Du lịch đảo Cù Lao Chàm: Cẩm nang từ A đến Z

1668

Dù vẫn được coi là một hòn ngọc thô, nhưng Cù Lao Chàm đã và đang trở thành điểm đến cực kỳ hấp dẫn đối với rất nhiều du khách trong và ngoài nước mỗi khi tới Hội An.

Du lịch đảo Cù Lao Chàm: Cẩm nang từ A đến Z

Cù Lao Chàm thuộc Tân Hiệp, Hội An, Quảng Nam, cách biển Cửa Đại 15 km. Nơi đây gồm 8 đảo là Hòn Lao, Dài, Mồ, Khô Mẹ, Khô Con, Lá, Tai, Ông. Nhiều du khách sau khi thăm thú phổ cổ Hội An thường tới cụm đảo này để tận hưởng vẻ đẹp yên bình, hoang sơ của thiên nhiên.

Thời gian lý tưởng để du lịch đảo Cù Lao Chàm

Tháng 3 – 8 hàng năm là thời điểm phù hợp cho chuyến tham quan. Lúc này, thời tiết ấm, nắng vàng, trong và biển lặng. Không nên đi vào các tháng còn lại vì có bão, biển động, đảo trở thành khu vực bị cô lập.

Nếu muốn kết hợp chuyến đi của mình với việc tham quan đèn lồng phố cổ Hội An thì các bạn nên đi vào ngày rằm các tháng âm lịch. Nhưng lưu ý ngày 14 phố cổ lung linh hơn ngày 15 nhiều.

Hoặc nếu muốn tham gia vào văn hóa tín ngưỡng của cư dân trên đào thì các bạn có thể chọn đi vào dịp lễ hội như: Lễ hội Cầu Ngư (ngày 3-4 tháng 4 âm lịch) hay Lễ giỗ Tổ nghề Yến (ngày 9-10 tháng 3 âm lịch).

Di chuyển đến Hội An

Máy bay

Hội An thuộc Quảng Nam nhưng sân bay gần nhất lại ở Đà Nẵng (Hội An cách Đà Nẵng 30km). Hiện nay các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Jetstar, Vietjetair đều có khai thác các đường bay từ TP. HCM và Hà Nội đến Đà Nẵng. Nếu muốn mua được vé rẻ, bạn nên đặt trước khoảng 3 đến 6 tháng.

Các phương tiện khác : Ô tô, tàu hỏa

• Từ Hà Nội hoặc Sài Gòn đều có tuyến xe lửa đến Đà Nẵng (tuyến Bắc – Nam), giá vé dao động từ 400.000đ đến 1.200.000đ tùy loại tàu và loại ghế. Mất từ 14 đến 20 tiếng để đi từ hai thành phố này đến Đà Nẵng bằng xe lửa.

Xe khách: tốn khoảng 400.000đ – 500.000đ. Xe Hoàng Long, Hlink, Mai Linh, Thuận Thảo. Thời gian 18 đến 20 tiếng từ Hà Nội/Sài Gòn đến Đà Nẵng.

Vì điểm trung chuyển đến Hội An chủ yếu hiện nay là bến tàu, xe Đà Nẵng. Từ đó bạn có thể bắt xe bus/taxi đi Hội An rất thuận tiện.

• Đi từ hướng Hà Nội cũng có thể chọn điểm dừng tại ga Tam Kỳ (Quảng Nam), tại đây bắt xe đi Hội An.

• Nếu xuất phát từ hướng TP. HCM bạn có thể chọn chuyến xe ra miền Bắc hoặc Đà Nẵng, sẽ đi ngang và dừng tại Hội An.

Lưu ý: Từ thành phố Đà Nẵng đi về Hội An có hai cách:

+ Bạn có thể đi theo quốc lộ 1 về phía Nam khoảng 27km đến đường Vĩnh Điện rồi rẽ trái thêm 10km là đến Hội An.

+ Con đường thứ hai gần hơn, vắng hơn, đi từ Trung Tâm Đà Nẵng qua cầu sông Hàn, vào tỉnh lộ Đà Nẵng – Hội An, đến Hội An khoảng 30km.

Di chuyển tới Cù Lao Chàm

Ca nô: Giá vé một người là 150.000 đồng, bán tại Cửa Đại hoặc các đại lý du lịch trong Hội An. Bạn sẽ mất khoảng 20 phút di chuyển. Thời gian xuất phát vào 8h – 10h30.

