Đến Lạng Sơn, đừng bỏ lỡ 10 loại rau quả đặc sản này – Dân Việt

1521

Đào Mẫu Sơn, hồng Bảo Lâm, quýt Bắc Sơn, na Chi Lăng, cải làn, cải ngồng,… là những loại rau quả đặc sản mà bạn đừng nên bỏ lỡ nếu đặt chân đến Lạng Sơn.

1. Đào Mẫu Sơn

Nhắc đến xứ Lạng ai chải biết đến đào Mẫu Sơn. Hoa đào đỏ thắn tươi tắn đến lạ thường, quả đào lại ngon ngọt chẳng nơi nào bằng. Bởi thế người dân Lạng Sơn tự hào khi được thiên nhiên ban tặng đặc sản trái cây độc đáo này.

hoa-qua-lang-son-1-40886

Đào Mẫu Sơn được đồng bào dân tộc Dao trồng dưới các khe sâu của vùng núi Mẫu Sơn. So với những giồng đào khác quả đào Mẫu Sơn có màu sắc, hương vị thật sự khách biệt. Quả to, giòn, vị ngọt thanh đậm chất núi rừng. Mỗi quả đào Mẫu Sơn to bằng cái bát con, cứ 3, 4 quả là được 1kg. Nhưng hạt đào lại nhỏ bừng hạt bi ve. Khi chín bên ngoài có màu xanh nhạt, bên trong đỏ au vị ngọt lịm, giòn tan, mùi thơm dịu rất đặc trưng, ai đã từng được ăn sẽ không thể quên.

hoa-qua-lang-son-2-47113

Người ta bảo Đào Mẫu Sơn lớn lên từ nắng gió khắc nghiệt nên mới cho ra thứ quả ngọt lành đến vậy. Những người trồng đào nơi đây khẳng định nếu đem giống đào này trồng ở một môi trường “công nghiệp” thì không thể cho hoa đẹp quả ngon như vậy được.

2. Hồng không hạt Bảo Lâm

Hồng không hạt Bảo Lâm là giống hồng nổi tiếng được trồng từ lâu đời tại xã Bảo Lâm, huyện Cao Lộc và các xã lân cận thuộc hai huyện Cao Lộc và Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn.

hoa-qua-lang-son-3-114181

Trong đó, hồng không hạt Bảo Lâm cho năng suất và chất lượng cao hơn, và đây cũng chính là “cái nôi” khai sinh ra loại quả này. Giống hồng đặc sản được trồng từ bao giờ thì không ai biết, ngay các vị cao niên đã trên 80 – 90 tuổi cũng không hay. Do vậy, có thể coi giống hồng không hạt Bảo Lâm là giống cây trồng bản địa của tỉnh Lạng Sơn.

hoa-qua-lang-son-4-192574

Hồng không hạt Bảo Lâm có thịt quả ăn giòn, thơm, ngọt đậm; mặt cắt ngang của quả có hình hoa thị 8 – 12 cánh đều nhau, màu vàng đỏ đậm, các cánh hoa thị này do các hạt lép tạo thành; mặt cắt dọc quả không có thớ, thịt quả mịn, hầu như không có đốm đen, không có hạt.

hoa-qua-lang-son-5-49022

Các xã trong huyện Cao Lộc, đặc biệt là xã Bảo Lâm là khu vực có điều kiện đặc trưng về thổ nhưỡng và khí hậu thích hợp cho sinh trưởng và phát triển của cây hồng không hạt và chính những điều kiện này đã tạo nên chất lượng đặc biệt của hồng không hạt Bảo Lâm.

3. Quýt vàng Bắc Sơn

Huyện Bắc Sơn được biết đến là vựa quýt lớn không chỉ của tỉnh Lạng Sơn mà của cả miền Bắc. Người dân địa phương chia sẻ rằng, diện tích trồng quýt ở Bắc Sơn rất lớn, mỗi vùng trồng gọi là một “Lân”, mỗi “Lân” lại do một hoặc nhiều gia đình trồng.

