Chợ nổi Cà Mau
Đi du lịch miền Tây mà không đi chợ nổi thì mất đi phần thú vị. Đến Cà Mau cũng vậy, du khách ngoài việc đi lòng vòng những địa điểm tham quan nổi tiếng thì hãy nhớ ghé thăm chợ nổi. Chợ nổi Cà Mau nằm trên đoạn cuối của con sông Gành Hào, giữa lòng thành phố Cà Mau. Chợ nổi Cà Mau nhộn nhịp không kém gì những chợ nổi khác ở miệt miền Tây. Có đến hàng trăm chiếc xuồng, ghe to nhỏ chở đầy hàng hóa đến trao đổi và mua bán ở chợ nổi Cà Mau. Chẳng ai biết được chợ nổi này được hình thành tự bao giờ, chỉ biết cách thức mua bán trên sông là hình thức rất đặc trưng văn hóa vùng sông nước Nam Bộ.
Giống như các chợ nổi khác như chợ nổi Phong Điền, Cái Răng Cần Thơ hay chợ nổi Cái Bè – Tiền Giang v.v.., chợ nổi Cà Mau trước đây trao đổi mua bán đủ các loại từ hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm như nay chỉ còn tập trung mua bán sỉ hàng hóa nông sản tươi, những rau trái miệt vườn cho các thương lái. Dù sao, vẻ đẹp cùng với những đặc điểm rất riêng của sông nước miền Tây vẫn thu hút bước chân du khách ghé đến tham quan chợ nổi Cà Mau, dù chỉ là một khoảng thời gian ngắn của chuyến đi du lịch.
Đầm Thị Tường
Đầm Thị Tường là một cái đầm nuôi tôm cá rộng lớn ở Cà Mau. Những năm gần đây, đầm Thị Tường trở thành một địa chỉ tham quan của nhiều du khách. Truyền thuyến dân gian kể rằng xưa kia bà Tường là một trong những người đầu tiên đi mở đất ở Cà Mau. Khi đó, chúa hổ vì giận vua thủy tề từ chối sính lễ cầu hôn lấy công chúa nên chúa hổ đã sai một bầy chim xuống vùng đất Cà Mau lấy đá lấp biển. Bà Tường là người đã dũng cảm ngày đêm đứng ra xua đuổi bầy chim. Những khoảng trống do bà Tường canh giữ vẫn còn nguyên vẹn không bị che lấp, để cá tôm sinh sản nuôi sống con người. Cảm động trước công đức của bà, người dân vùng này đã lấy tên bà đặt cho tên đầm, thành ra có đầm Thị Tường ngày nay.
Đầm Thị Tường cách thành phố Cà Mau khoảng 2 giờ đi bằng đò, nằm cạnh kênh xáng Bà Kẹo, nối ra vịnh Thái Lan. Đầm có diện tích mặt nước khoảng 700ha, chiều dài hơn 10km ăn sâu vào ba huyện đất liền là Trần Văn Thời, Phú Tân và Cái Nước. Người ta chia đầm Thị Tường ra làm ba đoạn đầm trên, đầm giữa và đầm dưới. Du khách đến đây có thể ngắm nhìn cảnh đẹp của quê hươg Cà Mau và thưởng thức những món ăn đặc sản được chế biến từ cá, tôm…
Hòn Đá Bạc – Cà Mau
Hòn đá bạc thuộc xóm Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, cách thành phố Cà Mau 50km đường thủy. Đây là cụm đảo đẹp gồm 3 đảo nằm sát bờ biển. Theo nhiều thông tin thì hòn Đá bạc cùng với hòn Khoai ở Cà Mau có trên 180 triệu năm tuổi. Đảo này rất có tiềm năng về du lịch sinh thái. Từ thành phố Cà Mau du khách muốn đến hòn Đá Bạc chỉ mất khoảng 90 phút đi xe gắn máy theo ngả Minh Hà, qua Cơi Năm.
Nếu đi bằng phương tiện thủy, từ thành phố Cà Mau, xuôi theo dòng kinh Tắc Thủ, sang kinh Hội đồng Thành về hướng Tây, vượt thêm khoảng 40 km nữa là đến xã Khánh Bình Tây, Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời. Hòn Đá Bạc có diện tích khoảng 6,43ha. Trên đảo có nhiều cảnh đẹp để du khách tham quan như Sân Tiên, Giếng Tiên, Bàn Chân Tiên, Bàn Tay Tiên, chùa Cá Ong. Hòn Đá Bạc là một trong những địa điểm du lịch đẹp của Cà Mau.
