Về Cà Mau khám phá Hòn đá bạc

1282

Nhìn từ đất liền, hòn Đá Bạc giống như hòn non bộ kỳ thú giữa một vùng biển sóng, nước non, chim thú, muôn hoa… Hòn Đá Bạc (gồm: Hòn Ông Ngộ, hòn Đá Lẻ, hòn Đá Bạc) nằm cạnh nhau rộng khoảng 6,3 ha nơi cao nhất là 50m so với mặt nước biển.

thuyet-minh-ve-hon-da-bac-dscn8226

Toàn cảnh Hòn Đá Lẻ nhìn từ đất liền.

Điều đầu tiên đập vào mắt du khách khi dạo quanh hòn Đá Bạc, ngắm nhìn vô số những viên đá granit chồng chất nhau, được bàn tay huyền bí nào đó nhào nặn thành những hình thù kỳ lạ, đi cùng với nhiều câu chuyện huyền thoại tạo nên những sân Tiên, giếng Tiên, bàn chân Tiên, bàn tay Năm Ngón… nằm rải rác xen lẫn vào cây cối mặc dầu bị ngập nước bởi thuỷ triều, bị bào mòn bởi gió đầy hơi muối nhưng những viên đá này vẫn giữ nguyên được màu ánh bạc nguyên sơ lấp lánh.

thuyet-minh-ve-hon-da-bac-dscn8222

Toàn cảnh hòn Đá Bạc nhìn từ đất liền.

Hòn Ông Ngộ nơi bạn đặt chân đến ngay khi vượt qua cây cầu 400m vượt biển nối từ đất liền ra đảo, có nét đẹp của rừng nguyên sinh hoang sơ, của đá núi sừng sững cao, của bờ biển vòng quanh tung bọt sóng vỗ. Một con rồng đá khổng lồ với cái đuôi thật lớn nhiều màu vươn cao như chào đón du khách; những chú voi đá màu trắng, cá sấu đá, hươu đá màu xám rất đẹp mắt. Nơi đây thích hợp cho những ai thích khám phá nét hoang sơ, mạo hiểm.

thuyet-minh-ve-hon-da-bac-dscn8230

Một góc của hòn Đá Lẻ.

Hòn Đá Bạc ngoài vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng, của đá, của nước biển xanh trong, còn có những kiệt tác nhuốm vẻ “thần tiên” như sân Tiên, giếng Tiên, bàn chân Tiên, bàn tay năm ngón bằng đá nguyên sơ. Bàn tay năm ngón bằng đá sừng sững chỉ lên trời (bị sứt mất một ngón) là một trong những ví dụ điển hình về vẻ đẹp đầy mê hoặc. Tất cả như được bàn tay huyền bí nào đó nhào nặn thành những hình thù kỳ lạ, đẹp mắt, sắp xếp thành dãy, thành bãi trải dài vây tròn quanh bờ biển càng tăng thêm vẻ thần tiên của đảo.

thuyet-minh-ve-hon-da-bac-dscn8237

Hòn Đá Bạc nhìn từ hòn Đá Lẻ.
thuyet-minh-ve-hon-da-bac-dscn8240
Một góc của hòn Đá Bạc để du khách ngắm biển.

Trên đỉnh hòn Đá Bạc là đền thờ cá Ông, nơi trưng bày bộ xương cá voi khá lớn nặng 14 tấn. Hằng năm, vào ngày 23/5 âm lịch, cư dân vùng này, kể cả người đang đánh bắt cá ngoài biển khơi đến, khách du lịch các nơi đổ về hòn Đá Bạc dự lễ Nghinh Ông. Điều kỳ lạ là giữa biển khơi, trên hòn đảo nhỏ toàn đá nhưng những cây bàng, cây bồ đề cổ thụ vẫn mọc lên xanh tươi, sum suê đầy sức sống, vẫn còn lưu giữ được những mảng rừng và thảm thực vật nguyên sinh quý hiếm. Đây chính là nét chấm phá kỳ diệu mà thiên nhiên đã ban tặng cho riêng tỉnh Cà Mau. Từ đây, bạn có thể đứng trên một tảng đá cao vút, phóng tầm mắt ra xa để thưởng thức đúng chất biển nơi đây. Từng đoàn tàu ra khơi, xa xa là những chiếc ghe lớn đang neo đậu đánh cá.

thuyet-minh-ve-hon-da-bac-dscn8244

Những viên đá granit chồng chất nhau thành những hình thù kỳ lạ.

Hòn Đá Bạc có cảnh quan thơ mộng và hùng vĩ, không khí trong lành. Đến đây du khách được ngắm nhìn cảnh trời nước mênh mông, tắm biển, nghĩ dưỡng, câu cá nâu, câu mực, câu tôm, cùng ngư dân lặn xuống biển để bắt những con hàu bám chặt vào các hốc đá dưới nước…sau đó sẽ được thưởng thức hương vị thơm ngon, hiếm có của xứ biển tây sóng gió rì rầm, cây xanh xào xạc, hương vị biển dường như thấm vào bạn lúc nào chẳng biết. Nếu dạo quanh hòn đảo bằng thuyền vào lúc mặt trời từ từ khuất bóng sau các tảng đá, du khách sẽ vô cùng thích thú bởi khung cảnh thiên nhiên như một bức tranh sơn thuỷ hữu tình.

thuyet-minh-ve-hon-da-bac-dscn8255

Trên đỉnh hòn Đá Bạc ngắm biển và ngư dân khai thác thủy sản.

Đặc sản ở đây là hàu biển. Hàu có mặt ở nhiều nơi nhưng theo những thực khách sành điệu, chỉ có hàu ở hòn Đá Bạc là ngon nhất, bổ dưỡng nhất với các món khoái khẩu như: Hàu nướng, hàu tái chanh bồ tạt, cháo hàu…Hòn Đá Bạc hấp dẫn và quyến rũ, mỗi năm đón hàng trăm ngàn lượt khách đến thăm quan, nghỉ dưỡng. Nơi đây thực sự là viên ngọc nơi tận cùng của Tổ quốc, có sức thu hút và hấp dẫn đối với du khách bốn phương.

PHƯƠNG NGHI

BAODANSINH