Chiều man mác buông rơi chầm chậm
Khua mái chèo xuồng lững lờ trôi…
(Mùa nước nổi – Nguyễn Anh Khanh)
Những mùa nước nổi vơi rồi lại đầy
Đã từ lâu, mưa, sông nước và những cơn lũ như gắn liền với đời sống của con người nơi đây. Mưa lũ mang tới những lo lắng khi mang tới những thiệt hại mùa màng, sinh mạng.
Khi những cơn mưa của vùng châu Á nhiệt đới ẩm trút xuống những dòng sông. Từ trên thượng nguồn, từng đợt từng đợt nước lớn chảy về hạ lưu. Thì người ta nói mùa nước nổi lại về.
Con sông MeKong huyền thoại nơi có bắt nguồn từ phương Bắc xa xôi, chảy đi qua hàng ngàn cây số, khi đến đây chúng như được giải phóng khỏi những gò bó để tràn ra và ban phát những điều kỳ lạ của cuộc sống.
Cứ mỗi tháng 7 âm lịch hàng năm đến tháng 10 âm lịch (khoảng tháng 8 dến tháng 11 dương lịch), người dân ở vùng tứ giác Long Xuyên mà nổi bật là đất An Giang hàng trăm năm lịch sử lại đón chào những “món quà” từ thiên nhiên.
Mưa lũ nhưng không phải mưa lũ
Dù được đánh giá là một hiện tượng lũ lụt nhưng đây không phải là một thiên tai, mà trái lại, cư dân ở đây xem nó là một tặng phẩm, một cơ hội thay đổi phương thức canh tác nông nghiệp, thay vì trồng gặt lúa thì họ có thể khai thác lượng thuỷ sản dồi dào mang lại từ mùa nước nổi.
Không những vậy mùa nước đầy rồi mùa nước lại vơi. Và mùa nước mang lại cho cư dân ở đây nhiều thảm thực vật phong phú, nhiều cây sao, nhiều giống dầu, bằng lăng xen lẫn trong các trảng cỏ ngút ngàn làm cho thiên nhiên càng thêm xanh tốt.
Những khu đất ban sơ nay mọc lên những loài cây rậm rạp từ lau cho tới sậy, cỏ năn, sen, súng và hoà cùng đống lúa mênh mông tạo nên một bức tranh thiên nhiên tươi đẹp của một vùng Tây Nam tổ quốc.
Đặc sản riêng từ mùa nước nổi
Bông điên điển vàng tươi trong nắng
Mùa cá linh quẩy trắng ruộng đồng…
(Mùa nước nổi – Nguyễn Anh Khanh)
Khi nói tới mùa nước nổi ở miền Tây sông nước, thì người ta không thể không nhắc tới hai tặng phẩm thiên nhiên ban cho nơi đây: cá linh và bông điên điển. Khi bắt đầu bước vào tháng 7 âm lịch, thời gian nước nổi bắt đầu ngập tràn đất trời. Cũng là khi những chú cá linh con quẫy đuôi và bơi tung tăng trong dòng nước. Cá linh non có thịt béo ngọt, hầu như không có xương và đầy trẻ trung như vùng đất luôn luôn tươi mới này.
Rổi đến cuối tháng 10 âm lịch, khi nước bắt đầu rút thì những con cá linh lớn hơn, to cỡ ngón tay, thân hình khoẻ mạnh hơn, đầu sạn hơn đã trải qua một mùa nước đầy thăng trầm và vẫy lội. Và thật trùng hợp, những bông điên điển bắt đầu trở hoa vàng rực rỡ trên những triền đê mang tới màu sắc lung linh trên những cánh đồng bắt đầu cạn nước.
Điên điển, cá linh tạo ra những món ăn thuần khiết nhất của mảnh đất này như một lẽ tự nhiên. Điên điển có thể làm dưa chua, có thể để nấu canh, làm gỏi hay xào với tép đồng…và đặc biệt ăn sống chấm với cá kho, nhúng lẩu chua và ăn kèm với bún cá.
Những bát cơm trằng dẻo thơm với con cá linh và bông điển điển chất chứa những điều sâu sắc nhất mà chỉ những ai đã từng sống, trải nghiệm những thăng trầm của những con nước ở nơi đây mới có thể cảm hết được.
Có những nét kì diệu mà đôi khi con người đã quên đi, thiên nhiên là một nét như vậy. Nó có thể mờ ảo như những làn sương đêm khi xa xa nghe tiếng hò của một cô lái đò. Nó có thể vẫy vùng như những chú cá linh tung tăng trong nước, nó có thể rực rỡ như những bông điên điển hoang giữa những trườn đê dưới đang ngập nước. Và con người ở nơi đây xem thiên nhiên như một người bạn, họ chung sống với mùa nước nổi và cùng mùa nước vơi nổi những thăng trầm.
Về đi em, quê mùa nước nổi
Có bông hoa điên điển đợi chờ…
(Mùa nước nổi – Nguyễn Anh Khanh)
BANTINSOM24H.COM