Kinh nghiệm phượt A Pa Chải 2018 | Kinh nghiệm du lịch A Pa Chải 2018

1937

Cùng Phượt – Lãnh thổ Việt Nam có 2 ngã ba biên giới rất đặc biệt là Ngã ba Đông Dương thuộc địa phận xã Bờ Y (Ngọc Hồi, Kon Tum) và ngã ba biên giới Việt – Lào – Trung thuộc địa phận A Pa Chải, xã Sín Thầu (Mường Nhé, Điện Biên) là điểm cực Tây trên đất liền của Việt Nam, vùng giáp biên 2 nước Trung Quốc và Lào thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, cách tỉnh lỵ Điện Biên Phủ khoảng 250 km. Nơi này được mệnh danh là “1 con gà gáy cả 3 nước đều nghe thấy”. Nằm ở độ cao 1864 m so với mực nước biển, nơi đây tập trung chủ yếu người dân tộc Hà Nhì và một số dân tộc thiểu số khác. A Pa Chải trong tiếng Hà Nhì có nghĩa là vùng đất bằng phẳng, rộng lớn.

kinh-nghiem-phuot-cuc-nam-cuc-tay-apachai

Giới thiệu A Pa Chải

kinh-nghiem-phuot-cuc-nam-ban-sin-thau
Một góc Sín Thầu (Ảnh – Che Trung Hieu)

A Pa Chải còn là địa danh gắn liền với cột mốc số 0 (không số) có tọa độ 22°23’53″N 102°8’51″E, nằm trên đỉnh núi Khoang La San thuộc xã Sín Thầu huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Cột mốc là ngã ba biên giới của 3 nước Việt Nam – Lào – Trung Quốc, cột mốc được 3 quốc gia thống nhất cắm mốc vào ngày 27/6/2005, được làm bằng đá granit, cắm giữa một hình lục giác, bên ngoài cùng là khối vuông diện tích 5x5m, cột cao 2 mét có 3 mặt quay về 3 hướng, mỗi mặt có khắc tên nước bằng tiếng quốc ngữ riêng và quốc huy của mỗi quốc gia.

Nên đi A Pa Chải vào thời gian nào

kinh-nghiem-phuot-cuc-nam-nen-di-a-pa-chai-vao-thoi-gian-nao
May mắn bạn sẽ có thể gặp thời tiết thuận lợi như này (Ảnh – Buratino)

Thời tiết ở Tây Bắc luôn khó dự báo trước nên cũng không thể đưa ra cho các bạn chính xác khoảng thời gian nào nên đi A Pa Chải, tuy nhiên có một vài lưu ý như dưới đây :

  • Cố gắng tránh đi vào ngày mưa bão bởi với quãng đường gần chục km đi bộ, trời mưa sẽ khiến bạn khá là vất vả khi di chuyển.
  • Tránh đi vào các dịp lễ như 30/4, 2/9 bởi những dịp này có quá nhiều người lên đây. Riêng việc cung cấp chỗ ăn nghỉ và người dẫn đoàn đã khá là mệt mỏi cho các cán bộ chiến sỹ đồn 317.
  • Đi kết hợp với một số mùa đặc trưng của Tây Bắc để có thể đi được nhiều nơi trong cùng một chuyến đi như : mùa lúa 9 (tháng 9), mùa hoa ban nở (tháng 3), mùa dã quỳ (tháng 12) mùa hoa mận (tháng 11)

Thủ tục xin phép khi tới A Pa Chải

kinh-nghiem-phuot-cuc-nam-don-317-a-pa-chai
Đồn biên phòng A Pa Chải (Đồn 317)

Để vào được đến A Pa Chải, bất cứ đoàn nào cũng phải có các chiến sĩ bộ đội đồn biên phòng đóng trên địa bàn (đồn 317) dẫn đường và phải luôn theo sát nhau vì nếu lãng đi một chút thôi là có thể lạc nhau và lạc sang nước bạn. Trước đó, để được sự tiếp đón của bộ đội biên phòng, các đoàn đi phải có giấy giới thiệu của địa phương cư trú hoặc cơ quan công tác để xin phép Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng Điện Biên, sau đó Bộ chỉ huy sẽ giới thiệu xuống đồn biên phòng và chính quyền địa phương nơi các đoàn đến (vì đây là khu vực biên giới nên các thủ tục này là bắt buộc, các bạn hết sức lưu ý nếu không muốn bị trục xuất khỏi địa bàn).

