Kinh nghiệm đi Đất Mũi Cà Mau | Gian lao đường ra Đất Mũi

1854

Đường đi Đất Mũi, Cà Mau tưởng chừng đơn giản nhưng gian nan đủ phần. Câu chuyện hóm hỉnh của một chàng trai lần đầu tiên đi Đất Mũi: “Sáng sớm với dự định sẽ đi tàu cao tốc chạy thẳng ra Đất Mũi, thay vì đi đường bộ đến thị trấn Năm Căn rồi mới bắt cano ra Xóm Mũi, huyện Ngọc Hiển….”|

Đi Đất Mũi bằng tàu

Sáng sớm với dự định sẽ đi tàu cao tốc chạy thẳng ra Đất Mũi, thay vì đi đường bộ đến thị trấn Năm Căn rồi mới bắt canô ra Xóm Mũi, huyện Ngọc Hiển.Ở nhà cứ nghĩ đến Cà Mau là tưởng tượng Đất Mũi và U Minh ngay sát nách. Ai dè đến nơi còn phải đi tiếp 100 cây số đường sông nữa. Coi như bằng từ Hà Nội đến Hải Phòng, hay từ TPHCM ra Vũng Tàu. Chính vì thế mà cũng khối người Cà Mau còn chưa một lần đi ra rẻo đất bé xíu nằm giữa biển Đông với biển Tây.

Ra đến nơi đã thấy có một xế ôm đứng chắn ngang báo… tin không vui: “Đi Đất Mũi hả, tàu vừa rời bến được ba phút. Để tui điện cho chủ tàu chạy chậm lại rồi lên đây tui chở đuổi theo tàu”. Nghe lời đề nghị kỳ quặc ấy, tôi thấy nghi hoặc, cứ như đang bị gạt, nên vội vã xua tay. Mấy bác xế ôm bến tàu lắc đầu trước sự dại dột của tôi: “Không đi thì thôi vậy, chờ một tiếng nữa mới có chuyến”. Chờ thì chờ chứ, phi xe máy đuổi theo tàu tốc hành trên sông có khác gì cảnh quay trong phim “Tất cả các dòng sông đều chảy”, nhân vật phi xe ngựa đuổi theo tàu thủy

Tám rưỡi mới có tàu chạy ra Đất Mũi, nhưng chỉ 20 phút nữa thôi là có tàu đi Năm Căn. Tôi quyết định mua một vé tàu 60.000 đồng đến Năm Căn rồi bắt tàu đi tiếp, cớ chi mà phải ngồi đợi. Có lẽ một trong những chuyến đi thú vị và nhớ đời nhất của tôi là ở trên con sông này. Giống như cư dân Hậu Giang và Tiền Giang, nơi này người ta cũng sống trong những ngôi nhà hai mặt tiền: Mặt tiền lộ và mặt tiền sông. Nhà có mặt tiền sông cũng phát tài chẳng khác nhà mặt phố. Hầu như nhà nào cũng tận dụng mặt quay ra sông để kinh doanh cả. Những ngôi nhà được xây nhô ra sông bằng các cột chống vững chãi (ít ra là trông có vẻ như thế). Những vựa cá, vựa tôm, vựa gạo… ủ ê, xám xịt và cũ kỹ tấp nập người vào ra, khuân vác trên bến, dưới thuyền.

tauf ddi nam cawn

Tàu đi Năm Căn

Trong những quán xá sông nước ấy, không chỉ có cá mú và mắm muối, người ta mở bất cứ thứ gì có thể như một dãy phố lớn: Từ studio chụp ảnh cưới, tiệm thuốc tây, cửa hàng bán điện thoại cũ cho đến trại hòm (bán quan tài). Nếu khi chiều tàn, có muốn ngồi ngóng phố thì chủ nhà bắc ghế ra mặt tiền sông, chứ không thiết ngồi quay ra mặt lộ.

Tàu tốc hành nhưng cũng chậm như rùa, tốc độ tối đa chỉ 30km/giờ. Tàu đang chạy ngon trớn trên sông bỗng dừng phắt lại. Ngó sang thấy có cô gái trèo lên tàu từ một vỏ lãi bằng gỗ. Người đi rồi, vỏ cứ trôi tự do trên sông. Tôi tò mò lắm mà không tiện hỏi, những muốn biết cái thuyền gỗ đó sẽ như thế nào, ai mang nó về? Tàu tiếp tục đi tằng tằng, lừ lừ, qua những khu đông dân cư lại hú còi ầm ỹ. Rồi thoắt cái tàu giảm tốc độ, táp vào một ngôi nhà. Trên sân có sẵn một ông cụ đứng nghiêm chỉnh, tay cầm catáp.

