Đặc sản núi rừng Lạng Sơn | Du lịch Việt Nam

1242

hoa-qua-lang-son-qua-na

Đến Lạng Sơn, ngoài việc được ngắm cảnh đẹp, thưởng thức “tại trận” những món ăn đặc sản nơi đây, du khách còn có thể mang những món ngon xứ Lạng về làm quà như na Chi Lăng, nem nướng Hữu Lũng, quýt Bắc Sơn, rượu, đào Mẫu Sơn…

Na Chi Lăng

hoa-qua-lang-son-nachilang

Na (mãng cầu) Chi Lăng là trái cây nổi tiếng ở tỉnh Lạng Sơn. Na được trồng ở xã Chi Lăng và thị trấn Đồng Mỏ. Ở đây na được trồng trên các núi đá có độ cao trên 200m. Điều đặc biệt là càng lên cao cây na càng phát triển cành lá tươi tốt và cho quả rất to. Vào tháng 7 âm lịch hàng năm là mùa thu hoạch na. Đây là tháng na rộ nhất và cho trái to nhất, có nhiều trái nặng từ 0,6 – 0,8 kg. Na Chi Lăng quả to, nhiều thịt, ít hạt và thơm ngọt. Chợ na nổi tiếng nhất ở Lạng Sơn là chợ Đồng Bành. Du khách đi đến du lịch Lạng Sơn mùa na chín bao giờ cũng mua vài cân về làm quà cho người thân ở nhà.

Quýt Bắc Sơn

hoa-qua-lang-son-quytbacson

Quýt Bắc Sơn được trồng trên các khe núi, thung lũng hay trên sườn đồi của huyện Bắc Sơn, nổi tiếng bởi màu sắc hấp dẫn, quả căng mọng, ít hạt có vị ngọt đậm hơi chua, hương vị rất đặc trưng mà nơi khác không có được. Quýt ở đây có hai loại là quýt ròn và quýt dẹt. Quýt quả tròn khi chín có màu vàng ươm , vỏ mỏng trung bình, dóc vỏ, ít sơ, vị ngọt đậm, thơm, trọng lượng quả từ 80 – 150g, khi bóc có lỗ rỗng ở giữa quả. Quýt quả dẹt có hai đầu lõm, hình hơi dẹt, khi chín có màu vàng ươm,vỏ mỏng trung bình, dễ bóc vỏ, có ít sơ, vị ngọt hơi chua, trọng lượng quả trung bình từ 100 – 150g. Quýt chín vào khoảng thời gian từ cuối tháng 11 dương lịch đến cuối tháng 1 năm sau (giáp tết âm lịch).

Cải làn

hoa-qua-lang-son-cailan

Người dân địa phương trồng cải làn từ tiết đông chí, khi cây đang lớn mạnh thì bấm ngọn, để mỗi nách lá bật lên những chồi ngọn. Khi những chồi này thành búp ít lá rồi chúm chím nụ xanh thì thu hoạch (đây là lúc chất dinh dưỡng trong cây tập trung nhiều nhất). Người trồng ngắt từng ngọn dài từ 20 đến 25 cm. Búp cải làn mập mạp như ngồng cải sen dưới xuôi, nhưng tuyệt nhiên không ngăm ngẳm đắng.
Mùa thu hoạch ngồng cải làn từ tháng 4 tới tháng 8. Qua tháng 9, tháng 10, rau này rất hiếm và đắt gấp 4-5 lần chính vụ.

