Kinh nghiệm du lịch Lý Sơn 2018 | Kinh nghiệm đi phượt Lý Sơn

2123

Cùng Phượt – Lý Sơn trước đây được gọi là cù lao Ré mà theo cách lý giải của dân gian là “cù lao có nhiều cây Ré”. Là huyện đảo duy nhất của Quãng Ngãi, nằm về phía Đông Bắc, cách đất liền 15 hải lý.Tỉnh Quảng Ngãi đã khai trương tuyến du lịch “biển đảo Lý Sơn” vào ngày 28 tháng 4 năm 2007. Du khách từ thành phố Quảng Ngãi đi theo quốc lộ 24B về cảng Sa Kỳ, sau đó ra đảo bằng tàu cao tốc và thuê xe máy để đến các di tích trên đảo. Khi lưu trú trên đảo, du khách sẽ được thưởng thức các món hải sản và các đặc sản gỏi tỏi, gỏi cá cơm, rong biển trộn (rau cum cúm), cháo nhum (cầu gai)..

kinh-nghiem-phuot-ly-son-1-cungphuot.info
Lý Sơn nhìn từ trên đỉnh Thới Lới (Ảnh – Cùng Phượt)

Lịch sử hình thành của Lý Sơn

dao-be-ly-soncungphuot
Ảnh – Cùng Phượt

Cách đây khoảng 25-30 triệu năm, đảo Lý Sơn được hình thành dưới sự kiến tạo địa chấn với sự phun trào nham thạch của núi lửa. Hiện nay trên đảo có 5 hòn núi đều là chứng tích của núi lửa đã phun trào. Sự phun trào và tắt đi của núi lửa đã tạo nên những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú trên đảo. Chúng còn trải trên bề mặt đảo ở phía nam một lớp đất bazan màu mỡ thích hợp cho nhiều loại cây trồng, đồng thời còn tạo nên những rạng đá ngầm là điều kiện tốt cho các loài thủy tộc sinh sống.

Cách đây khoảng 3000 năm, cư dân thời tiền sử thuộc văn hóa Sa Huỳnh đã cư trú trên đảo Lý Sơn. Họ sống quần cư dọc theo hai dòng suối nước ngọt cổ (suối Ốc và suối Chình). Kinh tế chủ yếu của họ là khai thác biển, món ăn truyền thống là sò ốc và cá. Kế tục văn hóa Sa Huỳnh là văn hóa Chăm pa – phát triển từ những thế kỷ đầu công nguyên. Vết tích văn hóa vật chất của họ được để lại qua các dấu tích chứa trong tầng văn hóa lớp trên của di chỉ Xóm Ốc và Suối Chình.

Cư dân Việt đến khai khẩn làng mạc trên đảo vào khoảng cuối thế kỷ XVI – đầu thế kỷ XVII. Họ là những ngư dân vùng An Hải, Sa Kỳ của huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh. Bao gồm 15 ông tiền hiền của 15 dòng họ lớn, họ di cư ra đảo phần chia khu vực cư trú ở phía đông và phía tây đảo Lý Sơn. Trong buổi đầu ấy, người Việt trong công cuộc khai phá lập làng đã gặp không ít khó khăn về thời tiết, khí hậu và nạn giặc Tàu Ô. Đến nay, một số di tích còn lưu lại đã phản ánh sự chống chọi kiên cường với giặc Tàu Ô để bảo vệ đảo của người dân Lý Sơn: miếu Nàng Roi, chùa Hang, sự tích đánh giặc Tàu Ô của ông Nguyễn Văn Tuất,…

Lịch sử đảo Lý Sơn còn gắn liền với các khối cộng đồng cư dân khác đã sinh sống trên đảo từ hàng nghìn năm trước. Ba lớp cư dân Sa Huỳnh – Chăm pa – Việt đã gắn bó chặt chẽ với sự hình thành và phát triển của đảo Lý Sơn. Họ đã bảo vệ chủ quyền hòn đảo và để lại nhiều di sản văn hóa vô cùng giá trị đến nay vẫn được bảo tồn và phát huy. Ngày 01/01/1993 huyện Đảo Lý Sơn chính thức được thành lập, tách ra từ huyện Bình Sơn của tỉnh Quảng Ngãi.

Nên đi Lý Sơn vào thời điểm nào ?

phuot-ly-son-4
Đá Tò Vò trên đảo Lý Sơn
  • Mùa hè, trong khoảng từ tháng 6 đến tháng 9 thời tiết khá đẹp và có nắng, phù hợp cho việc đi biển
  • Mùa tỏi Lý Sơn bắt đầu được trồng vào tháng 9 và thu hoạch vào khoảng đầu tháng 12, tuy nhiên đây cũng là thời điểm mùa bão diễn ra.
  • Lễ khao thề lính Hoàng Sa diễn ra vào các ngày 18-19-20 tháng 3 (âm lịch)

Dân gian có một vài câu thành ngữ nói về thời tiết trên biển như: Tháng giêng động dài, tháng hai động tố, tháng ba bà già đi biển. Đọc những câu này, các bạn cũng có thể thêm chút kinh nghiệm lựa chọn thời gian đi biển cho riêng mình, động dài ý nói thời gian biển động sẽ kéo dài, động tố nói về việc biển động bất ngờ, đây cũng là tháng mà có lẽ chưa nên vội đi biển.

Phương tiện đi và đến ở Lý Sơn

phuot-ly-son-3
Ảnh – Anh DV

Máy bay

Sân bay gần nhất để có thể di chuyển ra cảng Sa Kỳ (nơi có tàu cao tốc đi Lý Sơn) là sân bay Chu Lai của Quảng Nam, mỗi tuần từ Hà Nội có 3 chuyến bay tới Chu Lai với giá vé khứ hồi khoảng 3 triệu đồng, từ Sài Gòn với giá vé khứ hồi khoảng 3,5 triệu đồng. Nếu đi bằng máy bay các bạn nên thuê một chuyến xe để đi bởi khoảng cách từ sân bay Chu Lai đến cảng Sa Kỳ vào quãng 50km.

Ô tô khách

Từ Hà Nội và Sài Gòn có rất nhiều hãng xe chất lượng cao đến Quảng Ngãi, các bạn có thể liên hệ các nhà xe để đặt vé trước (từ 2-5 ngày tùy vào thời điểm chuyến đi của bạn, vào những dịp nghỉ lễ thì cần đặt sớm nếu không sẽ không có vé)

Tàu hỏa

Mỗi ngày từ 2 đầu Hà Nội và Sài Gòn có 5 chuyến tàu Thống Nhất ra vào Bắc Nam, tùy vào khoảng thời gian của mình mà bạn có thể chọn giờ tàu cho phù hợp (Các tàu số lẻ đi từ Hà Nội vào, các tàu số chẵn đi từ Sài Gòn ra)

  • Tàu SE1 & SE2 [Hà Nội 19h00 Quảng Ngãi 13h23] – [Sài Gòn 19h00 Quảng Ngãi 9h03]
  • Tàu SE3 & SE4 [Hà Nội 23h00 Quảng Ngãi 15h23] – [Sài Gòn 23h00 Quảng Ngãi 11h41]
  • Tàu SE5 & SE6 [Hà Nội 9h00 Quảng Ngãi 4h00] – [Sài Gòn 9h00 Quảng Ngãi 23h32]
  • Tàu SE7 & SE8 [Hà Nội 6h15 Quảng Ngãi 0h36] – [Sài Gòn 6h25 Quảng Ngãi 20h22]
  • Tàu TN1 & TN2 [Hà Nội 13h15 Quảng Ngãi 10h28] – [Sài Gòn 13h15 Quảng Ngãi 4h57]
phuot-ly-son-5
Ảnh – hung_nt

Tàu từ Sa Kỳ đi Lý Sơn

Sau khi di chuyển tới Quảng Ngãi nếu đoàn đông các bạn nên thuê một chiếc taxi đi từ Trung tâm Tp Quảng Ngãi ra tới cảng Sa Kỳ (khoảng cách khoảng 20km) hoặc để tiết kiệm chi phí các bạn có thể sử dụng tuyến xe buýt 03 có lịch trình chạy Bến xe Quảng Ngãi – Cảng Sa Kỳ. Tuy nhiên lưu ý với các bạn là phải đi chuyến xe buýt sớm nhất lúc 5h sáng để đảm bảo có thể ra được cảng sớm và không bị lỡ tàu (thời gian đi của chuyến xe buýt khoảng 1 tiếng)

Từ ngày 7/9/2014 đã có thêm điểm bán vé tàu đi Lý Sơn tại ngay trung tâm Tp Quảng Ngãi nằm trên đường 379 Nguyễn Nghiêm thời gian bán vé từ 13h30 đến 15h30 hàng ngày.

