Kinh nghiệm du lịch An Giang mùa nước nổi tháng 10

1469

Mùa nước nổi nổi tiếng của miền Tây sông nước, Cẩm nang phượt chia sẽ kinh nghiệm du lịch An Giang mùa nước nổi từ A đến Z. Đến với An Giang với nhiều món ăn ngon, khám phá rừng Tràm Trà Sư hay những khu du lịch văn hóa tâm linh đền chùa…

Đến An Giang mùa nào vui nhất : Đến An Giang mùa nào cũng đẹp, song nếu đến vào tháng 4 hay tháng 8 âm lịch, bạn sẽ được hòa mình vào hai lễ hội lớn là lễ hội bà chúa Sứ và lễ hội đua bò. Các tháng 7-8 có mưa nên cần mang theo áo mưa hay dụng cụ đi mưa.

mua-nuoc-noi-an-giang-thang-may-tra-su-an-giang

1. Phương tiện đi đến An Giang:

Đi bằng ô tô: Từ Sài Gòn, mua vé đi thành phố Long Xuyên hay thị xã Châu Đốc ở bến xe miền Tây hay của các hãng xe tư nhân trên đường Lê Hồng Phong (giá dao động từ 150.000 – 300.000 đồng).
Đến các địa điểm trên thì thuê xe ôm, xe lôi đạp, xe lôi máy hay taxi.
Đi bằng xe máy: Từ Sài Gòn – Châu Đốc đi như sau: Theo quốc lộ 1 đến ngã 3 An Thái Trung (chợ An Hữu), rẽ phải về Cao Lãnh, qua phà Cao Lãnh thì đi theo bờ sông Tiền đến Chợ Mới, qua phà Thuận Giang cập bờ sông Hậu, đến phà Năng Gù thì qua phà đó, chạy theo quốc lộ 91 khoảng 30km là tới núi Sam. Hành trình này khoảng 220km, ngắn hơn hành trình xe Mai Linh khoảng 40km.
Nếu chạy xe máy, tùy vào lịch trình và thời gian, bạn chọn các cung đường phù hợp. Một số cung đường tham khảo:

TP HCM – QL1A – Tân An – Cầu Mỹ Thuận – Sa Đéc – Lai Vung – Phà Vàm Cống – Long Xuyên – Tri Tôn.

TP HCM – QL1A – QL62 – Thạnh Hóa – Phà Cao Lãnh – Phà An Hòa – Châu Đốc – Tịnh Biên.

Lưu ý: Nếu phượt bằng xe máy thì chú ý mang theo đầy đủ giấy tờ xe, bằng lái, bảo hiểm xe. Người ngồi trên xe phải đội mũ bảo hiểm. Nên tuân thủ tốc độ quy định.

2. Đến An Giang bạn nên đi những điểm nào?

Ở An Giang được chia thành 2 địa điểm chính đó là Châu Đốc và Long Xuyên. Nếu đi từ Châu Đốc bạn có thể đi thăm rừng Tràm Trà Sư, thăm Núi Sam, Núi Cấm, Núi Két, các làng bè cá trên sông, Núi bà chúa Xứ, Chợ Châu Đốc. Qua Tri Tôn xem lễ hội đua bò Bảy Núi, các ngôi chùa Khơme, Núi Cô Tô, đồi Tà Pạ. Hay qua cửa khẩu Tịnh Biên, ghé qua Cam chơi.

Thành phố Long Xuyên có ngôi nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, đi Thoại Sơn thăm núi Ba Thê, Núi Sập, khu du lịch hồ Ông Thoại, chợ nổi Long Xuyên – nơi tập trung hàng trăm xuồng, ghe từ khắp nơi đến để mua bán hàng hóa, nông sản.

mua-nuoc-noi-an-giang-thang-may-ho-ta-pa

Các bạn đến với AN Giang đừng bỏ qua những địa điểm sau đây nhé:

Rừng tràm Trà Sư thuộc huyện Tịnh Biên, có diện tích khoảng 850 ha với hệ sinh thái phong phú, là biểu trưng cho vẻ đẹp mùa nước nổi An Giang. Trải nghiệm đi thuyền giữa thảm bèo xanh ngút ngàn, len lỏi trong các ngóc ngách của rừng tràm, nghe tiếng chim chóc đùa giỡn trên tán tràm sẽ rất khó quên. Vé tham quan là 45.000 đồng/ người.

Chợ Tịnh Biên có bán nhiều đặc sản miền Tây mùa nước nổi, một số mặt hàng của Thái Lan, Cam-pu-chia cũng được bày bán. Chợ Tịnh Biên còn mang nét giao lưu văn hóa của người Việt, người Khmer.

