Dành 2 ngày cuối tuần cho chuyến phượt An Giang nhiều xúc cảm – Traveloka Golocal

1124

Rời xa thành phố đông đúc, náo nhiệt, tôi vác theo cái balo cỏn con, rủ thêm một người bạn và cứ thế bon bon trên con đường về miền quê sông nước để tìm chút yên bình cho tâm hồn…

Chỉ có 2 ngày để trốn khỏi Sài Gòn thôi, mà cái thú về vùng quê miền Tây lại trỗi dậy nên tôi đã chọn huyện Tri Tôn ở An Giang làm đích đến cho mình.

phuot-an-giang-2-ngay-du-lich-an-giang-1-1

Tri Tôn là một huyện miền núi có diện tích lớn nhất nhưng là nơi có dân cư thưa thớt nhất An Giang

Từ Sài Gòn đi An Giang có rất nhiều con đường dài ngắn khác nhau. Hành trình của chúng tôi là đi qua Bến Tre, Trà Vinh, Cần Thơ rồi mới đến Tri Tôn – An Giang. Di chuyển từ Sài Gòn – Trà Vinh (nghỉ chân) – Tri Tôn với tổng quãng đường 345 km, bắt đầu đi từ 5:30 sáng (khuyến khích nên dùng GPS Map để tìm đường đi dễ dàng hơn).

phuot-an-giang-2-ngay-du-lich-an-giang-21-1

Bạn có thể đi theo lộ trình: Từ TP. HCM theo QL1A rồi đến QL60, sau đó đi theo HL6 và nghỉ chân ở ao Bà Om, Trà Vinh. Tiếp tục đi theo QL54 đến huyện Tri Tôn.
phuot-an-giang-2-ngay-du-lich-an-giang-2-1
Cầu Cần Thơ

Khi ghé Trà Vinh, bạn nên đến ao Bà Om – một danh thắng nổi tiếng và độc đáo.

phuot-an-giang-2-ngay-du-lich-an-giang-3-1

Ao gần như có hình vuông, được bao phủ bởi hoa sen. hoa súng. Xung quanh ao là gò cát mấp mô với hàng cây sao, cây dầu cổ thụ. Gần đó là một ngôi chùa của người Khmer thanh tịnh và độc đáo vô cùng.

Bạn có thể ngồi nghỉ ngơi, uống một cốc nước mía mát lạnh hay chụp hình dạo quanh bờ ao đều tuyệt vời.

phuot-an-giang-2-ngay-du-lich-an-giang-4-1

Hoa sen trong ao Bà Om
phuot-an-giang-2-ngay-du-lich-an-giang-5-1
Ao Bà Om đầy thơ mộng

Sau khi nghỉ lấy sức, chúng tôi lại tiếp tục đi Tri Tôn trước khi tối trời và kịp bắt cảnh hoàng hôn trên cánh đồng quê.

Đi qua bao nhiêu con sông, cây cầu thì 17:30 cũng tới được Tri Tôn. Vì chưa biết trước địa hình ở đây nên tôi khá khó khăn trong việc tìm cánh đồng ưng ý (cánh đồng thì nhiều lắm nhưng để có khung cảnh hợp lý và lấy được cảnh hoàng hôn thì khó) mà mặt trời xuống khá nhanh nên tôi bị bỏ lỡ mất một khoảnh khắc đẹp. Nhưng may mắn thay, một cách vô tình, chúng tôi vào được hồ Đá – đồi Tà Pạ nằm ở phía bên hông chùa Tà Pạ của người Khmer. Hồ Đá là nơi mà người dân hay tụ tập chơi đùa, ngắm cảnh vào buổi chiều tà. Khung cảnh khá vui nhưng không có hàng quán gì, đường vào hồ cũng không lắp đèn nên tôi chỉ nán lại ngắm mặt trời tắt nắng và sau đó chạy ra ngoài để kiếm chỗ nghỉ ngơi.