Update: Hiện mỗi ngày có 3 chuyến tàu cao tốc đi Lý Sơn và ngược lại. Từ Sa Kỳ đi Lý Sơn xuất phát vào 7h30, 8h và 15h. Từ Lý Sơn về lại đất liền xuất phát vào 7h, 8h và 13h30

Mỗi ngày từ cảng Sa Kỳ và cảng Lý Sơn đồng thời có 1 chuyến tàu cao tốc ra đảo và vào đất liền. Tàu rời cảng trong khoảng từ 7h30 đến 8h00. Phòng vé được mở cửa vào 6h30 hàng ngày, mỗi người xếp hàng sẽ được mua 2 vé, khi mua vé sẽ phải khai báo họ tên, năm sinh, địa chỉ, số CMND. Đối với các bạn đi đoàn đông có thể đăng ký trước danh sách của đoàn (bao gồm đầy đủ các thông tin như phía trên) kèm theo số điện thoại đại diện của trưởng đoàn và fax về cho ban quản lý cảng chậm nhất trước 15h30 của ngày hôm trước ngày đi, khi đến mua vé cần mang theo danh sách gốc. Ban quản lý cảng cũng tổ chức bán vé trước một ngày cho các bạn muốn mua trước vào 2 khoảng thời gian là 9h-11h và 13h30-15h30. Nếu đã mua vé mà không thể tới kịp giờ tàu chạy các bạn cần thông báo trước ít nhất 2h cho ban quản lý cảng, trường hợp này bạn sẽ được hoàn lại 80% tiền vé hoặc di chuyển bằng chuyến kế tiếp với giá vé phụ thu 20%

Ban quản lý cảng Sa Kỳ : 055 3626 431 – Fax: 055 3626138
Email: [email protected]

Ngoài tàu cao tốc, mỗi ngày có 1 chuyến tàu vận tải (tàu gỗ) vận chuyển hàng hóa và cả hành khách ra đảo Lý Sơn, thời gian tàu gỗ chạy sẽ lâu hơn (8h-11h) so với tàu cao tốc (8h-9h) nên các bạn cứ cân nhắc lựa chọn. Tàu từ Đảo Lớn sang Đảo Bé khởi hành từ 8h sáng và quay lại Đảo Lớn vào lúc 14h30 hàng ngày, các bạn cũng có thể liên hệ với tàu cá của người dân để sang Đảo Bé.

CHÚ Ý: Dựa trên phản hồi từ một bạn độc giả của Cùng Phượt sau chuyến đi Lý Sơn vừa về, các bạn chú ý khi di chuyển từ cảng Sa Kỳ về lại Quảng Ngãi và Hội An tránh không sử dụng dịch vụ của xe TÂN LỘCTHỐNG NHẤT bởi có hành vi nhồi nhét và bán khách dọc đường.

Hướng dẫn đi từ Đà Nẵng đến Lý Sơn

Dựa trên tình hình thực tế khá nhiều bạn bay vào Đà Nẵng rồi mới từ đây đi Lý Sơn, Cùng Phượt cập nhật thêm một vài hướng dẫn để các bạn tiện di chuyển và kịp giờ tàu cao tốc (hiện tại là khoảng 7-8h sáng và 15h chiều).

Từ Đà Nẵng đi Quảng Ngãi vào khoảng 120km, có 2 chuyến tàu từ Đà Nẵng tới Quảng Ngãi mà các bạn có thể lưu ý vì phù hợp với thời gian để kịp ra cảng Sa Kỳ là tàu SE1 tới Quảng Ngãi lúc 13h23 và tàu SE5 tới Quảng Ngãi lúc 4h23 sáng, từ đây các bạn lựa chọn phương án đi taxi ra thẳng cảng Sa Kỳ nhé (taxi Mai Linh giá rẻ ngay cửa ga Quảng Ngãi, các bạn lưu ý nhìn trên cánh cửa có biểu tượng giá rẻ để tiết kiệm chi phí). Với chuyến tàu đến lúc 4h23 sáng các bạn cũng có thể lựa chọn phương án đi xe bus của Mai Linh (xe này khởi hành lúc 5h30 sáng và đến Sa Kỳ khoảng lúc 6h30) từ Ga Quảng Ngãi ra Bến xe Quảng Ngãi (nơi bắt đầu tuyến xe buýt) khoảng 4km.

Ngoài phương án đi tàu các bạn có thể lựa chọn phương án đi xe khách, từ trung tâm Thành phố Đà Nẵng các bạn phải di chuyển ra chỗ đường tránh để bắt xe, có thể lựa chọn bất kỳ chuyến xe nào từ Bắc đi vào Nam. Chú ý lựa chọn các tuyến xe giường nằm để đi cho thoải mái, tuyệt đối tránh đi những xe 16 chỗ chạy chặng ngắn vì những xe này luôn đi rất ẩu để tranh giành khách.

Từ cảng Sa Kỳ nếu các bạn muốn đi xe ngược trở lại Đà Nẵng, các bạn bắt xe buýt từ cảng rồi nói lái phụ xe cho bạn xuống ở điểm chân cầu Trà Khúc rồi sau đó bạn đi bộ 1 đoạn lên phía trên cầu. Ngay chỗ này có một quán nước và rất nhiều cò xe khách đứng đó và gạ gẫm bạn để họ bắt xe cho, các bạn đừng nghe lời họ bởi họ được những xe tuyến nhỏ trả tiền để làm việc đó. Các bạn cố gắng đi bộ qua đó (hoặc đi bộ ngược lại) khoảng 100m rồi lựa những xe giường nằm chạy Nam Bắc (rất nhiều xe nên không phải lo) để đi về Đà Nẵng, xe tầm này ra thường vắng khách nên đi rất thoải mái, giá vé chỉ vào khoảng 100k. Phương án này phù hợp nếu các bạn đi 1 mình hoặc ít người và muốn tiết kiệm chi phí.

Đi lại trên đảo Lý Sơn

Lý Sơn có khá nhiều lựa chọn đi lại cho các bạn. Trên Đảo Lớn, các bạn có thể di chuyển bằng xe máy hoặc thuê những chiếc xe ba gác của người dân để di chuyển nếu số lượng thành viên trong đoàn không quá đông, nếu đoàn đông các bạn nên lựa chọn thuê xe ô tô cho tiện. Trên Đảo Bé do diện tích khá nhỏ, các bạn có thể lựa chọn đi bộ hoặc lựa chọn xe điện do một vài hộ dân trên đảo kinh doanh.

Thuê xe ô tô trên đảo Lý Sơn

Anh Hoàng 0169 500096
Anh Thanh 0977 817129 – 0945 591822
Anh Việt 0974 939611 – 0919 867355

Đi từ Đảo Lớn sang Đảo Bé

Có 2 loại phương tiện bạn có thể sử dụng để đi từ Đảo Bé sang Đảo Lớn. Với phương tiện là tàu chở khách (tàu cá hoán cải) thời gian sẽ mất khoảng 40 phút, trong điều kiện sóng biển khá lớn thì sẽ khá mệt nếu sức khỏe của bạn không tốt, đổi lại bạn sẽ có thời gian để thư thả ngắm trời và biển. Với phương tiện là cano, thời gian di chuyển chỉ mất khoảng 10 phút, bạn sẽ được đưa đi với tốc độ rất nhanh tạo cảm giác lướt trên những ngọn sóng. Giá vé khứ hồi cho tàu gỗ là 50k, cho cano là 80k.

Cảnh báo nguy hiểm: Từ khi cano cao tốc được đưa vào khai thác, một mặt đã giúp giảm thời gian di chuyển giữa 2 đảo rất nhiều nhưng cũng tiềm ẩn một vài nguy cơ đã được chính quyền địa phương cảnh báo như việc chạy tốc độ quá lớn để quay vòng được nhiều chuyến. Các bạn nếu đi trong những dịp lễ, tết khi mà lượng du khách quá nhiều cũng lưu ý thông tin để biết.

Liên hệ thuê thuyền đi Đảo Bé Lý Sơn

Cano Thanh Trân: 0977 817 129
Cano Thanh Liêm – Tiến Dũng: 0975 077 746 – 0953 061 120
Tàu An Bình 03: 0985 155 352
Bác Tròn : 0166 3716017
Chú Thông : 0168 7425419
Cô Cầm: 0985 431923

Khách sạn nhà nghỉ tại Lý Sơn

khach-san-nha-nghi-tai-ly-son
Mô hình home stay bắt đầu được nhen nhóm ở Lý Sơn

Gần đây, do là một địa điểm du lịch thu hút được nhiều du khách cộng với việc đường điện quốc gia đã kéo ra nên Lý Sơn đã được đầu tư khá nhiều vào các dịch vụ lưu trú. Khách sạn Lý Sơn là khách sạn to nhất đảo, ngoài ra còn có khoảng rất nhiều nhà nghỉ nên các bạn không phải quá lo lắng với vấn đề này, trên đảo hiện nay. Một lựa chọn khác cho bạn là di chuyển tới đảo bé, ăn chơi nhảy múa ở đấy rồi có thể dựng lều ngủ luôn trên bãi biển, khá là thú vị đấy.