kinh-nghiem-phuot-cuc-nam-khu-vuc-bien-gioi
Khu vực biên giới (Ảnh – Nguyễn Ngọc Viên
)

Một số quy định về cư trú, đi lại và hoạt động khu vực biên giới, các bạn đọc để biết tránh trường hợp không mang đầy đủ giấy tờ rồi không được phép ở lại, thì lại nghĩ các anh Biên phòng gây khó dễ cho mình.

  • Khu vực biên giới trên đất liền gồm xã, phường, thị trấn có một phần địa giới hành chính trùng hợp với biên giới quốc gia trên đất liền.
  • Công dân Việt Nam khi vào khu vực biên giới phải có giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ do công an xã, phường thị trấn nơi cư trú cấp.
  • Người nước ngoài đang công tác tại các cơ quan Trung ương vào khu vực biên giới phải có giấy phép do Bộ Công an cấp. Nếu người nước ngoài đang tạm trú tại địa phương vào khu vực biên giới phải có giấy phép do công an cấp tỉnh nơi tạm trú cấp.
  • Người, phương tiện của Việt Nam và nước ngoài đủ điều kiện vào khu vực biên giới,vành đai biên giới nếu ở qua đêm phải đến cơ quan công an cấp xã, phường, thị trấn hoặc đồn công an sở tại đăng ký quản lý tạm trú theo quy định của pháp luật về đăng ký và quản lý hộ khẩu.
  • Trong thời gian ở khu vực biên giới mọi hoạt động của người, phương tiện phải chịu sự hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát của Bộ đội biên phòng, công an, chính quyền địa phương.

Phương tiện đi và đến A Pa Chải

kinh-nghiem-phuot-cuc-nam-san-bay-dien-bien-phu
Sân bay Điện Biên Phủ

Tp Điện Biên Phủ cách thủ đô Hà Nội khoảng gần 500km. Để đi từ Hà Nội – Điện Biên Phủ các bạn có thể lựa chọn nhiều cách để tới đây tùy thuộc điều kiện kinh tế và lộ trình của bạn.

Đường bộ

Xe giường nằm đi Điện Biên chạy hàng ngày tại Bến xe Mỹ Đình, thời gian xe chạy vào khoảng 12-13 tiếng. Đi bằng xe giường nằm có một lợi thế nữa là có thể gửi xe máy kèm theo. Nếu không thích đi bằng ô tô các bạn cũng có thể lập lịch trình đi xe máy thẳng từ Hà Nội lên Điện Biên, với chặng đường khoảng 500km bạn sẽ mất nguyên một ngày để di chuyển thẳng.

Đường hàng không

Hiện tại Vietnam Airlines là hãng duy nhất khai thác đường bay Hà Nội – Điện Biên, máy bay sử dụng cho đường bay này là ATR 72. Giá vé khứ hồi vào khoảng 2800k.

Xem thêm bài viết : Xe khách đi Điện Biên

kinh-nghiem-phuot-cuc-nam-duong-len-muong-nhe
Trên đường lên Mường Nhé (Ảnh – Buratino)

Từ thành phố Điện Biên Phủ, đi theo quốc lộ 12 khoảng 280km theo lịch trình Mường Chà – Si Sa Phìn -Chà Cang – Mường Nhé – Sín Thầu sẽ tới được trung tâm xã Sín Thấu, điểm bắt đầu cho hành trình chinh phục Cực Tây Tổ Quốc A Pa Chải. Đường nhựa ô tô đi đã được làm tới tận trung tâm xã, riêng xe máy có thể chạy tới tận chân đỉnh núi Khoang La San theo đường cấp phối, tiết kiệm được khoảng hơn 2 tiếng đi bộ so với thời đường chưa làm xong.

