(Chuyên mục: Đặc sản Lạng Sơn)
Lạng Sơn có 1 thành phố và 10 huyện, bao gồm:
+ Thành phố Lạng Sơn
+ Huyện Bắc Sơn, huyện Bình Gia, huyện Cao Lộc, huyện Chi Lăng, huyện Đình Lập, huyện Hữu Lũng, huyện Lộc Bình, huyện Tràng Định, huyện Vãn Lãng và huyện Văn Quan.
Những đặc sản đáng nhớ về quê hương Lạng Sơn:
Bánh giò gấc: Cách làm bánh này cũng khá đặc biệt và rất công phu. Nguyên liệu để làm gồm có bột gạo tẻ, bột gạo nếp cái hoa vàng, đỗ xanh, đường kính (nếu làm nhân ngọt), mộc nhĩ, thịt lợn ba chỉ, lá chuối, muối, hành hương, nước mắm, hạt tiêu. Trước tiên là khâu chọn gấc. Lựa lấy quả gấc chín đỏ đều, tùy số lượng bột mà dùng nhiều hoặc ít gấc, bỏ vỏ, thêm vào ít rượu trắng và đảo đều cho có màu đỏ tươi, đem trộn đều với gạo đã ngâm sẵn cho thật ngấm rồi mới đem xát thành bột. Với bột (có thể lấy loại gạo tẻ nào cũng được nhưng với gạo nếp nhất thiết phải là nếp cái hoa vàng để tạo độ dính cao), gạo mang đi xát thành bột mịn, không để lẫn hai thứ bột vào nhau. Làm bánh giò nên chủ yếu là bột gạo tẻ, chỉ cho thêm một muỗng nhỏ bột gạo nếp vào cho kết dính và bánh có độ mịn, bóng đẹp mắt. Tiếp đó tới khâu làm nhân, nếu làm bánh ngọt thì giống như nhân bánh rán bình thường, nếu là nhân mặn sẽ lâu hơn. Thịt ba chỉ rọi băm nhuyễn cùng mộc nhĩ đã ngâm nở sẵn, cho hành hương, nước mắm, hạt tiêu vào trộn đều, để tầm 30 phút thì chao lên cho chín tái. Chọn lấy những lá chuối to bản và rửa sạch, hơ qua lửa rồi rọc thành từng tấm hình vuông cỡ 20x20cm và vài tấm lớn cỡ 25cm x 25cm. Xong khâu chuẩn bị thì bắt đầu đổ bột vào nồi, dùng muôi khuấy đều, bắc lên bếp, đun nhỏ lửa đến khi bột đặc lại thì bắc xuống. Tiếp đến là khâu gói bánh, đặt lá chuối nhỏ ở dưới, lá lớn ở trên, hai lá đặt chéo góc và úp hai mặt chéo vào nhau sao cho khi gói thành hình tam giác đẹp mắt, rồi phết chút mỡ lợn vào mặt trong lá chuối trước khi gói để bánh không dính vào lá. Gói sao cho bột bao kín hết nhân. Cuối cùng là đem bánh hấp khoảng 30 phút, chú ý cho lửa đều thì bánh sẽ không bị sượng hoặc nhão. Bánh giò nên ăn nóng sẽ hấp dẫn hơn, nhất là trong tiết trời se lạnh thế này, cùng với một ít tương ớt chấm kèm thì thật tuyệt. Với sự tài tình của người nội trợ chiếc bánh đã làm cho thực khách khó lòng mà cưỡng lại được. Nhìn chiếc bánh đỏ au, mòng mọng, thoang thoảng mùi dịu mát của gấc chín quện với vị béo béo của thịt, ngòn ngọt của nhân đậu xanh khiến bất cứ ai nhìn thấy cũng muốn được thưởng thức. (Chuyên mục: Đặc sản Lạng Sơn)
Kẹo lạc: Trong cái thời tiết mát mẻ của tiết trời mùa thu ngồi nhâm nhi chiếc kẹo lạc nhấp ngụm nước chè là sở thích của không ít người. Kẹo lạc ngọt thơm hấp dẫn kết hợp với vị chát chát đầu lưỡi của nước chè cho bạn cảm giác thích thú, làm xua tan đi cái chát, cái ngọt sắc. Để làm kẹo lạc, người dân nơi đây dùng đường đen (loại đường làm từ mật mía, cô đặc lại thành từng miếng to) chứ không phải đường kính. Nhờ thế, kẹo lạc hấp dẫn hơn và thơm hơn, vị cũng khác so với làm bằng đường kính trắng. Nguyên liệu đầu tiên là lạc đỏ, thứ lạc đặc trưng của vùng núi phía