Di sản gốm Bàu Trúc ra thế giới

1383

Lạ và đặc biệt

Bàu Trúc là làng gốm cổ nhất Đông Nam Á, nổi tiếng với sản phẩm gốm thủ công và kỹ thuật nung gốm độc đáo. Gốm Bàu Trúc được ngợi ca như một sản phẩm “ấm bàn tay con người” nhất với nét văn hóa Chăm đặc trưng không lẫn với gốm nơi khác.

Người ta yêu gốm Bàu Trúc vì nó lạ. Lạ ở cách thức tạo ra sản phẩm. Nếu gốm ở các vùng khác được tạo ra trên bàn xoay thì ở Bàu Trúc, tất cả các sản phẩm được làm hoàn toàn bằng tay. Bàn tay làm gốm ấy phải là bàn tay dẻo dai, khéo léo của phụ nữ và chỉ có đất ở Bàu Trúc mới có thể tạo ra sản phẩm mà không dùng bàn xoay. Đó là nguồn đất, nguồn cát riêng biệt chỉ phù sa sông Quao ở đây mới tạo nên.

Theo truyền thuyết, nghề làm gốm do vợ chồng ông tổ Poklong Chanh dạy cho phụ nữ trong làng. Từ ngàn xưa, họ đã truyền nhau bí quyết pha trộn cát với đất, đất dẻo và cát mịn trộn theo một tỷ lệ phù hợp sẽ cho ra đời những sản phẩm gốm hữu dụng nhất. Nguyên liệu làm gốm là đất sét mịn, có độ dẻo cao được làm sạch, nếu chỉ lẫn một chút cát thô hoặc ít sạn, bẩn thì sản phẩm sau khi nung sẽ bị nứt, hỏng hoàn toàn. Đất sét lấy về được đập nhuyễn, ngâm nước, sau đó là công đoạn nhồi đất. Đất được nhồi kỹ rồi có thể để dùng vài ngày, khi nào làm gốm chỉ cần tưới nước vào là được.

Gốm nặn xong đem phơi chỗ mát, khi khô ráo thì đem nung. Sản phẩm gốm được nung lộ thiên ở nhiệt độ khoảng từ 500 – 6000C trong vòng sáu giờ. Nung gốm phải chọn ngày nắng, củi được chất bên dưới, sản phẩm gốm đặt ở trên theo nguyên tắc lớn dưới, nhỏ trên, phía trên cùng phủ một lớp rơm. Khi gốm chín, nếu là sản phẩm thô cứ để nguyên trên lò, còn sản phẩm mỹ nghệ cần cho ngay gốm vào nước để có màu đỏ đẹp. Với sản phẩm cần nhuộm màu, sau khi nung sẽ được phun hoặc ngâm nước chiết xuất từ cây thị trồng trên núi của Ninh Thuận.

Bởi những điều lạ và đặc biệt ấy mà gốm Bàu Trúc được coi là sản phẩm đặc trưng của văn hóa Chăm.

151558_32-p12-ghi_chep_-_bai_chinh_-_anh_1
Du khách thích thú với tượng thiếu nữ Chăm múa Apsara.

Gốm Chăm sang Mỹ

Ngày 20/6 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa công bố Danh mục 7 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đợt XIX, trong đó có Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm ở Làng gốm Bàu Trúc.

Tỉnh Ninh Thuận đã đưa ra nhiều chương trình để bảo tồn và phát triển làng nghề gốm Bàu Trúc. Ở làng hiện có gần 80% số hộ dân theo nghề. Bởi thế, ngoài trung tâm văn hóa giới thiệu nghệ thuật làm gốm truyền thống, du khách có thể đến bất kỳ hộ dân nào trong làng để tự mình trải nghiệm cảm giác khi tạo ra một sản phẩm gốm. Chị Ngọc Anh (du khách đến từ Hà Nội) một tay đập đất khô cho tơi, một tay nhúng nước hồ hởi cho biết: “Tôi đến làng từ sáng sớm và theo chân nghệ nhân Đàng Thị Phan lựa đất sét, lựa cát. Tôi được hướng dẫn tỉ mỉ cách pha đất và cát sao cho hài hòa… Tôi hy vọng tự mình sẽ làm ra một sản phẩm gốm nào đó, sản phẩm đơn giản thôi nhưng đây sẽ là kỷ niệm khó quên đối với tôi”.

Nghệ nhân Đàng Thị Phan năm nay đã gần 70 tuổi nhưng vẫn rất đam mê truyền nghề cho con cháu và bất kỳ ai yêu nghề làm gốm. Biết nung gốm từ năm 18 tuổi, bà Phan chính là người đưa gốm Bàu Trúc sang Nhật, Pháp, Malaysia theo các chương trình giới thiệu văn hóa của tỉnh Ninh Thuận… Chia sẻ về niềm tự hào làm nghề, bà Phan bảo: “Cái độc đáo nhất của nghề gốm Bàu Trúc là không có bàn xoay. Kỳ lạ lắm, chỉ có đất ở vùng sông Quao mới làm được gốm không có bàn xoay thôi. Tôi nhớ lần sang Nhật biểu diễn, tôi lấy đất của tôi lên bàn xoay của Nhật thử làm sản phẩm nhưng không được. Tôi lấy đất của Nhật làm thử bằng tay như kỹ thuật của gốm Bàu Trúc thì đất sụp xuống, còn đất của tôi lên được đến 2m. Người Nhật họ ngạc nhiên lắm”.

Cuối năm 2014, trong một lần đến Bàu Trúc tham quan, kiến trúc sư Trần Hùng (Việt kiều Mỹ) đã có ý tưởng và cho khởi động dự án đưa gốm Bàu Trúc vào trang trí tại khu vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng, khách sạn ở Mỹ. Chuyến hàng đầu tiên với hơn 500 mặt hàng gốm mỹ nghệ (như tượng thần Siva, tượng thần Ganesa, phụ nữ cầu mưa, phù điêu Apsara, thiếu nữ múa Apsara, đèn lồng các loại…) đã được đóng kiện xuất khẩu sang Mỹ.

Hiện nay, gian trưng bày và bán các sản phẩm gốm Bàu Trúc tại California, Texas và Arizona (Mỹ) vẫn thu hút lượng lớn người dân đến xem và mua hàng.

151600_32-p12-ghi_chep_-_bai_chinh_-_anh_2

Đỗ Anh Ngọc

THẾ GIỚI & VIỆT NAM