Ads Bạn muốn quảng cáo tại đây, vui lòng liên hệ [email protected] để biết thông tin chi tiết

Xem thêm bài viết : Khách sạn nhà nghỉ tại Đảo Lý Sơn

Chi phí dự kiến đi Lý Sơn

Các món ăn ngon và đặc sản ở Lý Sơn

Chợ đêm hải sản Lý Sơn

Khu vực cổng chào huyện Lý Sơn, nơi có cầu cảng được xem là trung tâm của huyện đảo. Ở đây tập trung nhiều nhà nghỉ, khách sạn nên tối đến du khách thường tìm đến “chợ đêm” để thưởng thức hải sản. Cái tên chợ đêm Lý Sơn có kể từ ngày đảo có điện.

Tới đây các bạn dễ dàng lựa chọn và thưởng thức các loại hải sản tươi sống được chế biến theo phong cách của người dân Lý Sơn.

Bánh ít lá gai

banh-it-la-gai
Bánh ít được bán rất nhiều ở Lý Sơn

Muốn ăn bánh ít lá gai,
Có chồng ngoài đảo cho dài đường đi.

Bánh ít lá gai là loại bánh được mọi người dân nơi đây đặc biệt ưa chuộng. Do đặc biệt ưa chuộng nên các chị, các mẹ ở đất đảo này rất có kinh nghiệm và sở trường để làm ra thứ sản phẩm bánh ít thơm ngon, mà các nơi khác trong tỉnh và ngoài tỉnh, có lẽ chưa có nơi nào bằng. Bánh ít lá gai này có cội nguồn từ Bình Định. Nhưng khi du nhập vào đất đảo này, người Lý Sơn đã không phụ công nơi sản sinh nó mà càng cho bánh ít thêm thăng hoa hơn.

banh-it-la-gai-2
Công đoạn làm bánh ít

Cách làm loại bánh này chẳng xa lạ gì với nhiều chị em phụ nữ, nhất là vùng nông thôn. Ngâm nếp cho mềm, xay thành bột rồi cho vào túi vải lọc, thật ráo nước. Dùng lá gai luộc chín, vớt lấy lá xắt nhỏ bỏ vào cối đá giã nát nhừ, cho bột nếp đã lọc vào cùng với đường quết thật nhuyễn, ngắt thành từng viên bột đều nhau, to cỡ chừng bằng ngón chân cái, dát mỏng, bỏ nhân vào giữa rồi túm lại tròn vo. Làm nhân bánh ít, người đất đảo hay ngào dừa hoặc đậu xanh với đường, cho bánh thêm hương vị. Muốn bánh ít có hình đẹp, xinh xắn như hình chóp nón thì cách gói bánh cần phải công phu và điêu luyện hơn. Dùng lá chuối tươi phơi nắng hoặc hơ lửa cho khỏi gãy, rồi xếp thành hai lớp lá để gói bánh. Để lúc bánh chín, bóc lá không dính tay, người ta bôi chút dầu phụng vào khi gói bánh. Cách nấu bánh ở đây cũng đặc biệt, lạ mắt, người ta sắp bánh lên rế đan bằng tre, rồi cho vào nồi chưng cất thủy.

Bánh ít lá gai có mùi thơm đậm đà của bột nếp, của lá gai, vị ngọt, vị béo của đường, nhân dừa, đậu xanh, hương của lá chuối, dầu phụng hòa quyện với nhau thành một thứ hương vị độc đáo và hấp dẫn khó quên. Bánh ít để lâu tối đa được một tuần lễ. Hai, ba ngày sau khi nấu chín là thời điểm ăn bánh ngon nhất, có đầy đủ mùi vị nhất.

banh-it-la-gai-1
Bánh cũng xuất hiện trong các lễ hội quan trọng của người dân Lý Sơn

Ngoài quen thuộc trong những bữa ăn chơi, ăn xế, ăn nửa buổi…khi trồng, thu hoạch tỏi, hành, lúc đánh cá tận khơi xa, sản phẩm bánh này còn không thể thiếu trong mâm hoa quả, bánh trái dâng lên cúng, khấn ông bà, tổ tiên, các bậc tiền hiền nhân những ngày giỗ, cúng, lễ hội… ngày trọng đại trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng của bà con nhân dân hòn đảo này. Nhất là trong những ngày tết cổ truyền, nhà nhà, người người làm bánh ít lá gai, vừa để cúng vừa để ăn, đãi khách khứa, anh em, bạn bè… đến chúc tụng năm mới. Câu chuyện về làm ăn, những chuyến đi khơi xa của ngư dân nơi đây cứ rộn rã, không dứt, bên ấm trà nóng, bên đĩa bánh ít lá gai thơm ngon càng làm tăng thêm không khí nhộn nhịp, tưng bừng mà ấm cúng, thiêng liêng giữa những ngày Tết trên đất đảo.

Tỏi Lý Sơn

toi-mo-coi
Tỏi trên đảo Lý Sơn

Lý Sơn là một đảo núi lửa cũ, đất trên đảo là đất nham thạch núi lửa đã qua nghìn triệu năm. Nhưng nếu chỉ trồng trên đất này không thôi thì tỏi Lý Sơn chưa thể có hương vị đặc trưng độc đáo như vậy. Người trồng tỏi ở đây thật kỳ công, họ mang về từ biển những bao cát để trải trên bề mặt lớp đất trồng tỏi. Đó không phải cát biển bình thường mà là một loại cát đặc biệt: được tạo nên bởi những lớp vỏ hàu, vỏ ốc đã mủn qua thời gian hàng trăm nghìn năm. Cát ấy khi được trải trên đất trồng tỏi không chỉ làm cây tỏi tươi tốt, mà còn tạo cho củ tỏi một hương vị đặc biệt không loại tỏi nào trên thế giới này có được.

hanh-toi-ly-son
Hành và tỏi Lý Sơn giờ đã trở thành món quà mang về quen thuộc của du khách

Tỏi Lý Sơn thơm dịu, cay dịu, không gây sốc cho người ăn và không để lại trong miệng mùi hôi của tỏi thường. Tép tỏi nhỏ nhưng chắc, và nó không chỉ là một thứ gia vị hảo hạng mà còn là một vị thuốc quý. Người Quảng Ngãi rất chuộng loại “tỏi một” của Lý Sơn – tức củ tỏi chỉ có một tép – khi ngâm rượu “tỏi một” thành một vị thuốc chữa cao huyết áp và mỡ máu, hạ cholesterol trong máu, nâng cao sức đề kháng của cơ thể.

Gỏi tỏi Lý Sơn

goi-toi-ly-son
Gỏi tói Lý Sơn

Tỏi nhổ về cắt bỏ phần rể, lấy phần thân và một ít lá gần thân, lột bỏ lớp vỏ ngoài cùng, chẻ nhỏ, cắt ngắn rồi rửa sách, để ráo nước, đem hấp cách thủy cho chín. Khi ăn cho gia vị vào gồm: Đường, tiêu, bột ngọt, muối rang với quả chanh vắt lấy nước, trộn điều, bóp nhuyễn, rắt đậu phông (lạc) và là ăn được. Món gỏi tỏi vừa đơn giản vừa thơm, hơi cay của vị tỏi tạo cho ta một cảm giác khó quên

Ốc tượng

oc-tuong-ly-son
Ốc tượng

Ốc tượng thuộc loại ốc to trong các loài ốc ở biển. Dọc theo bờ hải đảo có rất nhiều ốc tượng sinh sống. Chúng bám vào các bãi đá ngầm ở tầng sâu nhất cho nên việc bắt chúng không dễ dàng, hơn nữa, mỗi khi thấy bóng dáng người đến gần thì chúng càng bám chặt vào đá rất khó gỡ ra. Loại ốc tượng to và ngon nhất là loại lớn cỡ bàn tay xòe, nặng khoảng nửa ký. Ốc tượng bắt về còn tươi, nếu còn sống thì thả vào hồ nước mặn để dự trữ khi cần ăn. Nếu làm món để ăn liền thì đem ốc rửa sạch bằng nước muối hay nước biển, sau đó mới cho nguyên cả con vào nồi nước sôi để luộc. Khi ốc vừa chín, vớt ra và lấy thịt. Thịt ốc trắng và trong như thịt mực hấp, vừa thơm lại giòn giòn như gân sụn.