Ông cụ nhảy xuống dưới tàu một cách lanh lẹ rồi tự tìm chỗ ngồi. Tàu chạy, rồi dừng, rồi quẹo ngang quẹo dọc, cho chị phụ nữ bế em nhảy xuống, cho bà cụ xách làn nhảy lên. Tàu hú còi bắt khách. Có người từ mũi tàu tót cái là vào ngay nhà, từ cửa sổ mạn tàu ngó lên đã thấy balô để ở cửa, áo cởi ra vắt thành ghế. Tiện không gì bằng. Có người thì ghé nhờ vào nách nhà người khác rồi từ đó vài bước ra đường lộ để đi tới nơi cần đến. Có người lại nhảy lên một mỏm đá vô danh, hoặc bước xuống tàu từ một mũi đất không tên. Họ thuộc đường sông, thuộc từng mỏm đá và bất cứ hõm đất nào có thể ghé được thuyền như thể tôi thuộc đường quanh Bờ Hồ vậy.

Con tàu này, giống hệt một chiếc xe “dù” tham bắt khách và trả khách tùy tiện dọc đường, không cần chờ phải đúng bến. Lúc này mới thấy hối hận vì đã ngờ oan bác xế ôm muốn chở tôi đuổi theo tàu lúc ở bến Cà Màu. Có một cậu ngồi trên mũi tàu đóng vai trò “lơ xe”, sẽ ra hiệu cho lái tàu đón khách và nhân tiện đỡ khách lên xuống tàu. Đi xe đò mà như thế thì tức điên, thì sốt ruột muốn chết, nhưng lần đầu tiên chứng kiến cảnh tàu “dù” đón trả khách trên sông, tôi thích chí quan sát từ đầu đến cuối. Thậm chí qua cửa sổ còn căng mắt quan sát xem có ai đứng trên bờ. Từ đàng xa mà nhìn thấy dăm khách đang tụ lại nghiêm trang trên một hom đất, mắt dõi theo con tàu đang đến gần là tôi phấn khởi suýt kêu lên nhắc lái tàu: “Lại có khách kìa”.

Lại ngần ấy động tác: Tàu trôi lại gần, cậu lơ đu người vào cột chống nhà để thay cho cái neo, với tay đỡ khách xuống thuyền, khách ổn định chỗ ngồi sau khi nhồi hàng đống thúng mủng tùng phèo vào chỗ để chân của tôi (tôi ngồi ngay ghế đầu – nơi có cái hốc rất rộng để nhét đồ), sau đó lơ đến tận nơi để thu tiền, xé vé. Khách nào muốn lên bờ thì bảo trước cho lái tàu biết dăm phút, anh ta sẽ đỗ lại. Chỗ nào sát rừng đước, không có chỗ táp thì cũng giống cô gái lúc đầu leo lên tàu bằng ghe gỗ, nhiều khách được người nhà chèo vỏ lãi ra giữa dòng đón về. Giống như tôi vẫn được người nhà đưa bằng xe máy ra ôtô vậy.

vor laix

Người sống quanh dòng sông rộng lớn này thực sự coi vỏ lãi giống như một chiếc xe máy. Toàn tỉnh hiện có tới 7 vạn chiếc vỏ lãi và hơn 400 canô, chưa kể gần trăm tàu cao tốc nữa. Tất cả cộng lại thành một luồng giao thông tấp nập trên sông, vui như thủ đô vào giờ tan tầm. Chỉ hiềm nỗi, ngoài mấy biển báo giao thông đường thủy nhô cao vót trên mấy chiếc cột dưới lòng sông, không có cảnh sát nào tuýt còi, nên đi lại ở đây tự tung tự tác. Việt Nam chúng ta, lạ là thế, từ Lũng Cú đến Cà Mau, từ xe hai bánh, bốn bánh, xe ngựa cho đến tàu thuyền, đều đi lại tung tăng một cách hồn nhiên những lúc yên trí không bị ai rình ghi thẻ phạt, mặc sức tấp ngang táp dọc như sân nhà. Mới bật cười lớn trong bụng: Đi máy bay may ra thoát cái nạn thích đỗ lúc nào thì đỗ. Lúc ấy tôi không biết rằng mình đã nhầm.