bắc, loại lạc này khi rang chín sẽ rất thơm và ngon hơn loại lạc trắng. Loại bỏ những hạt mốc, lép rồi cho vào chảo rang đều tay, không cần cho thêm vừng, rang đến khi nào không nghe thấy tiếng nổ lép bép nữa thì bắc xuống, rải đều ra nong cho nguội và vò cho vỡ đôi hạt ra, sàng kỹ. Chuẩn bị xong lạc thì bắc chảo lên bếp, thái đường đen thả vào chảo thành từng miếng nhỏ bằng bao diêm theo tỷ lệ 1 đến 1.5kg lạc hạt tương đương với 0.5kg đường đen. Cho thêm ít gừng tươi đã thái mỏng, đun nhỏ lửa cho tới khi đường tan hết, múc một muỗng nhỏ cho vào bát nước lạnh, nếu thấy đường đặc quánh lại thì cho lạc vào, đảo đều rồi nhanh tay đổ kẹo ra mâm đã được cán bột nếp cho khỏi dính, cán đều tay. Đợi khi lạc khô lại thì dùng dao cắt thành từng miếng. Với kẹo lạc làm bằng đường đen thường người ta cắt miếng hình vuông nhỏ bằng bao diêm, vừa không bị vỡ và khi bày ra đĩa sẽ đẹp mắt hơn. Trời tháng tám mùa thu, gió se lạnh kèm theo những cơn mưa nhỏ. Sẽ không gì tuyệt vời hơn nếu như vừa được ngồi tán gẫu với bạn bè vừa được nhâm nhi những thanh kẹo lạc giòn thơm kèm theo tách trà nóng. (Chuyên mục: Đặc sản Lạng Sơn)
Bánh Cao Sằng: Bánh cao sằng ở thành phố Lạng Sơn từng nổi tiếng một thời, được người Hoa ưa chuộng. Nó có mặt nhiều nhất ở thành phố và các huyện lân cận nơi có nhiều người dân tộc Nùng sinh sống. Có thể tự tay làm cao sằng rất đơn giản. Đầu tiên chọn loại gạo tẻ hạt đều đem ngâm nước. Khi ngâm cho thêm một ít gạo nếp vào để tạo độ kết dính của bánh. Gạo ngâm xong rồi đem sát thành bột mịn, cho thêm ít bột lọc để tạo độ trong cho bánh. Tiếp đó cho ít nuớc vào nhào bột cho nhuyễn, không được để bột quá nhão. Sau đó đổ bột vào khuôn, dàn đều cho mỏng và đem hấp cách thủy cho chín, khi bánh gần chín thì rưới nước thịt kho nuớc dừa đặc lên trên để tạo vị béo ngậy. Bánh chín, có màu mật ong trong suốt, mềm, dẻo, dai là đạt yêu cầu, rắc lên mặt trên của bánh một lớp lạc rang đã giã, không nên giã quá nhỏ. Đợi bánh nguội thì xắt thành từng miếng hình chữ nhật bé như bao diêm, ăn kèm với nước chấm. Nuớc chấm không cần làm cầu kỳ, chỉ cần một ít giấm, đường, tương ớt, nước mắm, rau mùi nêm vừa đủ là đạt. Bánh cao sằng chỉ hợp để “ăn hương ăn hoa”, như thế sẽ không bị ngán. Người Lạng Sơn thường chọn bánh này để ăn sáng. Những đĩa bánh dành cho thực khách thường không quá hai miếng và nửa bát nuớc chấm. Khi ăn đổ ngập nuớc chấm vào bánh thì sẽ ngon hơn. (Chuyên mục: Đặc sản Lạng Sơn)
Nem nướng: Món nem này nếu nhìn bề ngoài chẳng khác mấy so với nem chạo, nem thính khá nổi tiếng ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Nhưng cũng như món bánh cuốn, món nem ở từng địa phương lại chứa trong đó một thứ “đặc sản” đặc trưng riêng. Nó toát ra từ hình dáng, nguyên liệu và hương vị của món ăn. Nem nướng Lạng Sơn to bằng cổ tay người lớn, dài ước chừng một gang tay, được bọc bởi 3 lớp lá chuối xanh bên ngoài buộc lạt tre. Bên trong nem gồm thịt lợn (phần nạc vai, ba chỉ lách không quá mỡ), bì lợn thái mỏng. Thịt phải mua lúc lợn mới mổ, còn hồng tươi, mang về thái