Ốc thường chế biến theo hai cách: nấu cháo ốc và làm món trộn, hay còn gọi là gỏi ốc. Nấu cháo ốc cũng đơn giản như nấu cháo gà, cháo vịt vậy. Bỏ gạo vào nồi rồi bắc lên lò than hồng. Khi gạo đã hơi nhuyễn thì bỏ thịt ốc vào. Có người thì xắt thịt ốc ra từng miếng cho vừa ăn rồi mới bỏ vào cháo, có người thì thích để nguyên cả con như nấu cháo gà, cháo vịt, sau đó vớt nguyên con ốc ra ngoài rồi mới xắt nhỏ theo ý của mỗi người. Ăn cách nào cũng ngon cả. Ngoài ra, tô cháo ốc còn phải thêm gia vị cho đậm đà, hấp dẫn như hành, tiêu, ớt, ngò, nhất là nước mắm phải nêm cho thật ngon. Món ốc trộn thì làm công phu hơn món cháo. Thịt ốc luộc vừa chín đem cạy ra khỏi lớp vỏ ốc, xắt thành từng miếng thật mỏng, sau đó đem trộn chung với đậu phộng rang giã dập, các thứ gia vị như tỏi, ớt, chanh, tiêu, bột ngọt, nước mắm cá cơm (loại đặc sản tại địa phương) và đĩa ra thơm, rau sống đủ loại cộng thêm chồng bánh tráng nướng giòn.

Cua Huỳnh Đế

cua-huynh-de
Cua Huỳnh Đế

Cua huỳnh đế to bằng bàn tay xòe, mình khum tròn, nhìn giống con bọ khổng lồ hay có con hình dáng như loài rùa, đầu cua hơi chúi xuống, có màu đỏ hồng, mai hình vuông, càng và que ngắn, đầu cua dài và có nhiều râu Cua Huỳnh đế có những con ở vùng biển nước sâu nặng hơn 1 kg.

Ở vùng biển Bình Định – Quảng Ngãi, giống cua này được ngư dân tôn xưng là vua của các loài cua tức cua Huỳnh đế. Tên gọi cua huỳnh đế được lý giải khá thú vị. Nguyên thủy tên cua là “hoàng đế”, nhưng thuở xưa quan địa phương lệnh dân phải đọc trại đi vì sợ phạm húy (chúa Nguyễn Hoàng). Theo lời kể của các lão ngư dân miền Trung, ngày xưa, khi vua du ngoạn ở các vùng biển đẹp, thấy ngư dân nơi đây đánh bắt được loại cua lạ, có màu đỏ hồng như chiến bào, hình dáng như loài rùa nên ăn thử. Ăn thấy ngon, tốt cho sức khỏe nên vua truyền cho các địa phương có loại cua này phải dâng lên hoàng cung. Từ đó tên gọi cua huỳnh đế còn gọi là hoàng đế, cua vua lưu truyền trong dân gian

Chả cá Lý Sơn

Điều cốt yếu tạo nên miếng chả cá “rất Lý Sơn” này là cá tươi rói chưa qua ướp đá. Vì thế, chả cá Lý Sơn không phải “sản xuất” quanh năm mà chỉ những khi trời yên biển lặng, thuyền chở cá về thì chả mới ra lò. Nếu cá không tươi thì chả cá làm ra sẽ không có màu trắng hồng đẹp mắt, không thơm, không dai.

Điểm thứ hai quyết định đặc trưng của chả cá Lý Sơn là có sự “tham gia” của tỏi Lý Sơn! Người làm chả cá ở Lý Sơn có một nguyên tắc: Chỉ dùng tỏi Lý Sơn làm gia vị để ướp chả. Được biết, cá tươi mà trộn với tỏi Lý Sơn mới chỉ vừa trộn xong chưa cần chiên, hấp đã dậy mùi thơm nức. Nếu dùng tỏi khác hương vị sẽ kém hẳn.

Cá Tà Ma

ca-ta-ma

Tà ma là một loại cá sống ở biển, da có vảy màu nâu đen, thân dẹt, hình giống như con cá rô phi nước ngọt nhưng to hơn. Theo người dân ở đảo, sở dĩ loài cá này có tên tà ma là do chúng sống chủ yếu ở các gành rạn, rất lanh khôn, khó đánh bắt, nên dân gian gọi như vậy chứ không thể giải thích cặn kẽ được.

Ăn cá tà ma tùy theo mùa. Để hợp khẩu vị, mùa đông người dân ở đây thường dùng món nướng. Mùa hè nắng nóng thì nấu canh hẹ, canh chua, nấu lẩu, cháo. Hôm đó, buổi chiều vừa ngấp nghé, trời còn nóng nên chúng tôi chọn dùng món cá tà ma nấu canh chua lá giang. Cá được làm sạch, nạo bỏ hết vảy, cắt thành từng khúc sắp nguyên hình lên đĩa. Lá giang chọn sẵn phần non một đĩa to, một nồi nước đun sôi trên bếp ga mini, có nhiều gia vị đính kèm như thơm (dứa), me, một chén muối ớt…

Khi nước trên bàn đã sôi, thả cá vào nồi đậy nắp lại, đợi khoảng 5 phút nước sôi đều rồi mở nắp, vò lá giang đã chuẩn bị bỏ vào. Mười phút sau, khi cá đã chín, nêm thêm các gia vị đã chuẩn bị sẵn, là đã có một nồi canh chua ngon lành bốc khói.

Canh chua cá tà ma tỏa mùi thơm dịu. Hương cá hòa quyện hương lá giang theo làn gió nồm bay khắp quán làm những khách bàn bên cũng nôn nao dạ dày. Thịt cá chín chuyển từ màu trắng đỏ sang màu trắng, săn chắc, trên nồi nước có những váng mỡ cá liu riu…

Ăn cá tà ma ta cảm nhận được cái dai, ngọt của thịt cá. Đặc biệt phần lườn được xem là chỗ ngon hiếm, ai cũng tranh thủ gắp một ít để thưởng thức vị béo rất riêng. Có thể ăn cá tà ma nóng hôi hổi trên bếp, vừa thổi vừa ăn, vừa húp; cũng có thể gắp phần thịt cá để ra riêng một cái đĩa dầm nước mắm cá cơm nguyên chất cho thấm rồi ăn, sẽ đậm đà hơn. Ngoài ra, canh chua cá tà ma có thể ăn kèm với bún tươi thay cơm. Thịt cá tươi thơm ngon nên nước canh chua cũng không kém phần hấp dẫn.

Dưa hấu Hắc mỹ nhân

dua-hau-hac-my-nhan-ly-son
Dưa hấu ở Lý Sơn ăn ngọt và giá lại rất rẻ

Sau khi thu hoạch vụ tỏi chính (khoảng tháng 2 âm lịch), nông dân tận dụng chất dinh dưỡng còn trong đất để trồng dưa hấu, hoặc có thể trồng cùng lúc với vụ hành. Dưa được trồng phủ khắp mặt ruộng theo cách tự nhiên. Khi cây dưa ra quả, dưa chín đến đâu hái bán đến đó. Mỗi ngày người dân chỉ bán vài ba tạ cho thương lái. Dưa hấu Lý Sơn không quá to, quả lớn nhất cũng chỉ 3 – 4 kg. Tuy nhiên, hương vị của nó thì rất đặc biệt, ngọt, thanh và có mùi thơm rất riêng. Chính vì thế mà dưa hấu Lý Sơn trở thành một sản phẩm độc đáo, vừa ngon lại vừa “lành”.

Các địa điểm du lịch ở Lý Sơn

map
File bản đồ các điểm du lịch trên đảo Lý Sơn

Là một huyện đảo tuy nhiên ở Lý Sơn có khá nhiều địa điểm du lịch đẹp cho các bạn tham quan, cùng điểm qua các điểm du lịch chính trên đảo nào các bạn.

Bản đồ du lịch Lý Sơn

Âm Linh Tự

am-linh-tu

Âm linh tự (nghĩa tự, miếu âm hồn, miếu âm nhơn, am chúng sinh…) là một công trình thờ tự thường gặp ở các làng, xã, xóm, ấp trên khắp đất nước Việt Nam.

Đây là nơi thờ cúng vong hồn những người chết đi nhưng vì nhiều lý do không có ai thừa nhận hoặc không ai biết đến. Họ có thể là một kẻ vô gia cư, không họ hàng thân thích. Cũng có thể họ có gia đình, còn bà con, thân tộc nhưng trên bước đường lưu lạc mưu sinh thình lình gặp tai ương bất trắc hay tật bệnh bất ngờ rồi lìa đời ở một nơi nào đó mà thân nhân chẳng được báo tin, vô tình trở thành những âm linh cô độc…

Thờ cúng ở Âm linh tự còn có những linh hồn là chiến sỹ trận vong, vì bối cảnh ác liệt của chiến trường nhiều khi xác thân không còn tìm được. Người xưa gọi chung những đồng loại rơi và tình cảnh như vậy là “thập loại chúng sinh” và dành cho họ mối thương cảm mang đậm tình người. Đại thi hào Nguyễn Du cũng đã từng viết bài “Văn tế thập loại chúng sinh” (Văn Chiêu hồn), lưu truyền rộng rãi trong dân gian, thể hiện sự đồng cảm sâu xa giữa những người đang sống với các cô hồn bạc phận.