Hòn Khoai – Cà Mau
Hòn Khoai thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, cách đất liền 14,6km, nằm về phía Tây Nam thị trấn Năm Căn. Đây là một trong những hòn đảo đẹp nhất ở Cà Mau. Hòn Khoai là đảo lớn nhất, ngoài ra xung quanh còn có 5 đảo xinh xắn khác ở xung quanh. Nếu đi tàu 90CV từ Rạch Gốc (cửa ngõ của huyện Ngọc Hiển ra biển Đông), thì chỉ sau 3 giờ vượt biển, du khách đã có thể chiêm ngưỡng được cảnh đẹp của Hòn Khoai.
Du khách đến đây sẽ bị lôi cuốn bởi vẻ đẹp nên thơ, hoang dã với những viên đá cuội tròn như trứng ngỗng, cùng với thảm rừng nguyên sinh và nhiều loại cây lấy gỗ quý và động vật hiếm ở đây. Có hơn 1000 loại thực vật và hàng trăm giống chim thú vẫn còn tồn tại ở đảo Hòn Khoai.
Trên đỉnh cao nhất của hòn Khoai, hiện nay vẫn còn một cây hải đăng do người Pháp xây dựng từ cuối thế kỷ 19. Ngọn hải đăng và địa danh Hòn Khoai đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử. Từ trên ngọn hải đăng, du khách còn có thể nhìn cảnh đẹp của 5 hòn đảo vệ tinh xung quanh qua kính viễn vọng do các chiến sĩ biên phòng cho phép. Ở đây du khách cũng có thể quan sát mũi Cà Mau và sẽ cảm thấy tự hào hơn vì mình đã đặt chân được đến Mũi đất tận cùng, thiêng liêng của Tổ quốc.
Khu du lịch biển Khai Long – Cà Mau
Dù biển ở đây không đẹp, làn nước không trong xanh như các bãi biển ở miền Trung nhưng khu du lịch biển Khai Long ngày nay vẫn thu hút du khách đến tham quan. Khu du lịch này nằm ở vùng biển thuộc phía Đông Nam mũi Cà Mau. Với vẻ đẹp hoang sơ của các bãi biển được bao bọc bởi khu rừng sinh thái ngập mặn, Khai Long được đưa vào khai thác du lịch nhằm giới thiệu cho du khách bốn phương thêm về 1 địa điểm đẹp ở mũi đất Cà Mau. Du khách đến tham quan khu du lịch biển này mới cảm nhận hết được vẻ đẹp của nó đặc biệt là lúc mặt trời ló dạng hay khi sắp lặn xuống ở phía chân trời.
Mũi Cà Mau
Người Việt Nam, hầu như ai cũng muốn 1 lần trong đời được đặt chân đến đây, vùng cực Nam của Tổ quốc. Đất Mũi cách thành phố Cà Mau hơn 120km đường sông. Đây cũng là nơi duy nhất trên đất liền Việt Nam có thể thấy mặt trời mọc ở biển Đông và lặn ở biển Tây. Mũ Cà Mau thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Mũi Cà Mau được khai phá vào cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18. Cư dân sinh sống ở đây bao gồm người Việt, Hoa và Khmer. Từ Mũi Cà Mau, du khách có thể nhìn thấy cụm đảo Hòn Khoai trên biển, cách đất liền chừng 20km. Đây là cụm đảo đẹp gồm các đảo Hòn Tượng, Hòn Sao, Hòn Khô, Hòn Lớn, Hòn Đồi Mồi.
Rừng quốc gia U Minh hạ – Cà Mau
Ở miệt Cà Mau có dòng sông Trẹm chảy qua huyện Thới Bình, chia rừng U Minh thành 2 vùng thượng và hạ. U Minh thượng thuộc tỉnh Kiên Giang trong khi đó U Minh hạ thuộc tỉnh Cà Mau. Nếu du khách đến du lịch Cà Mau, hẳn cũng từng muốn đến tham quan rừng U Minh hạ. Rừng quốc gia U Minh hạ hay còn gọi là vườn quốc gia U Minh hạ, là khu vực có hệ động thực vật đặc trưng vùng đất ngập nước trên lớp than bùn do xác thực vật tích tụ lâu năm tạo thành. Thực vật có hơn 250 loài thường thấy ở đây là các loài tràm, móp, trảng năn, sậy… Còn động vật có hơn 20 loài bò sát và 180 loài chim, trong đó nổi bật là những loại đặc trưng vùng đất ngập nước như rái cá lông mũi, tê tê, nai, khỉ đuôi dài, lợn rừng, rùa, rắn, trăn, các loại cá nước ngọt, chim, côn trùng… Đây là một trong hai vườn quốc gia tại tỉnh Cà Mau, Việt Nam (vườn quốc gia Mũi Cà Mau và U Minh Hạ).
