Báo Quảng Nam điện tử

1246

(QNO) – Người dân làng Đại Bình (thôn Đại Bình, xã Quế Trung, Nông Sơn) có những cách làm hay để thu hút và giữ chân du khách khi đến tham quan vườn cây trái, tận hưởng không khí yên bình nơi đây.

Nổi tiếng là vựa trái cây Nam Bộ ở Quảng Nam, làng Đại Bình nằm yên ả bên dòng sông Thu Bồn bao đời qua. Cũng như các gia đình khác trong làng, khu vườn rộng hơn 6.000m2 của hộ bà Huỳnh Thị Thu Hà (50 tuổi, ở tại tổ 1) trồng đủ các loại trái cây gồm: sầu riêng, mít, bưởi trụ, cam, quýt, hường… Lúc trồng những loại cây này, mục đích duy nhất chỉ để thu hoạch trái bán tại địa phương. Khi đường sá thông thoáng, nhiều thương lái từ Đà Nẵng, Hội An lên thu mua về thành thị tiêu thụ.

Bắt đầu từ năm 2013, thông qua các phương tiện thông tin truyền thông, ngoài thương lái, có không ít du khách ghé chân tìm đến vườn nhà bà Hà nói riêng và cả làng Đại Bình nói chung. “Khách từ khắp nơi như Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng… đến làng, đi dạo, chụp hình rồi mua trái cây mang về. Có nhiều người mượn bàn ghế trong nhà tôi rồi ngồi ăn trái cây ngay trong vườn” – bà Hà kể.

phuot-lang-trai-cay-dai-binh-images1296423-dsc-5265
Chủ vườn vui vẻ trò chuyện cùng du khách. Ảnh: PHAN VINH

Vào những dịp lễ gần đây, vườn bà Hà đón hàng trăm lượt khách đến tham quan và thưởng thức cây trái. Ngoài ra, đáp ứng theo nhu cầu của khách, gia đình bà Hà còn mổ gà, vịt làm các món nướng hoặc nấu mỳ Quảng nhưng không tính tiền công.

Dịp lễ 2.9 vừa rồi, du khách có mặt tại khu vườn nhà bà từ 8 giờ sáng đến tận chiều tối. Có đoàn đi đến mấy chục người. Vào những ngày lễ hoặc ngày nghỉ cuối tuần, gia đình bà Hà kiếm được trung bình khoảng 5 triệu đồng từ việc bán trái cây cho du khách. Riêng các tiền dịch vụ nấu nướng khác, bà không tính tiền thêm. Nhờ vậy mà nhiều du khách cảm thấy ấn tượng với vùng đất và con người Đại Bình.

Ông Nguyễn Quang Soạn (60 tuổi, tổ 1) có cách thu hút du khách rõ ràng hơn. Đó là vào năm 2014, ông đầu tư xây dựng hàng rào và cổng chào đề dòng chữ “Khu vườn ông Bảy” với kinh phí hơn 14 triệu đồng. Ông Soạn thường xuyên dọn dẹp, bố trí khu vườn rộng hơn 7.000m2 sạch sẽ và bắt mắt. Không lâu sau, vườn cây ăn trái nhà ông tạo được thương hiệu. Du khách đến làng, vào vườn nhà ông đầu tiên rồi mới phân tán ra các hộ lân cận. Với số lượng du khách ngày càng nhiều, vừa qua, ông cũng đầu tư xây dựng công trình vệ sinh và khu vui chơi giải trí karaoke với kinh phí lên đến gần 200 triệu đồng.

phuot-lang-trai-cay-dai-binh-images1296424-img-0326
Du khách nước ngoài thích thú với cảnh quan ở làng Đại Bình. Ảnh: PHAN VINH

Thấy nhiều du khách lúc đến làng mang theo thức ăn và nước uống, ông Soạn nghĩ ngay đến việc mở thêm dịch vụ ăn uống trong vườn nhà. Ông chia sẻ: “Vì mình không bán nên họ mới mang thức ăn đến. Nếu chỉ phục vụ trái cây cho du khách thôi thì rất nhàm chán. Khách đến rồi đi, khó mà quay lại nữa. Tận dụng những thành viên trong gia đình, tôi thuê thêm người có chuyên môn nấu nướng về mở dịch vụ ngay trong vườn nhà”. Hiện tại, du khách đến vườn nhà ông Soạn, ngoài thưởng thức trái cây, còn được phục vụ nhiều món đặc sản miền Trung khác như bánh tráng cuốn thịt heo, mỳ Quảng, lẫu cá đồng…

Đến nay, “Khu vườn ông Bảy” đã là địa chỉ ưa thích để tổ chức tour của các công ty du lịch ở Đà Nẵng, Hội An. Từ ngày du khách tìm đến vườn tăng nhanh về số lượng, thu nhập gia đình ông đã được cải thiện hơn hẳn. Tuy nhiên ông Soạn đang trăn trở về nhu cầu lưu trú, ở lại làng của du khách. Nhiều khách ở xa hoặc khách nước ngoài đặt vấn đề muốn ở lại vườn nhà ông qua đêm. Với số lượng ít, ông Soạn sẵn sàng đồng ý cho khách ở trong nhà mình. Nhưng với những đoàn lên đến hàng chục người, ông đành từ chối vì nằm ngoài khả năng. “Thời gian sắp tới, nếu được sự hỗ trợ và đồng ý từ chính quyền các cấp, tôi sẽ mở thêm dịch vụ homestay để khách dừng chân ở lại làng lâu ngày. Như vậy sẽ góp phần làm tăng chất lượng du lịch ở Đại Bình, đồng thời tạo được ấn tượng trong lòng du khách” – ông Soạn nói.

phuot-lang-trai-cay-dai-binh-images1296425-dsc-5276
Du khách chụp hình lưu niệm ở “Khu vườn ông Bảy”. Ảnh: PHAN VINH

Theo UBND xã Quế Trung, thời gian vừa qua, địa phương đã tổ chức nhiều buổi hội thảo bàn về cách làm du lịch ở làng Đại Bình, có sự tham gia của chính quyền, nhân dân và các chuyên gia về du lịch trên cả nước. Theo đó, đã soạn thảo đề án quy hoạch làng du lịch Đại Bình với hình thức du lịch cộng đồng. Địa phương này cũng tập trung tuyên truyền nhận thức cho người dân và trong thời gian tới sẽ thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp – du lịch Đại Bình.

Ông Trương Ngọc Vũ – Phó Trưởng phòng Kinh tế – hạ tầng huyện Nông Sơn cho biết, vừa qua, UBND tỉnh đã thông qua đề án quy hoạch làng du lịch Đại Bình. “Trước mắt, chúng tôi sẽ thực hiện bê tông hóa các tuyến đường đi lại trong làng để tạo cảnh quan sạch sẽ, thông thoáng. Đồng thời, thực hiện cắm mốc công bố quy hoạch ở làng Đại Bình để định hướng xây dựng kết cấu hạ tầng trong tương lai. Theo đó, sẽ yêu cầu các hộ dân bảo vệ, chăm sóc tất cả các loại cây ăn trái và giữ nguyên hiện trạng sinh thái của làng” – ông Vũ cho biết thêm.

PHAN VINH

Các tin khác

  • Khai phóng tiềm năng du lịch biển Điện Bàn
  • Du lịch châu Á cùng Vietda Travel

BAOQUANGNAM.VN