Nghề muối Bạc Liêu | .:: Đài Phát Thanh Truyền Hình Vĩnh Long ::.

1133

… Những ngày giữa tháng 3, vượt gần 200 km đường bộ, chúng tôi mới đến được vùng biển Bạc Liêu- nơi có diện tích và sản lượng muối lớn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long- đúng lúc các diêm dân ở đây đang vào cao điểm thu hoạch muối…

nghe-lam-muoi-o-bac-lieu-bl-1
nghe-lam-muoi-o-bac-lieu-bl-2
nghe-lam-muoi-o-bac-lieu-bl-3

Vùng muối Bạc Liêu tập trung nhiều nhất ở các xã: Long Điền Đông, Long Điền Tây, Điền Hải (huyện Đông Hải) và xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình), với diện tích trên 2.400 ha .

… Muối chỉ làm vào mùa nắng gắt, ở Bạc Liêu bắt đầu từ tháng 10, tháng 11 đến tháng 2, tháng 3 năm sau. Những sân muối được xử lý công phu, nền sân thật dẻ và láng để đón nguồn nước biển , rồi nhờ cái nắng chói chang của đất trời mà kết tinh thành muối.

Muốn có được hạt muối không đơn giản chút nào. Từ khâu làm đất trên nền sân muối, cho đến khâu theo dõi độ mặn của nước biển, rồi những ngày đảo muối, trong gió, trong nắng…Tất cả đều phải khéo léo, tính toán thật kỹ mới có thể mang lại năng suất tối đa.

Tính kỹ là vậy, nhưng nghề muối phụ thuộc vào thời tiết, nên trời thương thì nhờ, còn không phải chịu bao điều vất vả…Xem ra có vài điểm khác biệt ở hai vùng sản xuất muối Bạc Liêu và Cồn Cù- Trà Vinh.

Thứ nhất, Bạc Liêu sản xuất đến 3 loại muối, đó là muối trắng, muối bạc và muối đen. Trong đó, muối bạc được sản xuất trên nền vải bạt, còn muối trắng và muối đen được sản xuất trên sân ruộng, không có vải bạt…Trong khi đó ở Trà Vinh chỉ sản xuất được mỗi một loại muối, là muối trắng.

Thứ hai, nồng độ mặn của muối Bạc Liêu có phần cao hơn độ mặn của muối Trà Vinh, lại không có vị đắng và chát như muối ở các vùng biển khác.

Thứ ba là về cảm quan, có thể dễ dàng nhận biết, muối Bạc Liêu, có màu trắng, ánh xám, không mùi, không vị đắng, khô ráo, chắc xốp. Trong đó, yếu tố không có mùi vị đắng là một yếu tố cảm quan đặc thù tạo nên sự khác biệt của muối Bạc Liêu so với muối các tỉnh khác. Dân miền Tây hay nói là muối ngon…

Nét mới trong nghề làm muối ở Bạc Liêu hiện nay, đó là việc bà con thấy được hiệu quả của mô hình sản xuất muối trải bạt, nên 4 năm qua nhiều hộ dân áp dụng mô hình này. Chỉ tính riêng huyện Đông Hải, đã có gần 100 ha đất sản xuất muối được diêm dân áp dụng mô hình trải bạt.

Hạt muối áp dụng mô hình trải bạt này, có độ trắng, sáng, không lẫn tạp chất và rất ít độ ẩm. Muối trải bạt không chỉ làm tăng năng suất, mà còn nâng cao chất lượng và giá thương phẩm so với cách sản xuất muối truyền thống của bà con bấy lâu nay.

nghe-lam-muoi-o-bac-lieu-bl-4
nghe-lam-muoi-o-bac-lieu-bl-5
nghe-lam-muoi-o-bac-lieu-bl-6
nghe-lam-muoi-o-bac-lieu-bl-7
nghe-lam-muoi-o-bac-lieu-bl-8

nghe-lam-muoi-o-bac-lieu-bl-9

Vụ sản xuất muối năm nay, nghề muối Bạc Liêu gặp lúc thời tiết “phập phù”, nắng to được một hai tuần lại bất ngờ đổ mưa một trận, khiến cho bà con diêm dân trong huyện điêu đứng, lao đao. Trước và sau Tết Nhâm Tỵ , vùng ven biển Bạc Liêu liên tiếp xuất hiện những trận mưa trái mùa, làm cho diêm dân trở tay không kịp.