bằng dao sắc, mỏng. Bì lợn cũng luộc sơ, thái thật mỏng. Thông thường một chiếc nem gói khoảng 0,3 kg thịt lợn, thịt mua về được rửa sạch, thái con chì, bì lợn luộc chín, cạo sạch lông thái nhỏ, trộn cả phần thịt và bì với bột thính (loại bột chuyên làm nem thính), nêm thêm gia vị, gói lại bằng lá chuối tươi và buộc lạt, không nên buộc lạt quá chặt sẽ làm cho nem cứng khi nướng nem sẽ không chín đều. Người làm nặn chiếc nem thành hình trụ đường kính chừng 3cm rồi “khoác” bên ngoài bằng 3 lớp lá chuối tây đã rửa sạch, lau khô. Thường thì khi ăn nem, thực khách hay thắc mắc “à, chủ quán làm điêu, bọc sao lắm lá chuối thế”, nhưng nhờ những lớp lá chuối đó, nem mới “chín”, tránh bị thiu hay vi khuẩn bẩn xâm nhập. Để trong điều kiện tự nhiên khoảng 2,3 ngày, nem ngấu, màu hồng đẹp là có thể sử dụng chế biến thành món nem nướng thơm nức mũi và gây cảm giác thèm thuồng khó tả với thực khách. Nem để nguyên lá đem nướng trên than hoa hồng rực cho đến khi cháy xém hết lớp lá chuối, trong quá trình nướng phải lật nem liên tục để tránh nem bị cháy một bên. Đối với những gia đình không sử dụng bếp củi hay không có chỗ để dùng than hoa thì có thể nướng bằng lò vi sóng hoặc kẹp vỉ nướng trên bếp ga, tuy nhiên nướng bằng than hoa mới đúng kiểu và chuẩn hơn cả. Không nên để nem quá lâu mới đem nướng, nem sẽ rất chua. (Chuyên mục: Đặc sản Lạng Sơn)
Bánh cuốn trứng: Nếu ai đã từng đến với xứ Lạng, được thưởng thức đủ thứ đặc sản nơi đây mà chưa thử qua món bánh cuốn trứng thì chưa trọn vị. Hương vị dẻo quánh của bánh cuốn quyện với vị ngậy thơm của trứng có thể làm ta vương vấn mãi, khác hẳn với tất cả những loại bánh cuốn mà chúng ta từng gặp. Cũng từ nguyên liệu là bột gạo tráng nóng, mỏng tang, nhưng không dùng với chả nướng hay với giò lụa đưa đẩy, bánh cuốn trứng xứ Lạng đặc trưng bởi lớp nhân bánh bên trong và nước dùng được chế biến rất lạ vị. Để làm được vỏ bánh cuốn trắng trong và mềm mịn phải chọn được hạt gạo tẻ ngon và đều hạt . Sau đó, người ta đem xay thành bột rồi hòa với nước sao cho không quá loãng cũng không quá đặc bởi nếu pha bột hỏng sẽ làm cho vỏ bánh mất độ mềm dẻo. Bánh cuốn trứng phải thưởng thức ngay khi còn nóng hổi mới ngon. Vì thế, khi thực khách ngồi bàn, người đầu bếp mới bắt đầu làm từng mẻ bánh. Thực khách vừa xuýt xoa cái lạnh, vừa được nhìn những người đầu bếp lật giở từng mẻ bánh rất vui mắt. Một chiếc nồi khá lớn được căng vải mỏng bắc trên bếp than rực hồng. Đôi bàn tay thoăn thoắt của người đầu bếp múc từng gáo bột láng đều trên mặt vải, rồi nhanh chóng đậy nắp nồi lại đợi chừng một phút cho lớp bột được chín tới, rồi giở nắp vung đập vào giữa lớp bánh tròn một quả trứng gà. Đóng nắp vung nồi hấp, chờ cho tới khi lòng trắng trứng đặc lại và dính vào mặt bánh, người đầu bếp dùng một chiếc đũa dẹp chia bánh thành hai phần, khéo léo lật giở, hất mép bánh cuộn lại ôm ấp lấy nhân trứng bên trong, trông rất đẹp mắt và bày ra đĩa, tưới thêm một lớp thịt nạc băm nhuyễn xào với hành ngò và lá mác mật. Bánh cuốn trứng tráng xong lúc nào ăn ngay