Đường Hùng Vương – Hà Nội 36 phố

3237

Đường Hùng Vương chính là mặt thành phía tây của tòa thành Thăng Long thời Nguyễn. Thời Pháp thuộc có tên là đại lộ Bờrie đờ Lixlơ (Avenue Brière de I’ Isle). Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 được đổi tên thành đường Hùng Vương.

so-1-hung-vuong-ha-noi-6a

Đường Hùng Vương

Đường Hùng Vương dài gần 1,2km, đi từ ngã tư phố Quán Thánh – đường Thanh Niên đến phố Nguyễn Thái Học. Mặt đường được đổ bê tông rộng 40m. Hai bên đường là những hàng chò nâu xanh tươi, thẳng tắp được mang từ đất tổ Hùng Vương về trồng nên càng có ý nghĩa cho con đường.

Hùng Vương hay vua Hùng, là tên hiệu của 18 vị vua cai trị nhà nước Văn Lang của người Lạc Việt. Theo truyền thuyết, các vua này là hậu duệ của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Sách “Lĩnh Nam chích quái” thời Trần viết rằng: “Âu Cơ kết hôn với Lạc Long Quân, sinh ra một bọc trăm trứng, nở ra một trăm người con. Về sau, Lạc Long Quân chia tay với Âu Cơ: 50 người con theo cha xuống biển, 50 người con theo mẹ lên núi. Người con cả được tôn làm vua, gọi là Hùng Vương”. Ngôi vua theo truyền thống được cha truyền con nối, Hùng Vương đồng thời là người chỉ huy quân sự, chủ trì các nghi lễ tôn giáo. Đền thờ Tổ Hùng Vương ở xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, mở hội quốc lễ Giỗ Tổ vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm.

Đây là một con đường tuy không dài lắm nhưng hai bên đường có nhiều dấu tích lịch sử như: cửa phía Tây (là cửa Quảng Phúc, cạnh đường Hùng Vương) nằm trong di tích Hoàng thành Thăng Long, được xây dựng từ thế kỷ thứ XI, Chùa Một Cột (có tên chữ là Diên Hựu được xây dựng vào năm 1049 thời vua Lý Thái Tông)… Đường Hùng Vương nằm trên một khu đất cổ, có địa thế phong thủy thuộc loại đẹp nhất Thủ đô, hơn nữa con đường này nằm giữa Trung tâm hành chính-chính trị quốc gia và cũng là Trung tâm của quận Ba Đình, Hà Nội. Con đường mang ý nghĩa lịch sử này thật xứng đáng mang tên hiệu của 18 đời vua Hùng.

Đường Hùng Vương chạy ngang qua Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được chính thức khởi công ngày 2 tháng 9 năm 1973 và được khánh thành vào ngày 29 tháng 8 năm 1975. Lăng gồm 3 lớp với chiều cao 21,6m, lớp dưới tạo dáng bậc thềm tam cấp; lớp giữa là kết cấu trung tâm của lăng gồm phòng thi hài, hành lang, cầu thang lên xuống; lớp trên là mái lăng hình tam cấp được tạo dáng cách điệu bông sen nở. Quanh bốn mặt là những hàng cột vuông bằng đá hoa cương. Ở mặt chính có dòng chữ: “Chủ tịch Hồ-Chí-Minh” bằng đá hồng ngọc màu mận chín. Mặt chính lăng nhìn ra hướng đông là Quảng trường Ba Đình.

so-1-hung-vuong-ha-noi-6a2

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một công trình văn hóa, nghệ thuật lớn. Lăng được xây dựng trên nền cũ của tòa lễ đài giữa Quảng trường Ba Đình, nơi Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2 tháng 9 năm 1945. Công trình lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là kết quả lao động sáng tạo của nhiều nhà khoa học và công nhân hai nước Việt Nam – Liên Xô tỏ lòng tôn kính Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một danh nhân không chỉ của dân tộc Việt Nam mà còn của thế giới, Người đã được Tổ chức giáo dục khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc UNESCO tôn vinh là Danh nhân Văn hóa thế giới và Anh hùng giải phóng dân tộc nhân kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của người (15/5/1890 – 15/8/1990).

Nằm sát con đường là Quảng trường Ba Đình (tên thời Pháp thuộc là Rond-point Pugininer, tên cũ là vườn hoa Ba Đình) là quảng trường lớn nhất Việt Nam, với chiều dài 380m, rộng 100m, chia thành 240 ô cỏ xanh tươi suốt bốn mùa là hình tượng những chiếc chiếu trải trên sân đình ở các làng quê Việt Nam xưa. Đây là nơi diễn ra các cuộc diễu hành nhân dịp các ngày lễ lớn của Việt Nam, và cũng là nơi vui chơi, dạo mát của người dân thủ đô Hà Nội. Phía tây của Quảng trường là khu lưu niệm Hồ Chủ Tịch.

Trên con đường này, ta không thể không nhắc đến khu di tích Phủ Chủ tịch. Đây là toà nhà sang trọng, bề thế, cao bốn tầng nhìn thẳng ra đường Hùng Vương. Công trình được thiết kế và xây theo phong cách kiến trúc thời Phục Hưng từ những năm đầu thế kỷ XX, do kiến trúc sư người Pháp gốc Đức Lich-ten Fen-đơ thiết kế và phụ trách thi công trong 6 năm (1901 – 1906), dựa trên mẫu kiến trúc cổ điển, kiên cố. Diện tích sử dụng của toà nhà gần 1300 mét vuông. Toàn bộ toà nhà có trên 30 phòng, mỗi phòng được trang trí theo một phong cách riêng. Trong thời kỳ thực dân Pháp cai trị, toà nhà được gọi là Phủ Toàn quyền Đông Dương. Sau ngày 10/10/1954 – thủ đô Hà Nội được giải phóng, tòa nhà được đổi tên là Phủ Chủ tịch. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường chủ trì các phiên họp Hội đồng Chính phủ, quyết định những vấn đề lớn, quan trọng của đất nước; tiếp đón khách quốc tế và gặp gỡ đại biểu nhân dân Việt Nam. Còn nơi làm việc hằng ngày và nơi ở của Bác tại ngôi nhà sàn gần đó, bên cạnh vườn cây, ao cá, những rặng dừa, hàng cây dâm bụt. Từ năm 1969 đến nay, Phủ Chủ tịch vẫn là nơi làm việc của Chủ tịch nước.

so-1-hung-vuong-ha-noi-6a3

Phủ Chủ tịch

Phủ Chủ tịch trở thành một trong những di tích lưu niệm về Bác Hồ được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử đặc biệt quan trọng ngày 15/5/1975, trong tổng thể Khu di tích Hồ Chí Minh.

Đường Hùng Vương là một đường phố đẹp, lại nằm ở vị trí quan trọng, có Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quảng trường Ba Đình và Khu di tích Phủ Chủ tịch, nối với các phố Phan Đình Phùng, Chùa Một Cột, Lê Hồng Phong, Trần Phú. Bởi thế, đường Hùng Vương có thể coi là một điểm dừng chân cho khách du lịch trong và ngoài nước khi đến thủ đô Hà Nội.

Uyên Linh

GOCOM.VN