MC Nguyên Khang: ‘Bhutan nghèo nhưng không ai lo đói khổ’ – Giải trí – Zing.vn

1197

Chàng MC nổi tiếng chia sẻ với Zing.vn nhiều trải nghiệm thú vị sau hành trình tới Bhutan, quốc gia vẫn được mệnh danh là hạnh phúc nhất thế giới.

– Anh gây chú ý khi có chuyến tham quan tới Bhutan. Lý do anh chọn đất nước này mà không phải là một quốc gia nào khác?

– Sau khi xem bài phát biểu nổi tiếng của thủ tướng Bhutan Tshering Tobgay trong hội nghị Ted – một chương trình phi lợi nhuận với những câu chuyện truyền cảm hứng từ những con người thành công trên toàn thế giới, tôi đã quyết định thay đổi kế hoạch của mình, không đi Nepal và Tây Tạng, tôi đi Bhutan.

Tôi muốn khám phá về đất nước hạnh phúc nhất thế giới. Tôi muốn tìm hiểu xem những gì họ kể về đất nước Bhutan thông qua báo chí, qua những hình ảnh có đúng hay không. Liệu Bhutan có thực sự là quốc gia đáng sống như mong ước của nhiều người không.

nguyen-khang-du-lich-bhutan-tiger-nest
Nguyên Khang trong những ngày ở Bhutan. Ảnh:

– Có ý kiến cho rằng bài phát biểu của Thủ tướng Bhutan cũng giống như bài phát biểu của lãnh đạo các nước, cốt để phục vụ cho mục đích quảng bá du lịch. Thông qua trải nghiệm của chính mình, anh cảm nhận đất nước này như thế nào?

– Nói về kinh tế, Bhutan có khi còn nghèo hơn nhiều nước đang phát triển khác. Nhưng quốc gia này không đánh giá sự phát triển đất nước dựa trên GDP, mà dựa trên GNH (Gross National Happiness – chỉ số hạnh phúc quốc gia), một khái niệm nghe khá lạ nhưng đã được áp dụng thành công ở đây.

Không hạnh phúc sao được khi trẻ em đi học không phải đóng bất cứ khoản tiền nào mà còn được trợ cấp sách vở, lương thực. Người dân và kể cả du khách đều được chăm sóc sức khỏe hoàn toàn miễn phí. Dù còn hơn 30% dân số thuộc diện nghèo, nhưng ở Bhutan, không ai lo bị đói, lo ốm đau không có tiền thuốc men hay lo con cái mình thất học.

Hạnh phúc phải xuất phát từ cảm nhận bên trong

– Không ít người quả quyết một đất nước nghèo thì không thể có hạnh phúc và những thông tin mà mọi người biết về Bhutan chẳng qua cũng chỉ cái nhìn một phía. Anh có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với người dân sở tại, họ phản hồi sao?

– Tôi có hỏi anh hướng dẫn viên du lịch Thensen (25 tuổi) rằng: Anh có thực sự cảm thấy hạnh phúc khi sống ở Bhutan không? Anh tâm sự rằng, dù mồ côi mẹ từ nhỏ, anh vẫn phải tự nỗ lực vươn lên để sống, nhưng anh cảm thấy mình hài lòng với cuộc sống của mình. Anh có việc để làm, có cơm để ăn, cuộc sống của anh không cần ganh đua tị nạnh, không phải lo lắng điều gì, anh cảm thấy hoàn toàn hạnh phúc.

Lúc đó, tôi nghiệm ra rằng khái niệm hạnh phúc của mỗi người rất khác nhau. Đôi khi chúng ta nhìn vào ai đó và tự áp đặt cái khái niệm hạnh phúc của mình cho người khác, điều đó chưa bao giờ là đúng. Hạnh phúc phải xuất phát từ tâm, từ suy nghĩ và cảm giác bên trong. Hạnh phúc không được đo bằng của cải, vật chất, tham vọng, địa vị. Hạnh phúc được đo bằng sự bình yên trong tâm hồn.

– Nghe nói người dân Bhutan rất ngưỡng câu chuyện tình yêu giữa vua Bhutan và hoàng hậu, người vốn có xuất thân từ tầng lớp bình dân. Thực hư chuyện này thế nào?

– Có thể nói chuyện tình của vua Jigme Khesar Namgyel Wangchuck và Ashi Jetsun Pema là một câu chuyện cổ tích. Và cái kết đẹp cho câu chuyện này, như trong các câu chuyện thần tiên thường được kể, họ đã nên vợ nên chồng và sống một cuộc đời hạnh phúc, ở đất nước hạnh phúc nhất thế giới.

Tôi là một người mơ mộng và rất thích truyện cổ tích. Tôi cảm nhận thực sự điều hạnh phúc này khi hình ảnh vua và hoàng hậu hiện diện khắp nơi ở đất nước và người dân đều nhắc đến với một niềm tự hào và hạnh phúc. Vì vậy, tôi lại càng yêu quý Bhutan hơn.

nguyen-khang-du-lich-bhutan-nguoi-lon-tuoi-va-kim-luan-chuyen-chu
Nguyên Khang bên những con người hạnh phúc nhất thế giới.

– Kỷ niệm anh nhớ nhất trong chuyến tham quan Bhutan là gì?

– Tôi nhớ mãi chuyến bay nội địa từ Paro đến Bhumthang. Tôi đã chuẩn bị tâm lý rất kỹ cho mình trong chuyến bay quốc tế từ Bangkok đến Bhutan, rằng Bhutan là quốc gia địa hình đồi núi hiểm trở, trên thế giới chỉ có khoảng 8 phi công mới có khả năng đáp xuống nên sau khi vượt qua nó, tôi thấy rất an tâm. Nhưng thật không ngờ, chuyến bay từ nội địa đã để lại trong tôi ấn tượng khó phai.