lúc đấy mới ngon, làn khói thơm ngậy bốc lên nghi ngút, bột bánh mềm, mỏng, trong suốt nhưng rất dai. Xắn miếng bánh cuốn trứng nhúng vào bát nước dùng nóng hổi được ninh từ xương ống và thịt bằm, hành ngò, tiêu vừa béo vừa thơm để cảm nhận được vị ngon của bánh. Với những người sành ăn, khi thưởng thức bánh cuốn trứng thường gắp thêm măng muối ớt chua cay, vài cọng giá và rau mùi, xì xụp để tận hưởng vị ngậy của trứng, dẻo của bánh cuốn, mặn ngọt của thịt, chua cay của măng muối mà thấy ngân nga sảng khoái. Thật chẳng còn gì thú vị hơn, khi vừa được tận mắt chứng kiến cảnh tráng bánh nóng hổi trên bếp than hồng, vừa xuýt xoa cái lạnh và vừa thưởng thức thứ bánh nổi danh xứ Lạng. (Chuyên mục: Đặc sản Lạng Sơn)
Thịt lạp: Thịt lạp (hay thịt hun khói) là món ăn truyền thống của người dân vùng cao Lạng Sơn. Thực chất đây là nguồn thực phẩm dự trữ của người dân dùng cho bữa ăn hàng ngày, hoặc khi có khách đến nhà, người ta lại bỏ ra xào nấu để đãi khách. Thịt lạp được treo trên bếp lửa hồng để cho khô quánh lại, không bị ôi, thiu. Khi cắt miếng thịt ra để xào nấu vẫn còn màu hồng tươi của thịt nạc, phần thịt mỡ thì quánh lại khô giòn, ăn có vị thơm ngậy mà lại không béo, ngấy. Cách làm thịt lạp đơn giản, nhưng đòi hỏi phải kỹ lưỡng. Khi con lợn được phanh ra, người ta xả khổ thịt theo dọc xương sườn, mỗi giẻ xương sườn một khổ. Lợn nhỏ thì mỗi khổ chừng 0,7 – 0,9 kg, lợn to mỗi khổ chừng 1 – 1,5 kg, chân giò thì khoanh cả khoanh. Tất cả số thịt trên được bỏ lên nia xát muối (nếu là loại muối có trộn i ốt thì phải rang kỹ, giã nhỏ), bóp rượu, rồi cho vào chậu ủ ba đến bốn ngày, sau đó đem treo trên gác bếp. Việc hun khói thịt lạp được làm công phu, cẩn thận, liên tục (tránh đứt đoạn hơi lửa). Do mổ lợn vào dịp trước Tết, khí hậu lúc này ở vùng núi cao Lạng Sơn đang vào thời điểm rét buốt, sương mù bao phủ suốt ngày đêm, nhu cầu sưởi lửa cao nên bếp nhà nào hầu như cũng đỏ lửa suốt ngày đêm, đó cũng là dịp thuận lợi để đồng bào sấy thịt đảm bảo được yêu cầu chất lượng. Khi những khổ thịt treo trên gác bếp được ướp rượu, gia vị, thịt “ăn khói” cứ khô dần. Khi lớp da, thịt nạc chuyển sang màu bồ hóng, lớp mỡ chuyển sang màu trong là có thể yên tâm để ăn dần trong cả năm mà vẫn không lo thịt bị mất chất. Khi ăn, đồng bào cắt thịt trên gác bếp xuống, cho vào chảo nước, bỏ một nhúm gạo vào đun sôi một lúc rồi mang ra rửa sạch. Sau đó thái thịt thành miếng mỏng, đủ cả bì, mỡ, thịt nạc. Thịt lạp có thể chế biến theo nhiều cách: xào gừng, xào rau cải, xào giá đậu tương, nhưng ngon nhất vẫn là xào thịt lạp cùng với loại rau cải của địa phương. Vị ngọt của thịt với vị ngọt của rau cải lẫn vào nhau, ăn vừa dai vừa dòn lại bùi bùi ngòn ngọt, không thấy ngán. Vào tháng ba, tháng tư, sau khi leo những thôi dốc dài đến với vùng cao, được đồng bào cắt khổ thịt lạp xuống xào rau cải tiếp bạn, bạn sẽ có cảm tưởng chưa bao giờ được ăn món thịt làm từ con lợn bình thường mà ngon như thế. (Chuyên mục: Đặc sản Lạng Sơn)
