Mảnh đất Lai Châu hùng vĩ đã thu hút biết bao lượt khách du lịch bởi vẻ đẹp từ phong cảnh, bà con dân tộc nơi đây cho đến những món ăn nghe tên có vẻ lạ và buồn cười nhưng hương vị thì lại làm ta nhớ mãi. Dưới đây là những món đặc sản Lai Châu mà bạn không nên bỏ lỡ khi đến nơi này!
Pa pỉnh tộp hay còn gọi là cá gập nướng, món ăn đặc sản Lai Châu này được chế biến khá cầu kỳ nên chỉ khi nhà có khách quý người ta mới làm để đãi khách. Nguyên liệu chính của món ăn là cá chép. Sau khi làm sạch cá và khử mùi tanh bằng muối, sẽ tiến hành tẩm ướp gia vị. Điều đặc biệt của món ăn này là gia vị ướp cá rất phong phú gồm gừng, tỏi, sả, hành tím, rau thơm rừng, quả mắc khén,… Các nguyên liệu đều được băm nhỏ để ướp lên mình cá, mặt khác, bụng cá cũng được nhồi các loại rau thơm khác nhau.
Theo đúng truyền thống, người Thái sẽ gấp đôi mình con cá theo chiều ngang, kẹp vỉ hoặc que nướng bằng tre tươi để giữ và nướng đều trên bếp than hoa. Khi cá chín, hương thơm từ thịt cá và gia vị hòa quyện, thấm vào nhau khiến món ăn hấp dẫn lạ lùng.
Măng nộm Hoa Ban đặc sản Lai Châu
Măng nộm hoa ban là món đặc sản Lai Châu khá đặc biệt vì nó còn được gắn liền với một truyền thuyết đầy cảm động của người Thái ở đây. Có lẽ cũng vì vậy mà món ăn có chứa đủ vị từ đắng cho đến chua hòa cùng vị cay xè, mặn, ngọt, bùi đủ cả.
Măng ở Lai Châu có rất nhiều loại, loại nào cũng có thể dùng để làm nộm được. Tuy nhiên, để cho món ăn chuẩn vị nhất thì măng đắng và măng nứa là sự lựa chọn tốt nhất. Hoa ban thì cần chọn những bông tươi, ta ngắt lấy những cánh hoa dày để dùng. Sau đó, ta cần chọn được một con cá suối tươi ngon đem nướng trên than củi, gỡ bỏ xương để lấy thịt. Tiếp đến, dùng chanh, tỏi, ớt và rau thơm để pha nước trộn nộm. Trộn đều và nhẹ nhàng các nguyên liệu với nhau. Sự kết hợp này sẽ mang lại cảm giác mới mẻ, thú vị cho những ai lần đầu thưởng thức món ăn này.
Rêu đá nướng đặc sản Lai Châu
Rêu đá nướng – nghe tên món ăn đã khơi dậy trí tò mò của thực khách. Rêu đá ở Lai Châu được coi là loại rau sạch đặc biệt của người dân nơi đây. Để làm món rêu đá nướng, sau khi rửa sạch và vắt hết nước, ta đem rêu tẩm ướp với các loại gia vị khác nhau như sả, gừng, bột ớt, hạt dổi, quả muối, hạt sẻn…rồi được gói vào lá dong xanh mướt và vùi vào trong tro nóng, bên trên thì phủ đều một lớp than hồng để tăng nhiệt độ. Đợi đến khi lớp lá bên ngoài chuyển thành màu đen thì người ta mới lấy ra rồi bóc từng lớp lá. Ngay khi bóc xong lớp lá, ta sẽ cảm nhận được hương vị thơm ngậy của rêu, một hương vị rất riêng, rất khác biệt.
Xôi tím đặc sản Lai Châu
Xôi tím là món ăn truyền thống của người dân tộc vùng cao cũng là món đặc sản Lai Châu đầy dân dã. Màu tím của xôi tất nhiên không phải do phẩm màu mà được tạo ra bằng loại cây có tên là “khẩu cắm” (một loại lá rừng). Cành và lá cây khẩu cắm được lấy và đem luộc, khi nước chuyển sang màu tím, sánh lại thì lấy nước đó để ngâm gạo. Gạo ở đây là loại gạo nếp nương thơm phức, hạt gạo căng mọng. Sau khi ngâm vài tiếng đồng hồ, gạo mới được đem đi đồ thì xôi mới dẻo thơm. Điều đặc biệt của món xôi tím là không chỉ ngon mà còn có tác dụng bồi bổ cho sức khỏe, chữa bệnh đường ruột.
Lại một cái tên khá đặc biệt trong danh sách đặc sản Lai Châu. Cái tên lạ lùng này là để miêu tả đặc điểm chính của món ăn: Lam là nướng, nhọ là nhừ. Đầu tiên thịt trâu hoặc thịt bò ngon được nướng trên than hồng cho thật chín. Sau đó, người ta thái mỏng ngang thớ và trộn thịt cùng những gia vị hay rau củ quả lấy từ rừng.
Tiếp đến, sau khi thịt, rau, gia vị được trộn đều và thấm thì lại được cho vào ống tre nướng tiếp để các nguyên liệu mới chín đều cùng thịt. Sau đó, lại bỏ ra lấy que dằm cho nhuyễn và lại bỏ nướng ống tre lần cuối để mọi thứ chín nhừ. Lam nhọ ăn có vị ngọt đậm, mềm nhừ, kết dính với nhau có thể xắn thành từng miếng để ăn.
Những món đặc sản Lai Châu đặc biệt ngay từ tên gọi cho đến hương vị của chúng, là niềm tự hào văn hóa ẩm thực của người dân nơi đây. Hãy cùng thử và cảm nhận bạn nhé!
VI VU HÀ NỘI