Trong khi kiến lập đình, chùa để thờ Phật, Thánh, Thần mong cầu duyên, trợ phúc, người xưa cũng không quên dựng miếu vọng, nhang khói cho những cô hồn vất vưỏng còn chưa hóa kiếp, gọi là miếu âm hồn. Cũng có nơi cô hồn thờ chung trong nội thất đình làng, miếu bà tại một gian riêng. Nếu thờ ở ngoài sân thì bàn thờ âm linh được trí ở mặt sau bình phong, hướng đối diện với chính điện đình miếu.

Ngoài ra, nơi cửa Phật, bàn thờ cô hồn cũng được thiết riêng ở hiên phải của chùa, nơi đặt tượng Tiêu Diện Đại sỹ (dân gian gọi là Ông Tiêu), theo thuyết nhà Phật là một hoá thân của Bồ tát Quán Thế Âm làm nhiệm vụ chưởng quản, cứu độ cô hồn. Trong các buổi công phu kinh chiều, nhà chùa đều có cúng thí thực tại gian thờ này với ý nghĩa ban lộc cho những vong linh không người chăm sóc, thiếu vắng khói hương.

Theo quan niệm “Sinh hà, tử thị” (sống sao, chết vậy), trong các ngày lễ tết, cúng giỗ tại đình chùa, miếu tự cũng như ở tư gia đều có mâm cúng cô hồn để an ủi chia sẻ nỗi cô đơn của người bất hạnh.

Ở nhiều tỉnh ven biển miền Trung, trong đó có Quảng Ngãi, hằng năm đến tiết Thanh minh (khoảng tháng 3 âm lịch) người dân tảo mộ và cúng tế các vong linh cô hồn ở các âm linh tự, nghĩa tự, gọi là cúng Thanh minh. Đây là nét khác biệt với cư dân Bắc Bộ, vì ngoài việc cúng cô hồn, cư dân ven biển miền Trung không có tục tảo mộ tổ tiên và ăn tết Thanh minh vào dịp này.

Âm linh tự làng An Vĩnh xây dựng tại một giồng đất cao, thoáng đãng ở thôn Tây xã An Vĩnh, cách cảng Lý Sơn chừng 500m về phía tây. Mặt tiền Âm linh tự nhìn ra hướng nam, trước sân có đài tưởng niệm chiến sỹ trận vong uy nghi bề thế.

Không giống với nhiều âm linh tự, nghĩa tự, miếu cô hồn ở những nơi khác, kể cả nghĩa tự làng An Hải trên cùng huyện đảo, Âm linh tự làng An Hải có mái che, các gian thờ bài trí quy củ, hàng năm tại đây diễn ra khá nhiều nghi lễ long trọng, có sự tham gia của đông đảo dân làng. Đây cũng là nơi lưu giữ nhiều tư liệu quý liên quan đến các đội Hoàng Sa, Bắc Hải, kể cả những tư liệu là của riêng các gia đình, gia tộc được người dân tin tưởng đem lưu gởi.

Theo lời kể của các bậc cao niên, khoảng đầu thế kỷ XIX, hai làng An Vĩnh và An Hải (nay là xã An Vĩnh và xã An Hải) đã có đình làng và nghĩa tự. Tuy nhiên, đến khoảng thập kỷ 50 của thế kỷ trước, đình làng An Vĩnh bị hư hại, dân làng rước các linh vị thờ thần hoàng, các vị tiền hiền về thờ ở Âm linh tự. Vì vậy, trong hơn nửa thế kỷ, Âm linh tự làng An Hải là nơi sinh hoạt tâm linh, lễ hội dân gian tập trung của cộng đồng cư dân sở tại.

Đặc biệt, vào tiết Thanh minh hằng năm bà con các dòng tộc làng An Hải tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tại Âm linh tự, một nghi lễ đặc biệt nhằm tưởng vọng và tri ân nghĩa liệt sỹ của các đội Hoàng Sa, Bắc Hải cùng các dân binh, tráng đinh đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tuần phòng trên biển, trú phòng trên các quần đảo, chống trả quân cướp biển để bảo vệ tàu thuyền, ngư dân cùng sự yên lành của làng quê đất đảo.

Sử cũ chép rằng, dưới thời chúa Nguyễn và tiếp sau đó là triều đại nhà Nguyễn, nhà nước phong kiến Việt Nam đã cho thành lập các hải đội Hoàng Sa, Bắc Hải làm nhiệm vụ tuần phòng trên biển, giong thuyền đến các quần đảo Hoàng Sa và Bắc Hải (Trường Sa) để thu lượm hải vật, sản vật, đo đạt hải trình, cắm mốc và dựng bia minh định chủ quyền đối với các quần đảo này.

Tài liệu, bản đồ, các trang ghi chép của những nhà truyền giáo, nhà buôn, các sỹ quan hải quân và các nhà thám hiểm phương Tây cũng góp phần chứng minh sự hiện diện khá thường xuyên của các lực lượng dân sự và quân sự người Việt tuần phòng trên vùng biển tiếp giáp hoặc cập thuyền đồn trú trên quần đảo Paracels (Hoàng Sa).

Với những người lính làm nhiệm vụ tuần phòng trên đảo Hoàng Sa, ròng rã 6 tháng ròng lênh đênh sóng nước cùng những chiếc thuyền câu (điếu thuyền, tiểu điếu thuyền, di chuyển nhanh, dễ xoay trở trên những vùng biển nhiều rạn san hô), thường xuyên đối mặt với sóng cả, gió to, thì cái chết, dù bất cứ nguyên nhân nào, cũng đồng nghĩa với việc lấy lòng biển bao la làm nơi mai táng hình hài.

Trong hành trang chuẩn bị cho chuyến hải trình dài ngày đến Hoàng Sa, Trường Sa, ngoài những vật dụng thiết yếu dùng cho người đi biển, mỗi thuỷ thủ can trường của các đội Hoàng Sa, Bắc Hải còn tự mình chuẩn bị 1đôi chiếu, 7 nẹp tre, 7 sợi dây mây, 1 thẻ bài khắc tên họ, quê quán, phiên hiệu.

Nếu không may người thuỷ thủ qua đời thì những đồng đội trên thuyền sẽ bó thi hài người xấu số cùng với chiếc thẻ khắc tên vào trong manh chiếu, nẹp dọc 7 thanh tre rồi buộc chặt lại bằng 7 sợi dây mây. Sau một vài nghi thức đưa tiễn giản đơn, thi hài sẽ được đem thả xuống biển.

Những người còn sống gởi lên cao xanh lời cầu nguyện mong manh rằng xác thân người bạn thuyền xấu số của họ sẽ trôi dạt vào bờ biển, và nếu may mắn có ai đó vớt được nắm xương tàn thì nhờ chiếc thẻ mà biết tên họ quê quán của con người đã vị quốc vong thân.

Nguyện cầu là vậy nhưng chẳng có mấy khi xác người xấu số trôi dạt được vào trong mé biển. Đó là chưa kể lắm khi cả thuyền hoặc cả hải đội bị bão tố đánh chìm… Cho đến nay người dân Lý Sơn còn truyền tụng nhiều câu ca nói về những hiểm nguy, gian khổ mà người lính Hoàng Sa, Trường Sa phải chịu đựng trong khi thi hành nhiệm vụ:

Trường Sa đi có về không
Lệnh vua sai phải quyết lòng ra đi
Hoàng Sa lắm đảo, nhiều cồn
Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây
Hoàng Sa trời bể mênh mông
Người đi thì có mà không thấy về
Hoàng Sa mây nước bốn bề
Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa

Âm linh tự cũng là nơi ngư dân trước khi ra biển “đi nghề”, hoặc tha phương hành nghiệp đến cầu xin thần thánh và linh hồn cõi khuất phù hộ độ trì để được bình an, được mùa, làm ăn thành đạt. Trở về bình yên sau mỗi chuyến đi biển (đối với ngư dân) hoặc về thăm quê nhà (đối với người sống tha phương) họ cũng mang lễ vật đến đây để làm lễ tạ ơn. Ngoài đóng góp của các dòng tộc và dân làng, cơ ngơi khang trang của Âm linh tự cũng như lễ vật trong các dịp tế lễ có sự đóng góp thành tâm của những người làm nghề biển được mùa hoặc của những người Lý Sơn tha hương thành đạt. Âu cũng là một phong tục đẹp, sâu nặng ân tình, thuỷ chung gắn bó với quê đảo yêu thương.

