Du hành xe buýt TPHCM: Toà Thánh Cao Đài, Tây Ninh (Tết 2011, ngày M10) | For My Bear Family

2371

Toà Thánh Cao Đài ở Tây Ninh là một địa điểm lịch sử tôi biết đến đã lâu, từ khi còn là học sinh Trung học. Tôi đã mong có dịp đến để xem tận mắt tín đồ Cao Đài mặc đồ trắng ngoài đời thế nào, để xem “Con Mắt” (biểu tượng tôn thờ của Đạo Cao Đài) ra sao, để một lần được bước chân vào bên trong Toà Thánh, … Toạ lạc tại huyện Hoà Thành, tỉnh Tây Ninh, Toà Thánh Cao Đài cách thành phố Hồ Chí Minh chỉ hơn 100km, đâu có xa. Nhưng đến hôm nay tôi mới có dịp đến và lại là đến bằng xe buýt trong “Chương trình du lịch TPHCM bằng xe buýt” của tôi.

xe-buyt-di-toa-thanh-tay-ninh-duhanhxebuyttoathanhcaodai-1

Toà Thánh Cao Đài ở Tây Ninh

Siêu thị miễn thuế ở cửa khẩu Mộc Bài

Tôi đi theo tuyến xe buýt 703 Bến Thành-Mộc Bài. Đây là một tuyến không có trợ giá nên giá vé khá đắt so các tuyến xe buýt khác, 30.000 đồng/suốt tuyến. Xe đẹp, kiểu xe chở khách du lịch. Và chỉ có vậy thôi, không còn gì để có thể “khen” thêm. Chưa từng có tuyến xe buýt trợ giá nào tôi đi mà đông nghẹt đến ngột ngạt như tuyến xe 703 mày! Xe “lòng vòng” đến hơn 30 phút trong khu vực nội thành qua các quận 1, 3 , 5, Tân Bình để đón thêm khách sau đó mới chạy đi Mộc Bài qua ngả quốc lộ 22. Dĩ nhiên trên đường đi, vì là … buýt, nên xe còn dừng đón khách liên tục nữa, cho đến khi nào không còn khách đón nữa mới thôi.

Cánh nhà xe không có khái niệm “sức chở tối đa” của xe buýt. Yhay vào đó họ chỉ biết “phục vụ tối đa” nhu cầu của hành khách, nghĩa là có người đứng dọc đường vẫy là xe buýt tấp vô, không cần biết trên xe còn chỗ đứng hay không! Mà kể cũng hay, người mình biết là phải đứng, nhưng vẫn cứ lên xe, vì có lẽ không lên thứ đứng ở trạm luôn cho … đến Tết cũng không có xe mà về! Mỗi ngày có từ 40-48 chuyến xe buýt như vậy mà vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

Đã có lời qua tiếng lại giữa hành khách đi xe buýt vì tranh giành … chỗ đứng (chứ không còn chỗ ngồi nữa), rồi lời qua tiếng lại giữa hành khách và phụ xế, … Vẫn biết phải đi xe buýt là … bình dân lắm rồi, nhưng tôi vẫn mong nhìn thấy sự bình dân không đồng nghĩa sự “ít văn hoá”. Nhưng khi mà cánh nhà xe “dồn” hành khách vào thế “cùng cực” như vậy, bản chất kèn cựa, tranh giành được phần mình phải … trỗi dậy! Có lẽ không thể có hành động ga-lăng trên một tuyến xe không có “chỗ” để thể hiện tình người như vậy. Ngoài việc phải đầu tư thêm xe chạy tuyến đường này tôi không thấy cách nào khác để giảm đi sự khổ ải cho hành khách. Nhu cầu lớn quá mà đáp ứng còn có hạn. Tất cả mọi người phải chịu thôi!

xe-buyt-di-toa-thanh-tay-ninh-duhanhxebuyttoathanhcaodai-2

Hình ảnh xe buýt 703 vừa xuất bến tại Bến Thành, rất thưa thớt. Nhưng sau đó chừng 15 phút, … đông chịu không nổi! Siêu thị miễn thuế tại cửa khẩu Mộc Bài và hàng đoàn xe tải container đậu phía ngoài.