Tàu đi Đất Mũi

Cuối cùng, sau một chầu bắt, trả khách, tàu cũng cập bến Năm Căn. Bến tàu cũng đồng thời là bến xe khách luôn. Trên bờ, xe buýt đậu. Dưới sông, tàu khách neo. Nghỉ ngơi đã có một quán nước nhô ra sông bằng những ván gỗ. Nhưng chờ hoài, chờ mãi, ngắm sông chán chê vẫn chưa thấy tàu Đất Mũi đi qua. Tàu bè tấp bến Năm Căn rất đông, nhưng toàn đi Gành Hào và Rạch Tàu. Người người lần lượt xuống tàu, hơn tiếng sau ngó quanh chẳng còn ai. Mỗi lần tàu đến, dân trên bến chỏ tôi: “Có xuống tàu không?”. Tôi xua tay: “Không, tôi đi Đất Mũi”. Miết sau lại thấy một tàu nữa xuất hiện từ đàng xa. Mong ngóng và mừng rỡ. Đến gần lại thất vọng khi thấy chữ Rạch Tàu: “ Không, tôi đi Đất Mũi”. “Tàu này đi Đất Mũi mà” – Người ta lao xao – “Bảo người ta đi cho người ta biết. Tội quá à”. “Không, tôi không đi Rạch Tàu. Đi Đất Mũi kia”. “Tui đảm bảo tàu này là ra Đất Mũi” – anh phụ tàu khẳng định chắc nịch.

Tôi bán tín, bán nghi leo xuống. Thêm hai chục hành khách nữa khẳng định với tôi tàu này đi Đất Mũi. Đến đó tôi có thể bắt xe ôm ở chợ để ra Đất Mũi, cách có hai cây số thôi. Lúc này mới chợt nhớ ra lúc ở bến Cà Mau, không thấy bất cứ một ký tự nào liên quan đến Đất Mũi, chỉ rặt Gành Hào và Rạch Tàu. Nghĩa là… Rạch Tàu cũng chính là Đất Mũi. Đành tự vỗ trán mắng mình. Hôm về nhà rồi tra từ điển mới ra chính xác: Xóm Rạch Tàu, Xóm Đất Mũi thuộc Xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, TP.Cà Mau. Hai xóm nằm cùng trên một hòn đảo. Tôi đã bỏ qua không biết bao nhiêu chuyến tàu ra Đất Mũi.

Tận cùng đất nước là đâu?

Con tàu chỉ có chừng hơn ba chục chỗ, nhưng người ta kê thêm một dãy ghế nhựa cho khách ngồi dọc lối đi, quá trọng tải lên gấp rưỡi. Khách ngồi thút nút. Tôi thấy ngộp thở, người lèn như cá mòi, không thể nhúc nhích bất cứ bộ phận nào trên cơ thể ngoài cơ mặt. Đi tàu xe cứ hay nghĩ dại (hoặc giả đã thành phản xạ có điều kiện, cứ leo lên phương tiện công cộng ở Việt Nam là lập tức nghĩ dại), nghĩ tàu này mà lật, nước tràn vào, đố mà thoát ra nổi. Mà có chui ra ngoài cũng để làm gì chứ, tôi đâu có biết bơi. Dãy áo phao mới cứng chưa ai dùng từ ngày sắm tàu vẫn còn buộc gọn gàng trên trần, vỏ quấn chặt băng keo, muốn tháo ra được bằng tay không chắc chỉ mất 15 phút.

Tôi cố gắng tạm quên cảnh du lịch giống tỵ nạn này bằng lấp loáng những rừng đước, sú, vẹt… xanh rì lá, rễ đước bật tung tròn xoe trên mặt nước, tạo cảnh đặc trưng của rừng ngập mặn. Mũi Cà Mau – khu sinh quyển của thế giới – đã thổi tràn ôxy trong lành vào trong khoang tàu chật hẹp, bí bức. Gió mặn mòi không thể tung nổi tóc rối, nhưng nếu không có nó, khó chịu nổi hai tiếng đồng hồ trong lòng tàu.

Cập bến Rạch Tàu, một tốp xe ôm mặc đồng phục đổ ra đón khách. Giá chung là 50.000đ cho lượt đi vào Đất Mũi và quay trở lại bến tàu. Lúc nào cần về, alô trước 5 phút, xe ôm sẽ quay lại đón. Đường ra mũi đất đi qua những rừng đước mọc thẳng hàng trên nước, hình thành những rạch hẹp xanh lục, mơ màng lòng nước. Có lẽ đây là một trong những hình ảnh đẹp nhất tôi được nhìn thấy trên dải đất chữ S. Anh lái xe ôm của nghiệp đoàn xe ôm Rạch Tàu chạy với tốc độ kinh hồn, gió bạt mặt, anh ta nói lời gì tôi không nghe rõ. Suốt chuyến đi từ Sài Gòn, tôi nghe lúc được lúc chăng tiếng của người miền Tây. Ấy vậy mà đi mua bán gì cũng bị người ta nhăn mặt: “Cô người vùng nào mà giọng khó nghe quá”.