Từ năm 2010, khi đình làng An Hải được phụng dựng, linh vị thần hoàng, các vị tiền hiền và tử sĩ Hoàng Sa, Bắc Hải được rước về thờ tự ở đình làng. Tuy vậy, vong linh những người lính Hoàng Sa, Bắc Hải vẫn còn được thờ vọng tại Âm linh tự và người dân thường xuyên đến dâng hương hành lễ.

Mộ Lính đội Hoàng Sa

mo-gio-linh-hoang-sa
Những ngôi mộ gió như thế này ở Lý Sơn rất nhiều

Trên huyện đảo Lý Sơn cũng như ở nhiều vùng ven biển tỉnh Quảng Ngãi và cả nước có rất nhiều ngôi mộ mà bên trong lòng mộ không có thi hài người quá cố, dân gian gọi là mộ gió.

Để có ngôi mộ gió cho người bạc mệnh, gia đình phải nhờ đến sự trợ giúp của một pháp sư. Sau xin cúng bái xin phép tổ sư, thầy pháp lên miệng núi lửa trên đảo lấy đất sét đem về, nhào với nước và bông gòn rồi nắn thành hình nhân theo sự mô tả nhân dạng của thân nhân, có kích thước tương tự thân thể người đã khuất.

Cành dâu được chẻ đôi, xếp vào bụng làm xương sườn, đàn ông có 7 nhánh xương, đàn bà thì 9 nhánh. Lại dùng sợi tơ tằm hoặc sợi vỏ cây dâu làm những sợi gân. Các lóng xương sống, xương tay chân đều được làm bằng thân cây dâu.

Hình nhân có đủ lục phủ ngũ tạng, kể cả bộ phận sinh dục. Thầy pháp phải nặn bằng hết số đất sét mang về, không bỏ sót chút nào vì người ta tin rằng số đất này tượng trưng cho da thịt của người chết, để sót lại sẽ làm đau như thể da thịt của họ bị mất mát.

Xong phần nặn hình, thầy pháp dùng lòng đỏ trứng gà phết khắp hình nhân để khi khô đi, lớp lòng trứng trông giống như da người. Tiếp theo đó, người thân mặc quần áo và đồ liệm cho hình nhân, đặt linh vị trên mặt, rồi đưa vào quan tài. Một cỗ thuyền cúng với những mâm lễ vật, vàng bạc và lương thực được đưa xuống biển để dâng lên các vị thần và cúng linh hồn người chết.

Khi các nghi lễ chiêu hồn đã xong, mọi người tin rằng linh hồn người chết đã trở về nhập vào hình nhân. Bà con, dòng họ đặt quan tài xuống huyệt và lấp đất, đắp mồ. Trường hợp không biết ngày mất, người thân sẽ lấy ngày người quá cố ra khơi để làm ngày giỗ, thắp hương tảo mộ như những ngôi mộ bình thường. Nhiều nấm mộ gió được chôn từ hàng trăm năm trước, vì lý do nào đó khi đào lên cải táng, người ta thấy các hình nhân vẫn còn nguyên vẹn.

Tương truyền, tục đắp mộ gió của người dân trên đảo bắt đầu cách đây hơn 2 thế kỷ và những ngôi mộ gió đầu tiên là của Cai đội Phạm Quang Ảnh cùng với 24 người lính của hải đội Hoàng Sa do ông chỉ huy. Trong một lần giong buồm ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ, Phạm Quang Ảnh cùng hải đội của mình đã gặp bão, mất tích giữa biển khơi.

Xót thương những con người vì nước quên thân, triều đình sai phái quan quân ra tận đảo làm lễ chiêu hồn cho các tử sĩ. Một vị pháp sư nổi tiếng cũng phụng mệnh theo đoàn người ấy. Ra đến đảo, ông sai người lên núi Giếng Tiền lấy đất sét đem về, rồi tự mình nhào nặn khối đất thành hình nhân 25 người đã chết. Cứ theo lời kể của thân nhân vị pháp sư nặn tượng hình người quá cố, đến khi nào người thân bảo rằng đã giống người chết mới thôi.

Nặn xong 25 tượng đất của 25 người lính, pháp sư lập đàn cúng chiêu hồn ròng rã suốt nhiều ngày đêm, gọi linh hồn các tử sĩ nhập vào tượng rồi sai dân làng đưa đi an táng như người chết bình thường. Cai đội Phạm Quang Ảnh được chôn đầu tiên, sau đó là 24 người lính, xếp thành một hàng gồm 25 nấm mộ.

Trong số những tên tuổi khắc trên bia mộ gió ở Lý Sơn, ngoài Phạm Quang Ảnh, còn có những con người đã được chính sử triều Nguyễn trân trọng ghi danh với chức vụ là Cai đội, Chánh đội Hoàng Sa, như các ông Võ Văn Khiết, Phạm Hữu Nhật… Tuy nhiên rất nhiều ngôi mộ ở đó lại không còn tên tuổi. Họ thực sự là những nghĩa liệt sỹ hy sinh vì nước mà không màng đến việc lưu danh trong sử sách.

Cổng Tò Vò

cong-to-vo
Hoàng hôn Đá Tò Vò

Từ cầu cảng chính đi vào cổng chào của Lý Sơn, rẽ trái đi meo theo con đường nhỏ đến gần chùa Đục sẽ thấy một mỏm đá nhỏ nằm sát dưới biển. Đây là một trong những địa điểm yêu thích của các bạn đam mê chụp ảnh khi đặt chân tới Lý Sơn, các bạn có thể cùng bạn bè tới đây để đón những khoảnh khắc khi bình minh lên hoặc khi hoàng hôn dần xuống.

Chùa Đục và Quan Âm Đài

dinh-liem-tu
Đỉnh Liêm Tự (Ảnh – Cùng Phượt)

Ngự giữa lưng chừng sườn núi Giếng Tiền, ngọn núi lửa đã ngủ quên hàng ngàn năm trên đảo, du khách phải vượt qua hơn 100 bậc thang men theo sườn núi để đến được Chùa Đục.

chua-duc-cungphuot
Tượng Quan Âm Đài (Ảnh – Cùng Phượt)

Tọa lạc ngay tiền sảnh của khu thắng cảnh chùa Đục là tượng Quán Thế Âm cao 27 mét, dẫn lên các điện thờ cổ kính, rêu phong nằm sâu trong lòng núi. Chùa Đục còn gọi là chùa không sư, theo tương truyền của người theo đạo Phật, Quán Thế Âm từng chọn ngự ở đây, trấn giữ bình yên cho dân đảo tránh được những cơn thiên tai.

tren-dinh-chua-duc
Miệng núi lửa giờ đã thành một cánh đồng xanh mướt

Từ chùa, theo hướng tượng Quán Thế Âm nhìn ra hướng biển cảnh đẹp như tranh. Thú vị nhất là leo lên tận đỉnh Liêm Tự để nhìn thấy miệng núi lửa bây giờ là một cảnh đồng cỏ xanh hình lòng chảo. Đỉnh núi là một đài ngoạn cảnh tưởng lý tưởng để ngắm nhìn bao quát biển đảo Lý Sơn từ trên cao để hiểu vì sao nơi đây được ví như chốn tiên cảnh

Đình An Vĩnh

dinh-an-vinh-ly-son
Đình An Vĩnh (Ảnh – Che Trung Hieu)

Đình làng An Vĩnh lúc đầu xây dựng bằng tranh, cột bằng gỗ tra bể, cây bàng, vách đất. Đến năm Mậu Ngọ (1798), Cảnh Thịnh thứ 7, đình An Vĩnh được tu bổ xây mới. Năm Nhâm Dần (1842), Thiệu Trị thứ 2, đình An Vĩnh bị giặc Tàu cướp đốt phá.

Năm Canh Thân (1920), Khải Định thứ 5, đình làng An Vĩnh khôi phục quy mô hoành tráng theo kiến trúc hình chữ tam gồm đình thượng, đình trung và đình hạ. Năm 1922, đình làng An Vĩnh bị bão lớn làm hư hại nặng.

Năm 1946, Ủy ban Hành chính Kháng chiến xã Lý Sơn đặt trụ sở làm việc tại đình An Vĩnh. Năm 1953, đình An Vĩnh bị Pháp thả bom làm sập mái trước, sắc phong bị cháy. Năm 1957, đình làng An Vĩnh bị hư hại quá nặng, dân làng tu bổ nhà thờ tiền hiền để thờ các vị tiên công.

Năm 2009, đình An Vĩnh được Nhà nước đầu tư kinh phí nghiên cứu trùng tu phục dựng lại như cũ, nhưng không còn giữ được dấu tích và hiện vật liên quan đến Đội Hoàng Sa trước đây. Chỉ có hàng năm tại đình làng vào tiết thanh minh tháng ba âm lịch làm lễ cầu siêu vong độ cho hương hồn lính Hoàng Sa bỏ mình trên biển.