hoa-qua-lang-son-6-149190

Do được trồng trên một vùng diện tích rộng lớn ở huyện miền núi Bắc Sơn nên quýt ở đây có hai loại là quả tròn và quả dẹt, phù hợp với thổ nhưỡng mỗi nơi trong vùng. Quýt quả tròn khi chín có màu vàng ươm, vỏ mỏng, vị ngọt đậm, thường ít sơ, mùi thơm dịu, trọng lượng từ 80 đến 150g, khi bóc có lỗ rỗng ở giữa quả. Quýt quả dẹt có hai đầu lõm, khi chín có màu vàng ươm, vỏ dày hơn, khó bóc, vị chua và cũng ít sơ. Trọng lượng quả trung bình 100 đến 150g.

hoa-qua-lang-son-7-176283

Thổ nhưỡng và khí hậu ở vùng núi Bắc Sơn được xem là nơi hội tụ đầy đủ yếu tố cần thiết để tạo ra thứ quýt ngon với hương vị thanh mát hiếm có. (Ảnh: Em Đẹp)

4. Na Chi Lăng

Đến với mảnh đất Chi Lăng vào khoảng cuối tháng 5 Âm lịch, đâu đâu cũng nghe mọi người nhắc tới đặc sản na Chi Lăng. Đặc biệt, giữa tháng 7 – tháng 8 Âm lịch, na vào mùa chín rộ. Từng gánh na được bà con hái trên núi, đưa xuống đất thông qua hệ thống ròng rọc bày bán ngay tại chợ dọc Quốc lộ 1A.

hoa-qua-lang-son-8-224715

Giống na huộc loại ngon có tiếng mà chỉ người sành ăn mới biết đến vì món đặc sản này số lượng không có nhiều, chỉ có những vườn na ở huyện Chi Lăng mới cho trái na đạt hương vị thơm ngon nhất.

hoa-qua-lang-son-9-122141

Dùng ròng rọc để thu hoạch na

Cây na được trồng chủ yếu ở 5 xã và thị trấn gồm : Xã Chi Lăng, thị trấn Chi Lăng, thị trấn Đồng Mỏ, xã Quang Lang và xã Mai Sao, trên các dãy núi đá Cai Kinh lởm chởm, dựng đứng tạo nên địa thế hiểm trở của cửa ải Chi Lăng huyền thoại, gồm các dãy núi Hàm Quỷ, núi Phượng Hoàng, núi Kỳ Lân, núi Mã Yên.., thuộc vùng cung Bắc sơn có nhiều sườn núi dốc đứng với độ cao trên 400m, nơi đây vốn được coi là “ải hiểm tựa lên trời” với danh truyền “thập nhân khứ, nhất nhân hoàn” (10 người đến, chỉ có một người quay trở về).

hoa-qua-lang-son-10-245090

Nhưng với sự cần cù lao động, cây na “ đã trèo” lên núi đá, ngự trị trên vùng núi đá và trở thành cây trồng chính, cây hàng hóa mũi nhọn của huyện Chi Lăng, cây xóa đói giảm nghèo của người dân nơi đây.

5. Cải làn

Cải làn Lạng Sơn nổi tiếng là món rau ngon, xanh mát, có hương vị rất đặc trưng của vùng đất này. Cải luộc, nấu canh xương, xào đều có hương vị đặc biệt. Ai đã một lần được ăn ngồng cải làn thì không thể nào quên hương vị ngọt ngào của thứ rau này.

hoa-qua-lang-son-11-217681

Người dân địa phương trồng cải làn từ tiết đông chí, khi cây đang lớn mạnh thì bấm ngọn, để mỗi nách lá bật lên những chồi ngọn. Khi những chồi này thành búp ít lá rồi chúm chím nụ xanh thì thu hoạch (đây là lúc chất dinh dưỡng trong cây tập trung nhiều nhất).

hoa-qua-lang-son-12-168442

Người trồng ngắt từng ngọn dài từ 20 đến 25 cm. Búp cải làn mập mạp như ngồng cải sen dưới xuôi, nhưng tuyệt nhiên không ngăm ngẳm đắng. Mùa thu hoạch ngồng cải làn từ tháng 4 tới tháng 8. Qua tháng 9, tháng 10, rau này rất hiếm và đắt gấp 4-5 lần chính vụ.

