Từ TP Biên Hòa có rất nhiều đường để vào đây. Khoảng cách giữa TPHCM và hồ Trị An chỉ 70km. Đường cũng khá là dễ đi dễ tìm.
Từ TPHCM, cứ theo quốc lộ 1A hướng về TP Biên Hòa-Ðồng Nai. Sau đó đi lên ngã ba Bắc Sơn hoặc thị trấn Trảng Bom (Thống Nhất) thì rẽ trái. Nếu rẽ ở thị trấn Trảng Bom, các bạn sẽ đi thẳng ra bến đò đảo Ó. Từ các ngã ba ngoài QL 1A, chỉ cần đi 8-10km là đến trung tâm thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu) rồi hỏi thăm ra bến đò Ðồng Trường. Từ đây, các bạn sẽ lên thuyền rong chơi ngắm cảnh đẹp của hồ Trị An. Sau khoảng 30 phút ngồi thuyền là đặt chân lên đảo Ó (chỉ rộng chừng 2,2ha).
Hiện nay, khu vực đảo Ó đã được một công ty du lịch khai thác kinh doanh phục vụ bạn. Vì thế, mọi người có thể đặt ăn trưa ở nhà hàng trên đảo. Các món ăn như cá lăng nấu canh chua và cá lăng kho tộ. Cá lăng tươi mới bắt lên từ hồ Trị An, thịt thơm, ngọt và béo. Ăn xong có thể thuê võng (10.000 đồng/chiếc) ngủ dưới những tán cân râm mát.
Các dịch vụ vui chơi giải trí trên đảo Ó như thuê mô tô nước lướt sóng trên hồ: giá 300.000 đồng/giờ (đi được 2 người), canô lướt sóng giá 500.000 đồng/giờ đi được 10 người.
Thậm chí nếu muốn cũng có thể thuê nhà nghỉ ngủ ngay trên đảo (giá 120.000 đồng/phòng đôi) nhưng ít có khách ngủ lại vì chỉ đi về trong ngày.
Ở đây cũng có một máng trượt nước cao 15m cho những ai thích tìm cảm giác mạnh. Để tìm hiểu chi tiết hơn về khu du lịch đảo Ó, hồ thủy điện Trị An Đồng Nai, bạn vui lòng đọc thêm các bài hướng dẫn chi tiết bên dưới:
Đồng Trường – Đảo Ó nằm ở thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu của tỉnh Đồng Nai. Điểm du lịch này cách TPHCM chỉ hơn 60km, đây là hai hòn đảo tách biệt nằm trong lòng hồ Trị An. Đảo Đồng Trường với diện tích 22ha, đảo Ó là 2,1ha với không gian xanh mát, thoáng đãng rất thích hợp với hoạt động dã ngoại, cắm trại và đốt lửa trại qua đêm.
Đi hồ Trị An như thế nào?
Khoảng cách từ TPHCM đến Đồng Trường – Đảo Ó khoảng 60km, các bạn đi theo QL1 tới ngã ba Vũng Tàu, rẽ phải theo hướng về Vũng Tàu đi chừng 3,4km thì đi tiếp vào đường Võ Nguyên Giáp, đây là đường tránh thành phố Biên Hòa. Hết đường VNG ra tới QL1 rẽ phải đi thêm vài km nữa tới ngã ba Trị An (có biển thông báo), rẽ trái theo đường Hùng Vương, chạy thẳng hoài qua khỏi thị trấn Vĩnh An là đến hồ Trị An, tai đây có bến tàu của trung tâm du lịch đón bạn qua đảo.
Đồng Trường – Đảo Ó
Trung tâm du lịch Đồng Trường – Đảo Ó là đơn vị quản lí điểm du lịch này, trung tâm cung cấp cho bạn những dịch vụ về vận chuyển, lưu trú, ăn uống và có thể hỗ trợ nếu bạn có nhu cầu tham quan nhà máy thủy điện Trị An hoặc chiến khu D.
Dưới đây là bảng giá một số dịch vụ các bạn có thể tham khảo.
Thuê áo phao: 10.000 đồng/cái/lượt
Bạt: 80.000 Đồng/cái/lượt
Củi đốt lửa trại: 100-500K tùy theo số lượng khách yêu cầu.