Kiến trúc đình làng An Vĩnh có kết cấu kiến trúc hình chữ Tam, gồm đình hạ, đình trung và đình thượng được liên kết với nhau bằng máng xối dài. Các bộ vì kèo giống các bộ vì kèo nhà rường miền Trung. Mô thức trang trí tứ linh, ngũ phúc thể hiện quan niệm âm dương cầu mong mọi sự bình an cho dân làng.

Đài tưởng niệm Hải đội Hoàng Sa

dai-tuong-niem-hai-doi-hoang-sa
Đài tưởng niệm Hải đội Hoàng Sa (Ảnh – Cùng Phượt)

Toạ lạc ngay trung tâm huyện đảo Lý Sơn, cụm tượng đài và nhà lưu niệm Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải đứng sừng sững trước sóng biển và nắng gió, như biểu tượng cho sự khẳng định chủ quyền của nước ta đối với quần đảo Hoàng Sa.

nha-tuong-niem-hai-doi-hoang-sa-1
Nhà trưng bày đội Hoàng Sa Bắc Hải (Ảnh – Cùng Phượt)
nha-tuong-niem-hai-doi-hoang-sa-2
Các hiện vật được trưng bày bên trong (Ảnh – Cùng Phượt)

Trong gian phòng chính rộng 150m2 dùng để trưng bày. Các hiện vật của những chiến binh đi Hoàng Sa được đặt trang trọng trong tủ kính hay gắn trên tường như: hai chiếu cói, bảy dây mây, bảy nẹp tre, bảy thẻ tre, lu đựng nước, dầu rái và xơ đay (dùng để sữa chữa khi thuyền gặp nạn mà ấn tượng nhất có lẽ là chiếc thuyền nan phục chế của nghệ nhân Võ Hiển Đạt. Giữa phòng là bài vị của các anh hùng trong công cuộc tiên phong mở cõi và khẳng định chủ quyền được đặt trang nghiêm như: Phạm Quang Ảnh, Phạm Hữa Nhật, Võ Văn Khiết…

Đình Lý Hải

dinh-ly-hai
Đình Lý Hải

Di tích nằm ở xã Lý Hải, huyện đảo Lý Sơn. Đình làng và nhà thờ được xây dựng từ năm 1820, năm đầu tiên dưới triều vua Minh Mạng. Di tích đình làng và nhà thờ tiền hiền Lý Hải thuộc loại hình kiến trúc nghệ thuật tôn giáo, mang phong cách kiến trúc nghệ thuật thời nguyễn, thể hiện qua kỹ thuật chạm khắc gỗ độc đáo ở án thờ, các vì kèo, trụ chồng, đỉnh cửa…kỹ thuật đắp nổi qua các ô trang trí cổ diêm với các mô – típ mai điểu, ngư điểu, ở bề mái với mô – típ lưỡng long triều nhật, long phụng triều quy, ở mặt tiền với mô – típ cặp nghê chầu đỡ cột đình. Hiện đình làng và nhà thờ còn lưu giữ được các bức hoành phi, ngai thờ, liễn đối cẩn xà cừ có giá trị về lịch sử, văn hoá, bên cạnh giá trị về mặt tâm linh đối với cư dân trên đảo Lý Sơn.

Di tích đình làng Lý Hải là một trong số rất ít đình làng ở Quảng Ngãi khỏi bị chiến tranh tàn phá và còn tương đối nguyên vẹn. Đình làng và nhà thờ làm bằng chất liệu gỗ, bởi vậy, trải thời gian gần hai thế kỷ, không khỏi có sự xuống cấp, các mô – típ hoa văn có phần bị mờ, do quá trình bào mòn của nắng mưa, độ ẩm và gió biển.

Chùa Hang

chua-hang-2
Chùa Hang (Ảnh – Cùng Phượt)

Chùa Hang (tên chữ là Thiên Khổng Thạch Tự, Chùa đá trời sinh) ở xã An Hải, đảo Lý Sơn, được lập ra dưới triều vua Lê Kính Tông bởi ông Trần Công Thành, một trong những người đã ở đây tạo dựng cùng với việc khẩn hoang, mở đất lập làng An Hải, An Vĩnh xưa. Gọi là chùa Hang vì chùa nằm trong một hang đá lớn nhất trong hệ thống hang động ở Lý Sơn, được tạo ra từ dãy núi Thới Lới, màu nham thạch, vách núi dựng đứng cao gần 20 m.

chua-hang
Chùa Hang hướng thẳng ra biển (Ảnh – Cùng Phượt)

Sân chùa trước cửa hang nhìn ra biển. Giữa sân có một hồ sen có tượng Phật. Quanh sân là những cây bàng biển cổ thụ đến hàng trăm năm. Hang dài 24 m, trần hang cao 3,2 m, diện tích 480 m². Trong hang có bàn thờ các Phật Di Đà, Như Lai, Di Lặc ở chính giữa; bàn thờ sư tổ Đạt Ma ở bên trái; bàn thờ 12 Diêm Vương, 3 vị thủy tổ kế tiếp phụng sự chùa (là Trần Công Thành, Trần Công Hiền, Trần Công Quân) và 7 vị tiền hiền làng An Hải. Các bệ thờ được tạo tác từ các nhũ đá tự nhiên ở nền hang, rồi được gia công thành các khám thờ.

Đỉnh Thới Lới

nui-thoi-loi
Ảnh – Kiem Tinh

Là một ngọn núi lửa đã tắt, đỉnh núi cao nhất của toàn đảo Lý Sơn (149m). Hiện tại trên đỉnh núi có một hồ nước ngọt có thể tích 30.000 m3 cung cấp toàn bộ nước ngọt cho cả 2 đảo lớn và đảo bé

Hang Câu

hang-cau-ly-son
Hang Câu (Ảnh – Cùng Phượt)

Nằm ở thôn Đông, xã An Hải (Lý Sơn) dưới chân núi Thới Lới, Hang Câu có một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ giữa một bên là biển, một bên là núi. Hang Câu được sóng và gió biển bào mòn, “khoét sâu” vào lòng núi và hình thành cách nay hàng ngàn năm từ nham thạch. Khung cảnh ở đây còn khá hoang sơ nhưng mang một vẻ đẹp rất thơ mộng, quyến rũ hút hồn du khách.

Chỉ mất chưa đầy 15 phút từ trung tâm huyện đi dọc theo con đường nhựa dưới chân núi Thới Lới về phía đông bắc, với hai bên đường là những vuông hành, tỏi xanh rì là đến bãi biển- nơi Hang Câu hiện hữu. Nơi đây không khí rất trong lành, gió thổi lồng lộng và sóng biển quanh năm vỗ vào ghềnh đá- được tạo thành từ nham thạch, cao hàng trăm mét, trông rất nên thơ và hùng vĩ. Có lẽ đây là nơi người Lý Sơn hay câu cá, hoặc cũng có thể là nơi có nhiều rau câu, nên gọi là hang Câu.

hang-cau-ly-son-2
Thuê một chiếc kính lặn bạn có thể thỏa thích ngắm san hô

Ở Hang Câu bên cạnh khung cảnh hùng vĩ phía vực núi, với những mô đá bị sóng gió bào mòn nhô ra phía biển là những cồn đá phẳng lì, phủ một lớp rêu xanh được sóng biển ngày đêm vỗ vào tung bọt trắng xóa. Nước biển ở đây cũng trong xanh đến lạ. Đứng trên gành đá sát mép biển có thể nhìn thấy từng đàn cá bơi lội lăn tăn dưới nước có độ sâu đến vài mét. Và đây cũng là nơi dành để tắm biển hết sức thú vị. Bởi ngoài việc vừa ngâm mình vào dòng nước mát để làm dịu đi cái nắng gió của xứ đảo, bạn vừa có thể lặn ngắm san hô, quan sát các loài sinh vật biển bơi lội. Các bạn chú ý là không nên đi chân đất để tránh việc bị san hô làm đứt chân, lựa chọn tốt nhất là mua một đôi giầy nhựa ngay trong chợ Lý Sơn (giá khoảng 30k).

Cột cờ Tổ Quốc trên đỉnh Thới Lới

cot-co-to-quoc
Cột cờ Tổ Quốc trên đỉnh Lý Sơn (Ảnh – Cùng Phượt)

Công trình Cột cờ Tổ quốc tại huyện đảo Lý Sơn được khởi công xây dựng từ ngày 4.5.2013, trên núi Thới Lới- ngọn núi cao nhất ở đảo Lý Sơn. Cột cờ có chiều cao 20m, đế trụ cờ và móng cột cờ được xây dựng bằng bê tông cốt thép, mặt hướng ra quần đảo Hoàng Sa. Công trình có dạng kiến trúc gồm: Đài cột, thân cột cờ, bậc thềm và khuôn viên xung quanh. Phần móng được chôn sâu dưới lớp đá với kỹ thuật kết cấu móng thường sử dụng cho những ngọn hải đăng vững chắc. Mặt chính trên đài có ghi lại thông tin toạ độ cột cờ. Đài cờ cao 5m, thân màu trắng được bọc ngang bởi khối màu đỏ mang sắc màu lá quốc kỳ.