Vườn quốc gia U Minh hạ là nơi bảo tồn và phát triển nguồn gen các loài động vật quý, các giá trị văn hóa, di tích lịch sử phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, phát triển du lịch. Du khách đến thăm Cà Mau có thể ghé tham quan rừng U Minh hạ để quan sát sinh cảnh của rừng U Minh lạ và độc đáo như thế nào (nơi đây là hiện trường và còn là hệ quả của tiến trình diễn biến động thái của những hoạt động địa chất).
Sân chim Cà Mau
Sân chim Cà Mau thuộc huyện Đầm Dơi, cách thành phố Cà Mau 45km về phía Đông Nam. Đây là nơi tập trung cư ngụ của các loại cò, diệc, chim quý hiếm… Đến đây du khách như hòa mình cùng với thiên nhiên hoang dã trong môi trường sinh thái trong lành. Sân chim Cà Mau là địa chỉ yêu thích của du khách mỗi khi đến Cà Mau, đặc biệt là những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp hay các nhà nghiên cứu về các loại chim, cò.
Ngoài sân chim Cà Mau hay sân chim Đầm Dơi, du khách còn có thể tham quan các động vật đặc trưng ở vùng rừng ngập mặn như ở Lâm Viên hay sân chim Ngọc Hiển. Lâm Viên nằm ở Công viên văn hóa (còn gọi là Lâm Viên 19/5), thuộc thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau, cách trung tâm thành phố chừng 2km về phía Tây. Lâm Viên là vườn chim thu hút đông du khách nhất. Chim ở đây phải tính đến hàng ngàn con trong đó có 1 số loài như mồng, két, le le, vịt nước…
Ngoài ra Lâm Viên còn nuôi nhiều loài sinh vật đặc trưng của rừng ngập mặn như cá sấu, khỉ, kỳ đà, trăn, rắn, ba ba… Còn vườn chim Ngọc Hiển có diện tích tự nhiên rộng khoảng 130ha. Đây cũng là 1 trong những sân chim tự nhiên lớn nhất nước ta. Du khách đến đây có thể tận mắt quan sát các loài chim lạ, quý hiếm, xem cảnh chúng tìm mồi, sinh hoạt và có thể chụp được những bức ảnh rất tự nhiên và rất đẹp.
Vườn dâu Cái Tàu
Du khách đi tour miền Tây về Cà Mau, nếu có ghé tham quan rừng tràm ở huyện U Minh với nhiều hệ sinh thái động thực vật quý hiếm thì sẽ có dịp vào dạo vườn dâu Cái Tàu ở xã Nguyễn Phích nổi tiếng gần một thế kỷ qua. Du khách có thể di chuyển đến đây bằng xe gắn máy theo hướng tỉnh lộ Cà Mau – U Minh đến xã Khánh An. Tiếp tục chạy theo con đường nhựa dọc theo sông Cái Tàu khoảng 1 tiếng đồng hồ là đến với xã Nguyễn Phích.
Dâu ở đây được trồng rất nhiều, và chắc chắn du khách sẽ phải ngỡ ngàng vì độ sai của những chùm dâu. Ở đây hầu như nhà nào cũng trồng vài chục gốc dâu để dành đãi khách. Những vườn dâu bạt ngàn, trĩu quả sẽ là “background”, làm nền thú vị cho du khách đến đây tham quan, chụp hình. Và để thưởng ngoạn hết vẻ đẹp của những vườn dâu, du khách có thể đi bằng xuồng ba lá để len lỏi vào những con rạch nhỏ. Ở Cái Tàu, cây dâu gắn bó với đời sống người dân, dễ có đến cả trăm năm. Cuộc sống sinh hoạt của người dân thường Cái Tàu luôn có hình ảnh của cây dâu, không chỉ là thơ ca, nhạc họa. Đây là một niềm tự hào về nét văn hóa đặc sắc của vùng đất U Minh.
Theo Thanh Hương (Wiki Travel)
TRAVEL.COM.VN