Cơm dĩa: 35-45.000 đồng/phần
Cơm phần: 100-200.000 đồng/phần (có đặc sản của hồ Trị An)
Lều ngủ: 200.000 Đồng/lều 4 người; 300.000 đồng/lều 6 người; 500.000 đồng/lều 10 người
Phí cắm trại trên đảo: 30.000 đồng/người/24h
Phòng nghỉ ở đảo: 250.000 đồng/phòng đôi
Phòng tập thể: 350.000 đồng/phòng 6 người
Võng: 10.000 đồng/cái, qua đêm 30K
Chi phí thuê tàu qua đảo Ó
Từ 1-5 khách: 550.000 đồng/tàu, nếu số lượng nhiều hơn thì sẽ có bảng giá chi tiết của trung tâm du lịch Đồng Trường – Đảo Ó. Bao gồm: Phí tham quan hai đảo, thuế VAT, tàu khứ hồi, Không bao gồm chi phí cắm trại, lửa trại. Nếu bạn có nhu cầu thuê thuyền đi tham quan hồ Trị An thì giá cano: 1.500.000 đồng/giờ, Tàu: 1.000.000 đồng/giờ.
Bạn có thể liên hệ với Trung tâm Du lịch Đảo Ó – Đồng Trường để đặt chỗ trên thuyền dạo chơi lòng hồ hay ra đảo và các nhu cầu ăn uống, nghỉ ngơi. ĐT: (061) 386 0440 – 386 1165 – 0907 788 636 (cell).
Chơi gì trên đảo Ó?
Do đảo nằm ở vị trí độc lập trong lòng hồ Trị An nên bạn đến đây rồi thì sẽ vui chơi chủ yếu trên đảo, chỗ này thích hợp cho nhóm đi đông, chuẩn bị đồ ăn để nấu nướng, tận hưởng không gian trong lành, mát mẻ từ hồ và rừng cây xung quanh đảo. Tối cắm trại, đốt lửa trại. Sáng dậy sớm hít thở bầu không khí trong lành của hồ Trị An. Các bạn có thể thuê thuyền để khám phá hồ Trị An.
Hồ thủy điện Trị An đẹp như thế nào
Hồ Trị An nằm trên sông Đồng Nai, cách thành phố Biên Hòa khoảng 30 km theo quốc lộ 24. Cũng như các hồ nhân tạo khác ở Việt Nam, hồ Trị An được hình thành trong quá trình xây đập ngăn dòng chảy để làm thủy điện (năm 1984). Với diện tích mặt hồ 323 km2, Trị An được xem là hồ nước lớn nhất Việt Nam kể cả tự nhiên hay nhân tạo, xếp trên các tên tuổi nổi tiếng khác như hồ T’nưng, hồ Thác Bà, hồ Hòa Bình…
Lòng hồ rộng lớn và có khoảng 40 hòn đảo nhỏ trong hồ nên từ lâu Trị An đã trở thành điểm du lịch dã ngoại đầy hấp dẫn đối với du khách trong tỉnh cũng như các khu vực lân cận. Đến với hồ Trị An, trải nghiệm tuyệt với nhất là được lênh đênh trên lòng hồ khi mặt trời còn chưa ló dạng hay khi hoàng hôn về để cảm nhận sự mênh mông, khung cảnh lãng mạn nên thơ của Trị An, khi đó tất cả những mệt mỏi, căng thẳng của đời thường sẽ được thả trôi theo con nước dưới hồ.