Hòn Mù Cu

hon-mu-cu-ly-son
Bình minh trên Hòn Mù Cu ( Ảnh – Tiep Huu)

Hòn Mù Cu nằm ở phía đông đảo cách trung tâm huyện 3.2 km sát với vũng neo đậu tàu thuyền An Hải. Là nơi rất đẹp bởi những hòn đá đen có nhiều kiểu độc đáo tạo nên, đây cũng là nơi nghĩ mát và ngắm mặt trời mọc lý tưởng trên đảo.

Đảo Bé

map-dao-be

Đảo Bé hay còn gọi là đảo An Bình đúng như tên gọi, có diện tích rất bé. Đảo Bé tuy diện tích rất nhỏ, nhưng lại có một bãi tắm đẹp tuyệt vời với làn cát trắng mịn, bao bọc bởi cánh cung vách đá cao, và những con sóng tung bọt trắng xóa ào ạt ngày đêm.

cau-tau-tren-dao-be
Cầu tàu trên Đảo Bé (Ảnh – Cùng Phượt)

Từ đảo lớn mỗi ngày đều có tàu sang đảo bé, chạy lúc 8h sáng rồi quay lại vào lúc 14h30 hàng ngày. Nếu đoàn bạn có nhiều người có thể thuê thuyền sang đảo bé cho chủ động. Thuê thuyền riêng có lợi thế là bạn có thể đi bất cứ lúc nào, không phụ thuộc vào giờ tàu chạy. Tối có thể mang theo lều ngủ tại đảo bé, đốt lửa trại và giao lưu văn nghệ. Hẹn tàu sáng hôm sau đón về sớm rồi quay vào đất liền luôn.

Sang Đảo Bé bạn có thể đi dạo một vòng quanh đảo thăm thú cảnh đẹp, các ruộng tỏi, tới bãi tắm ở phía cuối đảo rồi quay trở lại phía cầu tàu để nghỉ ngơi ăn uống.

Update: Hiện khu vực bãi tắm ở Đảo Bé đã có cung cấp đầy đủ các dịch vụ bơi lặn, thuê thuyền thúng để chèo, cung cấp cả áo phao, kính lặn….Từ cầu cảng đến bãi tắm các bạn có thể đi xe điện với giá 10k hoặc lựa chọn đi bộ 10 phút.

Lịch trình đi phượt Lý Sơn

kinh-nghiem-phuot-ly-son-2-cungphuot
Ảnh – Cùng Phượt

Lịch trình phượt Lý Sơn 3 ngày

Do mỗi ngày chỉ có một chuyến tàu ra đảo Lý Sơn vì vậy nếu trong trường hợp các bạn không thể chắc chắn việc có mặt ở cảng Sa Kỳ trước 7h thì nên kết hợp du lịch một vài điểm ở Tp Quảng Ngãi cùng với chuyến đi Lý Sơn của mình trong thời gian chờ tới chuyến tàu ngày hôm sau. Thường thì di chuyển bằng các phương tiện gì thì các bạn cũng có mặt tại Quảng Ngãi vào quãng sáng cho đến trưa ngày hôm sau.

Sử dụng các phương tiện máy bay, ô tô hoặc tàu hỏa để có mặt tại Tp Quảng Ngãi. Tùy vào điều kiện cũng như thời gian mà bạn lựa chọn phương tiện cho phù hợp.

Ngày 1 : Quảng Ngãi – Mỹ Khê – Sơn Mỹ – Quảng Ngãi

– Sau khi tới Quảng Ngãi, thuê khách sạn cất đồ rồi gọi taxi di chuyển tới bãi biển Mỹ Khê (cách Tp Quảng Ngãi 12km theo hướng đi cảng Sa Kỳ) ăn trưa tại bãi biển
– Chiều tiếp tục đi theo hướng cảng Sa Kỳ khoảng 3km sẽ tới khu chứng tích Sơn Mỹ, nơi xảy ra vụ thảm sát Mỹ Lai chấn động thế giới.
– Tối quay về Quảng Ngãi ăn tối. Trong ngày đầu tiên này nếu có điều kiện các bạn cũng nên mua vé trước (từ 9-11h và 13h30-15h30) trong trường hợp số lượng người của đoàn bạn đông. Thủ tục và hướng dẫn xin mời đọc ở mục 3.

Ngày 2 : Quảng Ngãi – Cảng Sa Kỳ – Lý Sơn

– Sáng sớm 5h dậy chuẩn bị đồ đạc, gọi taxi (hoặc hẹn từ tối hôm trước) đưa ra cảng Sa Kỳ (20km), xếp hàng mua vé cho đoàn (nhớ chuẩn bị danh sách đoàn trước)
– 8h00 : Lên tàu cao tốc ra Lý Sơn
– 9h00 : Có mặt tại đảo, nhận phòng rồi tranh thủ thuê xe máy để đi khám phá đảo. Xe máy có thuể thuê ở hầu hết các khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn đảo Lý Sơn.
– Trưa ăn cơm tại nơi bạn nghỉ hoặc có thể tìm mua đồ ở chợ về nhờ khách sạn hoặc nhà nghỉ nấu.
– Tiếp tục khám phá các điểm du lịch đẹp trên đảo đến 15h thì thuê thuyền sang Đảo Bé, trước khi đi có thể nhờ nhà nghỉ mua trước vé tàu cho bạn vào sáng hôm sau đồng thời hẹn thuyền sang đón.
– Tối cắm trại và ngủ tại Đảo Bé

Ngày 3 : Đảo Bé – Đảo Lớn – Sa Kỳ – Quảng Ngãi

– Sáng quay trở lại đảo, lên tàu về đất liền.
– Tối lên tàu hoặc ô tô quay về lại Hà Nội (Sài Gòn) kết thúc hành trình du lịch Lý Sơn
Tùy vào thời gian của bạn mà có thể kéo dài thêm 1 ngày ở đảo lớn Lý Sơn để có thêm thời gian khám phá và thưởng thức hết các món ngon của đảo.

Một số lưu ý chung

cang-ly-son
Cảng Lý Sơn, nơi đầu tiên du khách sẽ đặt chân tới với hòn đảo xinh đẹp này
  • Đánh máy trước danh sách đoàn và in làm vài bản mang theo, phục vụ cho việc mua vé tàu cao tốc
  • Ra trước giờ tàu chạy hoặc liên hệ trước với cảng để không bị lỡ tàu, tránh ảnh hưởng đến hành trình chung.
  • Liên hệ trước với khách sạn, nhà nghỉ để đặt phòng cho mùa đông khách.
  • Đảo Lớn có điện từ 18h-23h, đảo Bé không có điện nên các bạn cần chuẩn bị pin dự phòng cho các thiết bị điện tử của mình. Hiện toàn bộ đảo Lý Sơn đã có điện nên các bạn không cần phải lo về vấn đề này.


Tìm trên Google
: kinh nghiệm phượt lý sơn, kinh nghiệm du lịch lý sơn, ăn gì ở lý sơn, các địa điểm du lịch lý sơn, giờ tàu cao tốc đi lý sơn, phương tiện đi lý sơn, du lịch bụi lý sơn, ẩm thực lý sơn, văn hóa lý sơn, lễ hội ở lý sơn, món ngon lý sơn, đặc sản lý sơn, kinh nghiem phuot ly son, kinh nghiem du lich ly son, an gi o ly son, cac dia diem du lich ly son, gio tau cao toc di ly son, phuong tien di ly son, du lich bui ly son, am thuc ly son, van hoa ly son, le hoi o ly son, mon ngon ly son, dac san ly son, trên đảo lý sơn có gì, thuê thuyền đảo bé lý sơn

Quy định chung

  • Vui lòng chỉ để lại bình luận trên website bằng tài khoản Facebook cá nhân.
  • Đọc kỹ thông tin trong bài trước khi đặt câu hỏi, Cùng Phượt chỉ trả lời những nội dung chưa có trong bài.
  • Không quảng cáo, rao vặt trong bình luận khi chưa được sự cho phép từ Cùng Phượt.
  • Nghiêm cấm spam dưới mọi hình thức, tất cả các nick cố tình spam sẽ bị cấm bình luận, nội dung spam sẽ bị ẩn khỏi website.

KINH NGHIỆM ĐI PHƯỢT | KINH NGHIỆM DU LỊCH BỤI