (trâu gác bếp) là món ăn dân dã rất ngon (Ảnh – Bùi Thu Trang)

Thịt trâu ở vùng núi Tuyên Quang nổi tiếng là sạch, thịt thơm và ngọt. Khi trâu được mổ, lấy nguyên thịt nạc, dần mềm và ướp với tỏi, gừng, ớt, sả và những gia vị khác rồi đem sấy trên than củi hoặc hun khói trên gác bếp.

Thịt chua

tuyen-quang-co-gi-ngon-thit-chua-na-hang

Thịt chua Na Hang (Ảnh – Hoa Anh Đào)

Thịt chua là món ăn dân dã, mang đậm chất ẩm thực dân tộc Tày. Những nguyên liệu chế biến rất đơn giản chỉ bao gồm thịt lợn, muối tinh và cơm nguội. Thịt chua làm không khó nhưng cần nhiều thời gian mới được thành phẩm ưng ý.

Thịt ủ ngắn ngày trước khi sử dụng nên hấp hoặc xào qua. Món thịt chế biến xong có mùi thơm của trầu, giềng và vị chua ngọt đặc trưng. Thịt mềm nên ăn với xôi nếp sẽ rất ngon.

Với thịt được ướp lâu hơn, khi ăn gỡ từng miếng thịt rồi gạt bỏ phần cơm nguội, miếng thịt lúc này đã săn lại, màu nhạt, có độ giòn của mỡ và độ dai sần sật của bì và thịt nạc. Có thể ăn kèm với lá lốt để thưởng thức hết độ ngon của thịt chua, vị mặn đậm đà của muối, vị ngọt của thịt, chua của men cùng hương thơm của lá lốt xanh quyện thành một hương vị rất khó quên.

Vịt bầu Minh Hương

tuyen-quang-co-gi-ngon-vit-bau-minh-huong

Vịt bầu Minh Hương được công nhận là đặc sản Tuyên Quang (Ảnh – Thaonguyen Tran)

Vịt bầu Minh Hương, còn gọi là vịt suối, là một giống vịt bầu bản địa có từ lâu đời ở xã Minh Hương, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Vịt bầu Minh Hương từ lâu đã rất nổi tiếng bởi vị thơm ngon đặc trưng không lẫn với bất cứ vịt ở vùng đất nào khác. Vịt có thể chế biến thành các món luộc, quay, hấp hoặc om với sấu.

Trong dân gian thường truyền nhau câu nói “Nếu lên Hàm Yên mà chưa thưởng thức đặc sản Vịt bầu Minh Hương thì coi như chưa đến”; và vịt Minh Hương là vật nuôi được xếp vào loại “tứ đại gia” trong ngành nông nghiệp của huyện miền núi Hàm Yên với câu ca “nhất keo, nhì cam, tam trâu, tứ vịt”. Món ăn được chế biến từ Vịt bầu Minh Hương nghiễm nhiên trở thành thương hiệu từ lâu. Hiện nay, vịt đã được xuất bán tại nhiều tỉnh thành, và những trung tâm lớn của miền Bắc.

Cam sành Hàm Yên

tuyen-quang-co-gi-ngon-cam-sanh-ham-yen

Cam sành Hàm Yên (Ảnh – Fb Cam Sành Hàm Yên)

Người dân trong vùng quen gọi cam Hàm Yên là cam làng Mường. Theo lời các cụ kể lại, khoảng năm 1890, khi hai cụ già người dân tộc đi bẫy thú ở núi Quan Tiên, bản Mường, xã Phong Lưu, huyện Hàm Yên, dừng chân nghỉ thì thấy một cây có quả đã chín vàng, lá nhọn nên hái ăn thử. Thấy quả có vị ngọt, thơm mát, giúp người tỉnh táo, hai cụ bèn đem hạt về trồng trong vườn nhà và bắt đầu nhân giống từ đó.

Nguồn đất phù hợp cùng hệ thống nước tưới dẫn từ đỉnh núi xuống khiến cam sành Hàm Yên cho quả mọng nước, ngọt thơm hơn nhiều vùng khác. Cam Hàm Yên thường có màu xanh, khi chín chuyển màu cam vàng óng. Vỏ quả mỏng và hơi sần, mọng nước, bên trong ruột vàng sánh như mật, ngọt đậm.

Hồng không hạt Xuân Vân

tuyen-quang-co-gi-ngon-hong-xuan-van

Hồng không hạt Xuân Vân (Ảnh – Vi Linh An)

Hồng Xuân Vân là loại hồng không hạt, thịt của quả có màu hồng, khi ăn có vị ngọt thanh và giòn. Hồng Xuân Vân được biết đến như món quà của xứ Tuyên mà ai khi đến thăm Tuyên Quang cũng đều muốn mang về làm quà.

Măng khô Tuyên Quang

Tuyên Quang nổi tiếng với các loại măng như măng gày, măng rói (làm từ măng nứa), măng lưỡi lợn. Măng có độ mềm, giòn, thớ thịt dày, đặc, chắc và không có xơ. Măng Tuyên Quang có thể được chế biến thành nhiều món ăn phổ biến như măng xào, măng nhồi thịt, măng luộc…

Chè Bát Tiên Tuyên Quang

tuyen-quang-co-gi-ngon-che-bat-tien

Chè Bát Tiên (Ảnh – Nguyễn Tiên Thành)

Trong các tỉnh miền Bắc, Tuyên Quang được coi là một trong những tỉnh có diện tích và sản lượng chè lớn. Cây chè rất phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở địa phương. Chè Tuyên Quang khi uống vào có vị chát chuyển vị ngọt dần và mùi thơm đặc trưng.

Tìm trên Google

  • các món ăn ngon ở tuyên quang
  • ăn gì ở tuyên quang
  • ẩm thực tuyên quang
  • du lịch tuyên quang ăn gì
  • đặc sản ở tuyên quang

Quy định chung

  • Vui lòng chỉ để lại bình luận trên website bằng tài khoản Facebook cá nhân.
  • Đọc kỹ thông tin trong bài trước khi đặt câu hỏi, Cùng Phượt chỉ trả lời những nội dung chưa có trong bài.
  • Không quảng cáo, rao vặt trong bình luận khi chưa được sự cho phép từ Cùng Phượt.
  • Nghiêm cấm spam dưới mọi hình thức, tất cả các nick cố tình spam sẽ bị cấm bình luận, nội dung spam sẽ bị ẩn khỏi website.

KINH NGHIỆM ĐI PHƯỢT | KINH NGHIỆM DU LỊCH BỤI