Ngoài sự phân biệt đẳng cấp và giới tính, những câu chuyện thần thoại cũng khiến nhiều người Ấn Độ cảm thấy những vụ cưỡng hiếp không phải là điều gì quá xa lạ.
Vụ một minh tinh Ấn Độ bị cưỡng hiếp tập thể trên xe hơi mới đây một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về vấn nạn hiếp dâm phụ nữ tại đất nước Nam Á. Theo India Times, Bhavana, nữ diễn viên 31 tuổi, bị một nhóm 7 gã đàn ông cưỡng hiếp khi cô đang trên đường từ phim trường về nhà.
Sau hai giờ, 7 tên “yêu râu xanh” bỏ trốn trên một chiếc xe tải chờ sẵn gần đó. Lúc này, nữ diễn viên mới gọi điện cầu cứu và tới trú ẩn tại nhà một đạo diễn phim. Chính đạo diễn này là người trình báo vụ việc với cảnh sát.
15 phút lại có một phụ nữ bị cưỡng hiếp
Ấn Độ là nơi có những vụ cưỡng hiếp làm rúng động toàn thế giới. Tháng 12/2012, vụ việc một cô gái qua đời sau khi bị tra tấn và hãm hiếp trên xe buýt làm cả thế giới bàng hoàng.
Câu chuyện đau xót khiến nhiều người hy vọng chính phủ Ấn Độ sẽ đưa ra những biện pháp mạnh mẽ nhằm đảm bảo sự an toàn của phụ nữ. Thực tế, Ấn Độ đã ban hành luật mới sau vụ việc, giúp nhiều phụ nữ dũng cảm lên tiếng tố cáo “yêu râu xanh”.
Tuy nhiên, theo Daily Beast, câu chuyện trên đến nay vẫn là vấn đề nhức nhối tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới này.
Tổ chức Ân xá Quốc tế khẳng định chính phủ Ấn Độ chưa thành công trong việc thực thi pháp luật đối với những loại tội phạm chống lại phụ nữ. Đa phần các vụ hiếp dâm chưa được đem ra ánh sáng. Thậm chí, từ năm 2011 đến 2014, số vụ hiếp dâm tại Ấn Độ tăng từ 24.000 lên hơn 37.000.
Số liệu thống kê cho thấy cứ khoảng 15 phút lại có một phụ nữ Ấn Độ bị cưỡng hiếp (chưa kể tới nhiều trường hợp nạn nhân giấu kín thông tin). Số vụ tấn công phụ nữ nói chung thậm chí còn tồi tệ hơn. Cứ mỗi 2 phút, một phụ nữ lại trở thành nạn nhân của bạo hành.
Đây được xem là thách thức nghiêm trọng và vô cùng khó khăn đối với chính phủ Ấn Độ.
Hệ thống đẳng cấp và sự mất cân bằng giới
Một trong những lý do khiến nạn hiếp dâm phổ biến tại Ấn Độ chính là tỷ lệ giới tính. Giống Trung Quốc, xã hội Ấn Độ chứng kiến sự mất cân bằng giới tính nghiêm trọng. Năm 2016, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết tỷ lệ nam nữ ở đất nước này là 112:100.
Thực trạng này là nguyên nhân của hiện tượng “cành cây không nhánh”, chỉ việc nam giới không tìm được vợ tại Ấn Độ và Trung Quốc. Tuy nhiên mỗi xã hội lại chứng kiến những hệ quả khác nhau từ vấn đề nan giải này.
Trong khi Trung Quốc đối mặt với tình trạng bạo lực như một hệ quả tất yếu của việc nam giới “ế” vợ ngày càng đông, đàn ông nước này vẫn cư xử đúng mực trước mặt phụ nữ. Tại Ấn Độ, mọi việc hoàn toàn khác.
Sự khác nhau đó một phần đến từ hệ thống đẳng cấp trong xã hội Ấn Độ. Người Ấn có câu “nuôi một đứa con gái giống như tưới nước cho cây nhà hàng xóm”. Điều này cho thấy tại Ấn Độ người phụ nữ ở vị thế thấp hơn so với nam giới.
Kinh văn tôn giáo tại Ấn Độ cũng phản ánh sự thiếu tôn trọng dành cho phụ nữ.
Bị ảnh hưởng bởi những điều đó, đàn ông độc thân Ấn Độ dễ bị dẫn dắt đến các hành vi bạo lực. Thế nhưng, nếu thiếu đi sự tôn trọng dành cho phụ nữ, những hành vi này sẽ diễn ra mà không hề có sự thương xót, ăn năn.
Theo Daily Beast, đây là điều chúng ta đang nhìn thấy tại Ấn Độ. Hệ thống đẳng cấp có thể giải thích được vì sao phụ nữ bị bạo hành. Tuy nhiên, nguồn gốc của vấn nạn cưỡng hiếp không chỉ dừng lại ở đó.
Khi kẻ cưỡng hiếp được ngợi ca
Ấn Độ đang chứng kiến sự hồi sinh của hệ tư tưởng đặt Hindu giáo lên trên tất cả, gọi là “Hindutva”, theo khuynh hướng chủ nghĩa dân tộc. Những người đi theo Hindutva đặc biệt coi trọng các tác phẩm sử thi, thần thoại vốn được người dân Ấn Độ yêu thích và thuộc nằm lòng.
Thế nhưng, kho tàng truyền miệng mang màu sắc huyền bí này có những mẩu chuyện đề cập đến việc cưỡng hiếp. Chẳng hạn, thần Vishnu được cho là đã cưỡng bức nàng Tulsi/Vrinda bằng cách giả trang thành chồng của nàng.
Hành vi này được ca ngợi và cho là điều đúng đắn bởi lẽ người Ấn cổ đại tin rằng không ai có thể đánh bại Shankachuda/Jalandhar, chồng của Tulsi, trên chiến trường trừ khi sự trong trắng của vợ anh ta bị hủy hoại. Vì thế, thần Vishnu được tôn vinh như một anh hùng.
Tại Mỹ, ngày truyền thông “tố” ông Donald Trump sử dụng từ ngữ thô tục khi nói về phụ nữ, hệ thống bán lẻ Macy’s quyết định ngừng bán dòng quần áo mang tên ông. Chương trình truyền hình The Cosby Show phải ngừng sản xuất sau khi rất nhiều phụ nữ tố nam diễn viên hài cưỡng bức họ.
Thế nhưng, những câu chuyện thần thoại Ấn Độ dường như đã khiến một số người nghĩ cưỡng hiếp không phải là vấn đề to tát. Vì vậy, chuyện 37.000 vụ cưỡng hiếp xảy ra mỗi năm tại Ấn Độ có lẽ chẳng gây sốc hay đơn giản là khiến người ta ngạc nhiên.
Cô gái Ấn Độ bị cưỡng hiếp vì nghi ăn thịt bòCô gái theo đạo Hồi cho biết đã bị cưỡng hiếp tập thể sau khi những tên “yêu râu xanh” buộc tội cô đã ăn thịt bò vì Ấn Độ giáo cấm ăn thịt con vật này. |
Nữ du khách Mỹ bị cưỡng hiếp ở Ấn ĐộTruyền thông Ấn Độ đưa tin một khách du lịch người Mỹ bị những kẻ lạ mặt tấn công và cưỡng hiếp tập thể khi tới thăm thành phố miền bắc Dharamsala hồi đầu tuần. |
Đông Phong – Thế Long
ZING.VN