11.30 xe đưa tôi đến bến tại cửa khẩu Mộc Bài. Mục đích của tôi hôm nay là đi Toà Thánh, không có ý định mua gì ở siêu thị miễn thuế này, nên tôi đi loanh quanh một chút để chụp hình sau đó leo lên xe buýt để đi về thị xã Tây Ninh, cách đó chừng 40 km. Đường đi nhiều nơi xấu quá, có chỗ ổ trâu, có chỗ đất đỏ, nên xe chạy chậm và không êm, xe thuộc loại … xấu xí nữa. 10.000 đồng cho một vé đi suốt tuyến đường này. Tôi thầm nghĩ chỉ có ở thành phố mình mới được đi buýt vé rẻ và xe “ngon” như vậy. Có đi ra khỏi thành phố thì mới thấy sự khác biệt, chứ nhiều khi mình hay có thói quen (!) “chê” xe buýt “nhà mình”.

xe-buyt-di-toa-thanh-tay-ninh-duhanhxebuyttoathanhcaodai-3

Đoạn đường từ Mộc Bài đi thị xã Tây Ninh có nơi ổ trâu, có nơi đất đỏ mù mịt.

Toà Thánh Cao Đài

1.00 trưa tôi đến được bến xe thị xã Tây Ninh ở đường Trưng Nữ Vương. Đã thấy đói bụng, tôi quyết định tìm một hàng quán ăn chút gì đã rồi mới tính chuyện đi tiếp đến Toà Thánh. Tôi ngồi luôn ở một quán tương đối sạch sẽ trong bến xe cho tiện. 15.000 đồng cho một phần ăn bánh mì 2 trứng gà, 7.000 đồng/ly cà phê đá. Cũng không đắt. Hỏi chuyện người bán muốn đi Toà Thánh thì đi xe nào, bà ấy chỉ “Đón xe Gò Dầu, xuống ở Toà Thánh”. Xong bữa trưa và đã thấy khoẻ trở lại, tôi bước ra dãy xe buýt ngoài kia tìm xe để lên. Một tài xế xe ôm chạy tới hỏi tôi đi đâu, “Toà Thánh”, “Hai chục ngàn đi cho lẹ anh Hai ơi, chờ xe buýt biết chừng nào mới chạy”. Đã quyết ý đi du lịch bằng xe buýt mà cứ bị dụ đi xe ôm(!), tôi lắc đầu và đi thẳng đến chỗ xe buýt. Đây là xe Gò Dầu, nhưng tôi không nhìn thấy chữ Toà Thánh ở các trạm nó sẽ ghé qua. Còn xe buýt này (không biết bến cuối ở đâu) nhưng tôi thấy có ghi rõ dòng chữ Toà Thánh, một trong những trạm sẽ ghé qua, nên tôi leo lên luôn. Chưa có khách, tài xế thì đang … đánh bài ở xe buýt kế bên, còn bà phụ xế thì … nằm gác chân lên vô-lăng ngủ. Đợi chừng 15 phút nữa thì có thêm một người khách, thêm 5 phút nữa có người đến gởi hàng. Rồi cũng đến giờ xe phải chạy. Để cho chắc chắn tôi hỏi tài xế xe có ghé Toà Thánh không, anh ta nói “Ngay cửa Chánh Môn luôn!” Thế là yên tâm, chỉ có 4-5 cây số thôi mà. 6.000 đồng để đi xe buýt từ bến xe thị xã đến Toà Thánh.

xe-buyt-di-toa-thanh-tay-ninh-duhanhxebuyttoathanhcaodai-4

Chánh Môn, cổng vào chính của Toà Thánh. Đây là cổng lớn nhất trong số 12 cổng ra vào khuôn viên Toà Thánh (không có cổng số 5). Chánh Môn chỉ mở vào các dịp đại lễ.
xe-buyt-di-toa-thanh-tay-ninh-duhanhxebuyttoathanhcaodai-5

Xe buýt dừng ngay Chánh Môn. Tuy nhiên cửa chính này đóng, để vào bên trong khu vực Toà Thánh tôi phải đi bộ vòng qua cổng phụ ở mặt bên khu đất này. Bên hông của khu vực Toà Thánh có hai cổng phụ ra vào (có hơn nữa không thì tôi không biết). Phía mặt hông này có vẻ “lôm côm” vì tôi thấy có họp chợ (nhỏ thôi) buôn bán i-xèo và có cả dân vô gia cư mắc võng làm lều cư trú dài dài bên lề đường, phía khu vực Toà Thánh.

