Kinh nghiệm du lịch Mai Châu | Từ lâu, Mai Châu đã trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Hòa Bình. Mặc dù hiện nay, nơi đây không còn thực sự cuốn hút đối với Văn Nguyễn nữa, nhưng vẫn có rất đông bạn trẻ muốn được đặt chân tới đây vào mỗi dịp cuối tuần.
Để giúp các bạn có một chút hình dung về Mai Châu, dưới dây Văn Nguyễn xin nêu ra vài chia sẻ của mình và tổng hợp thêm một số cẩm nang của mọi người về Kinh nghiệm du lịch Mai Châu để các bạn cùng tham khảo:
1. Mai Châu có gì?
Mai Châu nằm ở miền Tây Bắc. Khoảng cách từ Hà Nội đi Mai Châu là 120km. Nếu so với đi Mộc Châu thì đi Mai Châu còn gần hơn 60km nữa.
Hành trình đi Mai Châu cụ thể như sau: Từ Hà Nội, đi 60km là tới TP Hòa Bình. Theo lịch trình, nếu thích mọi người có thể tổ chức vào tham quan Nhà máy Thủy điện Hòa Bình và chụp ảnh ở khu tượng đài Bác Hồ (đứng ở đây có thể ngắm toàn cảnh TP Hòa Bình và dòng sông Đà. Sau đó, các bạn lên đường đi thêm 60km nữa – qua 2 con đèo lớn là Dốc Cun (nằm ngay TP Hòa Bình) và đèo Thung Khe (sắp sửa bước vào cửa ngõ Mai Châu) là coi như tới Mai Châu.
Trung tâm của khu du lịch Mai Châu là bản Lác và các bản làng lân cận.
Do quá gần Hà Nội như vậy nên từ nhiều năm nay, khu du lịch Mai Châu là điểm hẹn của hầu như các bạn trẻ, sinh viên và học sinh muốn có một chuyến dã ngoại, tổ chức đi đốt lửa trại, picnic và sinh hoạt nhóm. Mô hình chủ đạo là hướng về thiên nhiên và bản sắc dân tộc – thưởng thức các món đặc sản và văn hóa vùng cao theo kiểu du lịch sinh thái – cộng đồng.
Note về du lịch bụi Mai Châu
> Tất nhiên, đối với Văn Nguyễn và nhiều người thì du lịch Mai Châu đã trở nên cũ. Nhưng khách du lịch nước ngoài hiện nay vẫn thường thích kéo lên Mai Châu. Và nếu các bạn chưa từng biết Mai Châu như thế nào thì cũng nên một lần đặt chân tới đây để trải nghiệm.
Nét đặc trưng của Bản Lác – Mai Châu hiện tại là những nếp nhà sàn còn nguyên vẹn và xưa cũ. Các nhà sàn tạo thành một quần thể nhà sàn đẹp. Và chủ của các nhà sàn đã dùng chính nhà của mình để làm nơi ở cho du khách theo kiểu Homestay Mai Châu.
Ngoài ra, do bản Lác là nơi quần cư của những người Thái, nên ngoài nhà sàn, nếu có 1 đêm ngủ lại, các bạn sẽ được thưởng thức các màn uống rượu cần, múa sạp, đốt lửa trại… Tất nhiên, hầu như đều là dịch vụ để phục vụ nhu cầu giải trí của khách nên mang tính thương mại hóa. Nhưng nếu các bạn thích thì cũng sẽ có một đêm ấn tượng.
2. Phần bổ sung về kinh nghiệm đi du lịch bụi Mai Châu (nếu các bạn không thích lan man thì có thể bỏ qua)
Theo Văn Nguyễn, đã đi cung Tây Bắc là phải thong thả để cảm nhận cái đẹp của núi rừng Tây Bắc, con người Tây Bắc.
Khoảng thời gian đẹp nhất để đi Tây Bắc cũng như Mai Châu là mùa thu.
Nếu đi bằng xe máy, sau khi đi qua TP Hòa Bình vài cây số, mọi người sẽ leo cái dốc cao đầu tiên của Tây Bắc, đó là dốc Cun. Đến đây, mọi người nên nghỉ chân chút để ngắm cảnh đẹp TP Hòa Bình và mây trời, phong cảnh núi non.
Sau đó đi tiếp, sẽ đến một cái đèo cao nữa là Thung Khe, nhìn xuống bên dưới là những sải đồi, sườn non…
Chỉ loáng 1 chút là tới thị trấn Mai Châu, rẽ trái vào Mai Châu. Trước khi xuống thị trấn, các bạn trẻ thường rủ nhau đứng chụp ảnh ở điểm cột cờ Mai Châu. Đây là nơi có thể đứng ngắm lau lách và toàn cảnh thung lũng Mai Châu, thị trấn Mai Châu bên dưới.