Muối tan, diêm dân lại phải tất bật tranh thủ những ngày nắng nóng. Tháng 3, nắng càng gay gắt. Những ngày này, muối càng mau kết tinh, càng thêm trắng thì mồ hôi càng thêm mặn trên mỗi tấm áo diêm dân.

Mấy tuần trước, hầu hết bà con diêm dân vùng ven biển Bạc Liêu chỉ bán muối cũ của năm trước còn trữ lại. Còn mùa muối năm nay đã hơn ba tháng, nhưng bà con thu hoạch chưa nhiều như hàng năm. Theo kinh nghiệm, cứ những năm trúng mùa thì rớt giá và ngược lại, nên khi mùa muối có phần thất bát , bà con chỉ còn hy vọng giá sẽ tăng cao. Do vậy, nhiều bà con chưa chịu bán, phủ vải bạt phòng mưa , chờ muối có giá hơn.

Tuy nhiên, cũng có không ít hộ đành chấp nhận bán muối với giá thấp, vì áp lực nhu cầu chi tiêu hàng ngày.

Nghề muối thường chịu rủi ro từ thiên nhiên, và cả mưa nắng thị trường . Mồ hôi diêm dân mặn thêm, nhưng không chắc cuộc sống khá hơn . Phần lớn bà con chưa có nhà kho để chứa muối, mà chỉ che bạt tạm, nên có neo muối lại cũng khó trữ được lâu… Họ còn phải trang trải chi phí sản xuất, sinh hoạt gia đình và nhất là phải trả nợ vay ngân hàng, tất cả chỉ trông chờ vào muối.

Từ đầu vụ đến nay,giá muối cứ giảm, còn chi phí đầu tư cho mùa vụ thì lại tăng vọt. Giá nhân công làm muối vụ trước, từ 8- 10 triệu đồng/một người/một vụ, giờ tăng lên từ 12-14 triệu đồng. Nhiều hộ làm muối phải tiết giảm nhân công, kéo theo hàng trăm lao động có nhiều năm gắn bó với với nghề phải tạm chia tay đồng muối.

…Một mùa muối mới đang vào kỳ thu hoạch, nhưng xem ra diêm dân Bạc Liêu đang trong tình trạng bất an.

Trong khi Kho dự trữ muối lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long đặt tại địa phương này và dự án xúc tiến xây dựng nhà máy sản xuất và tiêu thụ muối vẫn còn là chuyện tương lai, thì diêm dân Bạc Liêu vẫn phải tự bơi, tự xoay sở với quá nhiều khó khăn trước mắt…

Ngoài nét riêng của từng vùng đất, nghề làm muối Trà Vinh, rồi Bạc Liêu…, đều có đặc thù công việc giống nhau, cũng đều cơ cực như nhau, và có lẽ cũng đều đang đứng trước câu hỏi : làm sao ổn định và phát triển nghề muối phương Nam.

Muối Bạc Liêu xưa nay nổi tiếng muối ngon, nhưng vẫn chưa có được thương hiệu như muối Tây Ninh? Vì sao hạt muối đậm đà của miền Tây Nam bộ vẫn chưa được xử lý làm sạch đẹp, tinh khiết hơn, để có thể tự tin đi vào thị trường, để người đồng muối thêm mặn mà cuộc sống, chứ không phập phồng mặn, đắng , bấp bênh…?

Giã từ đồng muối Bạc Liêu, chúng tôi mang về những hạt muối ngon, cùng câu hỏi mong sớm có lời giải đáp, với sự đồng cảm với một nghề thật sự nhọc nhằn, của những người vùng biển thân thiện và mến khách.

Mặc dù gian lao vất vả, nhưng những diêm dân ở Trà Vinh, Bạc Liêu hay những vùng biển khác, vẫn cố gắng bám trụ, duy trì nghề truyền thống này.

Mong rằng mọi người sẽ hiểu rõ hơn về cuộc sống của những diêm dân và thấu hiểu được sự vất vả mà họ đã trải qua. Đồng thời trân trọng giá trị hạt muối mỗi khi nếm vị mặn này. Và, chúng tôi cũng hy vọng rằng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, thì cuộc sống của diêm dân sẽ không rơi vào hòan cảnh trúng mùa, rớt giá như hiện nay.

Trọng Dũng

Các bài viết cùng chuyên mục

THVL.VN