Heo quay lá mác mật: Món quay được nhiều người ưa thích, trong đó phải nói, heo quay với lá mác mật là món ngon nhất và đáng nhớ nhất. Đây cũng là món ăn truyền thống không thể thiếu trong các dịp lễ tết, sinh nhật hay vào nhà mới của dân tộc Nùng, Tày. Heo quay thì khó nơi nào có thể sánh bằng Lạng Sơn. Bởi lẽ, nếu đơn thuần chỉ chọn lấy con heo làm thịt rồi quay với các gia vị khác thì không tạo nên tính độc đáo của món quay này. Cái riêng heo quay là phải chọn con vừa phải, nếu heo sữa thì càng tốt. Còn trong các dịp lễ đông khách, có thể chọn con có trọng lượng khoảng 10 – 35kg để quay. Nước chấm với heo quay lá mác mật này phải dùng trái mác mật để dầm vào trong nước chấm mới đúng điệu. Sau khi mổ heo, làm sạch người ta lấy một cái cây xuyên qua con heo từ miệng đến đuôi và được cố định bằng dây cột ở sống lưng để giữ vững vị trí. Tiếp theo sẽ dựng con heo lên cho khô ráo rồi lấy lá mác mật tươi xào qua với gia vị như bột ngọt, muối và thêm một gia vị khác là tàu-choong đưa vào trong bụng heo; dùng chỉ khâu thật kỹ lại để hương vị của hỗn hợp đó ngấm vào thịt heo. Heo sẽ được quay với thanh củi trong khoảng từ 1 đến 4 tiếng tuỳ theo trọng lượng con heo. Quá trình quay phải thường xuyên lau nước và mỡ rịn ra trên da heo và dùng mật ong pha với nước phết lên ở thời gian đầu cho con heo được chín đều, vàng đẹp như ý. Heo quay có đặc điểm ít béo bởi trong quá trình quay mỡ đã chảy bớt ra ngoài. Sau khi quay chín, chặt từng miếng xếp ra đĩa, hương vị của lá mác mật toả thơm ngát. Nước chấm dùng với món này là trái mác mật, muối, bột ngọt hoặc dùng nước mắm ớt bỏ trái mác mật vào sẽ làm món ăn thêm trọn vẹn. Với người Nùng, Tày ở Lạng Sơn heo quay lá mác mật là món ăn truyền thống bao đời của họ, đi đâu, làm gì họ cũng giữ được món ăn độc đáo của mình. (Chuyên mục: Đặc sản Lạng Sơn)
Khâu nhục: Khâu nhục là món ăn mang văn hóa Trung Quốc, nhưng qua bàn tay của người dân Lạng Sơn nó đã được biến tấu và trở thành món ngon và đôc đáo trong mỗi bữa cơm sang trọng, tiếp đón khách phương xa hay lễ tiệc của người dân vùng này. Đây là món ăn được chế biến khá cầu kỳ với nguyên liệu là thịt ba chỉ và hầm cách thủy trong thời gian khá lâu. Khâu nhục sau khi nấu xong có màu vàng đều, hấp dẫn, mùi thơm đặc trưng mà không lẫn đi đâu được. Trước hết là thịt ba chỉ ngon nhất của con lợn 60-70kg là vừa, nếu không sẽ bị béo quá. Ngoài ra cần các loại gia vị như húng lìu, ngũ vị hương, khoai môn, địa liền, tỏi, ớt, mật ong, xì dầu, rượu, giấm, bột ngọt, hạt tiêu và đặc biệt là phải có loại rau muối mặn của đồng bào dân tộc thì món mới ngon và đặc trưng. Thịt ba chỉ cạo sạch lông, rửa sạch để ráo nước, cắt miếng to khoảng 0.5kg cho vào nồi luộc chín tới. Thịt ba chỉ sau khi luộc sơ được tẩm gia vị là giấm và xì dầu để lên màu bóng mượt rồi dùng tăm tre chọc bì thật kỹ để bì có khả năng hấp thụ nước cho mềm. Càng châm kỹ thì miếng thịt sẽ càng ngon hơn và đem quay, vừa quay vừa quyết mật ong cho vàng bì hoặc cho vào chảo mỡ chao cho vàng miếng thịt rồi vớt ra để nguội. Khoai môn hoặc khoai lang gọt vỏ, thái miếng cho vào mỡ chao giòn, vớt ra để