Leo mốc 0 – A Pa Chải

Từ đồn 317 các bạn có thể di chuyển bằng xe máy tới chân núi, để xe tại đó rồi bắt đầu hành trình chinh phục Cực Tây. Hành trình sẽ lần lượt vượt qua những đồi cỏ gianh cao gần bằng đầu người (nhưng nếu đi mùa khô các bạn có thể sẽ tránh được đồi cỏ này), vượt qua cánh rừng nguyên sinh với những đoạn dốc gần như dựng đứng. Tùy vào sức khỏe của mình nhưng thường sẽ mất khoảng 4-5 tiếng để có thể đến với Cực Tây

kinh-nghiem-phuot-cuc-nam-phuot-a-pa-chai-3
Những đồi cỏ tranh cao bằng đầu người
kinh-nghiem-phuot-cuc-nam-phuot-a-pa-chai-4
Đi xuyên rừng nguyên sinh
kinh-nghiem-phuot-cuc-nam-phuot-a-pa-chai-5
Những đoạn dốc vừa cao, vừa trơn
kinh-nghiem-phuot-cuc-nam-phuot-a-pa-chai-6
Mất khá nhiều sức lực khi đi qua những đoạn này

Địa điểm ăn nghỉ tại A Pa Chải

kinh-nghiem-phuot-cuc-nam-don-317
Đồn 317 cũ chụp năm 2009 (Ảnh – Buratino)

Đồn biên phòng 317 và nhà dân trong xã Sín Thầu là những địa điểm các bạn có thể liên hệ để xin ngủ nhờ cũng như nhờ nấu ăn. Hiện nay thì A Pa Chải đã là có thể coi là một điểm du lịch nhiều người đến nên bên Biên phòng cũng đã chủ động trong việc sắp xếp chỗ ngủ và chuẩn bị đồ ăn cho các bạn khi tới đây. Tuy nhiên, nhiệm vụ chính của lực lượng Biên phòng là tuần tra, giữ gìn và đảm bảo an ninh tại biên giới chứ không phải là hướng dẫn viên du lịch, chính vì vậy nếu có thể tự chủ động về việc này các bạn nên tự lo để tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt của Đồn (để có chỗ nghỉ ngơi cho khách du lịch thường thì bên Đồn sẽ bố trí dồn các chiến sĩ lại ngủ chung với nhau để nhường phòng cho khách)

Một lựa chọn cho các bạn là nghỉ và ăn tối tại Mường Nhé, gọi điện trước vào trong Đồn 317 để xin phép việc leo mốc 0 rồi sáng sớm hôm sau đi sớm vào để làm thủ tục. Đường đã được làm khá tốt nên thời gian đi từ Mường Nhé vào Sín Thầu chỉ khoảng 2 tiếng.

Một số lịch trình đi phượt A Pa Chải

kinh-nghiem-phuot-cuc-nam-phuot-a-pa-chai-2
(Ảnh – Buratino)

Đây là một số lịch trình cơ bản cho các bạn muốn chinh phục Cực Tây A Pa Chải, các bạn có thể thay đổi bằng cách thêm/bớt các điểm đến trên hành trình để phù hợp với chuyến đi của mình.

Lịch trình 3 ngày 4 đêm

Ngày 0 : Hà Nội – Điện Biên
– Đi xe giường nằm từ Hà Nội lên Điện Biên
– Gửi xe máy theo ô tô
Ngày 1 : Điện Biên – Mường Chà – Mường Nhé – Đồn 317
– Sáng sớm có mặt ở Điện Biên, ăn sáng vào Bộ chỉ huy Biên Phòng tỉnh xin giấy phép.
– Đi thẳng từ Điện Biên vào Mường Nhé (200km)
– Có thể lựa chọn nghỉ ngơi tại Mường Nhé (nếu đi vào các dịp lễ đông như 30-4) hoặc vào thẳng đồn 317 ngủ nhờ
Ngày 2 : Đồn 317 – Mốc 0 – Đồn 317 – Mường Nhé
– 8h sáng dậy ăn sáng, chuẩn bị đồ mang theo dọc đường và đồ ăn trưa để leo mốc
– 12h-14h tới mốc 0, dừng chụp ảnh và ăn trưa. Thời gian tùy thuộc vào khả năng leo núi của từng đoàn
– 14h từ mốc 0 trở về, khoảng 16h-17h sẽ về tới đồn 317
– Thu dọn đồ đạc và chạy ngược ra Mường Nhé nghỉ ngơi
Ngày 3 : Mường Nhé – Điện Biên Phủ – Hà Nội
– Từ Mường Nhé chạy ngược ra Tp Điện Biên Phủ, thăm thú một số di tích như Hầm Đờ Cát, Đồi A1, Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ …
– Tối người + xe máy lên ô tô trở về Hà Nội
– Sáng sớm ngày 4 có mặt tại Hà Nội