Không chỉ có vậy, cuộc sống của các ngư dân trên hồ cũng là một điều rất thú vị để bạn có thể trải nghiệm. Cách tuyệt vời nhất là bạn lên thuyền và đi dạo quanh các hòn đảo đẹp ở đây như đảo Ó, đảo Đồng Trường, đảo Robinson… để thưởng thức các món đặc sản ở đây như: cá cơm chiên bột, khô cá kìm, lẩu cá lăng…
Nhưng thú vị nhất là được ngủ qua đêm trên hồ, cứ xuôi thuyền lênh đênh sóng nước dưới ánh trăng bàng bạc trong cái mát lành của những cơn gió đêm. Để rồi khi trời còn chưa sáng, bạn sẽ trải nghiệm cảm giác của ngư phủ trên hồ, đi te cá cơm, thả lưới bắt tép, bắt cá lăng, cá hoàng đế…
Khi trời hửng sáng, từng chiếc thuyền vội vã kéo những mẻ lưới cuối cùng cho kịp phiên chợ sáng. Đây là thời điểm đẹp và nhộn nhịp nhất trên hồ, chợ cá Phú Cường tấp nập đón ghe thuyền về, những con cá cơm, cá kìm nhảy lách tách, những con cá lăng, cá hoàng đế, cá lóc…to béo, tươi ngon là món quà tuyệt vời của hồ Trị An dành cho người dân ở đây. Kết thúc chuyến khám phá của mình, bạn đừng quên mua vài cân cá tươi đem theo về khách sạn. Tại đây, đầu bếp sẽ chế biến cho bạn nhiều món ăn ngon như gỏi xoài cá kìm, cá cơm chiên bột, cá hoàng đế chiên xù, canh chua cá lăng…
Không chỉ khám phá hồ Trị An, bạn còn được tham quan rừng Mã Đà. Tại đây bạn sẽ được tìm hiểu hơn 40 loại lá rừng có thể ăn được như: lá lộc vừng, chân voi, lá ngạnh, lá bướm, lá trung quân… Chiến khu Đ với với những chiến công vang dội trong lịch sử chống ngoại xâm của quân dân miền Đông Nam Bộ cũng là địa điểm tham quan rất thú vị cho chuyến đi của bạn.
Một đêm ở đảo Ó và Đồng Trường
Cùng với đảo Đồng Trường, đảo Ó được ví như một viên ngọc hoang dã nằm giữa lòng hồ thủy điện Trị An thơ mộng. Ở đó, ngoài cảm giác của một thế giới thiên nhiên hoang dã biệt lập với cuộc sống xô bồ bên ngoài, bạn còn được đắm mình trong cảm giác của những làn nước trong vắt mát lạnh, xa xa là những dãy núi chập chùng của vườn quốc gia Nam Cát Tiên huyền thoại.
Chúng tôi đến đảo Ó (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) vào một buổi sáng trời nắng nóng, đặc trưng của những ngày mùa hè phương Nam. Nằm yên bình giữa mặt hồ Trị An mênh mông phẳng lặng, đảo Ó thực sự là một cảnh quan nổi bật của miền Đông Nam bộ bởi chung quanh đây xưa kia vốn chỉ có rừng già. Nhìn từ xa, đảo Ó chỉ như một vệt mờ hiện lên giữa làn nước xanh biếc mùa thủy điện bắt đầu tích nước.
Một hòn đảo xanh nổi giữa lòng hồ thủy điện; đó là hình ảnh mà gần nửa thế kỷ trước, người dân địa phương này có nằm mơ cũng không thấy. Một nguồn lợi thủy sản, một bộ lọc không khí làm mát dịu cái nóng như nung của vùng đất đỏ miền Đông, một nguồn điện cho quốc gia và còn là cảnh quan du lịch gần gũi với thiên nhiên. Đặc biệt, là được đắm chìm trong màu xanh bất tận của núi rừng, sông nước nơi đây sau những ngày căng thẳng với công việc.
Có khá nhiều đường để đến chơi đảo Ó. Nếu sử dụng phương tiện giao thông công cộng, từ Biên Hòa hay TPHCM, có thể đi xe buýt vào tận trung tâm thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu. Xe buýt số 12 từ Bến Thành đi Giang Điền, bạn xuống xe ở ngã ba Trị An (Bùi Chu) đi tiếp xe buýt vào Vĩnh An. Từ đó chỉ đi xe ôm chừng hơn 1km đến khu du lịch Đảo Ó – Đồng Trường, nơi có bến thuyền du lịch ra đảo. Nếu có xe riêng, mọi chuyện sẽ dễ dàng, thuận tiện hơn nhiều. Chúng tôi, theo cách của riêng mình, đi từ ngã ba Cây Gáo men theo hương lộ 2 tới bến đò của ngư dân làm nghề đánh cá ở Bến Gỗ trên hồ Trị An để ra đảo.
Giữa đảo Ó với đảo Đồng Trường chỉ là một lạch nước cạn. Đồng Trường hiện là khu rừng thả nuôi nhiều loại thú của khu du lịch Đảo Ó – Đồng Trường.