Vài nét về đạo Cao Đài

http://www.caodai.vn/hoithanh/menu.html

http://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BA%A1o_Cao_%C4%90%C3%A0i

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/pictures/2010/11/101115_ugc_thanhthatcaodaitayninh.shtml

http://vi.wikipedia.org/wiki/T%C3%B2a_Th%C3%A1nh_T%C3%A2y_Ninh

Đạo Cao Đài là một tôn giáo độc thần được thành lập ở Việt Nam vào đầu thế kỷ XX. Tên gọi Cao Đài theo nghĩa đen chỉ “một nơi cao”, nghĩa bóng là nơi cao nhất ở đó Thượng đế ngự trị; cũng là danh xưng rút gọn của Thượng đế trong tôn giáo Cao Đài, vốn có danh xưng đầy đủ là “Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát. Để tỏ lòng tôn kính, một số các tín đồ Cao Đài thường gọi tôn giáo của mình là đạo Thầy.

Tín đồ Cao Đài tin rằng Thượng đế là Đấng sáng lập ra các tôn giáo và cả vũ trụ này. Và đạo Cao Đài chính là được Thượng đế trực tiếp khai sáng thông qua Cơ bút (nghi lễ cầu cơ và chấp bút) cho các tín đồ với nhiệm vụ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, có nghĩa là Nền đạo lớn phổ độ lần thứ Ba.

Cao Đài là một tôn giáo mới, có tính dung hợp các tôn giáo lớn mà chủ yếu là Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo. Các tín đồ thi hành những giáo điều của Đạo như không sát sinh, sống lương thiện, hòa đồng, làm lành lánh dữ, giúp đỡ xung quanh, cầu nguyện, thờ cúng tổ tiên, và thực hành tình yêu thương vạn loại qua việc ăn chay với mục tiêu tối thiểu là đem sự hạnh phúc đến cho mọi người, đưa mọi người về với Thượng đế nơi Thiên giới và mục tiêu tối thượng là đưa vạn loại thoát khỏi vòng luân hồi.

xe-buyt-di-toa-thanh-tay-ninh-duhanhxebuyttoathanhcaodai-6

Biểu tượng của đạo Cao Đài, hình một con mắt nằm trong hình tam giác, tượng trưng cho Thượng Đế. Biểu tượng này có thể thấy ở bệ thờ và những hoa văn kiến trúc trên tường của thánh thất. Quả cầu lớn tượng trưng cho Vũ trụ, con mắt là Thiên Nhãn.
xe-buyt-di-toa-thanh-tay-ninh-duhanhxebuyttoathanhcaodai-7
Quảng trường trước Toà Thánh
xe-buyt-di-toa-thanh-tay-ninh-duhanhxebuyttoathanhcaodai-8
Mặt tiền Toà Thánh
xe-buyt-di-toa-thanh-tay-ninh-duhanhxebuyttoathanhcaodai-9
Lối vào Bửu điện (Chánh điện) và cờ của đạo Cao Đài (đạo kỳ)
xe-buyt-di-toa-thanh-tay-ninh-duhanhxebuyttoathanhcaodai-10
Tuy nhiên, khách tham quan không được đi vào cửa chánh mà phải đi cửa bên, nam đi cửa bên phải, nữ đi vào cửa bên trái. Khách tham quan được đề nghị bỏ giày dép bên ngoài, cởi mũ, được chụp hình phong cảnh bên trong Toà Thánh nhưng không nên chụp hình rõ mặt người.
xe-buyt-di-toa-thanh-tay-ninh-duhanhxebuyttoathanhcaodai-11

Trước khi vào Bửu điện, khách đi qua một sảnh nhỏ, trên tường có treo một bức tranh tên Cao Đài Tam Thánh ký Thiên-Nhơn hoà ước (Tôn Dật Tiên, Victor Hugo, và Nguyễn Bỉnh Khiêm). Trong bức tranh có dòng chữ “Thiên thượng (Dieu) – Thiên hạ (Humanité)” và “Bác ái (Amour) – Công bằng (Justice)”.

Ý nghĩa: Cao Đài Tam Thánh ký hoà ước với Trời, còn gọi Đệ Tam hoà ước. (Đệ nhất hoà ước là kinh Cựu ước của đạo Do Thái, Đệ Nhị hoà ước là kinh Tân ước của đạo Thiên chúa). Thiên thượng và Thiên hạ “hiệp nhất” để thực hiện Bác ái và Công bình. Đó là mục đích cứu độ của Đức Chí Tôn Thượng Đế khai minh Đại Đạo cho Tam Kỳ Phổ Độ.

xe-buyt-di-toa-thanh-tay-ninh-duhanhxebuyttoathanhcaodai-12

Bên trong Bửu điện
xe-buyt-di-toa-thanh-tay-ninh-duhanhxebuyttoathanhcaodai-13
Làm lễ trong Bửu điện (hình lấy từ http://www.bbc.co.uk của tác giả Đặng Thống Nhất)
xe-buyt-di-toa-thanh-tay-ninh-duhanhxebuyttoathanhcaodai-14
Hình ảnh trụ sở vài bộ phận phụ trợ trong khuôn viên Toà Thánh.
xe-buyt-di-toa-thanh-tay-ninh-duhanhxebuyttoathanhcaodai-15
Một số gian hàng “kiểu hội chợ” trong khu vực quảng trường trước Toà Thánh.