6. Rau cải ngồng

Là loại rau đặc biệt phù hợp với khí hậu của Lạng Sơn. Rau cải ngồng có thân non mập, hoa màu vàng, ăn có vị ngọt. Rau cải ngồng được chế biến thành nhiều món ăn như luộc, xào tỏi, xào thịt bò, ăn lẩu…

hoa-qua-lang-son-13-133050

Ngồng cải hay còn được gọi cải ngồng có thân to non, mập mạp, có hoa màu vàng, mọc cao vổng lên. Hiện nay, giống ngồng cải đã được trồng ở nhiều nơi nhưng không đâu có cọng to, lá xanh và mỡ màng như ngồng cải xứ Lạng. Không chỉ nổi tiếng là rau sạch, ngồng cải còn chứa nhiều vitamin B1, B2…có lợi cho sức khỏe, là thực phẩm giúp đẹp da.

7. Măng ớt

hoa-qua-lang-son-14-324727

Những lát măng trắng mỡ màng chen lẫn với những quả ớt nhỏ xíu mà cay xè lưỡi, thêm quả mác mật nữa, chỉ bằng ấy thứ thôi đã tạo nên hương vị thật đặc biệt cho món măng muối ớt vốn là đặc sản không đâu có thể sánh bằng của người dân xứ Lạng.

8. Móc mật

Móc mật là loại cây phổ biến được trồng ở nhiều nơi để lấy lá chế biến những món quay, nướng như thịt nướng, vịt quay, lợn quay,… Tuy nhiên nhắc đến loại cây này ở Lạng Sơn người ta lại nhớ nhiều hơn đến hương vị chua chua, ngọt ngọt của quả móc mật.

hoa-qua-lang-son-15-220938

Quả móc mật có thể ăn tươi, vị ngọt dịu, vị chua chua của nó khiến ai cũng phải cảm thấy thích thú, quả mác mật cũng có thể dùng để nấu, kho trong một số món ăn, ngoài ra còn dùng để ngâm măng ớt, món măng ớt mắc mật là một loại đặc sản nổi tiếng của xứ Lạng.

9. Mận cơm

Vỏ xanh, ăn có vị chát nhưng rất giòn. Nét đặc trưng chỉ có thể tìm thấy ở những trái mận cơm đầu mùa xứ Lạng…

hoa-qua-lang-son-16-151151

Được trồng nhiều ở các tỉnh vùng núi trung du phía Bắc như: Lạng Sơn, Cao Bằng…, mùa mận bắt đầu vào khoảng cuối tháng 3 đầu tháng 4.

hoa-qua-lang-son-17-189448

So với Mận hậu Sơn La thì mận cơm có đặc điểm khác biệt khá rõ, thịt róc khỏi hạt, ít mọng hơn, cùi giòn hơn, vị ngọt thì khá tương đương khi chín.

Theo một số hộ dân trồng mận lâu năm tại thôn Khòn Pá, xã Tân Đoàn, huyện Văn Quan (Lạng Sơn), mận đầu mùa hay còn gọi là mận còn “con gái” thường có màu xanh, vị chua vừa phải, ăn giòn tan vì thế dù giá cao nhưng vẫn là thứ quả được nhiều thực khách ưa chuộng, săn đón.

10. Chanh rừng Mẫu Sơn

Với độ cao hơn 1.500 m so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ quanh năm, núi Mẫu Sơn ở xã Công Sơn, huyện Cao Lộc, là địa điểm lý tưởng cho sự sinh trưởng của các loại cây đặc sản, trong đó có chanh rừng. Loài quả này nhỏ hơn chanh thông thường, khi chín vỏ màu vàng, ăn cả vỏ thì ngọt, bùi và thơm, nếu bỏ vỏ ăn lõi thì hơi chua.

hoa-qua-lang-son-18-68474

Tuy không nổi tiếng như đào Mẫu Sơn nhưng chanh rừng ở đây cũng được nhiều người biết đến bởi những điểm đặc trưng riêng. Cùng là chanh nhưng giống chanh ở đây không quá chua, mang một chút vị ngọt lại rất thơm nên được nhiều người ở mọi miền ưa chuộng.

hoa-qua-lang-son-19-136639

Trước đây, chanh rừng Mẫu Sơn mọc tự nhiên nhưng hiện nay do có giá trị kinh tế cao nên người dân ở đây nhân giống nó khiến giống chanh này ngày càng được nhiều người biết đến. Giá một cân chanh giao động khoảng 30.000 đồng đến 40.000 đồng một cân, có khi lên đến 70.000 đồng, cao gấp đôi, thậm chí gấp ba lần chanh thường.

BAOMOI.COM