Chuyện về cây đào Tô Hiệu và Di tích lịch sử nhà tù Sơn La

2978

Nằm trên đỉnh đồi Khau Cả, thành phố Sơn La, Nhà tù Sơn La – di tích cách mạng được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt có cây Đào xanh tốt mọc bên tường xà lim năm xưa, mang tên một chiến sỹ Cộng sản – Tô Hiệu.

Cây đào được mang tên Tô Hiệu vào năm 1945, khi cách mạng đã thành công, tượng trưng cho tinh thần đấu tranh kiên cường của một chiến sỹ cách mạng. Nhân dịp tỉnh Sơn La đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La, nhóm phóng viên VOV có bài viết giới thiệu về cây đào Tô Hiệu và Di tích lịch sử nhà tù Sơn La.

di-tich-nha-tu-son-la-sonla-vohn-rjvx
Một góc nhà tù Sơn La nhìn từ trên cao xuống.

Tô Hiệu sinh năm 1912 tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, trong một gia đình nhà nho nghèo giàu lòng yêu nước. Ông tham gia cách mạng từ khi còn trẻ. Năm 18 tuổi khi hoạt động cách mạng, ông bị giặc bắt năm 1930, bị kết án 4 năm tù và đày ra Côn Đảo. Ra tù ông tiếp tục hoạt động cách mạng. Tháng 12/1939 ông lại bị giặc bắt lần thứ 3, sau đó đưa ông lên nhà tù Sơn La giam cùng với đoàn tù 50 người đợt ấy.

Nhà tù Sơn La xây dựng năm 1908. Lợi dụng vùng rừng núi xa xôi cách trở, biệt lập với bên ngoài, thực dân Pháp những tưởng nơi rừng thiêng nước độc sẽ làm nhụt ý chí đấu tranh của những người yêu nước. Trong tình thế không thể liên lạc được với Trung ương Ðảng và bị cô lập giữa chốn lao tù khổ sai, nhưng những người cộng sản vẫn hướng về Ðảng, tổ chức hoạt động bí mật…

di-tich-nha-tu-son-la-t4-soom
Bức tranh miêu tả lại cuộc sống năm xưa của các tù nhân

Vào cuối tháng 12/1939, các đảng viên trong tù đã thảo luận về việc thành lập tổ chức cơ sở Ðảng. Ban chi ủy lâm thời, gồm 10 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm Bí thư chi bộ. Ðến tháng 2/1940, chi bộ chuyển thành chính thức, do đồng chí Trần Huy Liệu làm Bí thư, đồng chí Tô Hiệu làm Ủy viên.

di-tich-nha-tu-son-la-r34-lzzg
Căn phòng biệt giam duy nhất nơi giam giữ đồng chí Tô Hiệu

Ðầu năm 1943, chi bộ đã giác ngộ và gây dựng được hai cơ sở cách mạng đầu tiên là tổ chức: “Hội người yêu bản mường”. Chính người thanh niên dân tộc Thái có cảm tình với cách mạng là anh Lò Văn Giá đã dẫn đường cho các đồng chí: Nguyễn Lương Bằng, Lưu Ðức Hiểu, Trần Ðăng Ninh, Nguyễn Văn Trân vượt ngục thành công.

di-tich-nha-tu-son-la-moc-chau

chuyện về cây đào tô hiệu và di tích lịch sử nhà tù sơn la hình 4

Hồi đó Tô Hiệu bị giặc xếp vào phần tử nguy hiểm và biệt giam trong một gian chéo góc của nhà tù Sơn La. Ông phải làm việc khổ sai biệt lập, không được tiếp xúc với ai ngoài lính gác. Điều kiện hà khắc trong tù và bệnh lao hành hạ, Tô Hiệu vẫn hoạt động bí mật. Trong suốt 4 năm trong nhà ngục Sơn La – “Địa ngục trần gian”, ông đã vận động, cảm hóa được nhiều binh lính ở đây, nhiều người giác ngộ cảm tình với cách mạng, sau đó tham gia cách mạng.

Ngày 7/3/1944, Tô Hiệu hy sinh tại nhà tù Sơn La lúc 33 tuổi. Cây đào ở nhà tù Sơn La được mang tên Tô Hiệu vào năm 1945 khi cách mạng đã thành công để tượng trưng cho tinh thần đấu tranh cách mạng của một chiến sỹ kiên cường.

di-tich-nha-tu-son-la-df3-lpvz
Cây Đào Tô Hiệu

Về sau, một cành của cây đào Tô Hiệu đã được triết và đưa về trồng bên Lăng Bác. Nghĩa trang Gốc Ổi ở thành phố Sơn La cũng trồng đào sau khi lấy giống từ cây đào này. Ngày nay cây đào Tô Hiệu ở Nhà tù Sơn La luôn xanh tươi thể hiện ý chí kiên cường của những chiến sỹ cách mạng năm xưa và ý chí quyết tâm của Đảng bộ tỉnh Sơn La trong thực hiện hoàn thành mục tiêu sớm xây dựng Sơn La trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng Trung du và miền núi phía bắc trong giai đoạn tới./.

VOV – ĐÀI TIẾNG NÓI VIỆT NAM