Anh Dũng, một ngư dân chất phác sống nhiều năm quanh khu hồ Trị An vui vẻ nhận lời đưa tôi ra đảo, những ngày này, thời tiết nóng nên khách du lịch tới đảo Ó và đảo Đồng Trường (nằm cạnh đảo Ó) rất đông. Tuy nhiên, phần lớn họ đi theo “tua”, nghĩa là đến khu du lịch Đồng Trường rồi đi ca-nô ra đảo. Sau đó, mọi dịch vụ khác trên đảo đều có hướng dẫn tận tình của công ty du lịch. Tuy nhiên, nếu có điều kiện, thong thả giong thuyền buồm giữa mênh mông sóng nước lòng hồ Trị An để đến với đảo Ó thì thích nhất.
Được hình thành từ khi Nhà nước quyết định chặn dòng sông Đồng Nai để hình thành công trình thủy điện Trị An, có sản lượng trung bình hàng năm 1,7 tỉ KWh hòa vào lưới điện quốc gia, khu du lịch đảo Ó – Đồng Trường cũng ra đời. Theo những người dân quanh vùng thì trước kia, đấy là hai quả đồi được người dân trồng chuối và trồng hồ tiêu. Thế nên, khi nơi đây được làm hồ thủy điện thì quả đồi đó trở thành đảo. Và từ đó, một điểm đến thích hợp cho những chuyến dã ngoại cuối tuần, những ngày nghỉ lễ… của người dân Đồng Nai và TPHCM.
Đặc sản đảo Ó: cá lăng
Ra đảo Ó, hầu hết bạn đều có sự chuẩn bị nước uống và thức ăn nhẹ mang theo. Tuy nhiên, đừng quên một điều là lòng hồ Trị An chính là một nguồn thủy sản dồi dào với nhiều món đặc sản tươi ngon, không nên bỏ qua khi có dịp về đây. Một trong những món ăn được ưa chuộng nhất chính là cá lăng được đánh bắt từ dưới lòng hồ Trị An. Theo những ngư dân sống ở gần Bến Gỗ thì mùa này, khi nước mưa từ thượng nguồn Đồng Nai đổ về nhiều cũng là lúc hồ thủy điện Trị An tích nước khiến lòng hồ dồi dào nguồn tôm cá vô cùng.
Trong đó, cá lăng được coi là đặc sản được ưa chuộng nhất ở đây. Những chú cá tươi ngon, béo ngậy còn quẫy đành đạch, có khi nặng tới vài ba ký lô, được đánh bắt dưới lòng hồ lên là bữa ăn không thể ngon hơn trong một chuyến dã ngoại, thám du nơi đây.
Cá lăng có thể nấu canh chua, chiên giòn hay kho tộ nhưng không gì bằng việc ngồi dưới những hàng cây tỏa nắng lấp lánh mà thưởng thức món cá lăng nướng muối ớt. Mùi cá thơm lừng, mùi hương thơm của những hàng tràm phảng phất khiến cho ta có cảm giác như thoát được những bon chen vất vả của cuộc sống thường nhật phần nào.
Ở khu du lịch Đảo Ó – Đồng Trường nằm bên thị trấn Vĩnh An, nhà hàng luôn sẵn sàng món lẫu cá lăng ngon tuyệt, còn có món tép rang cuốn bánh tráng khá độc đáo. Nhưng đặc biệt hơn cả là món thịt heo rừng nướng. Heo rừng thuần chủng được thả rong trên đảo Đồng Trường, nằm sát đảo Ó. Khách muốn thưởng thức món heo rằng nướng phải đặt trước; có thể ăn ở nhà hàng trong bờ hoặc trên đảo Ó đều thích, nhất là trong những đêm lửa trại trên đảo thì tuyệt vời.
Trên đảo cũng có nhà hàng, phòng ngủ và cho thuê lều, võng… ban đêm, điện chạy máy nổ đến 22g, nếu khách có yêu cầu, trả thêm tiền xăng theo giờ, máy điện sẽ chạy tiếp tục theo ý muốn. Nhiều đôi bạn trẻ, nhiều gia đình gồm cả trẻ em, người cao tuổi và nhất là những nhóm học sinh, sinh viên đã đến đây nghỉ lại qua đêm và có dịp vui chơi, hát hò bên ánh lửa bập bùng và sáng hôm sau thức dậy đón ánh mặt trời tỏa ánh hồng ban mai trên mặt nước lung linh vệt sóng của những con thuyền đánh cá vào bờ.