nguội. Gia vị của món khâu nhục rất cầu kì. Rau muối mặn dùng để làm thức ăn mặn của người Hoa, Tày, Nùng ở Lạng Sơn đem rửa cho hết sạn và độ mặn, băm nhỏ rồi trộn đều với tương tàu, xì dầu, húng lìu, tỏi giã nhỏ xếp xuống dưới đĩa, trên là khoai môn hoặc khoai lang. Thái thịt thành từng miếng độ dày mỗi miếng khoảng 2 ngón tay rồi xếp thịt lên trên đĩa khoai thành hình tròn, úp bát to vào lật lại để nguyên đĩa, xếp từng bát thịt vào nồi hấp cách thủy độ 3-4 giờ cho thịt chín và mềm nhừ thì là món ăn đã hoàn thành Món khâu nhục đã trở thành món ăn truyền thống của người dân Lạng Sơn và một điều hấp dẫn với khách du lịch. Ở bất cứ đám cưới nào của người dân nơi đây ta cũng dể dàng bắt gặp món ăn này. Tuy đã quá quen thuộc nhưng khâu nhục vẫn là một món ăn mà ai ăn cũng “gật gù” khen ngon. (Chuyên mục: Đặc sản Lạng Sơn)
Măng ngâm ớt: Không biết từ bao giờ măng ngâm ớt đã trở thành một món ăn không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của các dân tộc vùng cao miền Bắc. Nhưng riêng món măng ớt ở Lạng Sơn thì có hương vị riêng không giống như những loại dấm ớt, hay măng ngâm ớt thường thấy ở các quán ăn mọi miền. Cách làm món măng ớt thật đơn giản. Cây măng để ngâm ớt có dáng hình tròn, thon nhỏ bằng ngón tay mọc thành từng bụi. Không giống như muối cà, muối dưa, cây măng đem về bóc vỏ, dùng khăn ấm lau sạch, nếu để măng ướt, măng sẽ bị thâm. Sau đó ngâm măng ở trong chum, trước kia khi chưa có điều kiện, họ còn ủ măng trong các ống bương chặt trong rừng. Cứ một lượt măng lại được rắc một lượt ớt tươi trộn với muối. Nếu muốn gia tăng vị cay, có thể giã nhuyễn ớt ra để ủ cùng măng. Thông thường với người dân xứ Lạng khi muối măng thường thêm vài quả móc mật thả lẫn vào lọ măng ớt để tăng thêm độ giòn thơm của măng. Móc mật là loại quả chỉ mọc trên vùng núi đá phía bắc và cũng rất khó tìm. Sau vài ngày ngâm, mở lọ măng ra, thấy sộc lên mùi thơm của măng, vị cay nồng của ớt và hương thơm thoang thoảng, ngọt ngào của móc mật. Măng được ngâm trong dung dịch muối lâu ngày trắng hồng, nõn nà rất bắt mắt. Cắn một miếng măng đầu lưỡi chạm ngay vào vị chua chua, cay cay, mùi thơm rất đặc trưng. Măng ớt giòn tạo cho người ăn một cảm giác thật dễ chịu. Vào những ngày trời trở lạnh, bữa cơm, bát phở có thêm vài lát măng ớt, cái lạnh sẽ tự dưng biến mất, trong người dâng lên một cảm giác bừng bừng, phấn chấn. Măng ớt thường được dùng cho vào nước chấm hay ăn kèm với những món ăn chóng ngấy. Xưa kia, những nhà nghèo thì ăn măng ớt với cơm gạo, có thể ăn dăm bảy bát mà không cần thịt cá. Nhà khá giả thì ăn măng ớt với các món cao lương mỹ vị khác. Bữa nào không có măng ớt ăn thì thấy nhạt mồm nhạt miệng, ăn không thấy ngon. Măng ớt trở thành món quà quý giá, vừa quen thuộc mà vùng cao xứ Lạng ban thưởng cho du khách thập phương. (Chuyên mục: Đặc sản Lạng Sơn)
Ngoài ra Lạng Sơn còn nổi tiếng với các loại đặc sản như: Bí đỏ, cải làn, hồi xứ Lạng, quýt vàng Bắc Sơn, hồng không hạt Bảo Lâm, phở chua, rượu Mẫu Sơn, đào núi Mẫu Sơn, …
ĐẶC SẢN VIỆT NAM – CHUYÊN ĐẶC SẢN VIỆT