Lịch trình 5 ngày 6 đêm

Ngày 0 : Hà Nội – Điện Biên
– Đi xe giường nằm từ Hà Nội lên Điện Biên
– Gửi xe máy theo ô tô
Ngày 1 : Điện Biên – Mường Chà – Mường Nhé – Đồn 317
– Sáng sớm có mặt ở Điện Biên, ăn sáng vào Bộ chỉ huy Biên Phòng tỉnh xin giấy phép.
– Thăm quan một số điểm du lịch như Hầm Đờ Cát, Đồi A1, Nghĩa trang đồi A1 trong khoảng 1 tiếng.
– Đi thẳng từ Điện Biên vào Mường Nhé (200km)
– Có thể lựa chọn nghỉ ngơi tại Mường Nhé (nếu đi vào các dịp lễ đông như 30-4) hoặc vào thẳng đồn 317 ngủ nhờ
Ngày 2 : Đồn 317 – Mốc 0 – Đồn 317 – Mường Nhé
– 8h sáng dậy ăn sáng, chuẩn bị đồ mang theo dọc đường và đồ ăn trưa để leo mốc
– 12h-14h tới mốc 0, dừng chụp ảnh và ăn trưa. Thời gian tùy thuộc vào khả năng leo núi của từng đoàn
– 14h từ mốc 0 trở về, khoảng 16h-17h sẽ về tới đồn 317
– Thu dọn đồ đạc và chạy ngược ra Mường Nhé nghỉ ngơi
Ngày 3 : Mường Nhé – Mường Lay – Sìn Hồ
– Từ Mường Nhé đi ngược ra Mường Chà rồi đi theo QL 12 đi Mường Lay
– Đến khu vực xã Chăn Nưa thì rẽ theo TL 128 đi Sìn Hồ
– Tối nghỉ ngơi tại Sìn Hồ
– Đừng quên đi tắm lá thuốc để xóa tan mệt mỏi mấy ngày vừa qua
Ngày 4 (Lựa chọn 1) : Sìn Hồ – Lai Châu – Tam Đường – Bình Lư – Mù Cang Chải (Thích hợp nếu đi vào mùa lúa chín)
– Sáng dây có thể đi chơi chợ Sìn Hồ nếu đúng ngày chợ họp, lên Đài tưởng niệm chụp ảnh toàn cảnh Sìn hồ
– Từ Sìn Hồ đi về Thị xã Lai Châu, qua Tam Đường tới ngã 3 Bình Lư thì rẽ đi Than Uyên -> Mù Cang Chải. Nếu thời tiết đẹp thì sẽ được ngắm mây Sìn Hồ.
– Nếu về sớm có thể tranh thủ đi chơi quanh Mù Cang Chải
– Tối ngủ và ăn uống tại Mù Cang Chải
Ngày 4 (Lựa chọn 2) : Sìn Hồ – Lai Châu – Tam Đường – Bình Lư – Sapa
– Sáng dây có thể đi chơi chợ Sìn Hồ nếu đúng ngày chợ họp
– Từ Sìn Hồ đi về Thị xã Lai Châu, qua Tam Đường tới ngã 3 Bình Lư thì rẽ đi đèo Ô Quy Hồ -> Thị trấn Sapa
– Tối nghỉ ngơi và chơi tại Sapa
Ngày 5 (Lựa chọn 1) : Mù Cang Chải – Tú Lệ – Nghĩa Lộ – Hà Nội
– Phương án 1 : Dạo chơi Thị trấn Mù Cang Chải, rồi về Tú Lệ ăn trưa sau đó chạy thẳng về Hà Nội
– Phương án 2 : Dành nguyên 1 ngày để chơi ở Mù Cang Chải, La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Đèo Khau Phạ rồi nửa đêm gửi người và xe máy theo xe khách Lai Châu về Hà Nội
Ngày 5 (Lựa chọn 2) : Sapa – Hà Nội
– Dành trọn 1 ngày để du lịch Sapa kết hợp với nghỉ ngơi lấy sức
– Tối gửi người + xe máy về Hà Nội bằng tàu hỏa hoặc ô tô
Sáng ngày 6 có mặt tại Hà Nội