Ở Tri Tôn không có nhiều nhà nghỉ, chỉ khoảng 3 – 4 chỗ tập trung trên đường Trần Hưng Đạo – trung tâm thị trấn. Thật ra thì ở đây cũng không thường xuyên đông khách du lịch nên các nhà nghỉ không bị hết phòng, chủ yếu là giá cả chênh lệch và tiện nghi phòng khác nhau nên để có được chỗ ưng ý thì bạn nên chạy dọc đường Trần Hưng Đạo và hỏi vài nhà nghỉ xem giá cả thế nào rồi quyết định ở nhé.

phuot-an-giang-2-ngay-du-lich-an-giang-9-1

Cánh đồng lúa ở Tri Tôn

Buổi tối ở Tri Tôn đông vui lắm, đường Trần Hưng Đạo tập trung nhiều hàng quán, cửa hàng, khu vui chơi và có cả chợ Tri Tôn. Bạn đừng bỏ lỡ việc thưởng thức những món đặc sản ở đây. Nào là cháo bò Tri Tôn cực nổi tiếng (bò nuôi ở vùng bảy Núi), bò xào lá vang, bánh bò thốt nốt… Sau khi ăn no, bạn có thể tráng miệng bằng chè thốt nốt hoặc sinh tố cũng khá ngon. Nếu muốn, bạn cũng có thể chạy thẳng hướng đường Trần Hưng Đạo ra cánh đồng. Bạn sẽ thấy có vài sạp bán dưa hấu ngon mà rẻ. Cũng nhờ việc ghé vào mua một trái dưa hấu mà tôi biết được vị trí săn bình minh với cây thốt nốt và ẩn sau ngôi chùa Tà Pạ là cả một cánh đồng thơ mộng.

Ngày thứ hai, chúng tôi cố gắng dậy sớm từ lúc 5:00 và chạy ra cánh đồng để chụp ảnh. Nếu may mắn, bạn sẽ có thể gặp cảnh người dân đang trèo lên cây thốt nốt và lấy nước của nó, khá là thú vị đấy. Nhưng tiếc là hôm đó tôi lại chẳng gặp được ai cả. Sau khi kiếm được chỗ tốt để canh bình minh lên thì thành quả chúng tôi thu được sau hơn một tiếng đồng hồ là ngoài mong đợi!

phuot-an-giang-2-ngay-du-lich-an-giang-6-1

Bình minh trên cánh đồng quê
phuot-an-giang-2-ngay-du-lich-an-giang-7-1
Cây thốt nốt (phía bên phải)
phuot-an-giang-2-ngay-du-lich-an-giang-8-1
Sáng sớm ra đồng

Buổi sáng ngay trên đường Trần Hưng Đạo, chợ Tri Tôn tấp nập người qua lại. Tôi mua cho mình một một ổ bánh mì chả thịt, bánh mì ngon và thơm mùi bơ ngào ngạt. Thấy có cô bán bánh chuối nướng nhìn cũng thèm nên tôi đã mua 4 cái và chỉ hết có 8.000 VND thôi, rẻ không?

Sau khi ăn no, bạn nên đến thăm chùa Tà Pạ nhé. À mà trước khi vào thăm chùa, bạn có thể chạy lên hồ Tà Pạ để ngắm cảnh và chụp hình (chụp hình ở đây chất lắm cơ). Hồ Tà Pạ và chùa Tà Pạ nằm trên cùng một cung đường. Trên đường Trần Hưng Đạo, chạy xe theo hướng cánh đồng thì bạn nhìn bên tay trái có đường Nguyễn Trãi, rẽ trái vào, chạy thêm một đoạn qua luôn ngã tư (Nguyễn Trãi giao Nam Kỳ Khởi Nghĩa và 30 tháng 4) thì ngay tiếp đó có một con đường nhỏ không tên bên trái, bạn rẽ vào là sẽ thấy chùa (bên cạnh có nghĩa trang).

phuot-an-giang-2-ngay-du-lich-an-giang-11-1

Hồ Tà Pạ được hình thành một cách vô tình từ việc khai thác đá, tạo nên một cảnh đẹp tựa tranh thủy mặc