Thất Sơn hay còn gọi là Vùng Bảy Núi là 7 ngọn núi tiêu biểu trong 37 ngọn núi ở 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Núi Cấm có độ cao 705 m, chiếm chu vi 28.600 m, là ngọn núi cao nhất trong Thất Sơn, có phong cảnh đẹp. Trên núi có: Chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn, tượng Phật Di Lặc, Cao Đài Tự…

Cánh đồng Tà Pạ (huyện Tri Tôn) như một tấm thảm rộng lớn với những đồng lúa xanh ngắt và những hàng thốt nốt hiên ngang giữa trời xanh. Hồ Tà Pạ – dấu vết còn sót lại của khu vực khai thác đá trên đỉnh đồi mang vẻ đẹp thơ mộng, phẳng lặng như tranh thủy mặc.

Núi Cô Tô tên Khmer là Phnom Ktô (xã Cô Tô, huyện Tri Tôn) nhìn xa giống như con chim phượng hoàng khổng lồ đang sải cánh giữa đồng bằng mênh mông.

Hồ Soài So – Suối Vàng: Nằm ở sườn phía Đông núi Cô Tô là một hồ nước có vẻ đẹp hoang sơ, nước lúc nào cũng xanh biếc và phẳng lặng. Hồ rộng chừng 5hecta, có dung tích khoảng 400.000m³, được sử dụng tưới tiêu cho hàng trăm hecta ruộng rẫy và cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân vùng phụ cận

Tịnh Biên An Giang có những điểm tham quan như: núi Cấm (núi Ông Cấm hay Thiêm Cấm Sơn), Núi Két (Anh Vũ Sơn), chợ Tịnh Biên, Siêu thị miễn thuế Tịnh Biên.

Miếu bà Chúa Xứ: tọa lạc tại chân núi Sam, thuộc phường Núi Sam, TX Châu Đốc, nơi đây là nơi di tích lịch sử tâm linh, bạn nào muốn viếng bà vào ngày lễ hội Vía Bà Chúa Xứ được tổ chức từ 23 đến 27 tháng Tư âm lịch hằng năm.

Lăng Thoại Ngọc Hầu: cách chùa Bà khoảng 50m, bên chân núi Sam, đây là khu thờ tự và an nghỉ của Thoại Ngọc Hầu và 2 bà vợ Châu Vĩnh Tế và Trương Thị Miệt

Núi Sam: là núi thấp cao 284 mét, các bạn có thể chạy xe lên trên đỉnh. Trên đỉnh núi không có gì đặc sắc, chỉ có 1 tháp truyền hình, một bệ đá sa thạch (nơi tượng bà Chúa Xứ lúc xưa đặt ở đây), và một vài quán các cho bạn thư giản. Điều thú vị nhất là đường chạy xe lên rất dốc (lưu ý không nên đi xe ga) . Trên đỉnh núi Sam có thể nhìn toàn cảnh Châu Đốc và Kênh Vĩnh Tế rất đẹp. Ngoài ra bạn có thể đi đường bộ để leo lên đỉnh núi, nhưng đường xa và rất ít người đi.

Chùa Huỳnh Đạo: chùa có khuôn viên rất đẹp, là một nơi bạn nên ghé tham quan vì vẽ đẹp của nó. Chùa nằm cặp quốc lộ 91, phía phải hướng từ núi Sam về TX Châu Đốc.

Chợ Châu Đốc: được mệnh danh là vương quốc mắm, vì đây cũng là một đặc sản của Châu Đốc. Có rất nhiều sạp bán mắm và khô đủ loại. Ngoài ra còn có các loại đặc sản như: đường Thốt Nốt, kẹo me, thạch thốt lốt, khô bò, các loại kẹo về làm quà,… Các loại trái cây ngon, chủ yếu là trái cây nhập theo đường tiểu ngạch về bày bán ở chợ (hàng Thái – đường Cam nhé), nên trái cây tương đối rẻ và ngon.
Bùng Bình Thiên (cách Châu Đốc 25 km) một hồ nước ngọt mênh mông, trong xanh nằm cặp với sông Bình Di (một nhánh của sông Hậu) thuộc huyện An Phú. Búng rất đẹp vào mùa nước nổi với sắc vàng bông điên điển xen giữa sắc xanh lục bình. Xung quanh búng là ngôi làng Chăm còn vẹn nguyên những giá trị văn hóa xưa.

Thánh đường Hồi Giáo: xã Nhơn Hội nằm ngay Búng Bình Thiên Lớn,và thánh đường hồi giáo xã Quốc Thái nằm cạnh TL956

3. Đến An Giang nghỉ ngơi tại đâu?

Khách sạn, nhà nghỉ Nhà nghỉ và khách sạn ở An Giang tập trung tại 3 điểm: khu vực núi Sam (thường dành cho khách hành hương, du khách không ở vì xa trung tâm), nội ô Châu Đốc và Long Xuyên.

