TP.HCM đi Vũng Tàu chỉ còn hai tiếng | Thời sự | PLO

2691

9602_1duongc8448jpg

“Ngày 2-1, một đoạn gần 20 km của tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây sẽ được đưa vào khai thác” – ông Bùi Đình Tuấn, Giám đốc Công ty Vận hành và Bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M, đơn vị được giao nhiệm vụ vận hành, khai thác tuyến đường), khẳng định.

Tạm thời hạn chế nhiều loại xe

Đoạn tuyến chuẩn bị đưa vào khai thác bắt đầu từ nút giao vành đai 2 (quận 9, TP.HCM) đến nút giao quốc lộ 51 (huyện Long Thành, Đồng Nai). Hiện đoạn tuyến này đang gặp vấn đề về thi công, các móng cột, tường rào bảo vệ tuyến cao tốc không đúng theo thiết kế. Ông Tuấn cho biết sẽ kiểm tra lại tất cả móng cột trên, đảm bảo đúng yêu cầu trước khi đưa vào khai thác. Tuy nhiên, việc này sẽ không ảnh hưởng đến thời điểm thông xe nói trên.

Theo hướng dẫn của chủ đầu tư dự án, các phương tiện từ TP.HCM có thể vào đường cao tốc theo nhiều hướng. Cụ thể, từ quận 7 qua cầu Phú Mỹ vào đường vành đai 2 đến điểm mở dải phân cách quay đầu lại, rẽ phải vào đường nhánh lên đường cao tốc. Từ khu vực trung tâm TP.HCM có thể qua đường hầm vượt sông Sài Gòn, ra đường Mai Chí Thọ, rẽ phải vào Đồng Văn Cống, đến nút giao vành đai 2 (tại vòng xoay Mỹ Thủy) rẽ trái vào vành đai 2, có một ngả khác là đi theo Nguyễn Duy Trinh đến đường vành đai 2 rồi vào tuyến cao tốc.

1554_5chotc8448jpg

Sơ đồ tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Ảnh: CTV

3157_5boxc8448jpg

Hướng vào đường cao tốc từ TP.HCM. Ảnh: CTV

Trong thời gian đầu khai thác, đường cao tốc này chỉ cho các loại ô tô con, xe khách và xe tải dưới 10 tấn lưu thông, cấm các loại xe máy, xe thô sơ, xe tải trên 10 tấn, xe container 20 feet, 40 feet, xe kéo moóc chuyên dùng. Lý do là đường vành đai 2 mới hoàn thành giai đoạn 1 và đường dẫn lên cao tốc hiện chỉ đảm bảo cho xe tải trọng dưới 10 tấn. Khi đoạn nối từ nút giao An Phú (quận 2) đến nút giao vành đai 2 (dài khoảng 4 km) hoàn thành mới cho xe tải nặng, xe container lưu thông.

Tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí

Tốc độ lưu thông tối đa, tối thiểu trên đoạn đường này lần lượt là 100 và 60 km/giờ. “Khi đưa vào khai thác, đoạn cao tốc sẽ rút ngắn khoảng cách và thời gian đi các vùng lân cận TP.HCM như Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai…” – ông Tuấn nói.

Cụ thể, theo lộ trình hiện hữu từ TP.HCM đi Long Thành (Đồng Nai) dài khoảng 45 km, mất hơn một giờ do thường xuyên kẹt xe trên xa lộ Hà Nội, cầu Đồng Nai nhưng nếu đi theo đường cao tốc chỉ mất khoảng 20 phút. Tương tự, đường đi Vũng Tàu sẽ được rút ngắn từ 120 km với trên dưới ba giờ chạy xe còn 95 km và thời gian di chuyển chỉ còn một nửa.

Việc thông tuyến cao tốc trên sẽ giải tỏa nỗi ám ảnh kẹt xe cho người dân mỗi khi đi khỏi TP.HCM từ cửa ngõ phía đông, đặc biệt trong dịp lễ, tết sắp tới. Ông Nguyễn Duy Tiến, một lái xe trên tuyến TP.HCM – Phan Thiết (Bình Thuận), phấn khởi nói: “Không chỉ đi Vũng Tàu, Đồng Nai, xe đi về Bình Thuận, thậm chí các tỉnh miền Trung cũng có thể theo đường cao tốc này ra quốc lộ 51, qua tỉnh lộ 769 để vào quốc lộ 1 tại ngã ba Dầu Giây. Hướng đi mới sẽ tránh được các điểm kẹt xe kinh niên như khu vực Suối Tiên, Tân Vạn, ngã ba Vũng Tàu…”.

Vì vậy, trước mức phí (trạm đặt tại quận 9) dự kiến thu là 40.000 đồng cho xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới hai tấn, xe buýt; 60.000 đồng cho xe 12-30 chỗ, xe tải từ hai đến dưới bốn tấn; 80.000 đồng cho xe từ 31 chỗ ngồi trở lên, xe tải từ bốn đến dưới 10 tấn, ông Trần Ngọc Thọ, Giám đốc Công ty vận tải Trung Việt (Bà Rịa-Vũng Tàu), vẫn lựa chọn hướng đi theo cao tốc vì sẽ tiết kiệm thời gian, giảm tiêu hao nhiên liệu.

Xe khách cân nhắc

Nhiều hãng xe khách đang chờ được thử nghiệm lộ trình mới. Ông Trần Thanh Bảo, Trưởng phòng điều hành Công ty Thiên Phú, cho biết nếu đi theo lộ trình mới đơn vị sẽ xem xét việc tăng giá vé. Dù việc tăng giá khá nhạy cảm nhưng mức phí để bù khi đi trên cao tốc chia đều cho hành khách thì số tiền tăng sẽ không đáng kể.

“Một điểm bất lợi của lộ trình mới là tuyến cao tốc không đi qua khu vực nhiều dân cư, trong khi hành khách hay đặt vé trước và yêu cầu đón ở một số địa điểm ngoài bến. Do vậy, sau khi chạy thử nghiệm, nếu có hiệu quả chúng tôi mới lựa chọn lộ trình này” – ông Bảo nói.

MINH PHONG

PLO