Tàu gỗ: Vé khoảng 30.000 đồng một người và 80.000 đồng nếu mang theo xe máy. Bạn nên đến bến Bạch Đằng lúc 7h hoặc Cửa Đại vào 8h hàng ngày để mua vé.

dao-cu-lao-cham-ivivu-4

Ảnh: ST

Di chuyển tại Cù Lao Chàm

Phương tiện di chuyển cơ động nhất là xe máy. Bạn thuê tại các nhà nghỉ trên đảo với giá 80.000 – 200.000 đồng một ngày.
Ngoài ra, bạn có thể tham quan các đảo bằng thuyền với mức giá 500.000 – 1.500.000 đồng một lần. Các thuyền này đều gồm dịch vụ lặn biển ngắm san hô.

dao-cu-lao-cham-ivivu-6

Bến tàu Cù Lao Chàm. Ảnh: Vũ Quang

Nghỉ ngơi ở đâu trên đảo Cù Lao Chàm

Nhà nghỉ ở đây chủ yếu dạng homestay, tập trung tại Bãi Làng, Bãi Hương. Một phòng hai người có giá 150.000 đồng. Nếu thuê lẻ, giá khoảng 50.000 – 100.000 đồng một người.

Lưu ý: Bãi Làng là nơi cập bến của tàu gỗ, Bãi Hương là ca nô. Tùy phương tiện di chuyển, bạn có thể chọn nhà nghỉ gần khu vực cập bến.

Ngoài ra, nếu thích hòa mình với thiên nhiên, bạn có thể cắm trại tại tại Bãi Ông, Bãi Hương, Bãi Bìm. Lều bạt thuê của người dân trên đảo với giá 150.000 đồng một chiếc.

dao-cu-lao-cham-ivivu-7

Ảnh: Ánh Hồng

Những điểm tham quan hấp dẫn trên đảo Cù Lao Chàm

Ngoài các bãi biển đẹp, Cù Lao Chàm còn sở hữu rất nhiều điểm du lịch thú vị bạn không thể bỏ qua như:

Nhà Bảo tàng biển Cù lao Chàm

Điểm dừng chân đầu tiên khi thuyền cập bến tàu Cù lao Chàm chính là nhà bảo tàng biển Cù Lao Chàm. Đây là nơi các bạn có thể tìm hiểu lịch sử hình thành, các phong tục truyền thống, các lễ hội, các sản vật biển… của vùng đảo này, giúp các bạn có cái nhìn toàn cảnh về hòn đảo và con người nơi đây.

Giếng cổ Chăm

Hay còn có tên khác là Giếng Xóm Cấm, có niên đại khoảng 200 năm, nằm tại ngã ba con đường bê tông của khu dân cư xóm Cấm. Cấu trúc của giếng mang đặc trưng giống với nhiều kiểu giếng Chăm khác ở Hội An như: hình ống tròn, thành giếng hình tròn, nền giếng hình vuông, ở mỗi góc có một trụ vuông, lòng giếng xây gạch theo kiểu “vành khăn”.

dao-cu-lao-cham-ivivu-8

Người dân địa phương đang múc nước sinh hoạt tại giếng cổ Chăm. Ảnh: Cuong Ngo Kien

Người dân tại thôn Bãi Làng cho biết Giếng Xóm Cấm là nguồn cung cấp nước dồi dào cho người dân trong khu vực. Điểm đặc biệt là nước của giếng này không bao giờ cạn, cho dù là vào mùa khô kiệt nhất.

Chùa Hải Tạng

Chùa Hải Tạng xây dựng năm 1758 tại chân núi phía tây đảo Hòn Lao. Bên trong chùa có hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng, tượng thờ đồ sộ cùng một quả chuông lớn. Đây là nơi người dân và thương lái tới lễ Phật và cầu mong được phù hộ trên con đường làm ăn buôn bán.

dao-cu-lao-cham-ivivu-9

Ảnh: Hanoi Mark

Chợ Tân Hiệp

Đến Cù Lao Chàm, khách du lịch không thể bỏ qua chợ Tân Hiệp, nhiều người gọi là Chợ Cù Lao Chàm, nằm ngay khu vực bến tàu. Chợ bán các đặc sản rừng, biển và cả quà lưu niệm. Khách thường mua mực một nắng ở đây về làm quà cho bạn bè người thân. Trong chợ cũng có thể trả giá nhưng thường trả giá một chút thôi vì người bán hàng không nói thách nhiều.

dao-cu-lao-cham-ivivu-10

Ảnh: Gk2102

Miếu tổ nghề Yến

Nằm ở Bãi Hương, Miếu Tổ nghề Yến được xây dựng hoàn chỉnh vào khoảng đầu thế kỷ 19 để thờ tổ nghề Yến và các vị thần bảo hộ nghề Yến. Hàng năm vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, cư dân và những người làm nghề khai thác yến tổ chức cúng rất linh đình để chuẩn bị cho vụ khai thác mới.