Một đoạn trên internet mà Văn Nguyễn thích:
Qua cầu Lác, xe rẽ vô bản. Thật bất ngờ! Là nơi ngụ cư của người dân tộc nhưng bản Lác có đường nhựa trải vô tận chân nhà sàn. Có cái gì đó khó tả gợn lên khi thấy hàng dãy xe Innova, Camry, Ford… nối đuôi nhau đậu sát bên dưới nhà sàn mộc mạc bằng gỗ. Bản Lác hiện có trên 25 “hotel” là nhà sàn được xây cất theo quy hoạch, đầu hồi nhà có đánh số. Nhà sàn bản Lác cái nào cũng to, đẹp và rất tôn trọng truyền thống kiến trúc cổ.
Khi dạ dày đã cồn cào, mâm cơm với toàn những đặc sản núi rừng sẽ được dọn ra ngay giữa nhà sàn của vị chủ nhà hiếu khách: thịt gà bản, xiên thịt rừng nướng, xôi nếp, và có cả những món ăn được làm từ những nguyên liệu với cái tên rất lạ: hạt dổi, quả lặc lè, rau bò khai…
Ở Bản Lác, đi tới đâu bạn cũng có thể bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ ngồi trước cửa nhà dệt vải, đôi bàn tay đưa nhanh thoăn thoắt nhưng miệng vẫn luôn tươi cười mời bạn vào xem những sản phẩm thổ cẩm đa dạng được đặt ở ngay đó. Ở đây, bên cạnh nhà nhà làm du lịch, đón khách thì họ còn tranh thủ dệt vải để bán về xuôi cho các cửa hàng lưu niệm. Bạn cũng có thể mua một chút về làm quà, nhưng bây giờ những món đó ít người chuộng nữa.
Nếu thích, bạn cũng có thể thử cảm giác trở thành những thiếu nữ dân tộc xinh đẹp trong những bộ váy dân tộc nhiều màu sắc, rực rỡ như những đóa hoa rừng, thoải mái chụp ảnh chỉ với mức giá rất rẻ là 5.000-10.000 đồng cùng với rất nhiều phụ kiện đi kèm.
Còn nếu bạn muốn mặc những bộ váy đó đi dạo, bạn có thể thuê cũng chỉ hết có 10.000-20.000 đồng và còn được các cô bán hàng giúp cài áo, đeo yếm, đội mũ nữa.
Nếu cả đoàn đi đông, đến Mai Châu vào một buổi chiều nắng đẹp, và trong khi mọi người đang tất bật ríu rít lo phân nhau chỗ ăn, chỗ ngủ thì bạn có thể tranh thủ dạo quanh bản làng, đồng áng một vòng để chụp ảnh, ngắm cảnh nhé. Hoặc ngồi trên những bậc thang nhà sàn ngắm hoàng hôn, cũng rất thú vị.
Làm cách nào để có thể có một cuộc vui chơi, du lịch bổ ích, thú vị ngay cả khi bạn quay trở lại lần thứ 2, 3, 4… Mọi người cùng đọc một đoạn viết về du lịch Mai Châu của Dương Thu:
“Lần nào qua Mai Châu, tôi cũng dành thời gian dừng lại ở cột cờ trên đỉnh đèo Thung Nhuôi để nhìn trọn vẹn thị trấn Mai Châu. Đứng trên đỉnh đèo, mây vờn quanh năm tạo cho con người cảm giác sảng khoái một cách kỳ lạ. Có khi đang ở đỉnh đèo, mây đuổi theo ập vào người lạnh buốt, rồi nhanh chóng bay qua, nắng lại bừng lên rực rỡ”.
Bản Lác nằm cách thị trấn Mai Châu chỉ 1km. Nhưng có lẽ bởi phố núi vốn dĩ đã bình lặng, chẳng ồn ào nên dù ở rất gần thị trấn, Bản Lác vẫn có một không gian tĩnh tại như kéo chậm mọi suy nghĩ và nhịp sống của con người. Chẳng thể vội vàng khi nhìn cô gái Thái ngồi lặng lẽ vắt từng mũi kim khâu túi, khăn bên cửa sổ nhà sàn, hay người đàn ông tóc đã hoa râm thảnh thơi trước sân nhà, bào từng phoi tre cho phẳng phiu ưng ý với chiếc khèn bè dài.
Người đến bản Lác thường thả bộ hoặc thuê xe đạp đi khắp bản. Nhưng xe đạp dường như vẫn là quá xa xỉ vì bản không rộng lắm nên đi bộ mới cảm nhận rõ nhịp sống của người Thái sau mỗi nếp nhà sàn. Người Thái ở đây khá thân thiện. Tuy là bản du lịch nhưng mọi dịch vụ có giá cả phải chăng. Điều hấp dẫn nhất ở nơi đây có lẽ là hình thức du lịch theo nhà. Tại bản, có khoảng gần 30 hộ gia đình kinh doanh dịch vụ. Khách có thể đăng ký ăn, ngủ tại nhà sàn nhiều ngày và được sống đúng với nếp sinh hoạt sẵn có của người Thái bản địa. Thậm chí nếu muốn, chúng ta có thể được mượn những bộ quần áo truyền thống của người Thái để mặc và lưu giữ lại kỷ niệm của những ngày rong chơi sống chậm.