Xem thêm bài viết : Kinh nghiệm du lịch Sapa | Kinh nghiệm phượt Mù Cang Chải

Các kinh nghiệm trên đường đi A Pa Chải

kinh-nghiem-phuot-cuc-nam-phuot-a-pa-chai-1
Trên đường leo A Pa Chải (Ảnh – Buratino)

Một số kinh nghiệm tổng hợp chung cho chuyến đi A Pa Chải từ các đoàn đi trước, các bạn nên đọc qua để có thêm kinh nghiệm cho bản thân mình.
Về chuẩn bị đồ đạc (Một số thứ cơ bản thôi, chi tiết các bạn xem bài (Kinh nghiệm chuẩn bị đồ khi đi phượt)

  • Nên mang theo 1 đôi giầy bộ đội (hoặc giầy dành cho việc leo núi) tránh sử dụng các loại không phù hợp như giày da, giày búp bê (với các bạn nữ). Đối với nam bạn nào đi được dép tổ ong thì cứ dùng
  • Mặc quần áo dài, đeo khẩu trang và dùng khăn rằn quấn cổ khi đi qua đồi cỏ gianh, tránh việc bị cỏ cứa vào chân, tay gây chảy máu.
  • Mang theo 1 áo mưa mỏng dạng áo để khoác trong trường hợp trời mưa và khi đi xuyên rừng để tránh bị ngấm lạnh.
  • Khi vào tới Mường Nhé thì nhớ mua nước mang theo, mua tại Trung tâm huyện bao giờ cũng dễ hơn so với việc vào trong xã mới tìm mua. Leo mốc 0 khá mệt và mất nước nên cứ tính bình quân mỗi thành viên 1 chai 1,5 lít. Nếu được thì chuẩn bị trước 1 ít đường Gluco hòa vào nước để uống cùng, đường Gluco có tác dụng chống mỏi cơ khi leo.

Về giấy tờ thủ tục

  • Mang đầy đủ CMND, Hộ chiếu hoặc giấy tờ xác nhận nhân thân
  • Nếu thành viên nào trong đoàn có thể xin giấy giới thiệu thì mang đi, thuận lợi hơn khi đi đường (các loại giấy tờ của báo thì quá ổn)
  • Khi lên tới Điện Biên thì vào Bộ chỉ huy BP Tỉnh để xin phép nhất là đi vào những dịp nhạy cảm như 30-4, 2-9… bạn nào có những mối quan hệ sẵn với bên BP rồi thì có thể bỏ qua bước này.
  • Liên hệ với Đồn 317 trước ngày lên để nhờ các anh chuẩn bị đồ ăn, nếu ngày bạn vào đến Mường Nhé muộn quá (sau 20h) thì chủ động mua thức ăn từ ngoài huyện mang vào và tự nấu, không nên phiền đến các chiến sĩ ở đồn.

Tìm trên Google : phượt a pa chải, kinh nghiệm phượt a pa chải, du lịch bụi a pa chải, đi a pa chải như thế nào, thủ tục đi a pa chải, lịch trình phượt a pa chải, phuot a pa chai, kinh nghiem phuot a pa chai, du lich bui a pa chai, di a pa chai nhu the nao, thu tuc di a pa chai, lich trinh phuot a pa chai

KINH NGHIỆM ĐI PHƯỢT | KINH NGHIỆM DU LỊCH BỤI