Đào Mẫu Sơn

hoa-qua-lang-son-daomauson

Mẫu Sơn thuộc vùng núi cao của hai huyện Cao Lộc và Lộc Bình thuộc tỉnh Lạng Sơn. Mùa xuân, cả vùng Mẫu Sơn đỏ rực sắc hoa đào, từng rừng đào lúc lỉu quả, hồng thắm và thơm ngát.
Mỗi năm Mẫu Sơn chỉ có một mùa đào, trong vòng một tháng mà thôi. Chính vì vậy, những trái đào dường như trở thành sản vật vô cùng quí giá mà thiên nhiên đã ưu đãi ban tặng cho vùng đất này. Giống đào ở đây ngon và nổi tiếng không nơi nào sánh được. Đào Mẫu Sơn có màu xanh trắng, bên ngoài là lớp vỏ có lông tơ mềm mịn, vừa to, vừa ngọt, cùi lại giòn tan và chắc thịt nên từ lâu đã nổi tiếng khắp nơi. Nhìn vẻ bề ngoài, những trái đào Mẫu Sơn căng mọng với màu sắc hồng hào, tươi đẹp đã hấp dẫn mọi người thưởng thức.

Rượu Mẫu Sơn

hoa-qua-lang-son-ruoumauson

Rượu Mẫu Sơn là một loại rượu ngon đặc sản do người Dao sống trên đỉnh Mẫu Sơn, Lạng Sơn làm ra. Rượu được chưng cất thủ công với phương thức cổ truyền hàng ngàn năm từ gạo, từ nước tinh khiết của những con suối chảy trong núi có độ cao hơn 1000m và loại men lá rừng được pha chế từ hơn 30 loại thảo dược quý hiếm. Rượu Mẫu Sơn trong vắt như nước suối, rót ra chén sủi tăm, uống vào không có cảm giác gắt, hay nóng, hương vị thơm nồng, êm dịu, đậm đà đặc trưng của lá và rễ cây. Trong rượu Mẫu Sơn, không chỉ có tấm lòng, công sức người dân nơi đây, mà còn có độ cao hùng vĩ núi non Mẫu Sơn, có sự tinh khiết của suối, sự ngạt ngào của hương rừng Mẫu Sơn.

Nem Hữu Lũng

hoa-qua-lang-son-nemhuulung

Tại Lạng Sơn, thị trấn Hữu Lũng nổi tiếng là nơi có nhiều hộ dân sống bằng nghề gói nem nướng. Thành phần nem nướng bao gồm thịt lợn, bì lợn, và chút thính trộn lẫn. Để có được nem ngon phải chọn được phần thịt lợn khoét vai không quá nạc nhưng cũng không được quá mỡ, phải chọn con lợn mới giết, thịt hồng.
Thông thường một chiếc nem gói khoảng 0,3kg thịt lợn. Thịt mua về được rửa sạch, thái con chì, bì lợn luộc chín, cạo sạch lông. Sau đó trộn cả phần thịt và bì với bột thính, gói lại bằng lá chuối tươi và buộc lạt. Không nên buộc lạt quá chặt vì sẽ làm cho nem cứng, và khi nướng, nem sẽ không chín đều. Bày nem ra đĩa bỏ lớp lá đã cháy ra, hương thơm nồng của thịt nướng cùng mùi chua ngai ngái của thịt đã lên men quyện vào nhau, sẽ càng thăng hoa cùng vị cay cay của tương ớt.