Lang thang một lúc chụp hình trong khuôn viên Toà Thánh Cao Đài thì đã 2.30 chiều. Tôi nghĩ nên về là vừa vì sẽ phải chuyển mấy chuyền xe buýt mới về đến nhà. Hỏi một vị “huynh đệ” quần áo trắng (cách mấy tín đồ Cao Đài xưng hô với nhau) đang đi gần đó xem tôi phải đón xe buýt số mấy để về bến xe thị xã Tây Ninh. “Xe nào cũng về đó”, vị huynh đệ này trả lời chắc nịch. Thế là tôi yên tâm ra đứng chờ ngoài trạm xe buýt. Độ 15 phút sau một xe buýt có “dáng dấp” xanh-trắng trờ tới. Tôi leo lên xe, thấy hơi lạ vì “nội thất” xe không giống những loại xe buýt tôi thường đi, ít ghế nhìn xuôi theo đường, mà lại có hàng ghề nhìn ngang đường. Phụ xế lại hỏi tôi đi đâu. Tôi nói “Về bến”; người phụ xế nói gì đó mà tôi nghe ra sáu ngàn nên đưa tờ giấy bạc 10.000 đồng. Anh này nói lại to hơn “Mười sáu ngàn”. Sao mắc quá vậy, khi ra đây từ bến xe thị xã hết có sáu ngàn thôi mà, nghĩ vậy, nhưng tôi không nói mà lẳng lặng đưa tờ giấy bạc 20.000 đồng. Đừng bao giờ tranh cãi với tài xế và phụ xế. Kinh nghiệm đi đường xa dạy cho tôi biết điều đó.

Xe chạy một lúc tôi hỏi một phụ xế khác ngồi gần đó (xe này đặc biệt có đến 2 phụ xế), xe nay về bến xe thị xã hả. Người này lắc đầu nói “Về bến xe Củ Chi”. Hoá ra xe buýt này chạy tuyến đường Hoà Thành-Củ Chi, và bến xe mà nó sẽ đến là bến xe Củ Chi chứ không phải bến xe thị xã Tây Ninh. Thế cũng tốt đi thẳng về thành phố luôn, không quay lại thị xã nữa. Vậy 16.000 thì …. cũng được

Thế nhưng chỉ “được” về giá cả thôi, chứ không được chút nào về an toàn giao thông. Xe chạy như điên khùng. Chưa bao giờ tôi đi một xe buýt nào chạy nhanh đến như vậy. Tôc độ bao nhiêu tôi không rõ, nhưng các xe lớn chạy ngược chiều thấy sát rạt và gió rít vù vù. Cảm giác bánh xe lắc qua lắc lại dưới sàn. Thỉnh thoảng xe vượt qua một ổ gà với tốc độ nhanh nghe rầm một tiếng, thấy ê cả mông. Tôi phải cố trấn tĩnh mình và xua đuổi những lo nghĩ bậy bạ thoáng hiện trong đầu. Đang băng băng trên đường bỗng xe chạy chậm lại một chút rồi dừng gấp. Bộp một tiếng, chưa hiểu chuyện gì xảy ra, tôi thấy phụ xế nhảy xuống xe, rút dưới gầm ra một cây sắt. Rồi đến tài xế cũng nhảy xuống lôi ra một cây sắt nữa. Cả hai đuổi theo một người thanh niên nào đó dường như mới chọi đá bể kiếng xe. Một bà ngồi phía trước tôi nãy giờ đứng chồm dậy la vói theo “Bắt lấy xe của nó luôn.” Sau một hồi đuổi bắt “kẻ địch” không xong, tài xế và phụ xế quay lại xe để tiếp tục hành trình về Củ Chi. Thế là một cuộc “đua” thời gian lại diễn ra. Tôi chỉ mong mau đến bến để “thoát” khỏi cái xe này. Sợ “nó” quá rồi!

Hôm nay tôi mới tận mắt chứng kiến những hình ảnh “sóng gió giang hồ” và thấy tiếc rằng nó đã làm hỏng một phần cuộc đi chơi của mình.

FOR MY BEAR FAMILY