Tuy dòng nước ở thượng nguồn sông Đồng Nai và sông Bé luôn đục ngầu phù sa nhưng chảy khi tới hồ Trị An, nó lại mang một màu xanh vô cùng yên bình và êm ả. Có thể do trong lòng hồ có nhiều tảo, những loài vi sinh vật có khả năng làm lắng đọng phù sa nên cảnh mây trời non nước nơi đây lúc nào cũng đẹp đẽ. Và, sẽ là một điều tuyệt vời nếu bạn có thể giong thuyền, lướt đi trên những con sóng lăn tăn trên mặt hồ mênh mông này.
Các bài viết về khu du lịch hồ Trị An, đảo Ó trên các báo và mạng xã hội
Ở Đồng Nai có một địa điểm được gọi “Mã Đà sơn cước” từng nổi tiếng là nơi rừng thiêng nước độc, “dễ đi khó về”. Nhưng đó là chuyện của ngày xưa. Giờ đây, miền sơn cước với khung cảnh êm đềm và nên thơ lại là điểm hấp dẫn dân “phượt”để họ tìm về dấu vết và bóng dáng một danh lam thắng cảnh hùng vĩ từng được miêu tả trong sử lược Biên Hòa của nhà văn Lương Văn Lựu…
Nếu ở miền Bắc, mùa này ”dân phượt” rậm rịch kéo nhau đi xem lúa chín Mù Cang Chải, tam giác mạch ở Hà Giang, thì ở miền Nam dân “phượt” chọn Thủy điện Trị An.
Thủy điện Trị An nằm trên sông Đồng Nai, ngoài chức năng cung cấp điện, còn là hồ đảm bảo nước cho sinh hoạt, đẩy mặn, điều tiết lũ, tưới tiêu cho mùa khô ở hạ lưu…
Muốn đi Trị An thì phải đi qua Biên Hòa, dọc theo QL1, qua giáo xứ Bùi Chu tới ngã ba Trị An, thì rẽ vào thị trấn Trảng Bom. Đây là khu vực tập trung nhiều nhà máy công nghiệp. Dân cư chủ yếu là người Công giáo. Bởi vậy khi từ Biên Hòa đi Trảng Bom, bạn sẽ có cảm giác như mình đang đi trong phố chứ không phải ở QL1, chỉ khác là không có vỉa hè, vì có rất nhiều nhà thờ, thuộc các giáo xứ khác nhau dọc hai bên đường.
Khi tới ngã ba Trị An, gặp biển báo màu xanh rất lớn, chỉ Chiến khu Đ. Đi qua barie của kiểm lâm Cửa rừng là một con đường chạy dài hun hút, mấp mô lên xuống theo địa hình. Hai bên đường là rừng cây tự nhiên và những hàng hoa giấy, hoa sứ rực rỡ. Đây hẳn là một cung đường “phượt” thú vị, nhẹ nhàng, dễ chịu nhưng không hề nhạt nhẽo cho những ai ít thời gian, muốn hòa mình vào khung cảnh mát dịu của miền sơn cước Mã Đà. Vượt qua chặng đường 21 km là tới UBND huyện Vĩnh Cửu, từ đó bạn sẽ tới Thủy điện Trị An.
Cắm trại trên đảo Ó thì thật tuyệt vời
Hồ Trị An là hồ nhân tạo, được xây để chứa nước cung cấp cho Thủy điện Trị An. Hồ có diện tích 323 km2 với gần 40 đảo lớn và nhỏ. Ngoài khu vực đắp đập bằng bê tông còn có những chỗ bãi bồi tự nhiên thích picnic, cắm trại. Thủy điện Trị An cách TP HCM 65km theo hướng Đông Bắc, đi theo QL1.
Bạn có thể đi làm sáng thứ bảy và buổi chiều đi ngắm hoàng hôn trên hồ Trị An vì chuyến đi này sẽ không tốn nhiều kinh phí và sức lực. Nếu không có điều kiện đi xe máy từ TP HCM, bạn có thể đi xe buýt số 12, xuất phát từ Bến Thành đi Giang Điền, xuống xe ở ngã ba Trị An (Bùi Chu), đi tiếp xe buýt tới Bến xe Trị An, tới đây tìm thuê xe máy để đi tiếp.