Người dân tộc Thái ở Bản Lác vẫn còn lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc. Nhà sàn dựng cao hơn mặt đất chừng 2m. Khách muốn vào nhà sẽ được mời múc nước rửa chân trước khi bước lên các bậc cầu thang.
Nhưng điều hấp dẫn nhất có lẽ vẫn là những đêm đốt lửa, múa khèn bè và hát giao duyên. Ở bản luôn thường trực một đội văn nghệ nghiệp dư, sẵn sàng hát múa và phục vụ các tour du lịch giao lưu với khách.
Buổi tối hòa cùng Bản Lác là không gian của những màn múa hát, nhảy sạp do đội văn nghệ của bản biểu diễn. Hoặc chỉ đơn giản là ngồi bên bè bạn quanh đống lửa bập bùng, hít hà mùi thơm lừng của ngô, khoai nướng, nhấm nháp hương vị ngây ngất say lòng của ché rượu cần lúc vơi lúc đầy và thả hồn mình vào cái mênh mang của đêm đại ngàn sâu thẳm.
Sẽ thật thiếu nếu tới Bản Lác mà không đi phiên chợ sớm. Trong không khí của buổi sớm mai trong trẻo, chợ sớm chỉ là những sạp hàng bày bán đơn giản, hoa quả vẫn còn tươi nguyên đọng sương đêm. Những người dân cũng như một hướng dẫn viên vui vẻ, nhiệt tình chỉ cho chúng tôi những món đồ thật lạ.
Chen vào buổi chợ sớm là những tiếng cười nói, đâu đó vang lên giọng nói ngọng nghịu của người dân chưa nói sõi tiếng Kinh nghe vui mà ấm đến lạ.
3. Hướng dẫn đi Bản Lác
Để đi Bản Lác – Mai Châu, các bạn có thể ra bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông-Hà Nội) bắt xe khách đi Hòa Bình hoặc Sơn La.
Hoặc ra bến xe Mỹ Đình bắt xe Bình An đi TP Hòa Bình, xe có rất nhiều, chạy liên tục. Tốt nhất chọn 1 xe chạy thẳng Mộc Châu – Sơn La cho rẻ, khi nào tới Mai Châu thì xuống, đi bộ 1km là vào Bản Lác.
Nếu có xe riêng thì chẳng có gì thú vị hơn nữa. Chỉ khoảng 3-4 tiếng đồng hồ là có mặt ở Bản Lác rồi.
Trong trường hợp các bạn đi Mai Châu bằng xe máy thì xem lịch trình cụ thể đã được Văn Nguyễn mô tả chi tiết ở đây. Còn nếu đi bằng xe khách thì xem qua bài: Kinh nghiệm và lịch trình đi Mai Châu bằng xe khách.
4. Đây là tất cả hướng dẫn về việc Thuê nhà sàn ở Bản Lác. Còn đây là những thông tin sơ bộ về giá thuê đốt lửa trại tại Mai Châu:
5. Mua đồ lưu niệm và mua sắm
Nhiều người cho rằng đi chơi Mai Châu không nên mua quá nhiều. Tâm lý chung của các bạn trẻ là vào Bản Lác, dạo chợ Mai Châu thấy cái gì cũng rẻ và cũng muốn khuân về, đặc biệt là rau + bưởi.
Tuy nhiên không nên cái gì cũng mua, chẳng hạn như rau cải mèo nhìn thì rất ngon nhưng đem về không ăn được vì đắng và già. Giá cũng mỗi nơi 1 kiểu. Có chỗ chỉ 5.000 đồng/kg nhưng đi vài bước có chỗ lại bán 20.000 đồng. Bưởi cũng chỉ 10.000-20.000 đồng/quả và người bán kêu rất ngọt nhưng mang về mới biết là chua không ăn nổi.
Thực ra, bưởi Mai Châu chỉ là bưởi rừng, không thể ngon = các loại bưởi trồng ở vùng nổi tiếng như Đoan Hùng (Phú Thọ), Yên Bình (Yên Bái) hay 5 roi, Bố Trạch, Hưng Yên, Diễn (Hà Nội)… được.
Trên đây là bài hướng dẫn kinh nghiệm đi du lịch bụi Mai Châu của Văn Nguyễn. Nếu bổ ích, các bạn nhớ chia sẻ cho bạn bè cùng tham khảo. Và đừng quên đọc các bài liên quan để có đầy đủ hơn về kinh nghiệm đi ăn chơi tại Bản Lác – Mai Châu.
Ngoài ra, thông thường nếu đi Mai Châu thì mọi người còn kết hợp đi cả Mộc Châu. Đây là tất cả bài về Kinh nghiệm đi ăn chơi tại Mộc Châu để các bạn cùng tham khảo thêm.
Còn rất nhiều bài viết khác về du lịch Mai Châu tại đây – các bạn đừng bỏ lỡ.
WIKIHOIDAP.COM