Đó là máy bay ATR có sử dụng thêm cánh quạt. Chuyến bay không dài, nhưng máy bay lên cao, hạ thấp, đảo qua đảo lại, thậm chí có những lúc như rơi tự do trong không trung khiến tôi có cảm giác mình đang chơi tàu lượn siêu tốc. Cô bạn người Mỹ ngôi dãy ghế đối diện buồn nôn ít nhất 3 lần. Còn tôi thì thót tim đến nỗi nắm chặt tay bạn ngồi kế. Ơn trời, cuối cùng tôi cũng đã đáp đất an toàn. Và đón tôi là một cái sân bay đặc biệt nhỏ nhắn, chính xác chỉ là một căn nhà nhỏ và khiến tôi hoàn toàn bất ngờ.

– Anh từng chia sẻ mình có thói quen viết những thứ học hỏi, khám phá được sau một chuyến du lịch. Với Bhutan, anh chiêm nghiệm được những gì?

– Tôi khám phá ra Bhutan là quốc gia với 5 không 3 có, nghe rất giống Đà Nẵng của Việt Nam. 5 không là: không có đèn giao thông, không sử dụng túi ni lon, không hút thuốc lá, không có tội phạm và không sử dụng hóa chất thuốc trừ sâu trong nông nghiệp. Còn 3 có là có một bộ Hạnh phúc, có rất nhiều tu viện cổ xưa và có vua – vua lại còn rất tài giỏi, nhân hậu và… đẹp trai.

Thực phẩm ở Bhutan sạch và an toàn

– Không phải ai cũng có cơ hội tới Bhutan và khi đặt chân đến đất nước này rồi, du lịch ở đâu, ăn uống như thế nào cũng không phải là chuyện đơn giản. Anh có chia sẻ gì sau chuyến đi của mình không?

– Không ai có thể tự đi du lịch ở Bhutan mà phải thông qua một công ty du lịch của Bhutan. Và để đến Bhutan, bạn phải quá cảnh một trong 3 địa điểm sau: Singapore, Bangkok hoặc Ấn Độ. Du lịch Bhutan khó vì số chuyến bay đến với đất nước này không nhiều. Một ngày chỉ khoảng 2 chuyến bay quốc tế và hầu hết du khách đã đặt lịch từ trước.

Thông thường công ty du lịch sẽ tính phí của bạn theo ngày, khoảng 250 USD cho mùa cao điểm. Chi phí này bao gồm khách sạn, xe riêng, tài xế, hướng dẫn viên, ăn ba bữa và cả phí vào tham quan du lịch (phí visa và vé may bay tính riêng). Chính điều này gây khó khăn nếu muốn du lịch bụi.

Còn khi đã đến Bhutan rồi, những thành phố bạn nên đến tham quan là Thimphu (thủ đô), Paro, Punakha, và Bhumthang. Thông thường bạn nên dành 2 ngày để đi tham quan hết một thành phố. Có thời gian thư thả để chụp hình và trải nghiệm cuộc sống ở đây.

nguyen-khang-du-lich-bhutan-punakha-dzong-dep-nhat-1
Nguyên Khang gây chú ý đối với giới trẻ Việt khi đến du lịch ở một đất nước không phải ai cũng có cơ hội đến. Ảnh:

– Không thấy anh nhắc đến các món ăn, chả nhẽ ẩm thực ở đất nước được cho là hạnh phúc nhất thế giới lại không có gì hấp dẫn?

– Thường chúng ta sẽ nghĩ du lịch luôn song hành với ẩm thực. Nhưng có lẽ Bhutan là một ngoại lệ. Hầu như người dân Bhutan là những người ăn chay, và các món ăn chính của họ được làm từ gạo. Gạo, và ngô là những loại thực phẩm chính trong nước.

Thú thật, tôi thấy ẩm thực Bhutan rất đơn điệu, nhạt và không hấp dẫn tôi. Những ngày ở Bhutan tôi đều ăn các món giống nhau, chủ yếu là rau củ quả hấp và có thêm một món gà chiên hoặc lâu lâu thì có thịt bò. Bhutan là quốc gia đạo Phật nên họ không sát sinh. Những món mặn đa phần nhập khẩu từ Ấn Độ.

Điều an ủi nhất là rau củ quả của họ khá sạch và an toàn nên khi ăn tôi rất yên tâm. Họ tự tay trồng, và không phun thuốc trừ sâu hay sử dụng phân hóa chất để bón cây.

– Không ít người cảm thấy hào hứng sau khi xem bộ ảnh chụp tại Bhutan của anh. Anh có nhắn nhủ gì cho những bạn trẻ đang mong muốn thực hiện cuộc hành trình tới quốc gia thú vị này?

– Bhutan có 4 mùa rõ rệt, bạn nên đi du lịch vào thời điểm mùa xuân vì lúc ấy có rất nhiều hoa nở khắp Bhutan. Trong số đó, tôi thích nhất là hoa phượng tím được trồng nhiều ở Punakha, và đặc biệt là trước Punakha Dzong vì màu sắc rất đẹp.

Mùa xuân bắt đầu từ tháng 4, nhiiệt độ trong tầm 18-20 độ C. Bạn có thể mang theo áo khoác nhẹ. Buổi tối thì hơi lạnh nên có thể mang theo áo ấm vì nhiệt độ rơi xuống khoảng 10-12 độ C tùy vùng.

Nguyên Khang khám phá đất nước hạnh phúc nhất thế giới

Trong hành trình du lịch ở nhiều điểm trên thế giới mới đây, nam MC đã ghé thăm Bhutan – đất nước Phật giáo yên bình nhất thế giới.

Lê Quang Đức

ZING.VN