Khâu nhục

hoa-qua-lang-son-khaunhuc

Đây cũng là món ăn chế biến cầu kì từ thịt lợn, món ăn này được tiếp nhận kỹ thuật của người Hoa ở Lạng Sơn và từ lâu đã trở thành món ăn đặc sản, thường được dùng trong cỗ bàn sang trọng hoặc để tiếp khách phương xa. Muốn có món khâu nhục ngon phải công phu từ khâu chọn thịt. Thịt ba chỉ của con lợn 70-80kg là vừa không bị béo quá, phải là thịt ba chỉ ngon (không lấy thịt ba chỉ bị long), ước lượng mỗi bát khâu nhục là 8 miếng, mỗi bát khoảng 0,5kg thịt, làm bao nhiêu bát thì cứ thế nhân lên.
Thịt ba chỉ cạo sạch lông, rửa sạch để ráo nước, cắt miếng to khoảng 0,5kg cho vào nồi luộc chín tới. Vớt thịt ra để nguội rồi dùng que nhọn đâm chi chít nhiều lần liên tục lên bì lợn, châm thịt kỹ để bì có khả năng hấp thụ nước cho thật mềm, càng châm kỹ miếng thịt sẽ càng ngon mềm hơn. Cho thịt vào chậu giấm ngâm, sau đó vớt ra tẩm tiếp húng lìu, xì dầu và bỏ vào chảo mỡ chao vàng miếng thịt; lấy ra để ráo mỡ và nguội. Khoai môn hoặc khoai lang gọt vỏ, thái miếng cho vào mỡ chao giòn, vớt ra để nguội. Gia vị của món khâu nhục rất cầu lì. Lá tàu soi (một loại rau muối mặn dùng để làm thức ăn mặn của người Hoa, Tày, Nùng ở Lạng Sơn), đem rửa cho hết sạn và độ mặn, băm nhỏ rồi trộn đều với tương tàu choong, xì dầu, húng lìu, tỏi giã nhỏ xếp xuống dưới đĩa, trên là khoai môn hoặc khoai lang.
Thái thịt thành từng miếng độ dày mỗi miếng khoảng 1,5cm (mỗi bát 8 miếng) xếp thịt lên trên đĩa thành hình tròn, úp bát to vào lật lại để nguyên đĩa, xếp từng bát thịt vào nồi hấp cách thủy độ 3-4 giờ cho thịt chín và mềm nhừ; khi xếp cỗ hoặc bày mâm bê bát khâu nhục ra ăn nóng. Mùi vị thật thơm ngon.

Vịt quay

hoa-qua-lang-son-vitquay

Vịt quay xứ Lạng ngon nhất phải kể đến giống vịt bầu Thất Khê. Sau khi được làm sạch, vịt được tẩm hương liệu, hành, hạt tiêu… sau đó cho quả móc mật vào bên trong, khâu lại.
Da vịt được tẩm mật ong, ướp chừng 10 phút, sau đó quay trên bếp than hoa chừng 15 phút, khi quay xong lại tiếp tục nhúng vào chảo mỡ nóng già, đảo đi đảo lại khoảng 15 phút nữa mới cho ra rá để nguội. Khâu nướng vịt đòi hỏi người làm phải chú ý để da vịt không bị bắt lửa, quay càng lâu thịt càng thơm. Miếng thịt vịt muốn ngon phải thấm màu mật ong, ăn vào thấy đậm đà và mềm ngọt.

Phở chua Lạng Sơn

hoa-qua-lang-son-phochua

Được biết đến như là món ăn “hàn thực”nên phở chua được ưa chuộng nhất vào mùa thu và mùa hè. Nguyên liệu của món phở chua cũng khá kỳ công với hai phần: nguyên liệu khô và phần nước. Phở chua được ăn kèm với các loại thịt cay như: thịt ba rọi, thịt vịt hay dạ dày quay được tẩm ướp tỏi và các gia vị khác tạo nên một hương vị riêng của tô phở.

Lợn sữa quay lá mắc mật

hoa-qua-lang-son-lonsua

Lợn sữa quay ở Lạng Sơn có những hương vị đặc trưng riêng so với những vùng miền khác. Người ta phải chọn con lợn sữa lớn vừa, sao cho không quá to vì sẽ nhiều mỡ, nhưng không quá bé vì thịt sẽ nhão. Sau khi sơ chế xong, đầu bếp nhồi vào bụng lợn lá mắc mật bánh tẻ, một thứ lá rừng được đồng bào Tày, Nùng ưa dùng và quay trên bếp than hoa đỏ lửa. Vừa quay người ta vừa phết đều mật ong hoà với nước lã lên mình con lợn, mật ong làm cho da lợn vàng bóng giòn tan; mật ong cũng có tác dụng giữ cho lợn khi quay nóng không bị nứt da . Đĩa thịt quay vàng ruộm ngon lànhdễ làm cho người thấy phải thèm thuồng vì lớp da phồng giòn, lớp nạc trắng hồng nằm đều giữa lớp mỡ mỏng mầu ngà, tất cả dậy lên thành mùi thơm của lá mác mật quyện mùi mật ong húng lìu càng làm ngát hương.

DU-LICH-VIET-NAM.COM