Tôi đoán rất nhiều người miền Bắc cả đời chẳng đến mũi Cà Mau, và nhiều người xứ Mũi cả đời không nhìn thấy mùa đông. Là xứ ta cả, mà vừa quen vừa lạ. Anh xe ôm da đen cháy nắng, tóc vàng hoe, lưng áo rách mảng tướng, mơ hồ về chuyện đi du lịch. Trong suốt quãng đời chạy xe ôm, không đếm nổi đã bao nhiêu lần anh chở sau lưng nỗi háo hức của những người khách muốn một lần được nhìn thấy cột mốc GPS0001. Và rồi tôi đến nơi, lúc đã gần chính ngọ.

ca mau

Nắng cháy đỉnh đầu. Biểu tượng của Đất Mũi, dù thiêng liêng, hào sảng, ai được chụp ảnh ở đó là oai, rất tiếc, chỉ là một con tàu xây bằng gạch đã tróc vôi, đề chữ: Mũi Cà Mau. 8o.37’.30” Vĩ độ Bắc. 104o.43’ Kinh độ Đông. Nhưng khi đứng trên cây cầu bêtông dài bất tận bắc ra tận biển, thấy tất cả những gì “đáng tiếc” chỉ còn là tiểu tiết, cả vầng mặt trời đang rải lửa đến hoa cả mắt cũng bỗng hóa thành làn gió mát. Chỉ còn duy nhất ý nghĩ: Mình đã trả lời được câu hỏi hành hạ từ năm… 4 tuổi: “Tận cùng đất nước này là ở đâu. Trông nó như thế nào?”.

Tôi ăn trưa trong nhà hàng nổi. Ngồi trên lan can trông ra biển và “con thuyền Cà Mau”, cùng lúc được ăn cả ba món đặc sản: Khô thòi lòi và vọp xào bồn bồn. Xin miễn miêu tả, vì dân miền Tây ắt đã biết nó là món gì, còn người xứ xa, có tả thêm nữa cũng khó mà hình dung. Tốt nhất hãy vượt chặng đường có thể lên đến trên 2.000 cây số đối với nơi xa nhất là Lũng Cú để được ăn món vọp biển hấp ngọt lịm chấm với sốt me.

Đoạn cuối hành trình trở về từ Cà Mau đến TP.HCM

Tôi bay của Vietnam Airlines từ Cà Mau về TPHCM, nhưng trễ giờ mất một tiếng vì máy bay trục trặc kỹ thuật. Mãi 9 giờ sáng mới được thông báo rằng: “Chuyến bay chuẩn bị khởi hành trong vài phút tới, nhưng sẽ quá cảnh ở… Cần Thơ để tiếp nhiên liệu”. Hỡi ôi, từ Cà Mau đến Sài Gòn có 380km, vậy mà cũng “transit” ở Cần Thơ, cứ như thể đi Paris mà transit Dubai. Việc kỳ lạ chưa từng thấy bao giờ, giống như nghe chuyện cọp xay lúa trong kho tàng truyện trạng của Bác Ba Phi.

Lên máy bay, thấy muỗi bay vù vù trong khoang hành khách. Lại mắc cười. Đúng là muỗi U Minh theo về tận nơi đây mà. Sau hỏi cô chiêu đãi viên mới hay: Chỉ những sân bay lớn ở Việt Nam mới có dầu. Sân bay Cà Mau không có, nhưng anh phi công mới lái tuyến này nên chưa biết, bay đến Cà Mau thì dầu gần cạn. Mới tính toán rằng chỗ dầu còn đủ đi đến Cần Thơ…

Lúc hạ cánh ở xứ “gạo trắng nước trong” quả có thấy anh phi công Tây tất bật đi lên đi xuống và một xe chở dầu vội vã chạy ra tiếp. Vậy là sau 180km, máy bay lại tung cánh bay nốt 200km về TPHCM. Quả là máy bay qua xứ Cà Mau có khác, cũng thích tấp đâu thì tấp giống tàu tốc hành trên sông. Hồn nhiên và dễ thương vậy đó.

(Nguồn tin: Sưu tầm)

SGO TOURS