Ngoài ra, đảo Yến, bãi Đá Chồng cũng là những điểm đến nhiều du khách ghé qua. Những ai thích ngụp lặn trong làn nước xanh trong thì Bãi Xếp, Bãi Ông, Bãi Làng là điểm lý tưởng.

Lên đảo Cù Lao Chàm nên ăn gì?

dao-cu-lao-cham-ivivu-11

Chợ sớm trên đảo. Ảnh: Duyanh Phạm

Mực một nắng

Mực một nắng Cù Lao Chàm khá đa dạng với nhiều loại: mực lá, mực ống, mực tuộc, mực ghim… nhưng chỉ có mực ống mới chế biến được món mực một nắng ngon. Người ta chọn những con mực vừa mang từ biển về hãy còn tươi rói, sau đó chỉ phơi duy nhất một lần nắng giòn.

dao-cu-lao-cham-ivivu-12

Ảnh: Thiện Nguyễn

Cua đá

Cua đá là một món ngon dân dã của xứ đảo Cù Lao mà ai từng đến đây cũng mong được nếm thử. Cua có vị thịt ngọt, thanh chứ không phảng phất vị tanh thường thấy của động vật miền biển. Do cua đá ăn các loại cỏ cây trên núi, nên thịt cua nồng một mùi cây rừng, thơm đến lạ.

dao-cu-lao-cham-ivivu-13

Ảnh: Thiện Nguyễn

Bào ngư

Bào ngư là loài ốc cực hiếm, có nhiều tên gọi như ốc cửu không, hải nhĩ… nên du khách rất thích thưởng thức bào ngư khi đến Cù Lao Chàm. Loài ốc này bám vào những tảng đá ngầm khu vực biển san hô có độ mặn cao, nhiều sóng lớn nên khó bị phát hiện và khó khăn lắm mới tách được chúng khỏi những tảng đá.

Rau rừng

Rau rừng Cù Lao Chàm tập hợp gồm 16 loại cây lá rừng mang hương vị thuốc nam, mọc hoang ở các chân núi như: rau dớn, rau sân, rau lủi, mã đề… Đầu mùa hè là chính vụ thu hoạch rau rừng ở đảo. Đơn giản nhất và giữ được mùi vị nhất khi thưởng thức là món rau luộc, chấm với mắm tỏi ớt.

Ốc vú nàng

Nên ra đảo Cù Lao vào ngày trăng tròn để thưởng thức những món ăn được chế biến từ ốc vú nàng. Bởi đơn giản vào mùa trăng tròn ốc vú nàng mới xuất hiện nhiều. Không phổ biến như ở Côn Đảo, Phú Quý…nhưng ốc vú nàng Cù Lao Chàm là đặc sản lạ tai, lạ mắt đối với nhiều du khách.

dao-cu-lao-cham-ivivu-15

Ảnh: ST

Bánh ít lá gai

Bánh ít lá gai là loại bánh có ở nhiều nơi nhưng ăn món này ở Cù Lao Chàm vẫn có nét đặc trưng riêng biệt. Trước đây chỉ khi nào lễ hội thì đảo mới làm món ăn này nhưng ngày nay thì có quanh năm để phục vụ nhu cầu của khách du lịch.

Một số lưu ý

– Đảo Cù Lao Chàm là nơi nói không với bao ni lông, nên trước khi lên đảo bạn không nên mang theo bất kỳ bao ni lông nào nhé!

– Nên chuẩn bị các vật dụng đi biển như mũ, dép bệt, kính, kem chống nắng, thuốc trị côn trùng (nếu có ý định cắm trại)…

– Mang đầy đủ giấy tờ tùy thân để tiện cho việc thuê xe.

– Khi lặn ngắm san hô nghiêm cấm hành vi bẻ san hô, mang san hô về đất liền. Khí hậu ở đây nắng nóng nên nếu di chuyển trong ngày thì nên mang theo đồ chống nắng và nước uống.

Theo Tiểu Lam (Tổng hợp)

***

Tham khảo nguồn: Cẩm nang du lịch iVIVU.com

IVIVU.COM