Bạn nhớ đi theo sự chỉ dẫn của những bức tượng. Lên một đoạn sẽ thấy có hai ngã, một ngã là vào chùa và một ngã lên hồ. Đã có bảng chỉ dẫn ở đó nên yên tâm là rất dễ đi. Tôi chọn đi hồ Tà Pạ trước. Hồ Tà Pạ còn hoang sơ và yên tĩnh, vào mùa khô hơi cạn nước và không có gì nguy hiểm nhưng vào mùa nước nổi nước dâng lên cao, bạn nên cẩn thận (mùa nước nổi từ tháng 9 đến cuối tháng 12). Có một số nhóm bạn trẻ chọn nơi đây để cắm trại cũng khá hay, nhưng luôn nhớ phải giữ an toàn và giữ vệ sinh môi trường nhé.

phuot-an-giang-2-ngay-du-lich-an-giang-12-1

Chùa Tà Pạ (chùa Chưn Num) là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo, huyền bí của người Khmer được xây dựng bằng đá granit
phuot-an-giang-2-ngay-du-lich-an-giang-13-1
Kiến trúc độc đáo của người Khmer
phuot-an-giang-2-ngay-du-lich-an-giang-14-1
Từ trên núi, bạn có thể ngắm nhìn khung cảnh ruộng đồng được chia thành từng ô màu thú vị. Thật yên bình!

Theo kế hoạch sẽ chạy về lại Sài Gòn lúc trưa nên sau khi thỏa mãn được cảm xúc ở Tri Tôn, chúng tôi đi tiếp qua xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên để đến rừng tràm Trà Sư – một địa điểm nhất định không thể bỏ qua. Bạn vào khu mua vé và nói số lượng người đi cho người bán vì ở đây tính tiền theo pax (chỗ ngồi) và có mức giá riêng cho số lượng nhóm mua (tham khảo kĩ ở bảng được treo phía ngoài).

phuot-an-giang-2-ngay-du-lich-an-giang-15-1

Rừng tràm Trà Sư là khu rừng ngập nước tiêu biểu cho miền Tây sông Hậu, nơi sinh sống của nhiều loại động vật, thực vật khác nhau.
phuot-an-giang-2-ngay-du-lich-an-giang-16-1
Dạo một vòng khu vực đẹp nhất Trà Sư bằng xuồng chèo tay loại nhỏ
phuot-an-giang-2-ngay-du-lich-an-giang-17-1
Sau khi tham quan cả khu rừng, bạn có thể đi sâu vào bên trong để nghỉ ngơi và thưởng thức những món ăn dân dã

Đã xong kế hoạch “trốn nhà”, chúng tôi lại lên xe về Sài Gòn nhưng lượt về lại theo một con đường khác, ngắn hơn và “nông thôn” hơn. Lộ trình về, tôi đi qua Đồng Tháp và Long An.

phuot-an-giang-2-ngay-du-lich-an-giang-18-1

Tiện đường được ngắm sen Đồng Tháp thật thú vị!

Trên đường về, bạn đừng quên mua các món làm từ thốt nốt để làm quà, giá cả ở đây thì không sợ bị chặt chém nhưng vẫn nên hỏi kĩ trước khi mua cho chắc.

phuot-an-giang-2-ngay-du-lich-an-giang-20-1

Thốt nốt – đặc sản An Giang

Vậy là kết thúc một chuyến đi ngắn nhưng tâm hồn đã được lấp đầy. Tôi chắc chắn sẽ còn quay lại đây và khám phá cho bằng hết An Giang xinh đẹp này!

phuot-an-giang-2-ngay-du-lich-an-giang-19-1

Tạm biệt mảnh đất An Giang xinh đẹp!

Tác giả: Lê Thị Khánh Huyền

*Bài viết tham gia chương trình Traveloka Golocal.

Traveloka Golocal là chương trình viết blog giới thiệu những địa điểm đẹp trên khắp đất nước Việt Nam. Đây là cơ hội tuyệt vời để quảng bá du lịch địa phương đến mọi người.

Với mỗi bài viết đạt yêu cầu bạn sẽ nhận ngay 800.000 VND và cơ hội làm Cộng tác viên với Traveloka.

Thông tin chi tiết về chương trình xem tại: https://www.traveloka.com/vi-vn/golocal

BLOG DU LỊCH TRAVELOKA VIỆT NAM