Trước khi vào ngã ba Lâm Sản chia hai ngả, chúng tôi có đi qua một cây cầu mang tên Đồng Nai, từ đây có thể nhìn thấy đập xả lũ chính của hồ Trị An phía bên phải cầu. Đập này dài 420 m, cao 40 m với 8 cửa van. Mùa này, dưới cầu là lòng sông trơ đá, cảm giác cứ như ở cao nguyên đá Đồng Văn được rải phẳng, chạy bát ngát về phía hạ lưu. Cao nguyên đá rải phẳng này còn có một vài hố nước đọng, chứa nước màu xanh ngọc trong vắt.
Theo giới thiệu của dân bản địa, khu vực nhiều chỏm đá lởm chởm này là một phần thuộc ghềnh thác Trị An, hiện giờ là nhánh sông cạn để xả lũ khi cần thiết, đây vốn là nhánh sông chính của sông Đồng Nai trước khi xây đập và hồ Thủy điện Trị An. Bây giờ nhánh này hầu như khô cạn quanh năm, chỉ có nước mỗi lần Nhà máy Điện Trị An xả lũ. Do vậy, thác Trị An vốn là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng hùng vĩ được miêu tả cả trong sử lược Biên Hòa của nhà văn Lương Văn Lựu cũng bị biến mất sau khi xây đập thủy điện năm 1984 (Thác Trị An cách đập tràn 2 km về phía hạ lưu).
Đường vào thủy điện Trị An
Đường vào Thủy điện do Công ty Thủy điện Trị An quản lý với những con hẻm có tên rất lạ: Bờ Hồ, Chỏi Sắt, Suối Rộp. Con đường uốn cong uyển chuyển, một bên là hồ nước, một bên là bãi cỏ chạy dài và những đồi cây tràm giấy mấp mô, nhìn như một thung lũng thu nhỏ. Sát vệ đường là cỏ dại, cỏ bông lau, hoa cỏ may hoang dại mọc ngang thắt lưng.
Từ nơi đây, nhìn về phía thung lũng, nếu may mắn đi vào ngày có cả mưa và nắng, ta có thể nhìn rõ các khu vực mưa và nắng ở trong vùng Vĩnh Cửu. Tới giữa đường là cửa đập thủy điện, phóng tầm mắt xuống phía dưới là Nhà máy Thủy điện Trị An. Ở phía bên kia hồ, một số du khách đang nhẩn nha ngồi câu cá, tĩnh lặng hòa cùng mặt hồ không một gợn sóng như một mặt gương khổng lồ.
Nơi đây cũng là địa điểm chụp ảnh tuyệt đẹp với hàng cỏ mềm mại vàng óng ả khơi gợi cảnh sắc mùa thu. Đi sâu vào phía trong, ngoài rừng tràm còn có những vườn cây trồng sắn, với những con đường đất đỏ, uốn lượn dần lối vào các khu vực sâu bên trong. Bảng màu bao gồm màu đỏ của đất, xanh lá của lùm cây và màu vàng của cỏ, tạo nên khung cảnh êm đềm rất thơ…
Với mặt hồ rộng và thiên nhiên rừng núi bao quanh, dường như thời điểm đẹp nhất của hồ Trị An là buổi sáng sớm khi màn sương mờ bay lững lờ khắp mặt hồ và buổi chiều tà, khi bạn có thể ngắm nhìn những đàn chim bói cá. Vì thế, nếu muốn đổi gió, trốn phố xá đô hội, bạn có thể về Thủy điện Trị An, lang thang dọc 20 km đường quanh hồ để cảm nhận không gian dường như chỉ của riêng mình.
Các địa điểm tham quan
Đến Thủy điện Trị An, nếu có thời gian, bạn còn có thể tham quan Khu du lịch sinh thái trên Đảo Ó Đồng Trường, thuộc sông Đồng Nai. Tại đây, bạn có thể thuê cano tham quan lòng hồ, bến đò ra đảo Ó cách Nhà máy Thủy điện 19 km; hoặc thăm Di tích lịch sử Trung ương cục miền Nam, chiến khu D thuộc xã Mã Đà mang đậm dấu ấn lịch sử.
Những khu du lịch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai:
1. Khu du lịch Bửu Long
2. Khu du lịch hồ Trị An
3. Khu du lịch Nam Cát Tiên
4. Khu du lịch Thác Mai Đồng Nai
DAISUDULICH.VN