Giá khách sạn dao động từ 150.000 – 1 triệu đồng tùy quy mô.

Một số khách sạn gợi ý như Bến Đá Núi Sam (2 sao) hay Victoria Châu Đốc.

Đặc biệt tại Long Xuyên, ngoài khách sạn, nhà nghỉ chuyên dụng còn có khu phức hợp nhà hàng, nhà nghỉ, trại nuôi cá sấu.

Một địa chỉ nghỉ giá rẻ thường được khách bụi truyền tai là Nhà trọ số 6 Thanh Mai, gần công viên 30/4 và chợ Châu Đốc. Giá phòng khá rẻ, từ 80.000 – 150.000 đồng, điểm trừ là nhà trọ hơi cũ.

4. Ăn uống – đặc sản An Giang:

Nếu ghé qua thành phố Long Xuyên bạn chớ nên bỏ qua món Cơm gà Hướng Dương (ai cũng biết). Hay món Bò nướng ngói, lẩu trâu Kiều Thu, Gỏi xoài sầu đâu.

Một số địa chỉ quán ăn ngon:

mua-nuoc-noi-an-giang-thang-may-banh-xeo

Cơm tấm Cây Điệp, địa chỉ 67 Lý Tự Trọng, TP. Long Xuyên, An Giang. Tel: (076) 841241. Là điểm ăn sáng nổi tiếng nhất thành phố Long Xuyên. Quán chuyên bán cơm tấm, chỉ bán vào buổi sáng tầm từ 9 đến 10 giờ là nghỉ.
  • Bò nướng, cháo bò, các loại bò, Cách chùa Bà khoảng 4km theo hướng vào Núi Cấm.
  • Bún cá ở Châu Đốc, đối diện rạp chiếu phim cũ, tại Châu Đốc. Hoặc Bún cá chỗ gần khu chùa Bồ Đề.
  • Bò nướng Phương Hương đối diện núi Két (40-50k/phần, theo đánh giá của nhiều phượt tử thì thật là ngon bổ rẻ).
  • Đó là quán 3P, đường Phan Đình Phùng nối dài (khu trại Thượng Đăng Lễ cũ), điện thoại 0762212.888 – 0969.934493. Quán có nhiều món ăn để thưởng thức. Đặc biệt quán có món đặc sản là Cháo sò huyết và bánh canh cua. Cháo sò huyết vị rất ngọt và ngon cùng một sô loại nấm tạo nên vị ngọt riêng biệt. Bánh canh cua nấu theo hương vị miền tây cua đồng.
  • Lẩu mắm đối diện bến xe Long Xuyên
  • Lẩu trâu Kiều Thu: đi theo hướng Long Xuyên – Châu Đốc qua cầu Quay, tới ngã 3 rẽ trái vào khu dân cư Sao Mai khoảng 50m có một ngã 4 – rẽ phải là tới.
  • Quán Mĩ Huệ ở Châu Đốc, nằm ngay trung tâm chợ. Mĩ Huệ nổi tiếng với các món ngon như: Cá rô, lóc, basa kho tộ, Canh chua cá, Mắm Kho đúng chất Châu Đốc.

Đặc sản An Giang làm quà

Các loại mắm – chợ Châu Đốc được mệnh danh là Vương Quốc mắm, các loại khô (nhất là khô cá tra phồng với cách chế biến không giống bất kỳ loại cá khô nào khác – hầm chung với nước), tung lò mò, thổ cẩm Chăm…

Mang gì khi đi du lịch ở An Giang?

Bạn nêm mặc quần áo nhẹ, gọn, dễ vận động. Mang áo khoác, mũ, kem chống nắng, kem chống muỗi, thuốc trị côn trùng, thuốc đau bụng (đề phòng khi thưởng thức các món lạ).

Nên mang giày thể thao hay giày bệt để leo núi, và cầm theo bộ kim, chỉ, nút áo, kim băng đề phòng các trường hợp bất ngờ.

Ngoài ra, nếu có dự định dã ngoại và qua đêm trên núi Cấm thì phải trang bị lều, áo ấm, thức ăn…

Các cung đường du lịch bụi qua An Giang:

Sài Gòn – Cao Lãnh – Tràm Chim – An Giang – Campuchia

Sài Gòn – Đồng Tháp – An Giang – Kiên Giang – Phú Quốc – Campuchia.

Nhưng thông thường, du khách thường đến An Giang theo những tour ngắn ngày như An Giang – Đồng Tháp; An Giang – Kiên Giang; An Giang – Campuchia.

Bài viết được tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau.

CẨM NANG PHƯỢT | KINH NGHIỆM DU LỊCH